Thực trạng và giải pháp giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh Sơn La
Lượt xem: 882
Sơn La là tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình, địa chất phức tạp, nhiều khu vực núi cao chia cắt; hệ thống sông suối có độ dốc lớn, khi xảy ra mưa lớn thì tạo dòng xảy siết, đột ngột, trong khi diễn biến thời tiết, mưa lũ ngày càng cực đoan, phức tạp.
Sơn La là tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình, địa chất phức tạp, nhiều khu vực núi cao chia cắt; hệ thống sông suối có độ dốc lớn, khi xảy ra mưa lớn thì tạo dòng chảy siết, đột ngột, trong khi diễn biến thời tiết, mưa lũ ngày càng cực đoan, phức tạp. Để đề xuất áp dụng các giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu các nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, năm 2017, Viện địa chất và Môi trường (Tổng Hội địa chất Việt Nam) triển khai đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh Sơn La”, Tiến sĩ Đào Văn Thịnh làm chủ nhiệm.
Theo thống kê từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Sơn La, trong năm 2017, mưa lũ đã làm 25 người chết, 4 người mất tích, 30 người bị thương; 435 nhà ở bị sập đổ, cuốn trôi hoàn toàn; 394 nhà bị sạt lở, hư hỏng nặng; hơn 2.000 nhà bị ảnh hưởng, tốc mái, hư hỏng nhẹ; 445 nhà bị ngập, 720 nhà phải di chuyển; 68 điểm trường bị thiệt hại, ảnh hưởng. Cùng với đó là nhiều công trình hồ chứa, kè, cầu cống bị sạt lở, cuốn trôi, nhiều cơ sở vật chất bị hư hỏng nặng... Ước thiệt hại hơn 2.600 tỷ đồng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2018, tình trạng lũ quét, sạt lở đất, ngập úng xảy ra trên địa bàn tỉnh khiến 160 căn nhà bị sập đổ, hơn 3.700 ngôi nhà bị hư hại, hơn 1.300 căn bị ngập lụt, mưa lũ cũng gây thiệt hại hơn 2.600 ha lúa, hơn 1.900 ha ngô và hoa màu, hơn 300 ha cây ăn quả. Thực tế cho thấy lũ quét, sạt lở đất có mức độ tàn phá khốc liệt gây hậu quả nghiêm trọng về sinh mạng cũng như công trình hạ tầng, phá huỷ ruộng đất canh tác, rừng và môi trường sinh thái, đe dọa tính mạng của người dân.
Hội đồng nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh Sơn La”

Trong năm 2017-2018, tiến sĩ Đào Văn Thịnh cùng nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 5 khu vực đã xảy ra và có nguy cơ xảy ra trượt đất, lũ quét cao như: Khu vực phía Bắc cầu Pá Uôn huyện Quỳnh Nhai; Pi Toong, ít Ong huyện Mường La; Chiềng Pấc, Bon Phặng huyện Thuận Châu; Chiềng Đông, Suối Nậm Sập - xã Tú Nang huyện Yên Châu với 38 điểm có xảy ra sạt lở đất, 15 điểm xảy ra lũ ống, lũ quét để tiến hành khảo sát địa chất, giải đoán hình ảnh viễn thám.
Qua khảo sát thực tế và phân tích cho thấy hiện tượng sạt lở đất thường xảy ra mạnh ở các khu vực núi có độ cao dao động từ 400m đến 1000m, địa hình bị phân cách lớn hay ở những khu vực có thảm thực vật thưa hoặc không có thảm thực vật và thường xảy ra tại các diện tích phân bố, phân vị địa chất với đá gốc có tính chất cơ lý, độ gắn kết yếu vỡ vụn nứt nẻ, các vùng khai thác rừng, chặt rừng làm nương rẫy… Do đó, sạt lở đất là kết quả tổng hợp một loạt các yếu tố tự nhiên và nhân sinh như: địa hình, địa mạo, địa chất, kiến tạo, khí tượng – thủy văn và các hoạt động nhân sinh – kỹ thuật.
Đối với lũ quét, đây là dạng tai biến nguy hiểm xếp hàng thứ ba sau động đất và trượt đất, xảy ra ở những lưu vực sông suối miền núi với đặc điểm thuận lợi cho việc hình thành như địa hình chia cắt, độ dốc lưu vực và độ dốc sông suối lớn, độ ổn định của lớp mặt lưu vực yếu do quá trình phong hóa mạnh, mưa với cường độ mạnh, thời gian kéo dài. Tại 5 khu vực có nhiều vị trí tồn tại vỏ phong hóa dày trên 3m, có vị trí dày trên 10m, lớp thổ nhưỡng ở bên trên dày từ 5- 35cm vì vậy vào mùa mưa luôn bị bão hòa nước, không có khả năng thấm nước, dễ mềm, bở. Bên cạnh đó, độ dốc sườn địa hình các lưu vực suối dao động từ 100 đến 750, nhiều vị trí dốc trên 800, độ cao địa hình dao động từ 200m đến 900m, phân dị mạnh, khu vực Pi Toong – ít Ong của huyện Mường La, khu vực Chiềng Đông của huyện Yên Châu có những điểm co thắt tự nhiên và nhân tạo làm tắc nghẽn dòng chảy, độ che phủ rừng theo viễn thám tại 5 khu vực chỉ dao động từ 19% đến 37%....đó là những nguyên nhân hình thành lũ ống, lũ quét xảy ra rất cao. Đặc biệt, vào mùa mưa, lũ ống, lũ quét thường xuyên xảy ra gây hậu quả nặng nề về người, tài sản hoa màu của nhân dân.
Để hạn chế các tác động tiêu cực của sạt lở đất, lũ quét đối với các khu vực tập trung dân cư cần áp dụng một tổ hợp các giải pháp công trình và phi công trình, trong đó giải pháp quan trọng nhất là: Tuyên truyền, phổ biến, thông báo, cánh báo để nhân dân biết các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét cao cần đề phòng để chủ động ứng phó khi sạt lở đất và lũ quét xảy ra; quy hoạch phát triển các khu dân cư tránh các vùng có nguy cơ cao; gia cố bằng cách xây kè kiên cố tại các đoạn sườn địa hình xung yếu, dọc các tà luy âm và dương của các tuyến đường giao thông; bên cạnh đó cần phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo lớp phủ vững chắc để giữ nước, giảm nguy cơ sạt lở đất và hình thành lũ quét....
Bên cạnh đề xuất các giải pháp, Nhóm nghiên cứu đề tài xây dựng bản đồ thực trạng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét với tỉ lệ 1:25.000 cho 5 khu vực trên địa bàn tỉnh gồm: khu vực phía bắc cầu Pá Uôn (huyện Quỳnh Nhai), Pi Toong (xã ít Ong, huyện Mường La), Chiềng Pấc (xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu), Chiềng Đông và Suối Nậm Sập (xã Tú Nang, huyện Yên Châu) và bản đồ thực trạng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tỉnh Sơn La tỷ lệ 1:100.000 phục vụ cho công tác cảnh báo và phòng chống thiên tai của tỉnh.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã bổ sung thông tin và đưa ra các giải pháp xử lý và cảnh báo nhằm hạn chế hậu quả, giúp chính quyền và nhân dân tại các điểm dân cư có nguy cơ cao có các biện pháp phòng tránh thích hợp góp phần phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cho tỉnh Sơn La trong thời gian tới.
ánh Nguyệt

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang