Nâng cao năng suất, chất lượng từ trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP
Lượt xem: 1020

Thâm canh cây xoài theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng giá trị của sản phẩm mà còn tạo ra môi trường an toàn cho người sản xuất, cây xoài có sức sống bền hơn, thị trường tiêu thụ thuận lợi và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống,.... Đây là minh chứng được khẳng định sau khi tổng kết, đánh giá hiệu quả của mô hình “thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP” trên địa bàn tỉnh Sơn La, thuộc Dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020 - 2022 do Trung tâm Khuyến nông Sơn La triển khai thực hiện. Từ những kết quả đạt được của dự án đã tạo động lực để nhiều hộ dân tiếp tục nhân rộng mô hình vào sản xuất.

 Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra và hướng dẫn các hộ dân tham gia bao quả xoài

 

Mô hình được triển khai tại huyện Mai Sơn và Yên Châu, quy mô thực hiện 16 ha, với 7 hộ tham gia. Với mục tiêu ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất thâm canh xoài, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với liên kết tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu sản phẩm để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Mô hình được quản lý, chăm sóc tốt theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn tại Việt Nam (VietGAP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Các hộ tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật tỉa cành tạo tán, quản lý dinh dưỡng và cải thiện chất lượng quả thông qua kỹ thuật bao quả, quản lý dịch hại tổng hợp theo IPM, hướng dẫn ủ phân và sử dụng phân ủ hữu cơ vi sinh, ủ đậu tương, phân cá, ngô nghiền để bón cho vườn cây... Đồng thời các hộ còn được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, túi bao quả; các mô hình triển khai đã định hình được quy trình sản xuất và được cấp giấy chứng nhận sản xuất xoài an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ 2 nhóm hộ tham gia các hoạt động xúc tiến thương  mại, quảng bá sản phẩm thông qua việc tham gia gian hàng tại Tuần lễ Xoài và nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại Hà Nội. Ngoài ra, thông qua các lớp tập huấn ngoài mô hình, hộ tham gia mô hình còn hướng dẫn, trao đổi và phổ biến kỹ thuật chăm sóc an toàn cho các hộ lân cận trong khu vực, góp phần nhân rộng mô hình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP trong cộng đồng.

Trong quá trình thực hiện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các hộ tham gia mô hình tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật được tập huấn, hướng dẫn từ việc chăm sóc, bón phân, quản lý sâu, bệnh hại, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Bên cạnh đó, các hộ tham gia đã thực hiện chăm sóc, bón phân, tỉa cành tạo tán đúng kỹ thuật để tạo cho cây khỏe, tiến hành bao bọc quả ngay từ giai đoạn sớm để hạn chế sâu bệnh hại. Thường xuyên làm cỏ bằng máy, đốn tỉa, cắt bỏ, thu gom các cành có tàn dư sâu bệnh đi tiêu hủy, nhằm tạo cho cây thông thoáng, hạn chế sâu bệnh hại phát triển. Quá trình thu hoạch đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch tối thiểu 20 ngày và ghi chép đầy đủ thông tin vào Sổ nhật ký theo dõi chăm sóc bón phân, phun thuốc, làm cỏ, thu hoạch...

Hỗ trợ nhóm hộ tham gia gian hàng tại Tuần lễ Xoài và nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại Hà Nội

Ông Nguyễn Thành Đô, bản Phát, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, hộ tham gia mô hình cho biết: Trước đây chưa biết và chưa sử dụng bao quả nên quả bị bệnh thán thư, ghẻ xẹo, ruồi vàng tấn công và hỏng, quả bị rám nhiều. Sau khi tham gia mô hình, bắt đầu áp dụng kỹ thuật bao quả, chất lượng và mẫu mã quả xoài tốt hơn, sản lượng tăng từ 10-20% so với năm trước và các hộ trong vùng không áp dụng biện pháp kỹ thuật mới.

Ông Nguyễn Đình Hẹn - thành viên HTX hoa quả Quyết Tâm, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu chia sẻ: Áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi thực hiện ghi chép sổ sách nhật ký sản xuất đầy đủ, sử dụng túi bao quả, chủ động trong việc chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh hại theo phương pháp IPM, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi đến ngưỡng phòng trừ, bón phân theo nhu cầu và từng giai đoạn phát triển của cậy. Vì vậy, năng suất và chất lượng xoài cao hơn. Năm nay tuy thời tiết diễn biến bất thường, năng suất giảm hơn so với năm trước, nhưng so với các vườn không thực hiện theo VietGAP thì năng suất, chất lượng, mẫu mã đẹp hơn, giá bán cũng cao hơn.

Hiện nay diện tích xoài của tỉnh Sơn La khoảng 20.000 ha, sản lượng năm 2022 đạt khoảng 75.000 tấn, với các giống xoài chính như: GL4, GL6, xoài Thái Lan, xoài bản địa. Hiện nay xoài Sơn La đã được kết nối với các doanh nghiệp, thương nhân tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước như: Aeon, Central Group, Mega MarKet, Lotte, Big C, Saigon.coop, Winmart, Hapro…; các chợ đầu mối nông sản, chợ truyền thống tại thành phố Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh và các bạn hàng truyền thống. Đặc biệt là xoài Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Mỹ, Australia, Châu Âu, UAE,…

Ngoài ra, xoài Sơn La còn được một số tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực, uy tín cao hàng đầu trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản như Tập đoàn TH (Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ); Công ty cổ phần thực phẩm Đồng Giao (Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La) và các doanh nghiệp, HTX đưa vào chế biến với nhiều sản phẩm phong phú như: nước ép xoài, pure, xoài cấp đông, xoài tươi ngâm, xoài sấy dẻo,... nhiều sản phẩm xoài chế biến đã được xuất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga,...

Qua tổng kết đánh giá dự án, hầu hết các hộ tham gia mô hình đều cho rằng: Dự án đã góp phần làm thay đổi tư duy và nhận thức của người dân trong trồng, chăm sóc xoài và tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật mới, nên xoài của mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng quả ngon, ngọt, mẫu mã đẹp, có tem truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, bán được giá cao hơn và được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt khi áp dụng thâm canh cây xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, cây xoài sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường; giảm sử dụng phân vô cơ, tạo điều kiện khôi phục độ màu mỡ của môi trường đất. Từ kết quả đạt được của dự án, là cơ sở để nông dân áp dụng vào thực tế sản xuất, mở rộng diện tích cây xoài và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản Sơn La./.                          

                                                                            Ánh Nguyệt

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang