Động đất và cách để ứng phó với động đất
Lượt xem: 54360

Động đất và cách để ứng phó với động đất

 

Từ ngày 27-7 đến 7h ngày 29-7/2020, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) ghi nhận tại Sơn La xảy ra 16 trận động đất với độ lớn từ 2,6 - 5,3. Trận 1 với độ lớn M= 5,3 đã gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng, thiệt hại trung bình tới thiệt hại nặng cho các công trình xây dựng thiết kế kém, nhưng không gây thiệt hại đến thiệt hại nhẹ cho các công trình được thiết kế tốt.  Theo Viện Vật lý địa cầu, khả năng động đất tại tỉnh Sơn La còn diễn biến phức tạp, các đơn vị liên quan cần nhanh chóng đưa ra những giải pháp để đảm bảo an toàn cho các công trình hồ chứa thủy điện, công trình công cộng và an toàn cho nhân dân và đưa ra cảnh báo sớm.

* Động đất là gì?

Động đất là thảm họa thiên nhiên rất nguy hiểm nên chủ động tìm hiểu và tập dượt các biện pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu thiệt hại khi loại thiên tai này xảy ra.

Động đất là sự rung chuyển trên bề mặt Trái Đất do kết quả của sự giải phóng năng lượng bất ngờ ở lớp vỏ Trái Đất và phát sinh ra sóng địa chấn.

Có 3 nhóm nguyên nhân dẫn đến động đất, bao gồm: nguyên nhân nội sinh - do vận động kiến tạo của các mảng kiến tạo trong vỏ Trái Đất, dẫn đến các hoạt động đứt gãy hay phun trào núi lửa ở các đới hút chìm (nơi hai mảng kiến tạo chuyển động theo hướng va hút nhau và xảy ra sự hút chìm); nguyên nhân ngoại sinh - do thiên thạch va chạm vào Trái Đất hay các vụ trượt lở đất đá với khối lượng lớn; nguyên nhân từ phía con người - do khảo sát hoặc khai thác hay xây dựng, đặc biệt là các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất.

* Về mức độ nguy hiểm của động đất

Động đất là một nguyên nhân gây ra sóng thần. Khi xảy ra động đất ở trong lòng đại dương, sức địa chấn đẩy khối nước khổng lồ lên cao. Trong khoảng mấy trăm km2 khối nước bị đẩy lên cao rồi rơi xuống, tạo ra những đợt sóng lớn tràn qua các đạI dương rồi đổ bộ vào đất liền. Đôi khi động đất còn khiến núi lửa hoạt động, thậm chí là những núi lửa đã tắt từ lâu. Do lòng đất bị nứt ra tạo cơ hội cho nhũng dòng magma phun trào. Những hiện tượng này khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra những tai họa không lường.

Vì động đất xảy ra rất bất ngờ cũng như tính chất nguy hiểm của nó, trong khi chúng ta không thể làm gì để ngăn chặn nó, nên cách duy nhất để đối phó là làm sao để giảm đến mức tối đa thiệt hại mà động đất gây nên.

* Tác hại của động đất

Tác động trực tiếp của các trận động đất là rung cuộn mặt đất, gây ra hiện tượng nứt vỡ, làm sụp đổ các công trình xây dựng, gây sạt lở đất, lở tuyết. Mức độ nghiêm trọng của nó dựa trên cường độ, khoảng cách tính từ chấn tâm, và các điều kiện về địa chất, địa mạo tại nơi bị ảnh hưởng.

Động đất cũng thường gây ra hỏa hoạn khi chúng phá hủy các đường dây điện và các đường ống khí.

Các trận động đất xảy ra dưới đáy biển có thể gây ra lở đất hay biến dạng đáy biển, làm phát sinh sóng thần (những đợt sóng lớn tràn qua các đại dương rồi đổ bộ vào đất liền). Đôi khi động đất còn khiến núi lửa hoạt động, thậm chí là những núi lửa đã tắt từ lâu...

Trên thế giới đã xảy ra nhiều trận động đất lớn, gây thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản. Nhật Bản là một trong những quốc gia thường xuyên xảy ra động đất với các mức độ lớn nhỏ, khác nhau.

Tại Việt Nam rất hiếm những trận động đất mạnh, tuy nhiên hàng năm cũng xảy ra nhiều trận động đất có cường độ thấp. Từ năm 2005 trở lại đây, tại Việt Nam xuất hiện động đất nhiều hơn nhưng cường độ không có sự tăng giảm mạnh.

* Những điều cần biết khi xảy ra động đất

Vì động đất xảy ra rất bất ngờ nên chúng ta không thể làm gì để ngăn chặn nó. Tuy nhiên chúng ta nên tìm hiểu để sẵn sàng ứng phó trước khi có động đất, giúp giảm thiểu thiệt hại và thương tích có thể xảy ra trong nhà và xung quanh nhà.

Cần chuẩn bị mọi kế hoạch khẩn cấp như: Lập một phương án ứng phó với thảm họa ở nhà và nơi làm việc; Xác định những vị trí tốt nhất để ẩn nấp trong nhà; Những vật dụng trong nhà như ti vi, gương, máy tính, kệ sách, tủ... nên được cố định và đặt xa giường ngủ để hạn chế nguy cơ đổ, dù đổ cũng hạn chế gây thương tích cho người. Dự phòng đèn pin, pin, rađiô, băng, thuốc... tại những vị trí thuận tiện, dễ lấy.

Định hình các vị trí trong nhà và lối thoát hiểm khi ở chung cư, nhà cao tầng; theo dõi thông báo và chỉ dẫn của cơ quan phòng, chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ. Lưu số điện thoại khẩn của cấp cứu, phòng cháy chữa cháy và các cơ quan chức năng khác để gọi yêu cầu giúp đỡ khi cần, như 114 - cứu hỏa, 115 - cấp cứu...

- Khi động đất xảy ra:

Để tránh bị thương, thậm chí mất mạng do động đất, nguyên tắc cơ bản nhất là tìm chỗ trú an toàn để tránh các vật cứng rơi vào đầu/người khi có rung lắc. Đối với những người đang ở trong nhà, có thể chui xuống gầm bàn/gầm giường, tránh xa các cửa kính, tránh di chuyển khi vẫn đang có chấn động. Chú ý bảo vệ vùng đầu bằng những vật dụng sẵn có như chăn, gối hay lấy tay che đầu… Nếu đang nấu ăn cần khóa ngay van bình gas. Dùng đèn pin soi thay vì diêm, bật lửa, nến... vì dễ gây hỏa hoạn.

Định vị trí những người thân trong nhà để có thể cứu hộ nhanh chóng.

Trong trường hợp đang ở ngoài đường cần dừng xe ở lề đường, lánh nạn ở những bãi đất trống, tránh khu vực đông đúc; tránh xa các tòa nhà cao tầng, tường cao, gầm cầu, đường dây điện, cột điện... Nếu đang ở trong sân vận động hay rạp hát cần ngồi yên cho đến khi hết chấn động mới di chuyển ra ngoài theo trật tự. Khi ở gần bờ biển cần phải di chuyển xa bờ biển bởi động đất có thể gây ra sóng thần.

Bình tĩnh, không hốt hoảng, không chen lấn lên nhau, hoặc do tường đổ, đồ đạc đè khi di chuyển.

Động đất thường kèm theo dư chấn. Những dư chấn thường không lớn nhưng cũng có thể gây tác hại. Cần chủ động biết để không hoảng sợ.

Sau khi động đất xảy ra: Nếu nhà bị hư hỏng hay vị trí hiện tại có thể gây nguy hiểm, cần di chuyển đến khu lánh nạn. Trong khi di chuyển cần tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo. Tuyệt đối không được dùng thang máy vì có thể bị kẹt do mất điện. 

                                                                                                                                                                                              Lê Luyến 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang