Ứng dụng mô hình BIM cho quản lý công trình thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Sơn La
Lượt xem: 1098

Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã triển khai, thực hiện tốt việc chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. Trong đó, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Sơn La là công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, xử lý môi trường quan trọng của tỉnh, thuộc đối tượng ưu tiên chuyển đổi số đang ứng dụng thí điểm mô hình BIM (viết tắt của cụm từ “Building Information Modeling” có nghĩa là “Xây dựng mô hình thông tin”). Trong quá trình triển khai đến nay, dự án đã thiết lập môi trường dữ liệu chung (CDE) trên nền tảng BIM vào công trình Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Sơn La, góp phần giải quyết thủ tục hành chính trong các dự án đầu tư xây dựng của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Sơn La được đầu tư từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức và Cộng hòa liên bang Thụy Sỹ. Cho đến nay, việc quản lý vận hành hệ thống đang được tiếp tục đầu tư mở rộng phạm vi thu gom nước thải, góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường của thành phố. Tuy nhiên hệ thống mới được đầu tư, tuyến ống được bố trí chạy theo các tuyến đường, ngõ ngách và đi ngầm dưới lòng đất, dẫn đến việc nắm bắt thực trạng của cả hệ thống là rất khó khăn, phức tạp; khi có sự cố xảy ra, việc tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp để xử lý mất nhiều thời gian và công đoạn. Vì vậy nghiên cứu ứng dụng BIM trong công tác quản lý dự án và vận hành của Ban quản lý các dự án ODA tỉnh Sơn La là cần thiết; đáp ứng kịp thời việc quản lý vận hành hệ thống xử lý nước thải thành phố và phục vụ việc cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư xây dựng trong thời gian tới.

Năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt cho Công ty Cổ phần Công nghệ và Tư vấn CIC làm đơn vị chủ trì thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng mô hình BIM cho quản lý công trình thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Sơn La”, ông Đào Mạnh Chiến - Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án ODA là chủ nhiệm đề tài với mục tiêu thiết lập môi trường dữ liệu chung CDE trên công nghệ BIM để quản lý hồ sơ qua từng giai đoạn; tạo dựng môi trường phối hợp giữa các đơn vị tham gia đề tài và thí điểm áp dụng BIM trong công tác quản lý vận hành, khai thác công trình Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Sơn La.

 

Ông Nguyễn Hoàng Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần CIC cho biết: “BIM là công nghệ có thể áp dụng xuyên suốt cho nhiều dạng công trình khác nhau, và cho nhiều vòng đời của 1 dự án. Với đề tài thực hiện tại Sơn La, để áp dụng cho quá trình quản lý vận hành cho hệ thống nhà máy xử lý nước thải cũng như toàn bộ hệ thống trạm bơm, đường ống xử lý nước thải, thoát nước, giúp Ban quản lý dự án có cái nhìn tổng quan trong toàn bộ hệ thống nhà máy cũng như hệ thống đường ống, trạm bơm. Đồng thời, giúp việc xử lý vận hành thông suốt, người thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng có thông tin rõ ràng, đầy đủ. Trên môi trường Internet, công nghệ BIM giúp việc truy cập dữ liệu nhanh, chính xác”.

Sau quá trình khảo sát, đánh giá, ông Đào Mạnh Chiến, Chủ nhiệm đề tài đã cùng nhóm nghiên cứu lựa chọn đơn vị vận hành thử nghiệm mô hình BIM tại Nhà máy xử lý nước thải thành phố thuộc Ban quản lý các dự án ODA và do Công ty Cổ phần Dịch vụ và Môi trường đô thị Sơn La trực tiếp vận hành. Nhà máy có tổng diện tích 37.965m2 thuộc địa phận bản Tông, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La với chức năng thu gom và xử lý nước thải, đảm bảo môi trường cho khu vực thành phố.

anh tin bai

Ông Đào Mạnh Chiến - Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án OAD, Chủ nhiệm đề tài cùng cán bộ, kỹ thuật viên trong nhà máy kiểm tra các chỉ số về quan trắc môi trường

Hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị thành phố Sơn La được đầu tư theo hướng thoát nước riêng hiện đại (tách riêng với hệ thống thoát nước mưa, nước mặt), tự chảy theo điều kiện địa hình và được hỗ trợ bởi 5 trạm bơm. Toàn bộ nước thải được thu gom, đưa về bể chứa Nhà máy xử lý nước thải thành phố tại bản Tông, xã Chiềng Xôm để xử lý bằng phương pháp sinh học (AO), nước thải được làm sạch theo tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Đến thời điểm hiện tại, nhà máy thu gom, xử lý nước thải với công suất khoảng 6.857 m³ /ngày, đêm (công suất đỉnh 10.355 m³ /ngày, đêm) đáp ứng nhu cầu xử lý 100% nước thải đô thị của thành phố Sơn La. Tuy nhiên do lưu lượng nước thải tăng đột biến vào mùa mưa, gây tình trạng quá tải tại một số vị trí, khó khăn cho quá trình vận hành và xử lý nước thải và để giảm thiểu nước thải ảnh hưởng đến môi trường, hàm lượng chất thải chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến quá trình xử lý bằng công nghệ sinh học.

Nhóm đề tài đã thiết lập môi trường dữ liệu chung (CDESLa) trên nền tảng BIM để quản lý hồ sơ thiết kế trong quá trình vận hành và xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu được phát triển dựa trên sự tổng hợp của nhiều ngôn ngữ HTML, CSS, Javascript, PHP, SQL,…trên nền tảng Cloud. Hỗ trợ tương tác với mô hình 3D cũng như các tài liệu và vấn đề liên quan được kết nối đến mô hình. Thông qua hệ thống điều khiển trung tâm (SCADA) từ máy chủ tự động có thể theo dõi các chỉ số COD, TSS, PH, DO, NH4 và lưu lượng nước đầu vào, đầu ra. Bộ phận vận hành sẽ dễ dàng kiểm soát các hoạt động của nhà máy xử lý nước thải, 5 trạm bơm, mạng lưới đường ống cấp 1, 2, 3 dài hơn 63km, đường ống áp lực dài…

Từ các nghiên cứu, đánh giá có thể thấy, công nghệ BIM khi được triển khai trên môi trường dữ liệu chung CDESLa giúp cho việc giao nộp, trao đổi thông tin, lưu trữ, khai thác thông tin hồ sơ được thực hiện nhanh chóng và thuận tiện, từ đây công tác cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư xây dựng trở nên đơn giản, đảm bảo tính chính xác tuyệt đối.

Ông Đào Mạnh Chiến - Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án OAD, Chủ nhiệm đề tài đánh giá:“Tôi nhận thấy việc ứng dụng BIM bước đầu đạt một số hiệu quả bước đầu như sau: Thứ nhất là cung cấp cái nhìn tổng quát về hồ sơ thiết kế để thực hiện việc quản lý vận hành, phục vụ nắm bắt hệ thống một cách trực quan, rõ ràng hơn; Thứ hai là phát hiện các lỗi thiết kế trong quá trình vận hành của đầu tư xây dựng; Thứ ba là cung cấp đầy đủ toàn diện thông tin thiết kế để có các biện pháp khắc phục sự cố về môi trường; Thứ tư là theo dõi, đánh giá chung được các số liệu về quan trắc môi trường cũng như vận hành các công tác ngoài hiện trường”.

anh tin bai

Ông Đào Mạnh Chiến - Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án OAD, Chủ nhiệm đề tài hướng dẫn cán bộ Nhà máy xử lý nước thải thành phố vận hành phần mềm ứng dụng công nghệ BIM.

Ông Bùi Xuân Bình - Giám đốc Nhà máy xử lý nước thải thành phố Sơn La  cho biết nếu như trước đây, cán bộ, kỹ thuật viên thường mất nhiều thời gian trong việc quản lý hồ sơ dự án bởi toàn bộ thông tin, dữ liệu đều lưu trữ bằng hồ sơ, sổ sách, hay file word, excel thông thường. Chính vì thế việc tìm kiếm, tra cứu thông tin cũng không đảm bảo tính chính xác và nhanh chóng. Được cán bộ của công ty Cổ phần Tư vấn và Công nghệ CIC và Ban quản lý dự án ODA hướng dẫn, cấp phát tài khoản đăng nhập phần mềm cơ sở dữ liệu chung CDE. Đây là phần mềm được thiết kế với giao diện trực quan, dễ dàng sử dụng, có tính bảo mật cao để quản trị hệ thống, các nghiệp vụ, tài liệu, cho phép mọi người có thể tìm kiếm tài liệu bằng cách lọc tập tin, nên đảm bảo độ chuẩn xác chỉ trong thời gian ngắn.

Mặc dù áp dụng công nghệ BIM để quản lý dự án có tính tự động hóa cao và cập nhật nhanh, giảm thiểu sự sai sót dữ liệu, thông tin công trình. Tuy nhiên, áp dụng BIM trên địa bàn tỉnh hiện nay còn tồn tại một số vấn đề hạn chế như đây trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ nhân lực còn hạn chế, chi phí đầu tư công nghệ, nâng cấp phần mềm, thời gian đào tạo nhân lực,…

Để đơn vị vận hành dễ dàng tiếp cận, sử dụng thành thạo phần mềm, Công ty Cổ phần Tư vấn và Công nghệ CIC đã tổ chức, hướng dẫn, đào tạo về công nghệ thông tin, quy trình sử dụng phần mềm thông qua 2 hình thức trực tiếp và gián tiếp cho cán bộ, kỹ thuật trong nhà máy. Đồng thời cùng nhau trao đổi, giải đáp những vướng mắc, khó khăn trong quá trình sử dụng phần mềm.

Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm mô hình thông tin công trình BIM tại Nhà máy xử lý nước thải thành phố, công nghệ này bước đầu đáp ứng việc quản lý vận hành hệ thống xử lý nước thải thành phố, là cơ sở quan trọng để nhân rộng mô hình BIM cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị khác trên địa bàn tỉnh Sơn La. Khi thiết lập một môi trường dữ liệu dùng chung (CDE) trên địa bàn tỉnh Sơn La, sẽ góp phần vào công tác quản lý nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính cấp độ 4 và phục vụ mô hình chính phủ điện tử trong lĩnh vực ngành xây dựng. Đồng thời phù hợp với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La về chuyển đổi số trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tú Hảo

 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang