Tọa đàm “Giải pháp nước thông minh - Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Lượt xem: 426
Trong khuôn khổ tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới và Khai mạc Tuần lễ Nước quốc tế Việt Nam 2019 – VACI 2019, sáng ngày 22/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương,
Trong khuôn khổ tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới và Khai mạc Tuần lễ Nước quốc tế Việt Nam 2019 – VACI 2019, sáng ngày 22/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế khai mạc Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam 2019 và Tọa đàm với chủ đề "Giải pháp nước thông minh - Không bỏ lại ai phía sau".
Phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, thông điệp của Ngày Nước thế giới 2019, “Nước cho tất cả để không ai bị bỏ lại phía sau” hướng đến việc các cộng đồng đều được tiếp cận nước đẩy đủ và hợp vệ sinh, đồng thời mong muốn đưa ra giải pháp giải quyết nguyên nhân tại sao hiện nay vẫn còn nhiều người còn bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận nguồn nước.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam 2019

Các mục tiêu cụ thể của chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2019 bao gồm: Nước cho phụ nữ, Nước cho nơi làm việc, sản xuất, Nước cho nông thôn, Nước cho người tị nạn, Nước cho các bà mẹ, Nước cho trẻ em, Nước cho học sinh, sinh viên, Nước cho những người bản địa, thiểu số, Nước cho người khuyết tật, v.v... Cùng với việc được tiếp cận đủ nước, thì tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng; điều này là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. Chúng ta không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi còn nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, Việt Nam là quốc gia có số dân đông thứ 15 trên thế giới, trong đó gần 2/3 sống dọc theo ba lưu vực sông chính là sông Hồng, sông Cửu Long và sông Đồng Nai. Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam đã tích cực cải thiện tình hình cung cấp nước, trong đó tập trung vào việc cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho cả khu vưc đô thị và nông thôn, tăng cường sự tham gia của người dân và tăng cường kiến thức quản lý lưu vực sông. Cụ thể, công tác điều tra tài nguyên nước mặt, nước ngầm được chú trọng và tăng cường; việc tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước được đẩy mạnh nhằm phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu; các giải pháp “thông minh” nhằm quản trị và bảo vệ nguồn nước đã được đưa ra và từng bước cho thấy vai trò quan trọng; qua đó giúp duy trì và nâng cao hiệu quả phát triển bền vững trong ngành tài nguyên nước.
“Chương trình tuần lễ nước quốc tế 2019 lần này là cơ hội rất tốt để xây dựng, củng cố mối quan hệ hợp tác quốc tế về tài nguyên nước, cũng như để các bên liên quan gặp gỡ, chia sẻ các ý tưởng hợp tác về tài nguyên nước ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tôi hy vọng tại Chương trình ngày hôm nay, các cơ quan, đơn vị uy tín trong ngành nước, các tổ chức cung cấp, sử dụng nước sẽ trao đổi, thảo luận cùng đưa ra giải pháp, ý tưởng nhằm đạt được các mục tiêu mà Chương trình đề ra” - Bộ trưởng phát biểu.
Tại buổi tọa đàm “Giải pháp nước thông minh - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và trong nước về quản trị nước thông minh; Nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, hướng đến quản lý, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên nước; Tăng cường khả năng, cơ hội hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường nước và ngành công nghiệp nước tại Việt Nam.
Chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cũng cho biết, so với trước đây, hệ thống pháp luật về tài nguyên nước Việt Nam đã được xây dựng khá toàn diện. Với việc hoàn thiện hệ thống chính sách và hệ thống pháp luật về tài nguyên nước, trong những năm qua có thể thấy đã có những chuyển biến rõ rệt về nhận thức của người dân, của các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.
Ngoài ra, Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông lớn, quan trọng. Với việc ban hành kịp thời 11 quy trình vận hành liên hồ chứa đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phối hợp điều tiết nguồn nước các hồ chứa, ngoài việc nâng cao khả năng cắt giảm lũ cho hạ du, thì đã góp phần nâng cao hiệu quả cấp nước và nâng cao việc tiếp cận nguồn nước cho người dân và cho sản xuất của các địa phương phía hạ du các hồ chứa.
Các chuyên gia tham dự tọa đàm về chủ đề “Giải pháp nước thông minh - Không bỏ lại ai phía sau”
Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai, lập quy hoạch tài nguyên nước và thực hiện các chương trình, đề án quan trọng như: chương trình “Điều tra tìm kiếm nguồn nước để cấp nước sinh hoạt ở vùng cao, khan hiếm nước và Đề án “Điều tra đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam”. Với việc triển khai quy hoạch, các chương trình, đề án sẽ góp phần quan trọng, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước, khả năng cấp nước sạch cho người dân.
Trong công tác hợp tác quốc tế, Việt Nam cũng tích cực hợp tác với các nước lưu vực sông Mê Công nhằm cùng nhau khai thác, chia sẻ nguồn nước sông Mê Công. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của các tổ chức quốc tế, các nước phát triển liên quan đến phát triển nguồn nước Việt Nam thông qua các hoạt động quản lý, nghiên cứu, điều tra, đánh giá tài nguyên nước bằng những công nghệ tiên tiến; hỗ trợ cho Việt Nam trong việc xây dựng quy hoạch tài nguyên nước; quan trắc, giám sát, kiểm kê tài nguyên nước.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy phát biểu tại buổi Tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Văn Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết: Nước sạch nông thôn đã trải qua 40 năm phát triển, được Nhà nước, cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân cùng vào cuộc. Đến nay, tỷ lệ cấp nước nông thôn đã đạt khoảng 89%, tương đương 56 triệu người dân đã được tiếp cận với hệ thống cấp nước tập trung. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 là 100% dân số được tiếp cận với nước sạch. Tuy nhiên, tiếp cận nước sạch nông thôn ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trước các nguy cơ hiện hữu như biến đối khí hậu, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của tài nguyên nước của một số người dân còn hạn chế nên chưa có ý thức giữ gìn, bảo vệ; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Đại diện Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho rằng, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong quản lý nước. Về những sáng kiến trong đẩy mạnh bình đẳng giới, đại diện Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho biết: Trong thời gian qua, các tổ chức của Hà Lan cũng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện một số dự án. Liên quan đến vấn đề giới, cần nâng cao cơ hội cho các doanh nghiệp nữ, đặc biệt liên quan đến khu vực duyên hải. Đồng thời, tổ chức xây dựng công ty vừa sản xuất vừa để phụ nữ có vai trò tham gia vào việc hoạch định chính sách.
Theo các đại biểu tham dự hội thảo, cần sử dụng nước đúng cách, phù hợp nhất. Về công nghệ cần sử dụng phương pháp phù hợp, sử dụng giải pháp thông minh. Muốn vậy chúng ta phải kết nối cung cấp thông tin đúng thời diểm. Về giá nước, cần tiếp cận nguồn nước phù hợp với thu nhập. Cần có cách thức để mọi người tiệm cận được nguồn nước như có mức giá khác nhau cho các đối tượng sử dụng khác nhau.
Bàn về giải pháp phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các đại biểu cho rằng cần lựa chọn loại cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, nguồn nước. Các đại biểu cũng cho rằng, để tiết kiệm nước, vai trò của truyền thông, nâng cao nhận thức vô cùng quan trọng. Cần có ấn phẩm tuyên truyền, thông báo, nhắn tin để mọi người biết tiết kiệm nước khi uống ở nhà hàng. Dùng nước tưới tiêu cho nông nghiệp cũng phải tiết kiệm.
BBT (Theo Cục quản lý tài nguyên nước - Bộ tài nguyên môi trường)
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang