HIỆU QUẢ THỬ NGHIỆM PHÂN HỮU CƠ SINH HỌC TRÊN CÂY TRỒNG TẠI SƠN LA
Lượt xem: 754
Phân bón được coi là nguồn “thức ăn” của cây trồng để sinh trưởng và phát triển. Từ ngàn xưa con người đã biết sử dụng chất hữu cơ có nguồn gốc từ động vật, tro đốt,... để bón cho cây trồng
Phân bón được coi là nguồn “thức ăn” của cây trồng để sinh trưởng và phát triển. Từ ngàn xưa con người đã biết sử dụng chất hữu cơ có nguồn gốc từ động vật, tro đốt,... để bón cho cây trồng. Tuy nhiên, trong nông nghiệp hiện nay, việc sử dụng phân bón hữu cơ không được chú trọng, các sản phẩm phân bón hóa học với nhiều chủng loại, hàm lượng chất dinh dưỡng cao, tác dụng nhanh đối với cây trồng được người dân tin tưởng sử dụng. Việc lạm dụng tràn lan và tưới bón không hợp lý loại phân này làm cho chất lượng nông sản giảm, đất bạc màu, chai cứng, khó khăn trong việc cải tạo.
Phân hữu cơ sinh học là loại phân được tạo thành thông qua quá trình lên men vi sinh vật (yếm khí, kị khí, bán kị khí hoặc bán yếm khí,..) các hợp chất hữu cơ có nguồn gốc khác nhau (phế thải nông lâm nghiệp, phế thải chăn nuôi,...), trong đó các hợp chất hữu cơ phức tạp dưới tác dụng của vi sinh vật hoặc hoạt chất sinh học của chúng được chuyển hóa thành mùn. Đánh giá tác dụng của phân hữu cơ sinh học cho thấy, phân có tác dụng tốt đến sinh trưởng, phát triển, năng suất cây trồng, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả trồng trọt và cải tạo môi trường đất canh tác. Năm 2017 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Sơn La đã sản xuất thành công phân bón hữu cơ thì chế phẩm sinh học Fito Biomix RR để bón cho cây trồng. Chế phẩm sinh học Fito Biomix RR sản xuất tại Sơn La đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6168:2002 về chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo. Đồng thời, chế phẩm cũng đảm bảo các tiêu chuẩn về Chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường (theo Giấy chứng nhận lưu hành số 15/LH-CPSHMT do Tổng Cục môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho sản phẩm Chế phẩm Fito-Biomix RR của công ty cổ phẩn Công nghệ sinh học).
Để đánh giá ảnh hưởng của phân bón hữu cơ sinh học được ủ từ rơm rạ, vỏ cà phê, niên vụ năm 2017 trong khuôn khổ đề tài cấp tỉnh: Nghiên cứu ứng dụng sản xuất chế phẩm sinh học xử lý phế thải trong sản xuất nông nghiệp (từ rơm rạ, vỏ cà phê) làm phân bón hữu cơ tại tỉnh Sơn La” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Sơn La chủ trì thực hiện đã thử nghiệm bón trên hai đối tượng cây trồng là cây lúa và cây cà phê tại 04 xã: Chiềng Ban (huyện Mai Sơn), xã Muổi Nọi (huyện Thuận Châu), xã Chiềng Cọ và phường Chiềng Cơi (thành phố Sơn La) với sự tham gia của 52 hộ trồng lúa với diện tích là 03ha và 06 hộ trồng cà phê với diện tích 06 ha.
Kết quả khảo nghiệm đồng ruộng của niên vụ 2017 trên cây lúa và cây cà phê như sau:
Cây lúa được bón bổ sung phân hữu cơ sinh học được ủ từ rơm rạ với hàm lượng là: 280 kg đạm ure 560 kg lân super 200 kg KCl 6 tấn phân ủ chiều cao và và số dảnh hữu hiệu tăng lên, lúa đẻ nhánh nhiều và tập trung hơn. So sánh với công thức đối chứng chỉ bón 100% phân hóa học cho thấy: trong cùng điều kiện canh tác như nhau, gieo cấy cùng thời điểm, cùng giống lúa, dạng phân bón khác nhau không ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa nhưng có ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất sau thu hoạch: tỷ lệ hạt chắc khá cao từ 74,74% - 84,08%; năng suất tăng lên từ 7,4% - 12,9% so với đối chứng không bón hữu cơ.
Tính chất của đất trồng sau thử nghiệm cũng có sự thay đổi rõ rệt, hàm lượng chất dinh dưỡng đều cao hơn so với đối chứng. Mật độ vi sinh vật cố định nitơ, phân giải lân và phân giải xenlulo tại các điểm triển khai mô hình đều tăng lên và đạt từ 103 đến 104 CFU/g khi được bón bổ sung thêm phân ủ rơm rạ.
Mô hình nghiệm phân hữu cơ trên cây cà phê cho thấy: với lượng bón đơn thuần bằng vô cơ (nền): 450 kg Đạm urê 800 kg Lân super 500 kg kali clorua/ha và công thức bón bổ sung (nền) 9 tấn phân hữu cơ đã qua ủ, sự chênh lệch về yếu tố sinh trưởng (chiều cao, rộng tán) không nhiều ở 3 xã thử nghiệm, nhưng có sự thay đổi khá rõ về màu sắc lá, ở công thức bón bổ sung phân hữu cơ lá có màu xanh trong hơn, giảm các hiện tượng khô cành, khô quả, đặc biệt năng suất cà phê đều tăng từ 16,5% -17,5% so với đối chứng không bón bổ sung phân hữu cơ.
Kết quả phân tích mẫu đất trồng cà phê: đất trồng cà phê ở 3 khu vực thử nghiệm pHkcl đều có sư thay đổi, hàm lượng mùn, hàm lượng đạm, lân, kali tổng số và dễ tiêu đều tăng lên so với trước khi bón và đối chứng. Mật độ vi sinh vật tổng số có sự biến động rõ rệt, công thức đối chứng sau khi thử nghiệm đa số chỉ đạt 103- 104 CFU/g, công thức thí nghiệm bón bổ sung đạt 105 -106CFU/g. Nếu duy trì phương thức bón phân hữu cơ trong nhiều năm có thể cải thiện được tình trạng chua, hàm lượng mùn, hàm lượng các chất dinh dưỡng, cải tạo độ tơi xốp, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, đồng thời duy trì hàm lượng vi sinh vật có ích trong đất.
Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, ngoài việc nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng thì hiệu quả kinh tế cũng được người dân quan tâm. Với mức chi phí đầu tư ban đầu bao gồm: giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động và chi phí để ủ phân hữu cơ sinh học từ rơm rạ, vỏ cà phê khoảng 18 - 20 triệu đồng/ha trồng lúa cho mức thu đạt 40 triệu – 53 triệu đồng/1ha, lãi khoảng 21 triệu – 32 triệu đồng. Đối với cây cà phê, cũng với mức đầu tư vật tư tương tự khoảng 42 triệu – 62 triệu đồng/ha, cho tổng thu đạt 82 triệu – 119triệu đồng/ha, lãi suất đạt 39 triệu – 68 triệu đồng/ha. Tuy phải chi phí nhiều hơn cho phân hữu cơ 5 triệu đồng/ha cà phê và 2 triệu đồng/ha lúa thì so với việc bón hoàn toàn phân hóa học mang lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân từ 7 – 10 triệu đồng/ha cà phê và 1,5 – 2 triệu đồng/ha lúa.
Như vậy, phân hữu cơ sinh học được ủ từ rơm rạ, vỏ cà phê đều thích hợp sử dụng cho cây lúa, cây cà phê. Mô hình mới thực hiện thử nghiệm trên 01 vụ, nên các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của cây trồng chưa có sự biến đổi rõ ràng nhưng đã tác động và ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất, chất lượng thu hoạch của nông sản, tăng giá trị kinh tế cho người dân. Đặc biệt, khi bón vào đất đã bổ sung cho đất các chất dinh dưỡng cần thiết, cân đối cho cây trồng, tăng hàm lượng mùn, cải tạo độ tơi xốp, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, đồng thời duy trì hàm lượng vi sinh vật có ích, hệ vi sinh vật này tiếp tục hoạt động và phân giải các hợp chất cacbon trong đất thành các chất dễ hấp thụ cho cây, kích ứng hệ vi sinh vật đất sinh trưởng, phát triển cung cấp thêm nguồn dinh dưỡng cho cây trồng.

KS. Tòng Văn Thanh
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang