Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình tổng thể cải cách hành chính
Ngày 18/3/2021, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, xây dựng chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ (Ban Chỉ đạo).

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Sơn La.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

10 năm qua, CCHC đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC; cải cách tài chính công; hiện đại hoá nền hành chính. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11-2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 TTHC, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền. Bước đầu đạt được một số kết quả trong thực hiện Đề án Tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đạt được những kết quả rất tích cực, việc giải quyết TTHC nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm, muộn, nhũng nhiễu, tỉ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%. 

Trong giai đoạn 2011-2020, các quy định về cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ trên tất cả các khâu từ tuyển dụng, sử dụng, bố trí, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, thăng hạng. Công tác sắp xếp vị trí việc làm thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý; việc tuyển dụng công chức, quản lý CBCCVC; thu hút người có tài năng vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước... bước đầu đạt kết quả tích cực. Công tác quản lý; đánh giá, phân loại, đặc biệt là việc chấn chỉnh công tác quản lý CBCCVC đã được đẩy mạnh. Đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho 8,4 triệu lượt CBCC. Cải cách chính sách tiền lương đã được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực.

Về công tác cải cách tài chính công: đã từng bước góp phần hoàn thiện chính sách về thuế, thu nhập, tiền lương và chính sách an sinh xã hội, trở thành động lực phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt hơn công bằng xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác hiện đại hóa nền hành chính, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là điểm sáng thúc đẩy thay đổi lề lối, phương thức làm việc của các cơ quan Nhà nước. Cơ chế, thể chế, chính sách về khung pháp lý về xây dựng Chính phủ điện tử dần được hoàn thiện.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã nêu rõ cách thức lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC, những cách làm hay, những mô hình tiêu biểu và kết quả đạt được của các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố. Đồng thời, chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại ở các bộ, ngành, địa phương và đề xuất một số giải pháp để thực hiện đồng bộ, hiệu quả 6 nhiệm vụ CCHC trong giai đoạn tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình tổng thể cải CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cùng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác CCHC trong những năm qua đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tập trung thực hiện tốt cả 6 nội dung CCHC.

Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 phải được thực hiện một cách toàn diện, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, thành phần hồ sơ không cần thiết nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; đẩy mạnh nghiên cứu, thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.

Diệp Hương

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1