ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THÀNH PHÂN HỮU CƠ TẠI TỈNH SƠN LA
Lượt xem: 1071
Nông nghiệp thế kỷ 21 đang hướng đến nền nông nghiệp sạch và bền vững, trong đó việc sử dụng các loại phân hữu cơ đang rất được quan tâm, đặc biệt là các loại phân được sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp. Sử dụng loại phân bón này sẽ giúp người dân tạo ra sản phẩm "sạch", không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.
Nông nghiệp thế kỷ 21 đang hướng đến nền nông nghiệp sạch và bền vững, trong đó việc sử dụng các loại phân hữu cơ đang rất được quan tâm, đặc biệt là các loại phân được sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp. Sử dụng loại phân bón này sẽ giúp người dân tạo ra sản phẩm "sạch", không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, hằng năm, sản xuất nông nghiệp đã thải ra khoảng 40 triệu tấn rơm rạ và bã các loại cây (ngô, mía...), hơn 25 triệu tấn phân gia súc, gia cầm và xác bã cá... Nguồn phế thải này là tiềm năng rất lớn cho việc sản xuất phân bón hữu cơ. Nếu giải quyết tốt, không chỉ tạo ra một lượng phân bón hữu cơ lớn cho sản xuất nông nghiệp sạch, mà còn góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.
Tại tỉnh Sơn La, lượng phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 5,5 triệu tấn. Trong đó, phụ phẩm từ cây lúa là 800.000 - 1.000.000 tấn (rơm rạ, vỏ trấu); từ cây ngô là 4 triệu - 5 triệu tấn (thân ngô tươi, lõi ngô), từ cây sắn là 30 nghìn – 50 nghìn tấn (bã sắn, vỏ sắn); cây mía là 320 nghìn – 380 nghìn tấn (bã mía, rỉ mật, tro, bã bùn, ngọn lá mía); cây cà phê là 160 nghìn – 170 nghìn tấn (vỏ quả tươi). Với lượng phế phụ phẩm lớn như vậy sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc sản xuất phân hữu cơ sinh học đáp ứng nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ của người nông dân, tiết kiệm chi phí mua phân hóa học và giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường.
Phân hữu cơ sinh học là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ theo quy trình lên men có sự tham gia của vi sinh vật sống có ích hoặc các tác nhân sinh học khác. Loại phân này được chế biến từ các nguyên liệu hữu cơ: than bùn, mùn rác thải thành phố, phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp... phơi khô, nghiền nhỏ, ủ lên men với vi sinh vật có tuyển chọn. Tiêu chuẩn của phân hữu cơ sinh học như sau: Hàm luợng hữu cơ tổng số không thấp hơn 22%; Ẩm độ đối với phân bón dạng bột không vượt quá 25%; hàm lượng Nts không thấp hơn 2,5%; hàm lượng axit humic (đối với phân chế biến từ than bùn) không thấp hơn 2,5% hoặc tổng hàm lượng các chất sinh học (đối với phân chế biến từ nguồn hữu cơ khác) không thấp hơn 2,0% hoặc pHH2O (đối với phân hữu cơ sinh học bón qua lá) trong khoảng từ 5 - 7. Nếu phân có bổ sung chất điều hòa sinh truởng thì tổng hàm luợng các chất này không vuợt quá 0,5%.
Với mục tiêu sản xuất được loại chế phẩm phù hợp để xử lý phế phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ bón cho cây trồng nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, bổ sung nguồn phân bón tại chỗ, tiết kiệm chi phí cho sản xuất nông nghiệp góp phần tăng hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năm 2016, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng sản xuất chế phẩm sinh học xử lý phế phẩm nông nghiệp (từ rơm rạ, vỏ cà phê) làm phân bón hữu cơ” trên địa bàn 4 xã: xã Muổi Nọi - huyện Thuận Châu, xã Chiềng Ban - huyện Mai Sơn và phường Chiềng Cơi, phường Chiềng Cọ - thành phố Sơn La, với sự tham gia của 58 hộ dân trên quy mô nghiên cứu thử nghiệm 06 ha cà phê và 03 ha lúa.
Chế phẩm Fito – Biomix RR là một hỗn hợp vi sinh do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học sản xuất. Chế phẩm được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 956 cho Chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ và quy trình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm này thành phân bón hữu cơ và Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cấp giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải Việt Nam số 15/LH-CPSHMT.
Bảng 1: Mật độ vi sinh vật trong chế phẩm Fito-Biomix RR sản xuất tại Sơn La
TT Chỉ tiêu vi sinh vật Đơn vị Mật độ vi sinh vật
Sau sản xuất
1 Bacillus polyfermenticus CFU/g 2,3 x 108
2 Streptomyces thermocoprophilus CFU/g 1,6 x 108
3 Tricorderma virens CFU/g 1,4 x 108
Sau 06 tháng bảo quản
1 Bacillus polyfermenticus CFU/g 1,9 x 108
2 Streptomyces thermocoprophilus CFU/g 1,0 x 108
3 Tricorderma virens CFU/g 1,0 x 108
Sau 12 tháng bảo quản
1 Bacillus polyfermenticus CFU/g 1,0 x 108
2 Streptomyces thermocoprophilus CFU/g 8,7 x 107
3 Tricorderma virens CFU/g 7,0 x 107
Chế phẩm sinh học Fito Biomix RR sản xuất tại Sơn La được sản xuất theo bản quyền của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học, đảm bảo theo giấy chứng nhận chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường (theo Giấy chứng nhận lưu hành số 15/LH-CPSHMT do Tổng Cục môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho sản phẩm Chế phẩm Fito-Biomix RR của công ty cổ phẩn Công nghệ sinh học).
Sản phẩm của đề tài có mật độ vi sinh vật sau sản xuất, sau 6 tháng và sau 12 tháng lưu mẫu đều ngang bằng với các sản phẩm tượng tự được sản xuất tại Công ty cổ phần Công nghệ sinh học, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bắc Giang và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Long An.
Qua 3 năm triển khai nghiên cứu, đến nay đề tài đã tiến hành xử lý 161 tấn rơm rạ, vỏ cà phê, với khối lượng phân hữu cơ thu hồi được là 64,8 tấn (tương đương mức thu hồi 40%). Kết quả phân tích, đánh giá tại các địa điểm xây dựng mô hình bón phân ủ hữu cơ cho thấy cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt so với mô hình đối chứng. Với công nghệ đơn giản, dễ làm, giá thành thấp, thời gian xử lý nhanh chỉ từ 25-30 ngày, đảm bảo kịp thời vụ nên có thể áp dụng rộng rãi tại các hộ dân.
Bảng 2: Chi phí xử lý 01 tấn rơm rạ, vỏ cà phê
Chi phí Nguyên vật liệu Thành tiền
(đồng)
I. Chi phí sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ
1 Chế phẩm Fito-Biomix RR 0,2 kg x 200.000 đ/kg 40.000
2 Phân hóa học NPK 05 kg x 6.000 đ/kg 30.000
3 Nilon che phủ 4 m2 x 5.000 đ/kg 20.000
4 Công thu gom và xử lý 1 tấn x 100.000 đ/tấn 100.000
Tổng chi phí 190.000
Lượng phân hữu cơ thu được 400 kg
Giá thành 1 kg phân ủ 475
II. Chi phí sản xuất phân hữu cơ từ vỏ cà phê
1 Chế phẩm Fito-Biomix RR 0,6 kg x 200.000 đ/kg 120.000
2 Phân hóa học NPK 05 kg x 6.000 đ/kg 30.000
3 Nilon che phủ 4 m2 x 5.000 đ/m2 20.000
4 Vôi bột 5 kg x4.000 đ/kg 20.000
5 Công thu gom và xử lý 1 tấn x 100.000 đ/tấn 100.000
Tổng chi phí 290.000
Lượng phân hữu cơ thu được 400 kg
Giá thành 1 kg phân ủ 725
Hiện nay, lượng phân chuồng để đáp ứng cho nhu cầu trồng trọt của người nông dân là không đủ. Việc ủ phân hữu cơ từ rơm rạ, vỏ cà phê đã góp phẩm tiết kiệm được chi phí đầu tư xử lý cho loại phân này là 475 đồng/kg khi sử dụng phân ủ rơm rạ và 725 đồng/kg khi sử dụng phân ủ từ vỏ cà phê mà vẫn đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, phát triển bình thường. Ngoài ra khi xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ góp phần hạn chế nấm bệnh trong đống ủ, giảm bớt sự lây lan mầm bệnh cho vụ sau.
Theo đánh giá của các hộ dân tham gia mô hình: sản phẩm phân hữu cơ sau khi ủ có bổ sung chế phẩm sinh học Fito – Biomix RR, với sự tham gia của các chủng vi sinh vật hữu ích, tác dụng nhanh, mạnh, làm cho nguyên liệu ủ nhanh hoai, thời gian ủ rút ngắn hơn so với cách làm truyền thống mà người dân vẫn thực hiện là chất đống để tự phân hủy. Riêng đối với vỏ cà phê, hạn chế được mùi hôi thối, ruồi nhặng phát sinh từ đống ủ, phân thành phẩm trở nên tơi xốp và dễ sử dụng, tỷ lệ mùn hóa cao... Một số hộ dân tiếp tục tin tưởng và muốn duy trì dùng sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp của gia đình trong các vụ tiếp theo.
* Quy trình sản xuất phân hữu cơ sinh học bằng chế phẩm Fito – Biomix RR:
Bước 1: Chọn địa điểm ủ: Nên chọn nơi gần nguồn nguyên liệu, thuận tiện nguồn nước và hợp lý ki bảo quản và sử dụng, bố trí theo hướng tập trung theo khu xử lý để tiện quản lý kĩ thuật. Nền chỗ ủ có thể bằng đất, lát gạch hoặc láng xi măng có rãnh xung quanh để tránh nước phân chảy ra ngoài khi tưới quá ẩm.
Bước 2: Chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ:
Phế phụ phẩm (rơm rạ, vỏ cà phê): 1 tấn
Phân chuồng
Phân NPK
Vôi bột
Chế phẩm sinh học Fito – Biomix RR
Bình tưới, ô doa, cào, cuốc, xẻng, vật liệu che đậy như bạt, bao tải, nilon..
Bước 3: Tiến hành ủ:
Pha chế phẩm sinh học Fito – Biomix RR ở dạng dung dịch hòa tan, cứ 0,2 kg chế phẩm pha với 50 lít nước.
Rải nguyên liệu từng lớp 30 cm thì tưới 1 lượt dung dịch chế phẩm hòa tan, bổ sung phân NPK, vôi bột (đối với vỏ cà phê), và phân chuồng (nếu gia đình có), cứ tiếp tục từng lớp như vậy đến khi hết nguyên liệu. Nếu nguyên liệu khô nhiều thì sau mỗi lớp ủ cần tưới thêm nước đảm bảo độ ẩm của nguyên liệu luôn ở 60%. Kích thước đống ủ hợp lý (cao 1,2m-1,5m, rộng 2m, dài không giới hạn)
Hình 1: Hình dạng đống ủ khuyến cáo
Bước 4: Đảo trộn: sau 10-15 ngày kiểm tra và đảo trộn. Đảo trộn sẽ làm vụn thêm do tác động cơ học, đảm bảo độ ẩm luôn trong mức tối ưu, tạo điều kiện cho quá trình phân hủy nhanh và triệt để. Nếu chưa đảm bảo độ ẩm thì bổ sung thêm để nguyên liệu hoai hoàn toàn.
Hình 2: Công tác kiểm tra, đảo trộn đống ủ sau 15 ngày
Sau 25-30 ngày (đối với rơm rạ) và 90 ngày (đối với vỏ cà phê), tiến hành kiểm tra chất lượng phân ủ, thấy nguyên liệu đã phân hủy, không còn mùi hôi nồng khó chịu, đống ủ chuyển sang màu đen đậm có thể sử dụng bón lót gối vụ hoặc đánh gọn bảo quản cho vụ sau.
KS. Tòng Văn Thanh
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Sơn La
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang