Táo Sơn Tra – Hương vị núi rừng Tây Bắc
Lượt xem: 1580

Táo Sơn Tra (hay còn gọi là táo mèo), vốn nổi tiếng với hương vị đậm đà và hương thơm đặc trưng, càng ở độ cao quả táo Sơn Tra càng có màu vàng tươi, thơm hơn và có vị chua ngọt. Cây Sơn Tra mọc trong các cánh rừng nguyên sinh và được trồng tại các xã, bản vùng cao, với độ cao cách mặt nước biển từ 700n đến 1.500m. Hiện nay, tỉnh Sơn La có gần 9.000 ha cây táo sơn tra, tập trung chủ yếu tại 03 huyện: Bắc Yên, Mường La, Thuận Châu. Đối với nhiều hộ gia đình, quả sơn tra đã trở thành nguồn thu nhập chính, đóng góp quan trọng vào cơ cấu kinh tế hộ.

Trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sơn tra của tỉnh Sơn La còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế khi chưa có thương hiệu nên khả năng cạnh tranh thấp, khó phân biệt được với sản phẩm khác trên thị trường; Chưa xây dựng được liên kết thị trường tiêu thụ; Chủng loại sản phẩm chế biến chưa đa dạng, khối lượng sản phẩm chế biến nhỏ, giao thông trong vùng sản xuất khó khăn. 

Nhận thấy giá trị to lớn của cây sơn tra, thời gian qua tỉnh Sơn La đã ban hành, thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển trồng, chế biến, kinh doanh sản phẩm Sơn Tra. Với mục tiêu phát triển bền vững chuỗi giá trị dựa trên xây dựng, quản lý và phát triển NHCN “Táo Sơn Tra Sơn La” nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thêm giá trị gia tăng và thu nhập cho các tác nhân (nông dân, HTX, doanh nghiệp chế biến, phân phối) tham gia trong chuỗi giá trị Sơn Tra, tỉnh Sơn La. Năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La phối hợp với UBND các huyện Bắc Yên, Thuận Châu, Mường La giaoTrung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Táo Sơn Tra Sơn La” cho sản phẩm táo sơn tra của tỉnh Sơn La”.

Ông Phạm Quang An - Giám đốc Sở KH&CN Sơn La trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “táo Sơn tra Sơn La” cho các đơn vị

Táo sơn tra có chứa các hoạt chất: Axit tactric, Vitamin C, Hydratcacbon, Protit, Tanin, Cholin với Một số công dụng chính đó là: Hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa, kích thích tiêu hóa, giảm béo, giảm mỡ máu... Đặc biệt Sơn Tra Sơn La được trồng, thu quả ở vùng núi cao có mùi thơm hơn trồng ở khu vực thấp.  Điều đó đã tạo ra hương vị đặc trưng cho táo sơn tra của Sơn La so với  khác vùng khác.

 Ông Nguyễn Văn Đoàn - chủ nhiệm dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Táo Sơn Tra Sơn La” cho sản phẩm táo sơn tra của tỉnh Sơn La” cho biết:  Điểm nổi bật thứ nhất là về quả Sơn Tra của Sơn La rất đa dạng về mẫu mã, như vùng Sơn Tra của Xím Vàng, Tà Xùa huyện Bắc Yên thì quả Sơn Tra nhỏ nhưng có màu phớt hồng, gọi là táo má hồng và có mùi rất là thơm. Hoặc táo Sơn Tra của các huyện như Mường La, Thuận Châu thì quả Sơn Tra không có màu sắc và mùi thơm như Sơn Tra ở huyện bắc yên nhưng quả Sơn Tra ở mường La và Thuận châu quả to, màu vàng sáng đẹp, ăn có vị giòn; Điểm khác biệt thứ 2 đó là trong chăm sóc Sơn Tra của Sơn La hiện nay thì bà con chưa đầu tư thâm canh, chính vì chưa đầu tư thâm canh nên hoàn toàn trong chăm sóc không có sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất bảo quản trong quá trình chế biến, và bà con cũng chưa sử dụng các loại phân bón hóa học vì vậy các sản phẩm Sơn Tra của Sơn La là sản phẩm rất là sạch; Điểm nổi bật thứ 3 của Sơn Tra Sơn La đó là diện tích trồng Sơn Tra là tỉnh có diện tích trồng Sơn Tra lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Cũng chính vì diện tích lớn nên sản lượng thu hoạch hàng năm lớn, đây cũng là điểm nổi bật để nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như vị thế của quả Sơn Tra của Sơn La trên thị trường

Qua quá trình triển khai xây dựng trên cơ sở các ý kiến tham gia góp ý tại hội thảo, thống nhất về hệ thống nhận diện và quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu đã lựa chọn được mẫu Logo là sự kết hợp giữa 2 hình ảnh quả Táo Sơn Tra nguyên vẹn và cắt nửa. Với 2 tông màu chủ đạo chính là xanh lá và vàng cam. Tổng thể logo là hình elip nằm ngang với tên thương hiệu Táo Sơn Tra nổi bật ở trung tâm, và tên Sơn La ngay bên dưới. Về tiêu chí cảm quan Táo sơn Tra Sơn La có hình dạng bầu dục dạng tròn, có màu xanh đậm khi chưa chính và màu vàng nhạt, phớt hồng khi chín, có mùi thơm vị chua, chát, hơi ngọt.

Sau gần 2 năm xây dựng thương hiệu, ngày 22 tháng 9 năm 2018, trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Yên, ông Phan Ngân Sơn – Phó cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Táo Sơn Tra Sơn La” cho Chủ sở hữu nhãn hiệu là Sở Khoa học và Công nghệ. Sản phẩm Táo Sơn tra của tỉnh Sơn La được bảo hộ gồm: quả táo sơn tra tươi, sơn tra khô, rượu sơn tra.

Táo Sơn Tra Sơn La đã có được thương hiệu nhưng để giữ gìn và phát huy được thương hiệu, để các sản phẩm Táo Sơn tra Sơn La không bị trà trộn bởi các sản phẩm kém chất lượng ngoài việc sản xuất các sản phẩm táo Sơn Tra đạt chất lượng của các Hợp tác xã, bà con nông dân thì rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng trong việc xây dựng, quản lý, kết nối các chuỗi tiêu thụ, sự vào cuộc các đơn vị sản xuất kinh doanh.

Ông Trịnh Văn Tuấn - Giám đốc trung tâm phát triển hệ thống nông nghiệp - đơn vị chủ trì dự án cho biết: Hiện nay chúng ta biết rằng là việc xây dựng thương hiệu mới chỉ khẳng định là bước đầu, còn việc quản lý và làm thế nào để phát huy được giá trị của thương hiệu thì là cả một chặng đường dài. Thì trong thời gian tới tỉnh Sơn La cần phải làm gì? việc đầu tiên phải nghĩ tới đó là làm thế nào để giúp đỡ bà con nhân dân chuyển từ hình thức sản xuất là khai thác tự nhiên sang hình thức là trồng thì mới có thể cho năng suất cao. Việc thứ 2: chúng ta cần phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã,là giúp cho bà con nông dân chế biến sâu để chúng ta có các sản phẩm đầu ra ổn định hơn; việc thứ 3 đó là chúng ta phải căn cứ vào các quy chế quản lý nhà nước, làm thế nào để quản lý được nhãn hiệu tốt nhất có thể và giúp cho bà con nông dân là các sản phẩm ra trên thị trường có thể cạnh tranh lành mạnh với các sản phẩm hàng giả hàng nhái; cái cuối cùng là hiện nay bà con nông dân vẫn đang sản xuất rất là đơn lẻ, cần phải có thêm các hợp tác xã để giúp cho bà con từ việc sản xuất đến việc hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, lôi kéo các doanh nghiệp vào để các doanh nghiệp là đầu tàu cho việc chế biến sâu các sản phẩm thì mới có thể giúp phát triển bền vũng và ổn định cho sản phẩm sơn tra.

Việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận “Táo Sơn Tra Sơn La” là cơ sở để mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh sơn tra, nâng cao đời sống của nông dân trồng sơn tra, đặc biệt là bà con dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh.

Phan Dương
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang