Định hướng phát triển thủy sản cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình
Lượt xem: 1450

Là tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, những năm qua, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chính sách quan tâm đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản, từng bước xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, bài toán khó hiện nay đối với các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản cũng như các hợp tác trên địa bàn tỉnh xã chính là đầu ra cho các sản phẩm thủy sản. Để đưa ra cơ sở khoa học về thực trạng nuôi trồng và thị trường tiêu thụ thủy sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình kết hợp với việc nghiên cứu thị trường tiêu thụ thủy sản một số tỉnh miền Bắc, định hướng phát triển thủy sản cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản vùng hồ thủy điện Sơn La. Năm 2019, Trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ - Trường Đại học Tây Bắc chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu thị trường thủy sản: Định hướng phát triển thủy sản cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình”, thạc sĩ Trương Thị Luân làm chủ nhiệm.

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu, năm 2020, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.792 ha, tăng 8,7% so với năm 2015, sản lượng ước đạt 8.826 tấn, giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 121 triệu đồng/ha. Phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ở các huyện vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa bình như: Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu, Vân Hồ, Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu. Có 3 hình thức nuôi chủ yếu là: Nuôi thủy sản trên ao hồ nhỏ và ruộng chuyển đổi; Nuôi cá nước lạnh trong lồng và nuôi cá lồng bè khu vực lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La và các hồ thủy lợi, thủy điện. Trong đó, nuôi cá lồng vùng lòng hồ phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và quy mô sản xuất, với 73 doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã,. Riêng tại Quỳnh Nhai, có 46 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, tổng số 7.000 lồng cá, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt đạt 2.600 tấn thủy sản/năm, gần 10.000 hộ dân tham gia. Toàn tỉnh có 10 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp được trao quyền sử dụng Giấy chứng nhận thương hiệu “Cá sông Đà - Sơn La” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp. Nhờ có nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, môi trường nước sạch, không ô nhiễm nên cá nuôi tại vùng lòng hồ có chất lượng tốt, thịt cá dai, chắc không tanh, ngọt vị tự nhiên, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, các HTX, DN nuôi trồng thủy sản vùng lòng hồ đã áp dụng quy trình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGap, Xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ, hướng tới phát triển nuôi cá lồng theo hướng hiệu quả, bền vững.

Nhóm thực hiện đề tài cùng các đại biểu đại diện các sở, ngành tham quan mô hình nuôi cá lồng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La tại Hợp tác xã Hồ Quỳnh, huyện Quỳnh Nhai.

Với đặc điểm là loài cá tự nhiên, chất lượng đảm bảo, giá trị dinh dưỡng cao mà cá được nuôi trên Sông Đà trở đang thành loại thực phẩm được rất nhiều người yêu thích hiện nay. Chính vì vậy, những năm gần đây, các cấp các, ngành từ tỉnh đến huyện đã tổ chức xây dựng một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm thủy sản, kết hợp phục vụ khách tham quan, du lịch, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết với các hộ nuôi cá lồng tổ chức thu mua, tiêu thụ, phân phối sản phẩm thủy sản. Đến nay, tỉnh Sơn La tiến hành hỗ trợ xây dựng 17 chuỗi thủy sản trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La và lòng hồ thủy điện Hòa Bình; Hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP hoặc tương đương cho 16 cơ sở nuôi trồng thủy sản với quy mô 2.609 lồng bè. Hằng năm, UBND tỉnh tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh như: Tuần hàng Sơn La tại Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa,… nhằm đưa sản phẩm thủy sản đặc sản, có chất lượng, quảng bá tới tới bạn bè trên cả nước.

Trong quá trình nghiên cứu, qua khảo sát thực trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ thủy sản tại 68 hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản vùng lòng hồ, cho thấy, quy mô sản xuất của các HTX, DN nuôi trồng thủy sản vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Hoà Bình là khá nhỏ lẻ, có 63,2% doanh ghiệp, hợp tác xã có quy mô thể tích nuôi dưới 5000m3 có trong đó 35,3% số đơn vị quy mô thể tích nuôi dưới 2000m3. Chỉ có 3 đơn vị chiếm 4,4% có thể tích nuôi trên 10.000m3, điều này sẽ có ảnh hưởng đến nhu cầu liên kết của người nông dân với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ. Việc sản xuất và cung ứng giống thủy sản đang là một trong những khó khăn mà ngành thuỷ sản các huyện vùng lòng hồ thủy điên Sơn La, Hòa Bình tỉnh Sơn La đang thực sự quan tâm tháo gỡ. Nhu cầu về giống nuôi trồng thủy sản rất lớn, nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh chỉ có trên 39 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Chất lượng con giống thủy sản chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất, nguồn giống còn phụ thuộc vào các tỉnh khác như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên…

Hiện nay, tỉnh Sơn La chưa có nhà máy hay đơn vị nào chế biến thủy sản, 100% đều là sản phẩm thủy sản tươi sống, chỉ có 3 đơn vị có sản phẩm xuất bán cá đông lạnh và không có đơn vị nào thực hiện bán sản phẩm đã qua sơ chế. Thị trường chủ yếu là các tỉnh lân cận như: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng và tiêu thụ trong tỉnh dưới hình thức liên kết với doanh nghiệp vận chuyển phân phối trong các nhà hàng, khách sạn, siêu thị…. Qua nghiên cứu, khó khăn và tồn tại hiện nay của phát triển thủy sản đó là: Hoạt động nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn mang tính chất tự phát và manh mún, chưa hình thành được các vùng nuôi tập trung với quy mô lớn, thiếu sự liên kết giữa các hộ sản xuất cũng như giữa người sản xuất với thị trường tiêu thụ. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa áp dụng các quy trình kỹ thuật, chưa hình thành được các cơ sở chế biến thủy sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu đầu vào, phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, người nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn về vốn, thông tin thị trường, tiếp cận thị trường … nên sản phẩm thủy sản chưa được người tiêu dùng biết đến.

Bên cạnh đó, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành nghiên cứu hiện trạng nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ thủy sản tại một số tỉnh miền Bắc. Phân tích các yếu tố tác động đến phát triển nuôi trồng thủy sản và dự báo khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường của các doanh nghiệp, hợp tác xã vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình. Đồng thời, đề xuất các giải pháp phát triển thủy sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã vùng lòng hồ thủy Điện Sơn La, Hòa Bình trong thời gian tới đó là: Mở rộng diện tích và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản nuôi trồng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình theo tiêu chuẩn VietGAP; Quản lý chặt chẽ việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cá Sông Đà – Sơn La”; Tăng cường, mở rộng hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu và quảng bá về Cá Sông Đà – Sơn La; Tập trung mở rộng thị trường trong tỉnh và trong khu vực miền Bắc, tập trung vào kênh phân phối tới các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng thủy sản đặc sản; Đa dạng hóa sản phẩm tinh chế từ thủy sản, đẩy mạnh liên kết phát triển thủy sản và du lịch; Tăng cường các điều kiện sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả cho phát triển nuôi trồng thủy sản; Đẩy mạnh việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi trồng thủy sản vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình hướng đến xuất khẩu.

Kết quả đề tài là cơ sở khoa học để tỉnh Sơn La tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách cơ cấu và tổ chức lại sản xuất hợp lý, xác định được các bước đi và giải pháp hữu hiệu để chủ động tận dụng tiềm năng, phát huy lợi thế của vùng, tạo điều kiện doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, góp phần tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

                                                           Ánh Nguyệt

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang