Kết quả mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ cho cây rau, củ tại Sơn La
Lượt xem: 2194

Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên và khí hậu, Sơn La đang được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, đây cũng là một chủ trương lớn đang được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh thực hiện nhằm tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến sản xuất bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đó là “Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”. Chính vì vậy, những năm gần đây, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ được triển khai và hình thành tại Sơn La giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như giá trị kinh tế cho người dân. Các sản phẩm nông nghiệp của Sơn La có sản lượng và chỗ đứng tốt tại thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt là các loại rau, củ tươi đang được sản xuất với sản lượng lớn cung cấp cho Hà Nội như cà chua, cải bắp, sà lách, su hào, cà rốt, củ cải … Tuy nhiên, hiện nay Sơn La có rất ít đơn vị đứng ra tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ một cách bài bản, do đó, việc xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ tại Sơn La rất cần thiết, nhất là đối tượng cây trồng đơn giản như rau, củ. Trong 2 năm qua, đề tài “Xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ cho cây rau, củ tại tỉnh Sơn La” do Trung tâm Nông nghiệp bền vững thực hiện đã tập trung nghiên cứu xây dựng các quy trình kỹ thuật trồng 04 loại rau củ theo tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam tại Sơn La, đánh giá hiệu quả của một số công thức bón phân hữu cơ, một số loại thuốc sinh học và thảo dược trong quá trình trồng các loại rau, củ thông qua mô hình tại huyện Mai Sơn và huyện Mộc Châu. Đây là căn cứ khoa học để tiến hành nhân rộng và phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ khác tại Sơn La trong thời gian tới. 

Bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2019, nhóm nghiên cứu thuộc đề tài đã tham quan học tập kinh nghiệm nhiều mô hình sản xuất rau hữu cơ tại Hà Nội, các trang trại rau hữu cơ tại đây được trồng và chăm sóc theo phương pháp hữu cơ đảm bảo tiêu chuẩn năm sạch, sáu không đó là: Không phân bón hóa học; Không thuốc trừ sâu hóa học; Không kích thích sinh trưởng; Không thuốc diệt cỏ; Không giống biến đổi gen; Không chất bảo quản. Phân bón cũng như thuốc phòng trừ sâu bệnh hại chủ yếu là phân trùn quế, phân cá, phân giun thủy phân, dịch chiết thảo dược xua đuổi con trùng và chữa bênh hại từ ớt, tỏi, xuyến chi, cúc, dân bụt, hương nhu, xả, tro,… Đối với nấm bệnh sử dụng nấm đối kháng Trichodema và dâm bụt, xử lý cỏ dại bằng các biện pháp che phủ hoặc giấm ổi… Một trong những tiêu chí cơ bản của nông nghiệp hữu cơ là cân bằng sinh thái, do đó, trong khu vườn 2,3 ha của công ty Trách nhiệm hữu hạn TM&ĐT Việt Liên, rau hữu cơ chỉ chiếm 70% diện tích trang trại, còn lại là các loại cây thiên địch, dẫn dụ và xua đuổi. Bên cạnh đó, cách thức sản xuất mà các hợp tác xã, trang trại áp dụng là canh tác hữu cơ kết hợp công nghệ cao sử dụng nhà kính, nhà lưới di động và hệ thống tưới tự động nhỏ giọt, phun sương vào sản xuất. Đánh giá về sản xuất rau, củ theo hướng hữu cơ cho thấy tuy các loại cây có thời gian sinh trưởng lâu hơn nhưng lại có hương vị thơm ngon tự nhiên giàu dinh dưỡng, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng nên các sản phẩm từ hữu cơ có giá cao hơn so với các sản phẩm khác, mang lại giá trị kinh tế cho người dân.

Từ những kinh nghiệm của các hợp tác xã, trang trại, công ty tại Hà Nội, đề tài đã khảo sát lựa chọn 2 địa điểm là huyện Mai Sơn và huyện Mộc Châu để thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả một số công thức bón phân hữu cơ có nguồn gốc khác nhau như: phân gà ủ hoai, phân ủ từ phụ phẩm nông nghiệp, phân hữu cơ Quế Lâm đến các loại rau, củ bao gồm: củ cải, cà rốt, bắp cải và xà lách với tổng diện tích 2000m2 . Qua theo dõi sự sinh trưởng, sâu bệnh hại và năng suất cho thấy: Bón phân hữu cơ cho cây cải bắp tại Mộc Châu cho hiệu quả cao hơn tại Mai Sơn, năng suất khi bón 30 tấn phân ủ/ha đạt từ 29,8 - 32,8 tấn/ha, trong khi đó bón phân Quế Lâm chỉ đạt từ 15,53 - 15,86 tấn/ha. Đối với xà lách, năng suất khi quy đổi ra 1ha đạt từ 15,1 - 20,4 tấn/ha, bón phân Quế Lâm cho xà lách có hiệu quả cao hơn phân chuồng. Bón phân chuồng và phân ủ làm tăng năng xuất củ cải cụ thể: Năng suất khi bón phân chuồng từ 28 - 31 tấn/ha, bón phân ủ có năng suất từ 30,2 - 30,5 tấn/ha. Năng suất cà rốt khi bón phân chuồng đạt từ 28 - 29 tấn/ha, cao hơn bón phân ủ từ 3 - 6 tấn/ha, cao hơn so với bón phân Quế Lâm từ 6 - 7 tấn/ha.

Đồng chí Nguyễn Duy Hoàng - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh kiểm tra mô hình trồng rau, củ theo hướng hữu cơ tại huyện Mai Sơn

Bên cạnh việc đánh giá hiệu quả của công thức bón phân, các thí nghiệm về sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật (EM, Bt, thuốc thảo mộc) cho 04 loại rau củ được tiến hành tại cùng đơn vị diện tích ở 2 địa điểm trên. Kết quả theo dõi tình hình sâu bệnh hại cho thấy các loại thuốc sinh học và thảo mộc đều có tác động tích cực, làm giảm mức độ hại của các loại sâu bệnh trên từng loại rau, cụ thể: Chế phẩm thảo mộc làm giảm mức độ hại của sâu xanh tốt hơn chế phẩm Bt và EM cho cây cải bắp. Tuy nhiên, chế phẩm Bt có hiệu quả hạn chế tác hại của sâu tơ tốt nhất. Chế phẩm EM làm giảm mức độ hại của bệnh thối hạch tốt hơn. Năng suất trung bình cải bắp tại 2 điểm khi phun thuốc thảo mộc định kì đạt 34,8 tấn/ha, cao hơn phun chế phẩm EM 5,64 tấn/ha, cao hơn chế phẩm Bt là 3,9 tấn/ha.

Đối với cây xà lách: Chế phẩm Bt và thuốc thảo mộc hạn chế tác hại của ruồi tốt hơn chế phẩm EM, chế phẩm Bt phòng trừ sâu khoang tốt hơn các loại thuốc thử nghiệm. Bệnh thối hạch và thối nhũn phát sinh ít nhất khi sử dụng chế phẩm EM. Năng suất sau khi sử dụng thuốc thảo mộc cao nhất đạt 14,82 tấn/ha, cao gấp 2 lần so với phun nước lã, cao hơn các loại thuốc khác 1,12 tấn/ha.

Các loại thuốc và chế phẩm khi sử dụng cho cây củ cải, trong điều kiện thí nghiệm chế phẩm Bt và thuốc thảo mộc làm giảm bọ nhảy, rệp gây hại và sâu tơ so với chế phẩm EM. Năng suất củ cải đạt từ 16,64 - 17,73 tấn/ha, cao nhất khi phun chế phẩm Bt.

Khi dùng thuốc thảo mộc cho cây cà rốt tại Sơn La đã làm giảm tỷ lệ bệnh hại so với dùng chế phẩm EM, Bt. Dùng EM làm giảm rệp muội. Năng suất đạt từ  9,4-10,9 tấn/ha. Phun chế phẩm Bt cho năng suất cao hơn phun chế phẩm EM và thuốc thảo mộc.

Song song với quá trình đánh giá loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thích hợp, đề tài còn triển khai xây dựng 02 mô hình trồng các loại rau: Cải bắp, củ cải, xà lách, cà rốt với tổng diện tích 4 ha tại 2 huyện Mai Sơn và Mộc Châu. Quy trình kỹ thuật canh tác thực hiện theo tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam về trồng trọt. Phân bón sử dụng gồm: phân ủ từ phụ phẩm nông nghiệp, phân gà Nhật Bản và phân Quế Lâm. Sâu bệnh hại phòng trừ bằng biện pháp cơ giới, vật lý và sử dụng thuốc thảo mộc. Kết quả, mô hình trồng bắp cải cho giá trị từ 43 - 81 triệu đồng/ha, bón phân gà cho hiệu quả cao hơn so với các loại phân khác. Mô hình trồng xà lách xoăn có thời gian trồng cấy ngắn, chỉ từ 45 - 60 ngày nên mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Mô hình củ cải, cà rốt đều cho giá trị kinh tế khi thực hiện trồng theo hướng hữu cơ.

Tuy nhiên, quá trình triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu nhận thấy, trồng rau củ theo hướng hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn do việc sử dụng quá liều lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học làm ảnh hướng lớn đến nguồn nước phục vụ sản xuất. Quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ phải tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn nên các yếu tố đầu vào phải đảm bảo, sử dụng nhiều công lao động. Việc quy hoạch cho phát triển nông nghiệp hữu cơ chưa tập trung, hiệu quả sản xuất thấp hơn so với canh tác thực hành nông nghiệp khác.

Từ những lợi ích thiết thực về cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và giá trị sản phẩm, phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay là hướng đi tất yếu. Ngoài các cơ chế, chính sách của tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để làm thay đổi thói quen sản xuất của người dân về sản xuất hữu cơ, cũng như thói quen lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các thành phần tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ dựa trên cơ sở chuỗi giá trị góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.

                                                                          Ánh Nguyệt

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang