Thực trạng một số bệnh không lây nhiễm và giải pháp nâng cao năng lực cho y tế có sở trong khám chữa một số bệnh không lây nhiễm tỉnh Sơn La
Lượt xem: 2585

Với mục tiêu xác định tỷ lệ mắc một số bệnh không lây nhiễm tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch và các yếu tố liên quan đến bệnh của người dân các dân tộc tỉnh Sơn La; Đánh giá năng lực khám chữa một số bệnh không lây nhiễm của y tế cơ sở tỉnh Sơn La và hiệu quả giải pháp can thiệp nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho cán bộ y tế cơ sở, năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện đề tài “Thực trạng một số bệnh không lây nhiễm và giải pháp nâng cao năng lực cho y tế có sở trong khám chữa một số bệnh không lây nhiễm tỉnh Sơn La”, thạc sĩ, bác sỹ Đỗ Xuân Thụ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm chủ nhiệm.

Sau 02 năm triển khai nhóm nghiên cứu đã triển khai các nội dung chính: Điều tra cộng đồng về các yếu tố nguy cơ dịch tễ học bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường; Nghiên cứu đánh giá thực trạng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại tuyến cơ sở; Xây dựng giải pháp can thiệp, tiến hành can thiệp và đánh giá hiệu quả giải pháp can thiệp nâng cao năng lực quản lý kham chữa một số bệnh không lây nhiễm.

Qua điều tra, khảo sát 1.080 người dân trong độ tuổi từ 40 tuổi trở lên tại 9 điểm thuộc 3 huyện thành phố gồm: Huyện Thuận Châu, Mai Sơn và thành phố Sơn La được khảo sát tiến hành khám sàng lọc, cho thấy tỷ lệ mắc bệnh không lây nghiễm còn cao, cụ thể bệnh tăng huyết áp (THA) trên 40% và đái tháo đường (ĐTĐ) là trên 6% đối với những người từ 40 tuổi trở lên.

Các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp, đái tháo đường là do đối tượng sử dụng thuốc lá, uống rượu bia, chế độ ăn uống, không thể dục thể thao thường xuyên và những người thừa cân, béo phì... Nhu cầu khám chữa bệnh một số bệnh không lây nhiễm qua nghiên cứu có 59% số họ đã đi khám sức khỏe để phát hiện bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường trong 6 tháng vừa qua. Bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường có 45% muốn điều trị tại bệnh viện tỉnh, 21% tại bệnh viện huyện và 30% tại trạm y tế…

Kết quả đánh giá năng lực khám chữa một số bệnh không lây nhiễm của y tế cơ sở tỉnh Sơn La và hiệu quả giải pháp can thiệp nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho cán bộ y tế cơ sở (CBYTCS) cho thấy: Về nhu cầu khám chữa bệnh: 93% đối tượng nghiên cứu mong muốn được biết thêm thông tin về bệnh THA và ĐTĐ; 72% đối tượng nghiên cứu mong muốn được khám sức khỏe định kỳ 06 tháng/lần; 88% đối tượng muốn được quản lý và điều trị THA/ĐTĐ tại TYT xã; 98% muốn được cán bộ TYT có năng lực khám chữa bệnh THA/ĐTĐ cho; 99% muốn TYT có thêm TTB cho công tác khám và điều trị THA/ĐTĐ; 98% muốn tham gia buổi truyền thông dự phòng THA/ĐTĐ và 99% ủng hộ các can thiệp dự phòng THA/ĐTĐ tại cộng đồng.

Về năng lực của CBYTCS: Trên 50% CBYTCS trả lời đúng các câu hỏi về kiến thức, kỹ năng thực hành khám, điều trị, quản lý  THA, ĐTĐ tại TYT. Gần 90% CBYT cho rằng họ có năng lực về phát hiện bệnh, 85% có năng lực về quản lý bệnh và gần 89% có năng lực tư vấn cho bệnh nhân về THA. Về các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý điều trị THA và ĐTĐ: thiếu nguồn nhân lực có trình độ; thiếu trang thiết bị thuốc thiết yếu, thiếu tài liệu hướng dẫn thực hành. Để nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho CBYTCS nhóm đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp can thiệp thông qua đào tạo, truyền thông, trang bị tài liệu, trang thiết bị, giám sát, hỗ trợ chuyên môn trực tiếp đã được áp dụng trên 22 CBYTCS huyện Thuận châu. Thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến tài liệu về kiến thức, thái độ, kỹ năng thực hành về khám chữa, quản lý và phòng THA, ĐTĐ của 22 CBYTCS huyện Thuận Châu. Tỷ lệ trả lời đúng các câu hỏi đánh giá tăng từ trên 50% (trước can thiệp) lên trên 90% sau can thiệp. 100% CBYTCS sau can thiệp sử dụng thành thạo thiết bị test nhanh ĐTĐ, thực hành đẩy đủ và đúng các bước thăm khám, điều trị, quản lý bệnh nhân. Giám sát, hỗ trợ trực tiếp tại các TYT Muổi Nọi, Chiềng Pấc, Thị trấn do 2 cán bộ chuyên môn THA, ĐTĐ của Bệnh viện đa khoa tỉnh. Nhóm zalo hỗ trợ online 24/24h trao đổi thông tin, tư vấn thường xuyên đối với các cán bộ y tế cơ sở, giải đáp các thắc mắc về quản lý, đặc biệt là các phác đồ điều trị bệnh nhân THA, ĐTĐ đến khám tại các TYT cung cấp thông tin nhanh và kịp thời, sau can thiệp đã có các nhóm, câu lạc bộ là nơi chia sẻ, các kinh nghiệm về bệnh. Cung cấp 03  máy đo huyết áp, 03 máy thử đường huyết tại 3 xã, thị trấn Thuận Châu, mỗi xã, thị trấn được bổ sung máy và được hướng dẫn cụ thể các sử dụng, bảo quản máy, cách phát hiện những trường hợp test nhanh máu có vấn đề, phát sóng đều đặn 2 lần/tháng trên loa phát thanh của xã, CBYT đã chủ động lồng ghép các chủ đề THA, ĐTĐ trong các cuộc họp người cao tuổi, là các đối tượng nguy cơ cao THA, ĐTĐ.

Để phòng tránh các nguy cơ dẫn đến bệnh không lây nhiễm đề tài cũng đưa ra một số khuyến cáo đối với người dân: Uống ít rượu bia, ăn nhạt, thường xuyên tập thể dục, thể thao, khám định kỳ sức khỏe để phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm để có phương pháp điều trị phù hợp.

Kết quả của đề tài là những tư liệu khoa học giúp cho các đơn vị y tế có thể nắm rõ tình hình để hoạch định những chính sách y tế phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, đầu tư trang thiết bị phù hợp cho  các đơn vị y tế cơ sở và thực thi các chính sách, giải pháp nhằm giảm tỷ lệ THA, ĐTĐ tại cộng đồng. Kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển giao cho Sở Y tế Sơn La nhằm nhân rộng hiệu quả và mô hình ra các huyện khác trong tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số qua hình thức đào tạo tại chỗ thông qua hướng dẫn thực hành.

Bích Đào

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang