Nghiên cứu đề xuất các giải pháp giảm thiểu rủi ro trong nông nghiệp tại tỉnh Sơn La
Lượt xem: 4887

Sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, môi trường, thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình... vì vậy phải đối mặt với nhiều rủi ro hiện nay. Với đặc điểm địa hình núi cao và chia cắt phức tạp nên sản xuất của Sơn La chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như: Lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất, lốc xoáy, sét, mưa đá, mưa lớn, rét hại, sương muối, sương mù, lũ, ngập lụt… Để từng bước khắc phục và hạn chế (giảm thiểu) rủi ro gây ra, trong những năm qua, tỉnh đã đầu tư nhiều chương trình trọng điểm trong nông nghiệp, mở rộng kinh tế dịch vụ phục vụ nông nghiệp; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ở nông thôn được đầu tư và phát huy hiệu quả đã tạo ra một diện mạo mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn từ đó đời sống nông dân từng bước được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được thì sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang đối mặt với những khó khăn đòi hỏi cần có những giải pháp thích ứng để giảm thiểu rủi ro thiên tai, tạo sinh kế lâu dài cho người dân nhất là trước diễn biến phức tạp của biến đổi thời tiết, khí hậu. Xuất phát từ thực tiễn đó, đề tài Nghiên cứu một số giải pháp giảm thiểu rủi ro trong nông nghiệp cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La” đã được UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện từ năm 2021 do Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ - Trường Đại học Tây Bắc chủ trì.

Mưa đá gây thiệt hại diện tích trồng ngô của bà con nhân dân huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La

Sau hơn 01 năm triển khai nghiên cứu cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, những loại thiên tai thời tiết mà các nông hộ thường gặp nhất là: hạn hán, rét đậm rét hại, sương muối, mưa đá, thời điểm giao mùa, gió lốc và lũ quét, ngoài ra sâu bệnh hại, dịch bệnh làm ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, thuỷ sản. Theo báo cáo của Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, trong 9 tháng năm 2022,  trên địa bàn xảy ra 28 vụ do mưa lớn, gió lốc, lũ quét, gây thiệt hại về người, tài sản và sản xuất nông nghiệp, tổng giá trị ước tính: 370.870 triệu đồng, so với cùng kỳ năm trước thiệt hại về sản xuất nông nghiệp tăng khoảng 3.438,6 ha (gồm cây ăn quả, lúa, ngô, rau màu, dâu tây, …), 3.041 con gia súc, gia cầm bị tiêu huỷ và 51,08 ha thủy sản bị ảnh hưởng …

Cán bộ nghiên cứu đề tài tổ chức điều tra, khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến giảm thiểu rủi ro trong nông nghiệp cho nông dân tại Thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu

Đánh giá về mức độ rủi ro, trồng trọt chịu tác động rủi ro do thiên tai thời tiết ở mức độ cao nhất, còn trong chăn nuôi bệnh dịch rủi ro mức độ cao nhất, riêng rủi ro thị trường đều có mức độ cao ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản. Trong đó, những khu vực nông hộ tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ thì mức độ rủi ro thấp hơn do tham gia vào mắt xích khác trong chuỗi.

Đề tài đi sâu nghiên cứu và phân tích 18 nhóm chính sách có liên quan đến ứng phó rủi ro nông nghiệp, các hoạt động của cơ quan xúc tiến thương mại và vai trò của đoàn thể chính trị xã hội trong việc hỗ trợ giảm thiểu rủi ro nông nghiệp tại Sơn La. Qua phân tích chính sách cho thấy: Chính phủ ưu tiên nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao thu nhập của nông dân, phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp, tăng cường năng lực của ngành để hội nhập với thị trường quốc tế, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và nâng cao hiệu quả quản lý của ngành nông nghiệp. Can thiệp của Chính phủ bao gồm 2 loại: Chính sách dài hạn để tăng sản lượng/năng suất và chính sách ngắn hạn để đối phó với biến động. Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), khung chính sách nông nghiệp có sự chồng chéo giữa các bộ, ngành, một số quy định chưa sát thực tiễn, quy trình phức tạp, khó khăn trong thực hiện và giám sát, một số hiệu quả chưa cao. Đối với Sơn La, tỉnh đã triển khai chính sách nhằm ứng phó với rủi ro nông nghiệp như: Thực hiện chính sách tín dụng cho nông dân; Đẩy mạnh Chương trình khuyến nông địa phương giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ cây trồng và giống vật nuôi giúp tăng thu nhập của nông dân, giảm các rủi ro về giống, tăng khả năng tích luỹ ứng phó với rủi ro khác trong nông nghiệp, chính sách hỗ trợ giá, chính sách thuế, phí đã kịp thời, giúp các doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh được coi như đột phá giúp tạo bước ngoặt lớn cho nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho vùng núi và vùng dân tộc thiểu số (Chương trình 135) giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh được đầu tư gần 220 tỷ đồng vốn từ chương trình để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình xoá đói giảm nghèo. Dự án đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư cho gần 37.000 hộ dân, xây dựng 40 mô hình phát triển sản xuất, nhiều hạng mục hạ tầng được đầu tư xây dựng…. Từ nguồn vốn này góp phần to lớn vào nâng cao chất lượng đời sống, giúp nông dân thoát nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức của người dân, tạo tiền đề giảm thiểu rủi ro sản xuất, thị trường, con người, tạo bộ mặt mới cho nông thôn Sơn La.

Nhận thấy vai trò của ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp là tất yếu vừa giúp giảm thiệt hại của rủi ro nông nghiệp vừa đáp ứng nhu cầu thị hiếu tỉnh đã có nhiều văn bản khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông sản thực phẩm an toàn Đặc biệt, nhiều sản phẩm được xây dựng thương hiệu đã ngày càng lan tỏa và có chỗ đứng trên thị trường, tạo nên các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Mặt khác, tỉnh Sơn La có ban hành một số chính sách đặc thù riêng của tỉnh, trong đó kể đến là những chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân trong thời kỳ Covid 19, khắc phục những thiệt hại do đứt gãy chuỗi sản xuất, góp phần giải quyết nhiều khó khăn của nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế, một số chính sách chưa thực sự hiệu quả, kết quả đạt được chưa cao, quá trình thực hiện một số chính sách vẫn còn có sự thiếu đồng bộ trong hướng dẫn của các cơ quan chức năng, các chính sách mang tính đồng hành cùng nông dân còn chưa nhiều, …

Sơn La hiện có 113.000ha cây trồng lâu năm, trong đó có 84.000ha cây ăn quả, có 240 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, 241 mã số vùng trồng với diện tích 3.865ha cây ăn quả. Sản phẩm nông sản đã được đưa lên 35 sàn thương mại điện tử, đã xuất khẩu và giới thiệu 17 sản phẩm nông sản vào thị trường 21 quốc gia và vùng lãnh thổ; 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, 83 sản phẩm OCOP... Kết quả trên là sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp và sự chủ động, tích cực triển khai những chủ trương, chính sách thiết thực, tạo ra động lực phát triển mới cho nền nông nghiệp tỉnh. Tuy nhiên trên thực tế, nông nghiệp Sơn La vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào điều kiện khí hậu vì vậy chịu thách thức trực tiếp và lâu dài bởi tác động của biến đổi khí hậu.

Hội thảo “Giải pháp và tài liệu hướng dẫn nông dân Sơn La giảm thiểu rủi ro nông nghiệp”

Để nông nghiệp phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm nghiên cứu đề tài đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn nông dân Sơn La giảm thiểu rủi ro nông nghiệp, đó là những vấn đề cơ bản về quản lý rủi ro nông nghiệp, kinh tế hộ, chuỗi liên kết và tiêu thụ. Hướng dẫn cụ thể giảm thiểu rủi ro trong trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản giúp người dân chủ động hơn về kiến thức, kỹ thuật trong phát triển sản xuất. Đồng thời, đề xuất 9 nhóm giải pháp, 5 khuyến nghị. Nhóm giải pháp đầu tiên là nâng cao năng lực sản xuất, quản lý rủi ro của người nông dân, giúp nông hộ chủ động lựa chọn kỹ thuật sản xuất phù hợp, tích cực hợp tác sản xuất, trong đó cần: Nâng cao năng lực thực hành sản xuất nông nghiệp, bảo quản và bao gói, chế biến đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm; đồng hành cùng nông dân hướng đến nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đồng thời lựa chọn mũi nhọn để xác định lộ trình đạt tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu cũng như năng lực quản lý kinh tế hộ, đổi mới tư duy kinh tế, xác định cơ cấu tiêu dùng, tiết kiệm hợp lý đặc biệt đối với nông hộ dân tộc thiểu số, tăng cường tiếp cận thông tin, xử lý, phân tích, chia sẻ thông tin trong cộng đồng dân cư nông thôn. Bên cạnh đó, nông hộ cần thực hiện đa dạng hoá sản xuất, đa dạng hoá nguồn thu nhập, tích cực hợp tác sản xuất; Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, cán bộ nông nghiệp, khuyến nông, chính quyền địa phương nhằm tăng cường năng lực sản xuất thực hành nông nghiệp.

Thứ hai, tạo điều kiện phát triển chuỗi sản xuất theo hướng chuỗi giá trị bền vững, bảo hiểm nông nghiệp và các công cụ tài chính khác thông qua xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”, gắn kết nông dân nhỏ lẻ trong phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng nông nghiệp cộng đồng… nhằm tăng cường tiềm lực ứng phó với rủi ro nông nghiệp. Phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, phát triển nông nghiệp bằng tư duy công nghiệp.

Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững theo hướng hiện đại, xây dựng nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ tư, Phát triển nông thôn, tạo điều kiện để nông dân tham gia thị trường lao động việc làm phi nông nghiệp.

Thứ năm, đổi mới công tác phòng chống thiên tai.

Thứ sáu, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, yếu tố thị trường cần được tính toán ngay từ khâu sản xuất.

Thứ bảy, thực hiện hiệu quả các chương trình phòng dịch bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, vận hành hiệu quả hệ thống khuyến nông.

Thứ tám, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển hệ thống logistics và triển khai hiệu quả các chương trình cứu trợ xã hội, giãn nợ, khoanh nợ, các chương trình hỗ trợ nông nghiệp giúp nông dân khắc phục rủi ro, phục hồi sản xuất

 Đồng thời, cần những can thiệp từ phía chính quyền hoặc sự điều tiết của thị trường, các giải pháp bám sát chiến lược quản lý rủi ro nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) phù hợp với đặc thù của Sơn La.

                                                       Ánh Nguyệt - Lê Luyến

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang