Phát triển kinh tế HTX theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tại Sơn La - Những giải pháp trong thời gian tới
Lượt xem: 1819

Là một tỉnh miền núi của vùng Tây Bắc, trong những năm gần đây, các mô hình kinh tế hợp tác, Hợp tác xã (HTX) tại Sơn La đã và đang từng bước phát triển, khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Sự phát triển của mô hình HTX tại Sơn La đã khắc phục những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp hiện nay bao gồm: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng nông sản. Qua đó, HTX đã tạo thêm việc làm, cải thiện nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, gắn phát triển kinh tế HTX tạo động lực cơ bản góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phát triển HTX ở Sơn La còn không ít tồn tại, hạn chế như: Tài sản, cơ sở vật chất vẫn ở quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động của HTX chưa tương xứng với tốc độ tăng số lượng HTX, các HTX ở Sơn La còn gặp nhiều rào cản để phát triển bền vững. Để đưa ra các căn cứ khoa học đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế HTX hiệu quả và bền vững gắn với với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2018 – 2020. Năm 2019, Học viện nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Phát triển kinh tế HTX theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới: Kinh nghiệm một số địa phương trong nước và giải pháp cho tỉnh Sơn La”, tiến sĩ Lê Thị Minh Châu Làm chủ nhiệm.

Sau hơn 01 năm triển khai nghiên cứu cho thấy, giai đoạn cuối 2010, đầu 2011, mô hình HTX tại Sơn La đã có những thay đổi bước đầu để thích ứng tốt với cơ chế thị trường nhưng những thay đổi chưa đủ mạnh. Sự phát triển của mô hình HTX còn thiếu động lực để có sự thay đổi đồng bộ cả về số lượng và chất lượng, Các HTX gặp nhiều khó khăn về phương án sản xuất kinh doanh, về vốn, về đất đai, cơ sở hạ tầng, thị trường… Đến giai đoạn (2012-2015), sau khi có Luật HTX năm 2012 và hoạt động bắt đầu triển khai của Chương trình xây dựng Nông thôn mới, số lượng các HTX nông nghiệp đã tăng nhẹ. Kể từ 2016 đến nay, nhờ có những chính sách của Nhà nước và sự quan tâm của tỉnh về các chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình OCOP, Đề án phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 đã góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu, xây dựng vùng nguyên liệu… kinh tế tập thể, HTX phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; các loại hình Tổ hợp tác, HTX đều phát triển, dần khẳng định được vai trò, vị trí mình trong nền kinh tế nhiều thành phần hiện nay. Hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của các HTX, đơn vị thành viên có mức tăng trưởng khá; HTX tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng; doanh thu, vốn và nộp thuế đều tăng; các HTX đã biết phát huy nội lực, ứng dụng khoa học, kỹ thuật cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Xu thế hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác ngày càng được mở rộng và có hiệu quả thiết thực, tính cộng đồng trong HTX được phát huy mạnh mẽ. Công tác quản lý nhà nước về Kinh tế tập thể bước đầu đã được các cấp, các ngành chú trọng. Bộ máy theo dõi, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX từ tỉnh tới huyện đã được quan tâm, củng cố; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc được đảm bảo; đội ngũ cán bộ được trẻ hóa, có trình độ và được bồi dưỡng, đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu công việc. Khu vực kinh tế tập thể là kênh huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, xây dựng nông thôn mới góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 661 HTX, 258 tổ HTX, với tổng số 31.499 thành viên, hoạt động trên các lĩnh vực: Nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng; tín dụng; thương mại, dịch vụ du lịch, quản lý chợ; vận tải. Năng lực sản xuất kinh doanh của các HTX, Liên hiệp HTX đang từng bước được quan tâm đầu tư về chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh và quy mô, chất lượng sản phẩm. Tổng số vốn hoạt động đạt 3.312 tỷ, theo số liệu thống kê, doanh thu bình quân một HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La qua những năm gần đây đều tăng, năm 2018 đạt 1,7 tỷ đồng/HTX/năm, tăng 200 triệu đồng so với năm 2017. Năm 2014, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 1,6 triệu đồng/tháng, đến năm 2019 đã tăng lên 3 triệu đồng/tháng (tăng 87,5%). Kết quả sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các loại hình HTX  cho thấy các hoạt động của các HTX ở Sơn La đã bước đầu mang lại lợi ích cho xã viên và HTX. Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, hầu hết các HTX đều hoạt động có lãi, hiệu quả. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX đã cung cấp kịp thời, có hiệu quả một số khâu dịch vụ cho xã viên, tìm được đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo thu nhập cho xã viên góp phần nâng cao đời sống và đảm bảo thu nhập cho lao động mỗi năm. Diện tích trồng cây ăn quả của các hộ thành viên bình quân từ 1,2 ha -1,5 ha. Vì vậy, tổng thu nhập từ trồng cây ăn quả của các hộ đạt khoảng 180 - 455 triệu đồng/năm. Đồng thời, xây dựng được các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng xây dựng thành công 144 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn ổn định, trong đó có 120 chuỗi của các HTX: có 16 chuỗi rau an toàn, 82 chuỗi cung ứng quả an toàn, 06 chuỗi chè, cà phê, 02 chuỗi cung ứng thịt gà, 14 chuỗi thủy sản, 03 chuỗi mật ong; tham gia ‘‘Xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa’’…. Bên cạnh đó, các HTX đã tập trung sản xuất sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, gắn sản xuất với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tham gia sản xuất và xuất khẩu 10.611 tấn quả các loại sang 12 thị trường như: Australia, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 81 triệu USD, trong đó giá trị nông sản xuất khẩu ước đạt trên 78 triệu USD... Đây đang là hướng đi ổn định, bền vững, tạo việc làm cho bà con nông dân; liên doanh liên kết, nâng cao chất lượng sống cho người dân, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn.

Từ kết quả trên cho thấy, các HTX kiểu mới đã hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, tạo điều kiện cho kinh tế hộ trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ, tiếp cận thị trường... phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất có hiệu quả, nâng cao hiệu quả kinh tế và nhất là đã thực hiện việc liên kết, bảo đảm đầu ra cho nông sản. Trên một số lĩnh vực, HTX đã mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị, nguồn vốn để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, góp phần làm thay đổi căn bản đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn trong xây dựng nông thôn mới... Hiện, Sơn La đã có 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt trước 1 năm và vượt 18 xã so mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 40,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 26,8%... 

Tuy nhiên, phát triển kinh tế tập thể, HTX tại Sơn La thời gian qua có một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tổ chức, quản lý điều hành các HTX chưa bắt kịp những thay đổi của thị trường; Thiếu vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như năng lực tiếp cận thị trường còn yếu; hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế sẵn có; Thiếu chủ động liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Qua nghiên cứu quá trình triển khai thực hiện phát triển mô hình HTX bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang cho thấy, các yếu tố để thực hiện thành công từ những địa phương này đó là: Các địa phương đã có quan điểm đổi mới của cán bộ quản lý cấp tỉnh đã tạo ra sự đồng bộ/thống nhất về chính sách, hướng tiếp cận khi triển khai các chính sách hỗ trợ; Coi chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cộng đồng,  tập trung phát triển chuỗi, đẩy mạnh tuyên truyền và xúc tiến thương mại; Tạo bước đột phá bằng chất lượng sản phẩm và định hướng sản xuất theo chuẩn, truy xuất nguồn gốc, đồng thời, giao quyền và tạo động lực phát huy vai trò của Liên minh HTX tỉnh trong phát triển HTX; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong công tác tư vấn, hỗ trợ các HTX; Đa dạng hóa sản phẩm trên cơ sở khai thác lợi thế của địa phương; Xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ trong và ngoài HTX; Ứng dụng tiến hộ KHKT trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm được xác định trong quá trình thực thi chính sách hỗ trợ phát triển HTX tại Sơn La, cũng như các bài học kinh nghiệm được xây dựng từ các địa phương, đề tài đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế HTX gắn với nông thôn mới đó là: Hình thành các chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tăng cường tính tự chủ của HTX trong các hoạt động, xây dựng các cơ chế khuyến khích hợp tác xã tạo dựng mạng lưới các thành viên liên kết trong vùng tham gia vào kế hoạch sản xuất kinh doanh của hợp tác xã, Xây dựng cơ chế phù hợp trong thu hút cán bộ trẻ có trình độ cao về làm việc tại hợp tác xã … Đồng thời đề xuất 5 nhóm giải pháp bao gồm: Hỗ trợ tháo gỡ những rào cản trong việc tiếp cận các chính sách; Rút ngắn những khoảng cách giữa nhu cầu thực tế và các chương trình hỗ trợ được triển khai; Đẩy mạnh các giải pháp hoàn thiện mô hình HTX về mặt bản chất hoạt động, tăng cường phát huy nội lực và tạo tính bền vững cho mô hình này sau khi các chính sách hỗ trợ kết thúc; Tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong hỗ trợ các phát triển kinh tế hợp tác xã gắn với chương trình nông thôn mới; Hỗ trợ nâng cao năng lực để tăng tính chủ động của các HTX trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển HTX.

Với những đề xuất mà đề tài đưa ra sẽ là cơ sở khoa học để trong những năm tới tỉnh Sơn La sẽ bổ sung các chính sách, chương trình hỗ trợ sao cho phù hợp hơn với đặc điểm của các HTX trên phạm vi địa bàn được hỗ trợ; tập trung củng cố, đổi mới, phát triển mô hình HTX theo chiều sâu, với nhiều mô hình đa dạng, coi trọng hiệu quả hoạt động và mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên, từ đó góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La.

                                                                                  Ánh Nguyệt (Trung tâm Thông tin và ứng dụng KHCN)

Hoàng Ánh Thêu (Trường Chính trị tỉnh Sơn La)

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang