Trường Chính trị tỉnh Sơn La thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học
Lượt xem: 2108

         Chuyển đổi số là một yêu cầu tất yếu khách quan trong giai đoạn hiện nay. Đối với tỉnh Sơn La trong những năm qua, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã được triển khai, thực hiện và bước đầu đóng góp vào sự phát triển chung của cả tỉnh. Ngày 31/8/2021, Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đánh giá thực trạng và nguyên nhân thực trạng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy đã đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số tỉnh Sơn La trong giai đoạn tới. Trong đó, giáo dục là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số.

          Là một đơn vị sự nghiệp đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, với chức năng giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị và quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Sơn La đã tích cực tham gia thực hiện các chủ trương của Tỉnh, trong đó có nội dung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng công tác chuyên môn cũng như thích ứng linh hoạt với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Hình ảnh dạy và học trực tuyến tại Trường Chính trị tỉnh Sơn La 

          Trên cơ sở Quy định số 494-QĐ/HVCTQG ngày 13/5/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các trường chính trị cấp tỉnh; Công văn chỉ đạo số 810-CV/TU ngày 13/8/2021 của Tỉnh ủy Sơn la về việc triển khai học trực tuyến các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 tại Trường Chính trị tỉnh, nhà trường đã phối hợp với Vietel Sơn La - Chi Nhánh Tập Đoàn Viễn Thông Quân Đội tổ chức tập huấn cho giảng viên và học viên nhà trường sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến và tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại Trường Chính trị tỉnh Sơn La.

          Để thực hiện dạy và học trực tuyến Trường Chính trị tỉnh Sơn La đã đảm bảo những yêu cầu cơ bản trong giảng dạy trực tuyến như sau:

          Một là, về đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật: Hiện nhà trường đã nâng cấp sử dụng đường truyền băng thông quốc tế,  bố trí được 07 phòng học trực tuyến, có trang bị camera, các thiết bị kết nối âm thanh, hình ảnh…. Đảm bảo chất lượng đường truyền ổn định trong quá trình giảng dạy trực tuyến.

          Hai là, về đảm bảo xử lý kỹ thuật hỗ trợ giảng dạy trực tuyến: Nhà trường đã phân công 01 đồng chí phụ trách hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình giảng dạy trực tuyến tại các lớp, đảm bảo các tiết học diễn ra thông suốt, ổn định, hạn chế tối đa kỹ thuật ảnh hưởng đến chất lượng giờ giảng.

          Ba là, về kỹ năng của giảng viên trong giảng dạy trực tuyến: 100% các giảng viên tham gia giảng dạy trực tuyến đều thực hành tốt các thao tác giảng dạy. Bao gồm các hoạt động như: điểm danh, soạn giáo án, chia sẻ nội dung giảng dạy, tổ chức thảo luận theo nhóm nâng cao, kết hợp sử dụng bảng phấn trong giảng dạy trực tuyến (ở một số giảng viên).

          Bốn là, về công tác quản lý, hướng dẫn học viên trong quá trình học trực tuyến: Qua gần 2 tháng triển khai, công tác phối hợp giữa giảng viên chủ nhiệm lớp của nhà trường với đồng chủ nhiệm tại các Trung tâm chính trị cấp huyện trong hướng dẫn, quản lý, theo dõi học viên tham gia học trực tuyến khá chặt chẽ.

          Thực tế triển khai dạy học trực tuyến trong gần 2 tháng tại Trường Chính trị tỉnh Sơn La đã khai giảng và tổ chức dạy trực tuyến được 06 lớp Trung cấp lý luận hành chính, 02 lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý cấp phòng, 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý kinh tế cho công chức xã, 04 lớp bồi dưỡng cấp ủy.

          Bên cạnh những kết quả cơ bản đạt được nêu trên, quá trình dạy học trực tuyến ở các lớp cũng bộc lộ một số hạn chế cơ bản như hầu hết các giảng viên đều sử dụng máy tính cá nhân để giảng trực tuyến, có những máy tính cá nhân hoạt động không tốt, nên cũng ảnh hưởng tới chất lượng đường truyền; Học viên tham gia học trực tuyến chưa thực sự tập trung vào nội dung bài giảng, vẫn còn nhiều cơ quan phân công nhiệm vụ chuyên môn cho học viên trong giờ học trực tuyến, ảnh hưởng rất lớn tới quá trình tiếp thu kiến thức của học viên; Hoạt động tương tác giữa giảng viên và học viên gặp rất nhiều khó khăn, do số thành viên của một lớp trực tuyến đông (50-70 học viên), môi trường ngồi học của hầu hết học viên ồn ào, ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh khi bật tiếng để trao đổi nội dung bài giảng.

          Từ thực trạng hoạt động dạy học trực tuyến của nhà trường trong thời gian vừa qua, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giảng dạy trực tuyến của nhà trường, chủ động thích ứng với diễn biến có thể ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, trong thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp như sau:

          Thống nhất, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Trung tâm Chính trị các huyện có lớp học trực tuyến và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có học viên tham gia học trực tuyến thực hiện tốt quy chế học tập. Đề nghị các cơ quan, đơn vị có kế hoạch, phân công nhiệm vụ hợp lý để các học viên được tập trung tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập.

          Nâng cấp hệ thống máy tính tại các phòng học trực tuyến, có thể yêu cầu các giảng viên sử dụng máy tính được chuẩn bị sẵn để đảm bảo chất lượng máy tính hoạt động tốt nhất, đội ngũ cán bộ kỹ thuật phải thường xuyên kiểm tra khắc phục các sự cố máy tính cố định của nhà trường.

          Đa dạng hóa các hoạt động trực tuyến của nhà trường, bên cạnh dạy học trực tuyến, nhà trường có thể tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến, hội thảo bàn về công tác phối hợp trong giáo dục đào tạo bằng hình thức trực tuyến. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường đồng thời cũng góp phần tiết kiệm thời gian, công sức và kinh phí nói chung.

          Có thể thấy, việc tổ chức dạy học trực tuyến của nhà trường đã thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp bách theo chỉ đạo của Tỉnh và cũng là một sự thích ứng linh hoạt, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh hiện nay. Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng hoạt động của nhà trường vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thời gian tiếp theo, bởi vậy, nhà trường vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ và mục tiêu chung mà tỉnh đã đề ra, xứng đáng với vai trò là một Trung tâm bồi dưỡng lý luận chính trị và kỹ năng lãnh đạo quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh nhà.

Đỗ Thị Minh Thu

Trường Chính trị tỉnh Sơn La

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang