SỬ DỤNG CÂY CHE BÓNG GIẢM THIỂU TÁC HẠI CỦA SƯƠNG MUỐI ĐẾN CÀ PHÊ CHÈ TẠI SƠN LA
Lượt xem: 1593

Sơn La là một trong những tỉnh sản xuất cà phê chè lớn nhất vùng Tây Bắc với diện tích khoảng 17.000 ha. Cây cà phê chè được coi là cây xóa đói giảm nghèo ở một số vùng, là cây mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào các dân tộc Sơn La. Cây cà phê có khả năng sinh trưởng, phát triển và đạt chất lượng cao khi được trồng ở các khu vực Tây Bắc có điều kiện như: Độ cao từ 500 - 1.500 m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình từ 15 - 250C, lượng mưa từ 1.500 - 2.000 mm/năm và đất xám có tầng canh tác dày.

Tuy nhiên, vào những ngày nhiệt độ thấp (nhỏ hơn 10oC) và trời quang mây lặng gió (tốc độ từ 0 - 1m/s), sương muối thường xuất hiện và gây hại ở các dải thung lũng thấp do có không khí lạnh đi xuống từ các sườn đồi, núi, đặc biệt vào ban đêm. Ở điều kiện đó, nhiệt độ mặt đất hạ thấp hơn nhiệt độ không khí, khiến cho hơi nước trong lớp không khí ở vùng tiếp giáp với mặt đất lạnh sẽ ngưng tụ thành những giọt nước bám vào lá cây, tạo thành sương muối. Ban ngày, dưới tác dụng của bức xạ mặt trời, các hạt sương lạnh bốc hơi nhanh chóng làm cho các mô cây bị giảm nhiệt độ đột ngột. Khi nhiệt độ dưới mức giới hạn sinh vật học có thể phá hủy cơ chế tế bào sinh vật của cây, làm lá cây bị héo táp, nhất là những cây non. Sương muối thường xảy ra vào mùa đông, tập trung vào tháng 11-12, mức độ nặng có thể gây ra hiện tượng cà phê chết hàng loạt, thậm chí còn xoá sổ hoàn toàn. Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu và phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc cho thấy có 4 đợt sương muối hại nặng trong giai đoạn từ cuối năm 1999 - 2019. Đợt sương muối tháng 12 năm 2019 đã gây thiệt hại 3.159 ha cà phê chè đang trong giai đoạn cho thu hoạch tập trung, chủ yếu tập trung tại các huyện Mai Sơn, thành phố Sơn La và Thuận Châu. Qua theo dõi, số liệu nhiệt độ đo được trong giai đoạn này tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông lâm nghiệp Tây Bắc (Chiềng Ban, Mai Sơn) trong khoảng <00 C trong thời gian từ 1h đêm đến 6h sáng.

Cà phê chè thuộc nhóm cây ưa ánh sáng tán xạ, tuy nhiên việc sản xuất cà phê vùng Tây Bắc thường xuyên không áp dụng biện pháp trồng cây che bóng. Điều này dẫn tới ngành cà phê tại khu vực thường nhạy cảm và hay bị ảnh hưởng nặng nề của thời tiết cực đoan như các đợt sương muối kể trên. Hàng loạt các nghiên cứu đã cho thấy, cây cà phê có thể chống chịu tốt hơn với sương muối nếu áp dụng các giải pháp như hun khói, tưới nước rửa sương vào buổi sớm và trồng cây che bóng. Trong đó, biện pháp trồng cây che bóng thể hiện có tính ưu việt cả về hiệu quả phòng sương muối cũng như khả năng ứng dụng của đồng bào dân tộc. Kết quả điều tra của Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy các vườn cà phê có che bóng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thì sau 25 năm vẫn cho năng suất từ 3 - 4 tấn nhân/ha, vườn sinh trưởng vẫn tốt, trong khi đó các vườn cà phê không có cây bóng năng suất giảm còn 2 - 2,5 tấn nhân/ha (Trương Hồng, 2000).

 Năm 2017, Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông lâm nghiệp Tây Bắc đã thử nghiệm mô hình trồng cây che bóng và không che bóng trên diện tích 1 ha cà phê tại Trung tâm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cây che bóng ngoài việc giúp vườn cà phê sinh trưởng phát triển tốt hơn, đã gần như giảm 85% tác hại do sương muối gây ra so với mô hình không che bóng.

Cây che bóng có tác dụng điều hòa nhiệt độ và ẩm độ trong nương đồi cà phê chè. Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ bề mặt lá cà phê chè trồng có che bóng cao hơn so với trồng không có cây che bóng từ 1,5 - 5,5oC vào mùa đông lạnh, nhưng lại mát hơn từ 2 - 5 oC vào mùa hè. Cây che bóng giúp giảm ánh sáng trực tiếp từ ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào cây cà phê, giúp quang hợp của cây cà phê diễn ra thuận lợi hơn, tránh được hiện tượng cháy lá khi cà phê vừa mới chuyển từ giai đoạn vườn ươm ra ngoài vùng trồng. Tán cây che bóng vừa có tác dụng cản nhiệt độ lạnh đột ngột về đêm, đồng thời tán lá cũng giúp cản việc tăng nhiệt độ nhanh chóng vào ban ngày. Điều này làm cho nương cà phê có cây che bóng sẽ ít bị ảnh hưởng của việc chênh lệch nhiệt độ ngày đêm quá lớn và diễn ra nhanh, mô lá sẽ ít bị sốc nhiệt.

 Trong các nghiên cứu về hệ thống nông lâm kết hợp hiện nay của Trung tâm nông lâm kết hợp thế giới (ICRAF), muồng lá nhọn và cây keo dậu thường được sử dụng nhằm tận dụng ưu thế sinh trưởng của tán lá cũng như cải tạo đất của cây họ đậu thân gỗ. Trong điều kiện thích hợp, mỗi năm chúng có thể cố định được khoảng 500 kg đạm/ha. Ngoài ra, keo dậu và muồng lá nhọn là cây chịu hạn rất tốt, có thể duy trì bộ lá xanh trong suốt mùa khô, giúp hạn chế được quá trình bốc thoát hơi nước, giữ ẩm cho đất và điều hòa nhiệt độ trong vườn cà phê. Một số vùng lựa chọn cây ăn quả như bơ và xoài để làm cây che bóng, chúng có tác dụng hạn chế sương muối và tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Một số dự án đã thực hiện trồng cây ăn quả theo băng trong vườn cà phê chè với mật độ 8-12 m cho kết quả tốt (Hình 3).

Kết quả nghiên cứu về trồng xen của Viện khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng khẳng định một số cây ăn quả tán cao và thưa có thể trồng xen như bơ và xoài... với khoảng cách trồng thích hợp 8m - 12m, cây trồng theo băng có thể thay cây che bóng lâu dài trong vườn cà phê nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Đối với các khu vực bị sương muối nặng, phải cưa đốn phục hồi, việc trồng xen các loại cây đậu đỗ, lạc vào giữa 2 hàng cà phê giai đoạn sau đốn cách hàng cà phê tối thiểu 0,5 m là giải pháp kỹ thuật vừa có tác dụng hạn chế xói mòn rửa trôi đất, có nguồn tàn dư thực vật để cung cấp hữu cơ cải tạo độ phì nhiêu của đất; vừa có thêm thu nhập từ việc thu hoạch sản phẩm từ cây đậu đỗ.

Việc trồng cây che bóng không chỉ giảm thiểu tác hại của sương muối trong mùa đông mà còn điều hòa độ ẩm, nhiệt độ cao trong mùa hè, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu làm tăng cao số ngày nắng nóng hiện nay giúp cho nương cà phê sinh trưởng phát triển tốt hơn trong mùa hè. Đồng thời, còn là các giải pháp kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất, chất lượng của cà phê một cách bền vững, tăng thu nhập cho người dân và góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường.

Nguyễn Phi Hùng,

Nguyễn Quang Trung,

 Nguyễn Thị Vân

Trung tâm nghiên cứu và phát triển

 nông lâm nghiệp Tây Bắc

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang