LỢI ÍCH KÉP TỪ VẢI ĐỊA PHỦ GỐC CÂY
Lượt xem: 1831

Vải phủ nông nghiệp chuyên dùng để phủ xung quanh gốc cây, vải phủ có nhiều tác dụng như:  Ngăn ngừa cỏ dại, điều hòa độ ẩm và giữ cấu trúc mặt đất, hạn chế bệnh hại, giảm rửa trôi phân bón khi tưới nước hoặc mưa to, ngăn cản sự bốc hơi các loại phân bón nên góp phần tiết kiệm chi phí về nước tưới, hạn chế dùng thuốc trừ cỏ, công làm cỏ, tăng giá trị sản phẩm,… Do đó, vải phủ ngày càng được sử dụng rộng rãi trong trồng cây ăn quả bởi nó mang lại những lợi ích kép cho người nông dân.

Cán bộ Công ty TNHH Thịnh Gia Huy - Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu về vải địa phủ gốc cây cho thành viên HTX Mé Lếch xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Tại tỉnh Sơn La, vải địa phủ gốc cây đang được triển khai thí điểm tại vườn na sầu riêng thuộc bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, mô hình này do Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Thịnh Gia Huy - Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh cây na, từ đó khuyến khích người dân áp dụng rộng rãi màng phủ cho cây ăn quả hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững trong những năm tới.

Cán bộ Công ty TNHH Thịnh Gia Huy - Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn cách sử dụng vải địa phủ gốc cây

Hộ gia đình anh Lò Văn Sao, thành viên HTX Mé Lếch xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La trồng hơn 6 ha na. Vào mùa mưa, vườn na này phải thuê hàng chục nhân công làm cỏ, bón phân hàng tháng. Tuy nhiên việc làm cỏ, phát cỏ cũng có nhiều hạn chế như: Cỏ mọc nhanh, tác động của máy cắt cỏ, hoặc dùng cuốc dễ gây tổn thương gốc, rễ cây na. Còn vào mùa khô, vùng đất này khá khan hiếm nước, trong khi đó cây na yêu cầu phải tưới thường xuyên nên rất khó khăn cho người dân. Sau khi được phổ biến các ưu điểm của vải phủ gốc cây, anh đã mạnh dạn áp dụng cho 1,5 ha na của gia đình. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ Công ty, anh nhận thấy vải phủ dễ sử dụng, khi tưới nước ngấm nhanh, không bị trôi đất, anh cho biết: Vào mùa mưa cỏ phát triển rất nhanh, một tháng gia đình phải làm cỏ từ 2 - 3 lần, còn vào mùa khô cây na yêu cầu tưới nước tạo độ ẩm cho cây, nên hàng ngày phải tưới nước một lần, trong khi đó khu vực này thường khan hiếm nước nên rất khó khăn. Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn và sử dụng thực tế vải phủ gốc cho cây na tôi thấy vừa chống cỏ vừa làm ẩm cho gốc, vải có độ bền đến 3 năm, khi sử dụng vải phủ thì 3 đến 4 ngày mới phải tưới, so về chi phí nhân công lao động, nước tưới tiết kiệm hơn, đây là biện pháp rất khả thi và tiết kiệm cho nhà vườn.

Thành viên HTX Mé Lếch tưới nước cho gốc na sau khi sử dụng vải địa phủ gốc cây

Việc sử dụng màng địa phủ gốc cây đồng nghĩa với việc diện tích xung quanh gốc cây được che phủ để ngăn cản ánh sáng mặt trời chiếu vào. Từ đó giúp hạn chế sự sinh trưởng và phát triển của các mầm cỏ có sẵn trong đất, tập trung dinh dưỡng cho cây trồng. Không những thế, lớp màng phủ này còn giúp ngăn cản hơi nước bốc hơi vào mùa nắng nóng, đồng thời giúp hạn chế lượng nước ngấm vào đất khi mùa mưa đến, hạn chế quá trình xói mòn, rửa trôi chất dinh dưỡng, cũng như khả năng hoạt động của các loại côn trùng và động vật gặm nhấm.

Khi mặt đất được bảo vệ bởi lớp màng phủ thì lượng phân bón trong đất sẽ không bị rửa trôi. Điều này giúp bà con tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí chăm sóc, bón phân, giữ được khoáng chất và dinh dưỡng phân bón giúp cây trồng tăng trưởng tối ưu.

Tại nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển, vải phủ cỏ nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi trong ngành trồng trọt, đặc biệt là trồng cây ăn quả. Việc sử dụng vải phủ cỏ nông nghiệp có nhiều ưu điểm như: Ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại, cạnh tranh dinh hưỡng với cây trồng; giữ ẩm bảo vệ đất, chống trôi phân, đặc biệt trên điện tích đất dốc, giảm chi phí điện, nước, nhân công làm cỏ… đặc biệt,  hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật lên cây trồng, mang lại lợi ích cho sức khỏe người tiêu dùng. Thử nghiệm tại vườn na, chi phí vải phủ chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng/ha, độ bền 3 năm trong mọi điều kiện thời tiết, sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất cho nông dân.

Ông Phạm Trọng Huy, Công ty TNHH Thịnh Gia Huy - Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm: Vải địa phủ gốc cây  thấm nước và bốc hơi nước lên được, nhưng bốc hơi nước từ từ, thấm nước đều nên có ưu điểm giữ được độ ẩm cao, thường ngày mình tưới nước từ 1 - 2 lần mà gốc cây vẫn khô do bốc hơi nhanh nhưng khi phủ vải này lên thì một ngày chỉ cần tưới 1 lần hoặc 2 ngày tưới một lần, cây sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế cỏ dại, rửa trôi đất, người dân không phải sử dụng thuốc trừ cỏ, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đây là sản phẩm mới, sản phẩm này Công ty đã triển khai thực hiện tại Bảo Lộc, Di Linh tỉnh Lâm Đồng, sau một thời gian, qua áp dụng thực tế, bà con ở đây đánh giá rất cao, chi phí tiết kiệm và rất phù hợp với cây ăn trái.

Hiện nay, tỉnh Sơn La có khoảng 84.000 ha cây ăn quả, nhiều mô hình cây ăn quả trên đất dốc, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP…đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong tỉnh. Với chủ trương phát triển nền nông nghiệp xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, việc sử dụng màng phủ nông nghiệp trong vườn na là cách làm hay cần khuyến khích để người dân sáng tạo trong sản xuất cây ăn quả khác góp phần phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

                                                  Ánh Nguyệt - Lê Luyến

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang