Tăng cường phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ
Lượt xem: 178
Trong thời đại ngày nay, tri thức khoa học và công nghệ là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia.
Trong thời đại ngày nay, tri thức khoa học và công nghệ là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Các nguồn tài nguyên thông tin KH&CN là nơi tập trung tri thức khoa học của nhân loại, là nguyên liệu “đầu vào” quyết định chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như đáp ứng các yêu cầu cho công tác giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng tiềm lực KH&CN.
Theo Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về hoạt động thông tin KH&CN, nguồn tin KH&CN là “các thông tin KH&CN được thể hiện dưới dạng sách, báo, tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học, thuyết minh nhiệm vụ, báo cáo kết quả thực hiện, ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN, luận án khoa học, tài liệu thiết kế, kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử, tài liệu thống kê KH&CN, tài liệu đa phương tiện và tài liệu trên các vật mang tin khác”.
Nguồn tin KH&CN có vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động nghiên cứu và phát triển, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, KH&CN của đất nước. Nghiên cứu khoa học là một quá trình liên tục, trong đó các công trình nghiên cứu đi sau kế thừa và tiếp nối kết quả của những công trình trước để tạo ra các tri thức và giá trị khoa học mới cho nhân loại. Các nguồn tin KH&CN là yếu tố đầu vào không thể thiếu đối với mỗi nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu. Không có thông tin KH&CN đầy đủ, toàn diện, cập nhật, các cán bộ nghiên cứu và phát triển sẽ không thể tiến hành được hoạt động nghiên cứu một cách hiệu quả, đạt trình độ cao.
Việc khai thác và sử dụng các nguồn tin KH&CN, các cơ sở dữ liệu sẽ giúp cho các nhà quản lý và nhà khoa học tìm hiểu hiện trạng nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực KH&CN; Xác định các xu hướng nghiên cứu hiện nay ở trong nước và trên thế giới đối với lĩnh vực mình quan tâm; Tránh trùng lặp trong nghiên cứu, không nghiên cứu những vấn đề mà thế giới hoặc người khác đã làm và tìm ra giải pháp; Tìm kiếm đối tác nghiên cứu phù hợp để cộng tác, liên kết; Tham khảo và sử dụng các kết quả nghiên cứu đã có để phục vụ cho nghiên cứu của mình.
Trên thế giới, thông tin KH&CN là một ngành công nghiệp có quy mô khá lớn. Theo báo cáo nghiên cứu của Hiệp hội các nhà xuất bản khoa học, công nghệ và y học (STM), tổng doanh thu của ngành công nghiệp thông tin KH&CN (bao gồm tạp chí, sách, thông tin kỹ thuật, tiêu chuẩn, cơ sở dữ liệu và một số lĩnh vực liên quan) năm 2013 là khoảng 25,2 tỷ USD, trong đó thị trường tạp chí khoa học là 10 tỷ USD, sách điện tử 5 tỷ USD và các loại ấn phẩm khác 10,2 tỷ USD. Các nguồn tin KH&CN của thế giới được xuất bản và công bố bởi hệ thống xuất bản khoa học. Hiện nay, hầu hết các tạp chí KH&CN đều được cung cấp trực tuyến và trong nhiều trường hợp các nhà xuất bản đã số hóa các số tạp chí in trước đây để tạo thành bộ sưu tập hồi cổ từ số xuất bản đầu tiên. Tỷ lệ mua quyền truy cập vào các tạp chí điện tử cũng ngày càng tăng, một phần do sự giảm giá của các gói tạp chí trực tuyến. Do đó, hầu hết các tạp chí đều chuyển sang xuất bản dưới dạng điện tử, nhất là các tạp chí nghiên cứu, bên cạnh bản tạp chí in được xuất bản song song. Số lượng các tạp chí từ bỏ hẳn định dạng bản in đã ngày càng tăng trong những năm gần đây.
Theo điều tra về công tác phát triển nguồn tin KH&CN tại một số tổ chức KH&CN lớn trong nước do Cục Thông tin KH&CN quốc gia tiến hành, chỉ có 64,2% đơn vị hoặc tổ chức thông tin, thư viện được cấp kinh phí phát triển nguồn tin KH&CN hằng năm, trong số đó chỉ có 10,4% số tổ chức được cấp trên 500 triệu đồng/năm, 13% được cấp dưới 50 triệu đồng/năm. Tỷ lệ đơn vị không cho biết số tiền được cấp chiếm 28%. Điều này cho thấy năng lực tài chính để phát triển nguồn tin KH&CN của các tổ chức thông tin – thư viện Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Thực tế hiện nay ở nước ta, nguồn kinh phí cho hoạt động của các cơ quan thông tin luôn luôn trong tình trạng không đáp ứng được yêu cầu do kinh phí dành cho hoạt động thông tin KH&CN rất hạn chế, ngoài ra kinh phí bổ sung cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng kinh phí hoạt động của các cơ quan thông tin. Hầu hết các đơn vị đều phải đối mặt với một vấn đề nan giải hiện nay là: Khối lượng và giá cả của tài liệu ngày một tăng nhất là việc phát triển nguồn tài liệu điện tử trong khi đó nguồn tài chính cho công tác phát triển nguồn tin thì tăng không kịp. Công tác phát triển nguồn tin tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Mua tài liệu KH&CN trong nước và xuất bản ấn phẩm thông tin; Thu thập báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN; Phát triển các cơ sở dữ liệu nội sinh; Mua các nguồn tin KH&CN quốc tế. Kết quả điều tra khảo sát năm 2014 cho thấy: Công tác phát triển nguồn tin KH&CN chưa thực sự được quan tâm ở hầu hết các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đặc biệt là các Trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu – nơi tập trung các hoạt động nghiên cứu, đào tạo chủ yếu. Trên thực tế, vấn đề phát triển nguồn tin KH&CN đang là bài toán khó đặt ra đối với hầu hết các cơ quan thông tin bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó nguồn kinh phí bổ sung hàng năm là yếu tố quyết định.
Xác định Thông tin KH&CN là yếu tố quan trọng của tiềm lực KH&CN, nó không những lưu trữ có hệ thống tri thức của nhân loại, các thành tựu KH&CN trong nước và quốc tế phục vụ tra cứu, lựa chọn công nghệ để quyết định đầu tư mà còn cung cấp thông tin trực tiếp cho hoạt động KH&CN. Vì, hoạt động nghiên cứu KH&CN trong các lĩnh vực bao giờ cũng phải kế thừa tri thức đã có thuộc lĩnh vực nghiên cứu để phát triển lên tầm cao hơn, tạo ra những thành tựu KH&CN mới. Đồng thời, để đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, năm 2014, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (Sở KH&CN Sơn La) đã triển khai điều tra thống kê tiềm lực KH&CN.
Kết quả điều tra thống kê tại 36 tổ chức KH&CN cho thấy các đơn vị đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin, số đơn vị có kết nối mạng LAN là 36/36 đơn vị khảo sát; Băng thông đường truyền Internet 36/36 đơn vị; Phần lớn các đơn vị đã ứng dụng các công cụ phần mềm chuyên dụng về công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nói chung và quản lý khoa học và công nghệ nói riêng của ngành, của đơn vị. Các phần mềm chuyên dụng chủ yếu được sử dụng là các phần mềm kế toán, phần mềm quản lý tài sản, các phần mềm ứng dụng văn phòng và lưu trữ, các phần mềm quản lý kỹ thuật, các phần mềm chuyên ngành thuộc lĩnh vực chuyên môn của đơn vị…
Trong những năm qua, hoạt động thông tin thư viện ở Tỉnh đã được chú trọng duy trì ổn định, góp phần tích cực trong việc phổ biến thông tin tri thức nói chung cũng như thông tin KH&CN nói riêng tới toàn thể nhân dân. Hiện tại, toàn tỉnh có 01 thư viện tỉnh và 12 thư viện của các ngành, trường học, trung tâm nghiên cứu, với tổng số đầu sách trong các thư viện đạt 54 nghìn bản. Phần lớn, các tư liệu, tài liệu là sách, báo, tạp chí và tư liệu địa phương. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị này chưa ứng dụng triển khai hệ thống thông tin điện tử do đó việc tra cứu cơ sở dữ liệu KH&CN để cung cấp thông tin theo yêu cầu còn gặp nhiều khó khăn, đồng thời không chia sẻ được nguồn lực thông tin hiện có của các đơn vị.
Tỉnh Sơn La hiện nay có 01 trường đại học, 04 trường cao đẳng. Những năm qua, nhằm đảm bảo cho nhu cầu đào tạo cũng như nhu cầu nghiên cứu KH&CN, hệ thống thông tin thư viện trong các trường đại học, cao đẳng ở Sơn La đã được củng cố và tăng cường. Các trường đều tổ chức xuất bản tạp chí khoa học để công bố các kết quả nghiên cứu, thông tin các hoạt động KH&CN của nhà trường, có thư viện phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập cho giáo viên và sinh viên. Đến nay, hầu hết thư viện trong các trường Cao đẳng, Đại học đã được trang bị tương đối đầy đủ tư liệu, tài liệu chuyên ngành và cơ sở hạ tầng hiện đại đảm bảo phục vụ truy xuất tài liệu, quản lý và tra cứu thông tin theo yêu cầu. Tuy nhiên, phần lớn các tư liệu, tài liệu được lưu trữ trong một số thư viện chủ yếu ở dạng sách, báo tạp chí (dạng bản cứng), chưa triển khai xây dựng hệ thống thông tin thư viện, số hóa – thông tin điện tử. Việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý và đào tạo trong nhà trường cũng được tăng cường.
Hiện trạng thông tin thư viện trong các đơn vị KH&CN: Ngoài trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, hầu hết các đơn vị KH&CN khác của tỉnh Sơn La chưa xây dựng được hệ thống thông tin thư viện dùng chung. Các tư liệu, tài liệu KH&CN trong các đơn vị này chủ yếu do từng cá nhân khai thác, lưu trữ, sử dụng và trao đổi theo nhiều cách khác nhau. Hạn chế này khiến hoạt động nghiên cứu KH&CN trong các đơn vị gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin dẫn đến đề xuất nhiệm vụ KH&CN bị trùng lặp.
Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN là đơn vị đầu mối thực hiện công tác lưu giữ và truyền thông thông tin KH&CN. Hiện nay hệ thống lưu trữ thông tin tư liệu KH&CN trong đơn vị đang từng bước được đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hàng năm được bổ sung kinh phí từ ngân sách nhà nước để tăng cường và phát triển nguồn tin. Thư viện KH&CN được duy trì và phát triển. Đến 30/6/2018, các thông tin KH&CN được thể hiện dưới dạng sách, báo, tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học, thuyết minh nhiệm vụ, báo cáo kết quả thực hiện, ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN, luận án khoa học, tài liệu thiết kế, kỹ thuật có tại Thư viện là 1.230 cuốn; tài liệu số, tài liệu đa phương tiện và tài liệu trên các vật mang tin khác: 1.270 tài liệu. Cơ sở dữ liệu: 3.719 trang tài liệu đã được số hóa. Trang thông tin điện tử tổng hợp được thường xuyên cập nhật, thông tin kịp thời tuyên truyền phổ biến KH&CN và các văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN. Tài liệu thống kê KH&CN thường xuyên được cập nhật, bổ sung thông tin các cuộc điều tra thống kê về KH&CN.
Nhằm đảm bảo cung cấp thông tin phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN, hàng năm Trung tâm đã đầu tư kinh phí kết nối VinaREN, tham gia Liên hợp thư viện Việt Nam đây là một trong những giải pháp quan trọng đối với việc bổ sung và phát triển nguồn tin KH&CN, tăng cường năng lực thông tin cho Thư viện KH&CN.
Hiện nay, một trong những điểm yếu chung trong hoạt động phát triển nguồn tin KH&CN của các cơ quan, tổ chức ở Sơn La là sự hạn chế về liên kết và trao đổi thông tin, đặc biệt là thông tin về nhiệm vụ KH&CN. Ngoài việc thực hiện thông tin KH&CN theo các phương pháp truyền thống, cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống mạng trong việc hỗ trợ liên kết và trao đổi thông tin nói chung và thông tin KH&CN nói riêng giữa các cơ quan đơn vị, đồng thời từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu KH&CN số hóa chung cho cả tỉnh. Vì vậy, cần tiếp cận và cập nhật các kết quả nghiên cứu trong tỉnh đã và đang thực hiện (cấp tỉnh và cấp cơ sở); Các công bố khoa học trong tỉnh; Các tài liệu KH&CN chuyên ngành trong tỉnh; Các nguồn tin KH&CN chủ yếu.
Trong thời gian tới, để phát triển nguồn tin KH&CN đảm bảo cung cấp nền tảng tri thức KH&CN trong tỉnh và trong nước phong phú, đầy đủ và cập nhật, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện những nội dung sau:
  1. Xây dựng và phát triển nguồn tin KH&CN trong tỉnh với các nguồn tin KH&CN chủ yếu, bao gồm Cơ sở dữ liệu về: Nhiệm vụ KH&CN; Công bố KH&CN; Tổ chức KH&CN; Trích dẫn khoa học; Sáng chế và sở hữu trí tuệ; Hoạt động KH&CN của các ngành, đơn vị trong tỉnh.
  2. Bổ sung, mua quyền truy cập các nguồn tin KH&CN quốc gia.
  3. Xây dựng và phát triển Mạng lưới thông tin KH&CN tỉnh Sơn La.
  4. Chia sẻ và khai thác các nguồn tin KH&CN./.
Lò Thị Cơn
(nguồn:vista.gov.vn và BCTH điều tra tiềm lực tỉnh Sơn La năm 2014)

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang