Nghiên cứu ứng dụng chế biến lõi ngô, bã mía, vỏ chanh leo làm thức ăn cho bò sữa tại Sơn La
Lượt xem: 816

Sơn La có lượng lớn nguồn phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến như: lõi ngô, vỏ quả chanh leo và phụ phẩm mía đường, nếu tận dụng tốt nguồn nguyên liệu này không chỉ tạo nguồn thức ăn cho đàn gia súc mà còn giải quyết bài toán về ô nhiễm môi trường.

Đàn gia súc của tỉnh Sơn La ngày càng phát triển, tập trung chính vào đàn bò sữa và bò thịt, nhu cầu thức ăn rất lớn. Theo khảo sát thực tế, nguồn thức ăn thô tại tỉnh hiện không cung cấp đủ cho số lượng đàn trâu bò, đặc biệt vào mùa đông, nhiều hộ chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu thiếu thức ăn thô cho bò và phải mua bổ sung thêm nguồn thức ăn cho bò từ các nơi khác với giá tương đối cao. Hơn nữa, với tốc độ tăng đàn như hiện tại, trong khi diện tích đất trồng cỏ, ngô đang bị thu hẹp dần thì nguồn thức ăn cho gia súc sẽ ngày càng thiếu hụt. Hiện, toàn tỉnh có trên 152.440 ha ngô, sản lượng ngô đạt 593.216 tấn, khối lượng lõi ngô 118.643 tấn; Công ty cổ phần Mía đường Sơn La hàng năm sử dụng trên 400.000 tấn mía cây, các phụ phẩm mía đường (ngọn lá, bã mía, rỉ mật), theo tính toán khối lượng bã mía chiếm khoảng 15% khối lượng thân cây mía mang ép, như vậy khối lượng bã mía tại nhà máy là 60.000 tấn/năm, đều có thể sử dụng làm thức ăn cho bò nếu chế biến và bảo quản đúng cách. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc đang đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chanh leo tại nhiều địa phương trong tỉnh, dự kiến năm 2020 diện tích chanh leo đạt 5.000 ha, trong quá trình hoạt động nhà máy chế biến chanh leo sẽ thải ra một lượng lớn các phụ phẩm vỏ và hạt chanh leo khoảng 100.000 - 150.000 tấn, cùng với đó là các phụ phẩm khác như cành, lá chanh leo đều có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc. Như vậy có thể thấy, rất nhiều nguồn nguyên liệu có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Mô hình chế biến lõi ngô, bã mía, vỏ chanh leo làm thức ăn cho bò sữa

tại Mộc Châu.

Nhận thấy tiềm năng từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến để làm thức ăn cho bò sữa nói riêng và gia súc nói chung, tháng 7/2017, tỉnh Sơn La đã phê duyệt triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng chế biến lõi ngô, bã mía, vỏ chanh leo làm thức ăn cho bò sữa tại Sơn La” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, Tiến sỹ Trần Hiệp làm Chủ nhiệm. Sau 2 năm nghiên cứu, đã tiến hành phân tích thành phần hóa học, giá trị dinh dưỡng của các phụ phẩm; thử nghiệm 9 công thức chế biến bảo quản bã mía, lõi ngô, vỏ chanh leo trong phòng thí nghiệm; thử nghiệm, thực nghiệm tại các hộ chăn nuôi bò sữa; xây dựng và hoàn thiện 4 quy trình sản xuất, bảo quản; tổ chức tập huấn, chuyển giao công thức chế biến. Qua sử dụng phụ phẩm chế biến trong nuôi dưỡng bò cái tơ và bò vắt sữa cho thấy, thức ăn ủ chua đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, giảm chi phí đầu tư.

Tiến sỹ Trần Hiệp, Chủ nhiệm Đề tài chia sẻ: Đề tài được thực hiện với mục tiêu xây dựng mô hình liên kết thu gom, chế biến, sản xuất thức ăn cho bò sữa từ phụ phẩm bã mía, lõi ngô, vỏ chanh leo. Việc khai thác sử dụng bã mía, lõi ngô, vỏ chanh leo làm thức ăn cho bò sữa ở Mộc Châu không những sẽ tăng thêm nguồn thức ăn thô đang thiếu mà còn có rất nhiều lợi ích khác về xã hội và môi trường. Hơn nữa, khi thí điểm ủ ướp các phụ phẩm từ lõi ngô, vỏ chanh leo, bã mía và rỉ mật thì làm cho thức ăn mềm, có mùi thơm và bò ăn nhiều hơn. Đề tài đã mang lại giá trị về mặt khoa học và có tính ứng dụng cao vào thực tiễn sản xuất. Quá trình triển khai thực hiện đã có sự liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông, qua đó thúc đẩy việc chuyển giao tiến bộ khoa học, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Qua đánh giá thực tế cho thấy, việc sử dụng phụ phẩm từ ngô, chanh leo và bã mía đã làm giảm chi phí trong chăn nuôi. Đặc biệt là việc sử dụng loại thức ăn này đã đem lại năng suất sữa cao hơn, theo đó trước khi sử dụng thức ăn được chế biến từ lõi ngô, bã mía, vỏ chanh leo thì năng suất sữa bình quân của bò đạt 20,56 kg/con/ngày, còn sau khi sử dụng thức ăn chế biến năng suất sữa đạt 21,03 kg/con/ngày. Bên cạnh đó, người chăn nuôi chủ động được nguồn thức ăn cho đàn gia súc, tránh được tình trạng thiếu hụt thức ăn vào mùa đông.

Với những kết quả của Đề tài đem lại chính là tiền đề quan trọng để tỉnh ta xem xét, phát triển mô hình chăn nuôi bền vững, việc liên kết, kết nối giữa cơ sở chế biến chanh leo, chế biến ngô với các hộ chăn nuôi bò sữa sẽ là nền tảng quan trọng trong việc giảm giá thành sản phẩm, tăng năng suất và chất lượng sữa cũng như góp phần bảo vệ môi trường.

Phan Dương

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang