Sơn La tập trung phát triển nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Lượt xem: 4831

Là tỉnh miền núi vùng Tây Bắc, Sơn La có lợi thế về điều kiện tự nhiên và khí hậu để phát triển các loại nông, lâm sản, thủy sản và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, Sơn La đã tập trung cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh, vươn lên trở thành trung tâm sản xuất, chế biến rau, quả vùng Tây Bắc. Hoạt động sản xuất nông nghiệp được quan tâm chỉ đạo, trong đó, tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người nông dân, tạo nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.

Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ngày càng được nâng cao nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN), đóng góp quan trọng vào tổng thu nhập của địa phương. Theo đó, cơ cấu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có sự chuyển dịch, cụ thể, năm 2020: Nông nghiệp đạt 90,6%; Lâm nghiệp đạt 7,2%; Thủy sản: 2,2%. Năm 2021: Nông nghiệp: đạt 91%; Lâm nghiệp: 6,9%; Thủy sản: 2,1%. Ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh có 41/52 chỉ tiêu giao về số lượng, sản lượng đạt và vượt so với năm 2020. Toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 5 xã so với năm 2020. 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 2 xã so với năm 2020.

Trong trồng trọt, trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein, chế phẩm vi sinh, công nghệ sinh học trong phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng. Đến nay, đã đưa vào sản xuất bộ giống có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất chất lượng gồm: 4 giống mía; 19 giống ngô; 5 giống lúa; 20 giống cây ăn quả các loại; 02 giống chè; 01 giống cà phê THA1,.... Tổng diện tích ghép cải tạo cây ăn quả toàn tỉnh đạt 13.109 ha, trong đó: cây xoài 3.967 ha; nhãn 7.623 ha; bơ 583 ha; cam 364 ha; bưởi 432 ha; cây ăn quả khác 140 ha. Ứng dụng ghép cà chua trên gốc cà tím, nhập nội và nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô một số giống hoa như: Hồng, Lan, Tuy líp từ Hà Lan, Đài Loan. Hiện, toàn tỉnh sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun… tiết kiệm nước cho diện tích trên 900 ha cây trồng. Xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà kính, nhà màng cho 51 ha. Năm 2021 các nhà vườn ước tính đã sử dụng trên 40 triệu túi bao quả cho diện tích trên 3.000 ha.

 Đoàn công tác Sở KH&CN tham quan vườn nho Hạ Đen của Công ty TNHH nông lâm nghiệp Sông Mã

Năm 2021, toàn tỉnh tiếp tục tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn các huyện, thành phố, gồm mô hình sản xuất: Cây ăn quả, rau, chè, lợn thịt theo hướng hữu cơ; ủ phân hữu cơ tổng hợp. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân đang triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ như: sản xuất bưởi, chè, lúa…. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, canh tác an toàn bước đầu được hình thành, cho chất lượng sản phẩm tốt, đạt các tiêu chuẩn an toàn. Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương ước đạt năm 2021 là 5.041 ha; diện tích cà phê áp dụng 4C, UTZ là 16.542,9 ha.

Vườn nhãn hữu cơ của Hợp tác xã Hoàng Tuấn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã

Đối với chăn nuôi, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, chú trọng cải tạo giống và chuyển giao kỹ thuật, mở rộng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ gia đình để phát triển chăn nuôi, gắn với mở chợ buôn bán trao đổi đại gia súc, gồm: Ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi giống bò sữa thuần chủng tại Mộc Châu, phối giống nhân tạo cho bò cái có kết quả bằng tinh của giống bò chất lượng cao (Brahman)…. Duy trì và phát triển Nhà máy chế biến thức ăn cho bò sữa TMR tại Mộc Châu, trang trại chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu, Vân Hồ; Ứng dụng phát triển công nghệ chuồng kín, công nghệ tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp như chăn nuôi lợn giống, lợn siêu nạc ứng dụng công nghệ cao.…; Ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng men vi sinh hoạt tính trong ủ, chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô hộ gia đình.

Ứng dụng công nghệ mô, hom trong chọn, tạo, nhân giống các giống cây lâm nghiệp như xoan, tếch, giổi….. Hiện nay, có 12/12 huyện, thành phố đã ứng dụng công nghệ GIS trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đối với nuôi trồng thủy sản đã triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn lọc đàn cá bố mẹ; công nghệ sản xuất cá giống bằng phương pháp đẻ vuốt và ấp trứng bằng bình vây, ứng dụng phương pháp lai xa hoặc sử dụng hóa chất để tạo giống đơn tính trong sản xuất cá giống, nhằm tạo ra con giống có năng suất, chất lượng cao. Ứng dụng và mở rộng diện tích nuôi cá thâm canh, nuôi lồng, bè có sử dụng thức ăn công nghiệp đối với một số đối tượng nuôi chính như: Chép, trôi, trắm cỏ, rô phi đơn tính, diêu hồng, lăng, tầm. Năm 2021 tiếp tục thực hiện mô hình nuôi trai lấy ngọc trên địa bàn 3 huyện (Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Phù Yên) và thành phố Sơn La.

Tiếp tục thực hiện cơ giới hóa sản xuất bằng việc đưa máy móc vào sản xuất, thu hoạch sản phẩm như sử dụng máy cày, máy gặt, phương tiện vận tải nông sản đến nơi tiêu thụ. Cơ giới hóa chuồng trại và cung cấp thức ăn, nước uống, xử lý môi trường đối với chăn nuôi lợn đạt trên 80%; 580 hộ chăn nuôi bò sữa sử dụng máy vắt sữa đạt 100%.

Bên cạnh đó, việc phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn được quan tâm chú trọng. Hiện nay, toàn tỉnh đã được cấp 220 mã số vùng trồng, diện tích 4.847,85 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và 33 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, tăng 3 sản phẩm so với năm 2020; 83 sản phẩm OCOP, trong đó, sản phẩm OCOP đạt 5 sao: 01 sản phẩm; 4 sao: 31 sản phẩm ; 3 sao: 51 sản phẩm. Nhiều mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động có hiệu quả như: Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ; các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết với sản xuất, tiêu thụ cà phê với 12.000 hộ; Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết với gần 469 hộ nông dân trong chăn nuôi và hàng trăm hộ nông dân trong trồng ngô để phục vụ cho Nhà máy TMR.... Hỗ trợ duy trì, phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn.

Nhiều cơ sở bảo quản, chế biến nông sản an toàn được hình thành và phát triển gắn với vùng nguyên liệu, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, toàn tỉnh có trên 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu (sản xuất chè: 35 cơ sở; đường: 1 nhà máy; tinh bột sắn: 2 nhà máy; cà phê nhân: 7 cơ sở; tơ tằm: 1 nhà máy; sơ chế, chế biến chanh leo: 1 nhà máy; chế biến mủ cao su: 1 nhà máy; chế biến rau, quả: 2 nhà máy).

Hạ tầng sản xuất phục vụ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã được đầu tư, xây dựng, đang dần hình thành và phát triển khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông, lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2020 với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng với mục tiêu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức hệ thống liên hoàn ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN về nông lâm nghiệp, tổ chức sản xuất thử nghiệm các giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, thời gian qua Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN triển khai các mô hình như: Mô hình trồng nho đen không hạt giống Cự phong; Nhân rộng mô hình trồng cà chua trái vụ, mô hình trồng nấm hương thương phẩm trong nhà màng; Mô hình trồng thử nghiệm cúc hoa vàng làm nguồn dược liệu; Mô hình trồng hoa Lan Hồ Điệp và tiến hành triển khai đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở: Hoàn thiện quy trình nhân giống lan Kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô invitro tại tỉnh Sơn La); Xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Khu nghiên cứu. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Đề án Phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Xây dựng dự thảo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Ban hành tiêu chí đánh giá và trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Ông Lưu Bình Khiêm - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh kiểm tra mô hình trồng nấm hương thương phẩm tại Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông, lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu.

Để góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm cũng như đời sống cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, năm 2022, tỉnh Sơn La chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Tăng cường các giải pháp về cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Tăng diện tích, sản lượng cây trồng, vật nuôi áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt hoặc các tiêu chuẩn tương tự. So với năm 2021 diện tích gieo trồng nông nghiệp áp dụng quy trình sản xuất an toàn tăng từ 10% trở lên; Diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và bền vững tăng từ 8% trở lên.

                                                                                                                                                                                                   Ánh Nguyệt

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang