Vươn xa thương hiệu chè Phổng Lái - Thuận Châu
Lượt xem: 799

Nằm dưới chân đèo Pha Đin huyền thoại, được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu và nguồn nước thích hợp với cây chè, những năm qua, việc phát triển cây chè trên địa bàn huyện Thuận Châu đã được cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Châu đặc biệt quan tâm. Theo người dân địa phương, cây chè được trồng tại huyện Thuận Châu từ năm 1959 với giống chè Shan Tuyết. Do thích hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, cùng với việc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sản xuất, chế biến nghiêm ngặt mà sản phẩm chè trồng tại huyện Thuận Châu có nhiều điểm khác biệt và ưu thế hơn với chè của địa phương khác, nước có màu xanh tự nhiên, hương thơm nhẹ nhàng, vị đậm chất dịu.

Sau 59 năm xây dựng và phát triển qua từng giai đoạn lịch sử, cây chè đã dần khẳng định vị thế vững chắc là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đến nay, diện tích chè được mở rộng trồng ở nhiều xã trên địa bàn huyện Thuận Châu như Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É, Phổng Lập với diện tích trên 700 ha. Hàng năm cung cấp ra thị trường hơn 6.000 tấn chè. Hiện nay sản phẩm chè Phổng Lái có hai loại sản phẩm chính đó là Chè xanh và chè Olong, được chắt chiu từ tình yêu, bàn tay lao động cần cù, mang hương vị độc đáo của núi rừng Tây bắc. Trong đó, chè Olong được nhiều người biết đến nhờ những tác dụng đặc biệt tốt cho sức khỏe. Quá trình bán lên men giúp chè Olong vẫn giữ nguyên được hàm lượng Polyphanol, giúp ngăn ngừa các gốc tự nhiên, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Hơn nữa, những thành phần tự nhiên trong lá chè có khả năng làm chậm tiến trình lão hóa, giảm sự hình thành của tàn nhang và những nếp nhăn. Khác với loại chè Olong, chè xanh là thức uống truyền thống của người Châu Á. Từ những đọt chè non xanh tươi mơn mởn, chè được chế biến không qua công đoạn lên men nhằm bảo đảm trọn vẹn hương vị thiên nhiên. Chè xanh thuộc tính mát, trước đắng sau ngọt, giúp đem đến tỉnh táo cho người dùng, làm mát cơ thể, giải độc và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

Những năm qua, để phát huy thế mạnh của địa phương, huyện Thuận Châu đã không ngừng đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với cách làm đồng bộ, từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến liên kết tiêu thụ sản phẩm, triển khai các bước hướng tới xây dựng thành công nhãn hiệu “Chè Phổng Lái - Thuận Châu”. Trên cơ sở các ý kiến tham gia góp ý tại hội thảo thống nhất về hệ thống nhận diện và quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu đã lựa chọn được mẫu Logo Chè Phổng Lái Thuận Châu có dạng hình elip, được thiết kế dựa trên sự kết hợp từ các yếu tố hình thành nên sản phẩm, trong đó hình ảnh chè được cách điệu, cốc đựng chè được tạo thành từ chính những chiếc lá chè. Việc sử dụng gam màu xanh lá cây kết hợp hài hòa với màu nâu của thân cây chè đã làm nổi bật lên hình ảnh đặc trưng của sản phẩm. Trong khuôn khổ Ngày hội nông sản năm 2018 diễn ra tại huyện Thuận Châu, Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chè Phổng Lái Thuận Châu” cho UBND huyện Thuận Châu. Ông Trần Xuân Tư, Bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Được cấp nhãn hiệu chè Phổng Lái, đời sống người dân, kể cả cả gia đình tôi rất là phấn khởi. Được Nhà nước công nhận cái nhãn hiệu chè này, tức là mình sản xuất ra có đầu ra, tiêu thụ thì bà con phấn khởi. Trước đây thì mình sản xuất ra chẳng có ai mua, bây giờ đầu ra là bảo đảm, bà con rất phấn khởi, ngay gia đình tôi cũng thế thôi, 1 tháng hái 3 lần, phấn khởi quá rồi, đến đâu hết đến đấy, xe đến tận nơi lấy, mình không phải chuyển đi đâu cả”.

Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, nên các sản phẩm chè chế biến tại Thuận Châu ngày càng có uy tín và đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hiện sản phẩm chè Phổng Lái đã có mặt tại thị trường Đài Loan với số lượng xuất khẩu là 850 tấn. Đặc biệt, để phát huy, tiềm năng, thế mạnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, những năm gần đây, nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè đã tham gia hợp tác, hướng dẫn người trồng chè ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo nguyên liệu sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Điển hình là các đơn vị như: Công ty TNHH nông sản Thân Nga, Công ty chè Thu Đan, Hợp tác xã chè Phổng Lái… Nhờ sự hợp tác này, hiệu quả kinh tế thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chè đã được nâng lên rõ rệt. Ông Lò Văn Báu -  Bí Thư Đảng ủy xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Bây giờ chúng tôi có 3 đơn vị thu mua, kinh doanh chè. Chúng tôi đã phân vùng, mỗi một đơn vị ở 1 địa bàn, không trồng lấn lên nhau và đều phải đưa các kỹ thuật để cho bà con trồng, ví dụ như các anh làm 1 loại chè gì thì phải có cái kỹ thuật đấy, theo cái chuỗi, đến đây là đều có hợp đồng từ đầu năm khi người dân làm ra đến đâu thì bao tiêu đến đấy. Và có được thương hiệu này thì chúng tôi đã đề xuất với huyện là những đơn vị nào, những hộ gia đình nào mới được sử dụng cái thương hiệu này, chứ không phải là ai cứ nằm ở trên địa bàn này là được sử dụng thương hiệu này. Phải có giấy phép, đủ điều kiện thì mới cấp phép để sử dụng”.

Những búp chè mang nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu” được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những búp chè xanh mướt, đảm bảo mỗi nhánh có đủ một tôm và hai lá non trên búp. Để chè có chất lượng tốt, người dân nơi đây thường thu hái chè vào buổi sáng sớm, lúc này, những tia nắng mặt trời mới bắt đầu ló rạng, những búp chè còn đọng nguyên sương đêm trong lành, tinh khiết của đất trời. Phát triển bền vững và đưa cây chè trở thành thế mạnh của địa phương là nỗ lực đang được người dân và chính quyền huyện Thuận Châu triển khai thực hiện. Việc xây dựng nhãn hiệu “Chè Phổng Lái” đã khó, để duy trì, quản lý và phát triển nhãn hiệu đó ra sao lại là vấn đề cần được các UBND huyện, các cấp, ngành, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn đặc biệt quan tâm. Ông Phạm Văn Doanh – Giám đốc Công ty TNHH trà Thu Đan, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Để giữ vững thương hiệu chè Phổng Lái được bền lâu thì sự kết hợp phải chặt chẽ từ Hội nông dân và các chương trình khuyến nông và các lớp tập huấn để mở rộng kiến thức cho người nông dân, nhất là người nông dân trồng chè và từ đó thì các nhà máy sẽ có sản phẩm đầu vào đảm bảo an toàn để sản xuất, chế biến và phải khẳng định được trước khi đưa ra thị trường là mình khẳng định được cái chất lượng của mình thực sự đảm bảo để đưa ra thị trường và mình mới có tiếng nói được trên cái thương trường quốc tế”.

Để duy trì và phát triển nhãn hiệu Chè Phổng lái, thời gian tới huyện Thuận Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện xác định cây chè là cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch; tiếp tục phát triển cây chè trên địa bàn. Những đồi chè xanh mướt trải dài trên các sườn đồi là thành quả do chính bàn tay lao động của những người trồng chè, tạo dựng lên vẻ đẹp thơ mộng, hùng vĩ của mảnh đất nơi đây, đưa sản xuất, chế biến và kinh doanh chè trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đến với Thuận Châu. 

Trang Nhung

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang