GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Lượt xem: 11408

         Sơn La là một tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp và là hoạt động mang lại thu nhập chính cho đại đa số hộ dân trên địa bàn tỉnh. Sản xuất nông nghiệp ở Sơn La chịu tác động rất lớn của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. Sự thay đổi về khí hậu, thời tiết do biến đổi khí hậu đã gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm qua như nắng nóng, hạn hán, rét đậm rét hại, sương muối và mưa đá trên địa  bàn tỉnh Sơn La. Cùng với sự tăng lên về nhiệt độ trung bình năm thì các yếu tố khác về khí hậu, thời tiết của Sơn La như nhiệt độ cực trị, lượng mưa, lương mưa ngày liên tiếp cũng có nhiều sự thay đổi theo chiều hướng không có lợi trong những năm tới. Do đó, việc nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và đưa ra định hướng, giải pháp ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của  tỉnh Sơn La nói chung là rất cần thiết và cấp bách. 

          Với mục tiêu luận giải cơ sở lý luận và thực tiễn về biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp; Phân tích đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Sơn La, qua đó đề xuất định hướng, chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và giải pháp thực hiện nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La, năm 2020 Học viện Nông nghiệp Việt Nam được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La”, PGS.TS. Trần Quang Trung làm chủ nhiệm đề tài.

         Đề tài đã tiến hành điều tra khảo sát các hộ nông dân, hợp tác xã, cán bộ quản lý nhà nước, các nhà khoa học tại 6 huyện Quỳnh Nhai, Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Bắc Yên để đánh giá về biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp.

         Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích biến đổi khí hậu và đánh giá khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, trong đó các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai như hạn hán, sương muối, áp thấp, lũ lụt đều ảnh hưởng đến đất canh tác, nguồn nước, điều kiện sinh trưởng, phát triển, năng suất và sản lượng của các loại cây trồng cũng như chi phí sản xuất. Diện tích đất chăn thả, nguồn thức ăn, cơ sở hạ tầng, chuồng trại bị lũ cuốn trôi, sạt lở và ô nhiễm tăng, khí hậu nhiệt độ môi trường chăn nuôi bất ổn điều đó đã tác động đến năng suất, sản lượng chủng loại vật nuôi, thủy sản. Đối với sản xuất lâm nghiệp, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, chất lượng rừng, một trong những ảnh hưởng trực tiếp dễ dàng nhận thấy đó là sự tăng, giảm về nhiệt độ, lượng mưa vào mùa khô gây khó khăn cho công tác trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng và sản lượng của nhiều sản phẩm bị giảm…. Qua khảo sát cho thấy, chính quyền đã ban hành nhiều cơ chế chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hỗ trợ về tài chính, năng lực cho các nhóm dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Song song với đó, người dân cũng tìm hiểu và áp dụng những biện pháp để ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu như trồng dâu tây trong nhà lưới nhà kính giảm sâu bệnh, tưới bán tự động, tưới tiết kiệm, lưới chống mưa đá cho cây ăn quả, sử dụng giống mới để tăng khả năng chống chịu cho cây, con.

         Biến đổi khí hậu đã và đang ngày càng có những biểu hiện rõ rệt theo chiều hướng gia tăng, đồng thời tác động đến nhiều khía cạnh của cuộc sống con người,  trong đó có hoạt động nuôi trồng thủy sản. Tại Sơn La, mặc dù giá trị sản xuất thủy sản chiếm tỉ trọng nhỏ so với toàn ngành nông nghiệp, nhưng dưới diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, việc nuôi trồng thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn và rủi ro. Trên cơ sở kết quả phân tích biến đổi khí hậu và đánh giá khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu tập trung thảo luận về các quan điểm định hướng, chiến lược và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Sơn La theo hướng vừa thích nghi với biến đổi khí hậu lại vừa giảm thiểu, né tránh các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

         Nhằm cụ thể hóa các quan điểm định hướng và chiến lược ứng phó với  biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Sơn La nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất, theo 2 nhóm: Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; và Giải pháp giảm thiểu, né tránh các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, cụ thể các giải pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực trồng trọt như nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng có sức đề kháng sâu bệnh cao, chống chịu tốt, áp dụng các biện pháp hạn chế tác hại của thời tiết cực đoan như trồng cây trong nhà lưới, nhà màng…; Giải pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực chăn nuôi như nghiên cứu và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi chọn giống có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu địa phương, có sức chống chịu thời tiết và dịch bệnh tốt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học…; Giải pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản như chủ động về nguồn giống, tăng cường quản lý, giám sát vùng nuôi, thực hiện quan trắc môi trường thường xuyên, tăng cường giám sát dịch bệnh, nhân rộng mô hình nuôi thủy sản theo VietGAP…; Các giải pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu chung cho ngành nông nghiệp của tỉnh như tuyên truyền nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu; Phát triển nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp; Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Thiết lập và củng cố các thể chế, cơ sở hạ tầng hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững và lồng ghép các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình OCOP; Thực hiện cơ cấu lại cây trồng theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sử dụng các giống cây trồng vật nuôi, thủy sản mới có khả năng chống chịu với điều kiện nóng hạn, ngập úng, sâu bệnh do biến đổi khí hậu gây ra... khuyến khích áp dụng các kỹ thuật sản xuất, chế biến và xử lý các phụ phẩm nông nghiệp để giảm thiểu phát thải khí nhà kính nhằm hạn chế những tác động tiêu cực mà biến đổi khí hậu gây ra.

         Đề tài đã góp phần phản ánh rõ thực trạng những khó khăn đó, đồng thời góp  phần phản ánh mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của tỉnh Sơn La, làm rõ cơ sở khoa học cho việc nhận diện các rủi ro và đề xuất các giải pháp giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là cơ sở để tỉnh Sơn La có những định hướng trong việc xây dựng đề án ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Bích Đào

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang