Hội đồng tư vấn, tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2024 thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030
Lượt xem: 53

Sáng ngày 14/4/2024, Hội đồng tư vấn, tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2024 tiến hành họp tư vấn nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 đối với nhiệm vụ: "Đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Măng Vân Hồ” cho sản phẩm măng của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La". Ông Lưu Bình Khiêm - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch Hội đồng.

anh tin bai

Hội đồng tư vấn, tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ "Đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Măng Vân Hồ” cho sản phẩm măng của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La"

Nhiệm vụ có 01 hồ sơ do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp đăng kí chủ trì, thạc sĩ Vũ Văn Đoàn đăng kí làm chủ nhiệm, với mục tiêu: Phát triển chuỗi giá trị thông qua bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Măng Vân Hồ”, từ đó giúp bảo vệ danh tiếng, quản lý chất lượng, tạo thêm giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập cho các tác nhân sản xuất, chế biến và kinh doanh măng của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Trong thời gian 24 tháng, đơn vị thực hiện nhiệm vụ triển khai 05 nội dung bao gồm: Xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận; Xây dựng hệ thống văn bản, công cụ quản lý; hệ thống nhận diện thương hiệu và công cụ truyền thông, quảng bá sản phẩm; mô hình thử nghiệm quản lý và khai thác nhãn hiệu chứng nhận; Nâng cao năng lực về quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm “Măng Vân Hồ” của huyện Vân Hồ.

Qua nghiên cứu nội dung thuyết minh, các thành viên Hội đồng đánh giá: Đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận “Măng Vân Hồ” sẽ nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm măng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Sản phẩm sau khi được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sẽ tham gia hoạt động thương mại với đầy đủ thông tin về tiêu chí chất lượng, thông tin về nguồn gốc sản phẩm giúp nâng cao uy tín, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, đơn vị chủ trì cần bám sát thực tiễn sản xuất măng trên địa bàn huyện Vân Hồ; phát triển trồng măng phải theo quy hoạch của huyện; xây dựng được chuỗi giá trị măng Vân Hồ để góp phần duy trì sinh kế, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, thiết lập liên kết giữa các hộ trong sản xuất và thương mại nhằm đảm bảo sản phẩm đáp ứng thị trường....

Trên cơ sở các ý kiến tham gia, ông Lưu Bình Khiêm - Giám đốc Sở KH&CN đánh giá: Nhiệm vụ đã nêu bật được tính cấp thiết cũng như ý nghĩa của việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm măng Vân Hồ. Tuy nhiên thuyết minh cần phải khảo sát, đánh giá cụ thể diện tích, năng suất, sản lượng, giá cả thị trường, các chuỗi sản xuất, tình hình doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh sản phẩm măng hiện nay. Quá trình xây dựng thương hiệu gắn với Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu - Vân Hồ và bám sát theo quy hoạch phát triển của huyện Vân Hồ cũng như Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, không được làm ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ hiện có; Xác định rõ vùng địa lý, qua đó trình UBND tỉnh ban hành việc sử dụng địa danh Vân Hồ cho sản phẩm măng; Bộ tiêu chí chứng nhận sản phẩm đảm bảo chỉ tiêu lý, hóa, tiêu chuẩn quốc gia là cơ sở để thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm và đánh giá cấp quyền sử dụng cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu.

Căn cứ vào tính cấp thiết, điển hình, tính khả thi, tính hiệu quả và bền vững, Hội đồng nhất trí trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tuyển chọn Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp chủ trì nhiệm vụ, thạc sĩ Vũ Văn Đoàn làm chủ nhiệm.

        Trong buổi sáng ngày 14/4/2024, Hội đồng tiếp tục họp tư vấn, tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ: Đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Gạo nếp tan Ngọc Chiến” cho sản phẩm Gạo nếp tan của huyện Mường La, tỉnh Sơn La do Trung tâm Hỗ trợ phát triển nông nghiệp (Công ty cổ phần tư vấn dịch vụ và thương mại nông sản thực phẩm nông thôn) đăng kí chủ trì, thạc sĩ Vũ Văn Trung  đăng kí làm chủ nhiệm.

 anh tin bai

 Hội đồng tư vấn, tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ: Đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Gạo nếp tan Ngọc Chiến” cho sản phẩm Gạo nếp tan của huyện Mường La, tỉnh Sơn La

        Theo thuyết minh trình bày tại Hội đồng, xã Ngọc Chiến, nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, có thời tiết, khí hậu mát mẻ quanh năm thuận lợi phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sản phẩm lúa nếp tan. Đây là giống lúa có từ lâu đời trên địa bàn với những đặc tính quý như gạo trắng trong, hạt bầu bóng, chất lượng gạo dẻo, mùi hương thơm dịu, vị gạo ngậy bùi. Tổng diện tích hiện có khoảng 175 ha tập trung ở hai xã Ngọc Chiến (130 ha) và Nặm Păm (45 ha), năng suất bình quân 3,5 tấn/ha với sản lượng hàng năm hơn 400 tấn. Tuy nhiên, sản phẩm gạo nếp tan Ngọc Chiến chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chưa có hệ thống nhận diện sản phẩm trên thị trường, chưa có các chiến lược marketting, xúc tiến thương mại sản phẩm phù hợp; chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào việc chăm sóc - thu hoạch - bảo quản - vận chuyển. Do đó, người tiêu dùng thiếu thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, khó phân biệt được sản phẩm nếp tan Ngọc Chiến với các sản phẩm gạo nếp khác vì vậy chưa tạo được uy tín, danh tiếng cho sản phẩm trên thị trường.

anh tin bai

 Thạc sĩ Vũ Văn Trung - Trung tâm Hỗ trợ phát triển nông nghiệp trình bày thuyết minh tại Hội đồng

Với mục tiêu: Phát triển chuỗi giá trị gạo nếp tan của huyện Mường La thông qua đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Gạo nếp tan Ngọc Chiến”, tăng khả năng cạnh tranh, tạo thêm giá trị gia tăng và thu nhập cho các chủ thể sản xuất và kinh doanh (nông dân, HTX, doanh nghiệp chế biến, phân phối) tham gia chuỗi giá trị sản phẩm. Các nội dung được triển khai bao gồm:  Xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Gạo nếp tan Ngọc Chiến” theo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; Xây dựng hệ thống văn bản, công cụ quản lý; hệ thống nhận diện thương hiệu và công cụ truyền thông, quảng bá sản phẩm; mô hình thử nghiệm quản lý và khai thác nhãn hiệu chứng nhận; Nâng cao năng lực về quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo nếp tan Ngọc Chiến". Trong đó, xây dựng được mẫu logo sản phẩm, chỉ tiêu về cảm quan, lý hóa; quy định quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm; bản đồ khu vực địa lý tương ứng với sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc thông tin, phương thức quảng bá thông qua các kênh tiêu thụ....

          Trên cơ sở nội dung thuyết minh và ý kiến tham gia của các thành viên tại Hội đồng, ông Lưu Bình Khiêm - Giám đốc Sở KH&CN yêu cầu đơn vị đăng kí chủ trì thực hiện đầy đủ nội dung đặt hàng theo Quyết định 252/QĐ-UBND ngày 06/02/2024 của UBND tỉnh Sơn La về phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đặt hàng thực hiện năm 2024 thuộc Chương  trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030. Đồng thời cập nhật bổ sung thêm hiện trạng sản xuất, thị trường tiêu thụ, dấu hiệu nhận diện sản phẩm gạo cũng như các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã và đang triển khai trên địa bàn huyện Mường La, xã Ngọc Chiến. Trong quá trình thực hiện các hoạt động xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Gạo nếp tan Ngọc Chiến” phải gắn với phát triển du lịch, phát triển theo chuỗi sản xuất, nêu bật được sự cần thiết, hiệu quả mang lại khi xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận. Ngoài sản phẩm gạo, cần nghiên cứu đề xuất thêm từ 1-2 sản phẩm khác nhằm đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đối với xây dựng hệ thống công cụ quảng bá, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên mạng xã hội như: Youtobe, Faceboook, tiktok....  Đối với UBND huyện Mường La, tổ chức tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa bảo tồn giống lúa nếp bản địa gắn với truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc xã Ngọc Chiến, từ đó giữ gìn và phát triển diện tích sản xuất tạo sản phẩm nếp tan có thương hiệu bền vững mang địa danh vùng miền lan tỏa tới người tiêu dùng.

Căn cứ vào tính  cấp thiết, điển hình, tính khả thi, tính hiệu quả và bền vững, Hội đồng nhất trí trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tuyển chọn Trung tâm Hỗ trợ phát triển nông nghiệp (Công ty cổ phần tư vấn dịch vụ và thương mại nông sản thực phẩm nông thôn) là đơn vị chủ trì, thạc sĩ Vũ Văn Trung làm chủ nhiệm.

                                                                              Ánh Nguyệt

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang