Đảng bộ huyện Bắc Yên - 75 năm xây dựng và phát triển
Lượt xem: 2836

Nằm ở sườn Tây Nam của dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, nơi có đỉnh Pu Sa Phìn cao 2.879 m, được ví là “mái nhà” của Tây Bắc, Bắc Yên hội tụ 7 dân tộc anh em sinh sống trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa gắn liền với sự phát triển cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Yên đã vượt qua nhiều hy sinh to lớn để cùng các dân tộc trong tỉnh và cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trải qua 75 năm truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc huyện Bắc Yên đến nay tinh thần ấy tiếp tục được phát huy, khơi dậy, giữ gìn trong công tác xây dựng và phát triển huyện Bắc Yên anh hùng thời kì đổi mới.

Với ý nghĩa tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc hơn quá trình lịch sử hình thành, phát triển, vai trò của Đảng bộ tỉnh Sơn La, lịch sử đảng bộ các địa phương trong cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ tích cực công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử trong nhân dân học sinh sinh viên trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, Huyện ủy Bắc Yên đã chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu, chỉnh lý, biên soạn bổ sung cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Yên (1945-2020). Sau hơn 01 năm triển khai, đề tài đã chỉnh lý và bổ sung chính xác nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử quan trọng cho mỗi giai đoạn phát triển của Đảng bộ và các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân các dân tộc Bắc Yên trong chiến đấu, sản xuất, học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như: Sự kiện thành lập Đảng bộ huyện, các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện từ năm 1965 đến năm 2020; Quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Khu 99 - một trong những khu căn cứ cách mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phong trào kháng chiến trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1950-1952; Quá trình lãnh đạo, xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, công tác định canh định cư, quá trình thực hiện nhiệm vụ “vừa sản xuất, vừa chiến đấu” trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965-1975); Quá trình lãnh đạo, vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, của Tỉnh ủy Sơn La trong 35 năm thực hiện chủ trương đổi mới vào thực tiễn địa phương.

Huyện ủy Bắc Yên tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tham gia vào Cuốn Đảng bộ huyện Bắc Yên (1945-2020)

Ghi dấu ấn trong những trang vàng lịch sử đảng bộ huyện Bắc Yên, bao nhiêu trang sử bấy nhiêu sự kiện và các thành tựu nổi bật đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của đảng bộ huyện. Từ năm 1930 đến năm 1964 là một chặng đường dài mà nhân dân các dân tộc Bắc Yên tiếp nhận ánh sáng và sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Bắc Yên tích cực tham gia dân công phục vụ chiến dịch, làm đường, chuyển lương thực, thực phẩm, tải thương, tải đạn cho bộ đội. Chỉ trong một tháng tham gia chiến dịch Tây Bắc, quân dân Bắc Yên đã phối hợp với bộ đội chủ lực quét sạch đồn bốt của thực dân Pháp và tay sai trên địa bàn huyện, Bắc Yên hoàn toàn giải phóng. Sau sáu năm trực tiếp chiến đấu kiên cường, anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược và phong kiến tay sai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân Bắc Yên đã được sống trong độc lập, tự do, cùng nhau đoàn kết, hăng hái tiến hành công cuộc xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng cuộc sống mới.

Ngày 17-8-1964, Đảng bộ huyện Bắc Yên ra đời khi đơn vị hành chính huyện Bắc Yên thành lập theo Quyết định số 128/CP của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sự ra đời của Đảng bộ huyện xuất phát từ yêu cầu khách quan về sự phát triển của một địa bàn miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa có vị trí quan trọng ở vùng Tây Bắc đất nước; Đồng thời là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài của nhân dân các dân tộc, sự giúp đỡ của Trung ương Đảng, của các khu ủy, Đảng bộ tỉnh Sơn La, Nghĩa Lộ (Yên Bái), các huyện ủy Phù Yên, Yên Châu. Từ đây các xã: Phiêng Ban, Song Pe, Chim Vàn, Pắc Ngà, Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện Bắc Yên. Dân số của huyện khi mới thành lập có trên 13.000 người gồm các dân tộc: Thái, Mường, Mông, Dao, Tày và đồng bào từ miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới. Tháng 2-1965, Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Yên lần thứ Nhất tổ chức tại bản Cao Đa, gồm 90 đại biểu tham dự. Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa I gồm 15 uỷ viên, 5 ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, đồng chí Hà Nén - Tỉnh ủy viên làm Bí thư, đồng chí Đoàn Duy Ninh làm Phó bí thư Thường trực, đồng chí Mùa Thào Sử (Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện) làm ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy. Ra đời trong giai đoạn lịch sử đặc biệt vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Nghĩa Lộ và Tỉnh ủy Sơn La, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Bắc Yên và nhân dân các xã Tạ Khoa, Chiềng Sại, Phiêng Côn của huyện Yên Châu đã xác định rõ và tiến hành đồng thời nhiệm vụ sản xuất gắn liền với nhiệm vụ chiến đấu, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng. Đồng thời, tăng cường giáo dục về chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức và bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng dân quân tự vệ.

Từ ngày 15-6-1965, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá trên địa bàn huyện Bắc Yên. Chúng tập trung đánh phá vào các trọng điểm, các trục đường giao thông chiến lược, bản mường, trường học, bệnh viện, một số điểm vùng cao xung yếu (các xã Chim Vàn, Pắc Ngà, Hang Chú). Trước những hành động tàn bạo của đế quốc Mỹ, quân và dân Bắc Yên đã dũng cảm, kiên cường đánh trả quân thù, lập chiến công xuất sắc, bốn xã vùng cao tổ chức "tổ săn bắn máy bay", triển khai tổ chức hậu cần như: tải thương, cứu thương, túi thuốc phòng không luôn sẵn sàng phục vụ kháng chiến. Kết thúc cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, quân dân Bắc Yên và Phù Yên đã bắn rơi 13 chiếc máy bay địch. Công tác tuyển quân, chi viện cho chiến trường hằng năm được Đảng bộ lãnh đạo nhân dân thực hiện với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Trong hai năm 1967 - 1968, huyện đã động viên hơn 200 con em Bắc Yên gia nhập quân đội làm nhiệm vụ trong nước và sang chiến trường Lào.

Đại thắng mùa Xuân 1975 đã kết thúc thắng lợi 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước ta: Kỷ nguyên hoà bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ và nhân dân Bắc Yên bắt tay thực hiện kế hoạch 5 năm (1976 - 1980), dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế vừa chống chọi với thời tiết rất khắc nghiệt như: sương muối, băng giá, lũ, hạn hán thường xuyên xảy ra cho trồng trọt và chăn nuôi... Song với niềm vui sau chiến thắng, Tổ quốc được thống nhất, thực hiện khẩu hiệu "cả Sơn La là một công trường vĩ đại, mỗi người dân là một chiến sĩ hăng hái xây dựng chủ nghĩa xã hội", Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Bắc Yên đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, khắc phục và đẩy lùi mọi khó khăn, giành thắng lợi trên mặt trận sản xuất nông, lâm nghiệp ba năm 1976 - 1978, phong trào hợp tác hoá ở Bắc Yên phát triển mạnh, tinh thần làm chủ tập thể của xã viên được nêu cao, làm tiền đề thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980), kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) và từng bước cải thiện đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (1981-1985).

Từ một huyện miền núi heo hút, nghèo nàn, lạc hậu, sau 75 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bắc Yên làm chủ bản mường, làm chủ vận mệnh của mình, đảng bộ huyện Bắc Yên được hình thành và đã trải qua 16 kỳ đại hội, mỗi giai đoạn Đảng bộ đều rút ra bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình lãnh đạo cho từng giai đoạn cách mạng. Ban chấp hành Đảng bộ huyện không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương Đảng, tỉnh ủy Sơn La thành chương trình công tác trọng tâm toàn khóa với nhiều đề án, kế hoạch và Nghị quyết chuyên đề cho từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện thực của địa phương. Do vậy, huyện Bắc Yên đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên mọi mặt đời sống, văn hóa, xã hội. Trong 5 năm 2015-2020, kinh tế huyện Bắc Yên đạt mức tăng trưởng khá và ổn định; Cơ cấu ngành kinh tế có bước chuyển dịch tích cực và vững chắc và tiến bộ. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/người/năm; Thu ngân sách vượt cao so với Nghị quyết Đại hội XV đề ra, đạt trên 3.000 tỷ. Tổng đàn gia súc trên 82.000 con, gia cầm đạt gần 280.000 con. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được chú trọng, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 39%. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt trên 13 tiêu chí. Các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững được huyện triển khai đồng bộ, đúng đối tượng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong nhiệm kỳ, huyện đã huy động, bố trí được 330 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới năm 2020 còn 19%, giảm trên 20% so với năm 2015. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, trên 80% xã có đường giao thông đến trung tâm, mặt đường được cứng hóa; 96% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 97,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 16/16 xã có trụ sở làm việc khang trang; Tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt trên 94%; Trên 87% trạm y tế xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; Kết cấu hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư... Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chuỗi giá trị được hình thành. Tiềm năng, lợi thế của huyện trong sản xuất nông nghiệp được phát huy, khai thác có hiệu quả hơn. Các xã vùng cao tập trung phát triển cây sơn tra, các xã vùng thấp mở rộng cây xoài, các cây ăn quả. Huyện thúc đẩy các Hợp tác xã, khuyến kích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học trong các khâu sản xuất, làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Trên 39% diện tích cây nhãn được áp dụng giống, công nghệ mới. Các đặc sản nổi tiếng của huyện được cấp nhãn hiệu khẳng định chất lượng thương hiệu trong tỉnh như: Nhãn hiệu Chứng nhận Sơn tra Sơn La, Nhãn hiệu tập thể Chè Tà Xùa. Một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước, có sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Trên địa bàn huyện có 20 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Các ngành nghề truyền thống địa phương được duy trì, phát triển.

Với nhận thức sâu sắc xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, các cấp ủy đảng đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo trên nhiều lĩnh vực như công tác tổ chức, dân vận, dân tộc, tôn giáo... Đảng bộ quan tâm việc học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, xây dựng chương trình hành động sát thực tế của địa phương, tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc. Tích cực phát triển, nâng cao chất lượng đảng viên được các cấp uỷ đảng, coi trọng chất lượng đi đôi với số lượng, quan tâm phát triển đảng viên nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số, đoàn viên thanh niên nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác cán bộ của huyện. Hiện Bắc Yên có 100% các bản đã có chi bộ, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã kết nạp gần 1.200 đảng viên, vượt gần 200 đảng viên so với Nghị quyết Đại hội XV đề ra.

Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Bắc yên được Đảng, nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2005, 02 Huân chương Lao động hạng Nhì, 01 Huân chương Lao động hạng Ba, 1.375 Huân, Huy chương kháng chiến các loại tặng tập thể, cá nhân có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; trong đó có 143 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 16 mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Những kết quả đạt được trong suốt bảy thập kỷ qua đã tạo ra động lực, niềm tin và khí thế mới để  đảng bộ chính quyền, nhân dân huyện Bắc Yên tiếp tục ra sức phát huy truyền thống cách mạng, nguồn lực văn hóa của quê hương, nêu cao tinh thần chủ động sáng tạo, nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, viết tiếp trang sử hào hùng cho sự nghiệp xây dựng quê hương Bắc Yên ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Quá trình 75 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ huyện (1945-2020) được biên soạn, chỉnh lý, bổ sung là nguồn tư liệu quý giá góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nhất là thế hệ trẻ - người kế thừa sự nghiệp cách mạng của quê hương Bắc Yên anh hùng.

                                                                                                                                                                                                                                                     Ánh Nguyệt

 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang