Mô hình trồng cây che bóng trên nương cà phê
Lượt xem: 919

          Sử dụng cây che bóng đang mang lại lợi ích kép cho người trồng cà phê tại, bởi ngoài tác dụng điều hòa được nhiệt độ, độ ẩm vào mùa khô, hạn chế tác hại của sương muối gây hại và ánh sáng trực xạ, giảm cường độ hạt mưa và hạn chế xói mòn đất mà nó còn được khai thác để phục vụ nhu cầu sản xuất cũng như đời sống của người dân.

         Tại xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên bắt đầu trồng cà phê từ năm 1998, từ khi triển khai chủ trương trồng cây cà phê trên địa bàn người dân đã chủ động đem cây keo dậu trồng để che bóng cho cây cà phê. Đối với cây keo dậu, ngoài lợi ích che bóng tạo ra vùng tiểu khí hậu dưới tán cây che phủ, giúp cà phê sinh trưởng, phát triển người dân còn có thể khai thác tận dụng lấy gỗ, làm các vật liệu ván, để làm nhà. Điều này mang lại lợi ích kép đối với việc trồng cà phê nơi đây

          Tại tỉnh Sơn La, mô hình cây che bóng trên nương cà phê chưa được phát triển, sau đợt sương muối năm 2019 đã gây thiệt hại 3.159 ha cà phê chè đang trong giai đoạn cho thu hoạch, Trung tâm đã đề xuất và thực hiện dự án trồng cây che bóng cho cây cà phê để hạn chế thiệt hại sương muối. Tháng 8/2020, Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông lâm nghiệp Tây Bắc đã bắt đầu khởi động dự án khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình trồng cây che bóng nhằm hạn chế thiệt hại do sương muối và nâng cao hiệu quả canh tác cho cây cà phê chè tại các tỉnh Tây Bắc” tại 02 tỉnh Sơn La và Điện Biên. Để có những đánh giá cụ thể và khuyến cáo cho người dân trong việc lựa chọn cây che bóng phù hợp trên nương cà phê, Trung tâm đã triển khai xây dựng được 04 mô hình trồng cây che bóng với tổng diện tích 30ha tại xã Chiềng Ban, Xã Chiềng Pha, Xã Chiềng Chung (tỉnh Sơn La) và Xã Ẳng Nưa (tỉnh Điện Biên), trong đó: Xây dựng được 01 mô hình trồng cây che bóng bằng keo dậu, kết hợp với chăm sóc cho diện tích cà phê phải cưa đốn cải tạo do bị ảnh hưởng nặng bởi sương muối với diện tích 10 ha; 01 mô hình trồng cây che bóng bằng cây keo dậu xen cây đậu tương, kết hợp với chăm sóc cho diện tích cà phê phải cưa đốn cải tạo do bị ảnh hưởng nặng bởi sương muối với diện tích 05 ha; 01 mô hình trồng cây che bóng bằng cây keo dậu kết hợp thâm canh cho diện tích cà phê bị ảnh hưởng nhẹ bởi sương muối không phải cưa đốn cải tạo với diện tích 10ha; 01 mô hình trồng cây che bóng bằng cây xoài kết hợp thâm canh cho diện tích cà phê bị ảnh hưởng nhẹ bởi sương muối không phải cưa đốn cải tạo với diện tích 05 ha với sự tham gia của 65 hộ dân. Trung tâm cũng đã cung cấp hơn 1000 cây keo dậu và 100 cây xoài cho các hộ dân tham gia mô hình, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân trực tiếp trong quá trình trồng, chăm sóc cây cà phê cùng cây che bóng.

          Gia đình ông Vì Văn Sáng, bản Áng, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn đã được Trung tâm hỗ trợ 50 cây keo dậu để trồng xen trong 5000 m2 cà phê, đồng thời được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cà phê, tỉa cành tạo tán cho cây cà phê và cây che bóng. Ông Vì Văn Sáng chia sẻ: “Đối với cây che bóng cho cà phê thì cây này rất phù hợp với cây cà phê vì mùa hè thì ánh sáng đủ cho cây cà phê, mùa đông không rụng lá. Cây che bóng một là giúp chống ẩm, hai là chống nắng, ba là chống sương muối, mùa đông không rụng lá rất phù hợp cho cây cà phê. Cây che bóng giúp cây cà phê sinh trưởng tốt hơn, vì cây che bóng là loại phân giúp ích cho đất trồng cây cà phê”.

          Qua đánh giá tại mô hình trồng cây che bóng bằng keo dậu, kết hợp với chăm sóc cho diện tích cà phê phải cưa đốn cải tạo do bị ảnh hưởng nặng bởi sương muối, năng suất vườn cà phê đạt bình quân 9,25 tấn quả tươi/ha đạt 100% kế hoạch năm 2021. Năm 2022 mô hình đạt năng suất bình quân 13 tấn/ha đạt 130% so với kế hoạch. Vườn cà phê phục hồi hoàn toàn sau ảnh hưởng bởi sương muối. Đối với các mô hình trồng cây che bóng bằng keo dậu kết hợp thâm canh cho diện tích cà phê bị ảnh hưởng nhẹ bởi sương muối không phải cưa đốn cải tạo, năng suất cà phê đạt trung bình 14,28 tấn/ha, đạt 100% kế hoạch năm 2021. Năm 2022 năng suất đạt bình quân 15.5 tấn/ha, đạt 105% so với kế hoạch. Cây che bóng đạt chiều cao bình quân >3m, đường kính tán >2m, có khả năng che phủ 25 - 40%. Đối với diện tích 5ha trồng xen cây đậu tương, trong 2 năm đầu tiên, 2020-2021, đã thu được năng suất đậu tương hơn 10 tạ/ha, đem lại thu nhập cho bà con trong giai đoạn cà phê đang kiến thiết cơ bản, tăng thêm lượng mùn, cải tạo đất.

anh tin bai

Các hộ dân tham quan mô hình trồng cây che bóng tại xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu 

          Để giúp người dân trồng cà phê  có cái nhìn rõ hơn về hiệu quả của cây che bóng, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông lâm nghiệp Tây Bắc đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho 180 người tham gia dự án, tổ chức tập huấn nhân rộng mô hình cho 180 hộ dân ngoài mô hình. Tổ chức hội thảo đầu bờ cho 100 hộ dân Xã Chiềng Ban, Xã Chiềng Pha, Xã Chiềng Chung (Sơn La) và Xã Ẳng Nưa (Điện Biên), thông qua việc tổ chức tập huấn, hội thảo người trồng cà phê đã nắm vững được những kiến thức cơ bản về quy trình canh tác cà phê hạn chế thiệt hại bởi sương muối và chăm sóc cà phê bền vững.

         Bên cạnh những tác động về tái lập sự cân bằng về nhiệt độ, độ ấm, Cây che bóng còn có tác dụng nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, vì cà phê thích hợp với ánh sáng tán xạ, yêu cầu được che bóng nhất định. Ánh sáng tán xạ làm kéo dài thời gian chín của quả, tạo điều kiện để hạt tích lũy đầy đủ các hợp chất thơm cần thiết của hương vị cà phê, vì vậy qua các lớp tập huấn, trong năm 2022, Trung tâm đã lựa chọn được 50 hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La để nhân rộng mô hình trồng cây che bóng cho cà phê. với mục tiêu phát triển và canh tác bền vững cà phê. Ngoài việc sử dụng cây keo dậu, người dân có thể lựa chọn các loại cây ăn quả tạo tán để trồng xen canh trong vườn cà phê như xoài, bơ, mắcca... vừa hạn chế cỏ dại, tạo thêm thu nhập cho gia đình hoặc tránh được nguy cơ về thị trường, mùa vụ trong trường hợp độc canh.

          Với những lợi ích của trồng cây che bóng cho cây cà phê, hi vọng rằng trong những năm tới người dân tiếp tục ứng dụng mở rộng mô hình trồng cây che bóng phù hợp tại vườn cà phê tại gia đình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của cà phê một cách bền vững, tăng thu nhập cho người dân và góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Bích Đào

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang