Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại chính trên cây chanh leo tại Sơn La
Lượt xem: 1971

Chanh leo là loài cây trồng có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Tại Sơn La, năm 2015, cây chanh leo được đưa vào trồng thử nghiệm tại huyện Mộc Châu với diện tích 5 ha. Khi thấy hiệu quả chanh leo mang lại, đến năm 2020 diện tích trồng chanh leo trên địa bàn tỉnh tiếp tục được mở rộng với diện tích gần 1.900 ha, sản lượng trên 18.000 tấn, thu nhập trung bình đạt từ 80 triệu đến 120 triệu đồng/1 ha.Với hiệu quả kinh tế đó, chanh leo được xác định là cây trồng chủ lực tạo công ăn việc làm và tiến tới làm giàu cho người dân. Tuy nhiên, chanh leo là cây trồng mới được đưa vào sản xuất, các nghiên cứu về sâu hại chanh leo và biện pháp phòng trừ chưa nhiều, các loại sâu, bệnh hại ngày càng gia tăng khi diện tích được mở rộng, trong khi đó người dân chưa có kinh nghiệm nhận biết sâu hại, diễn biến, quy luật phát sinh gây hại, không tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, vì vậy đã làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả và giá trị kinh tế. Xuất phát từ tình hình thực tế, năm 2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu các biện pháp phòng chống các loại sâu bệnh hại chính trên cây chanh leo theo hướng tổng hợp tại Sơn La”.

Việc điều tra thành phần sâu bệnh hại và thiên địch sâu hại trên cây chanh leo và sản phẩm sau thu hoạch được tiến hành từ tháng 7/2019 đến tháng 7/2021 tại các vùng sinh thái thuộc huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu. Kết quả cho thấy, thành phần sâu bệnh hại chanh leo tại Sơn La thấp hơn so với các công bố trên thế giới, bao gồm 15 loài sinh vật gây hại, trong đó bệnh hại 7 loài; Sâu và nhện hại là 8 loài. Đối tượng thường xuyên xuất hiện và gây hại cho cây chanh leo là: Bọ trĩ, nhện, bệnh đốm nâu, đốm xám, thán thư, thối quả, bệnh do virus. Đối với diễn biến một số sâu bệnh hại chính, qua nghiên cứu trên thực tế cho thấy: Bệnh do virus gây hại tăng dần theo các tháng trong năm. Bệnh đốm nâu, đốm loang dầu, thán thư gây hại cao từ tháng 6 đến tháng 8. Nhện đỏ, Bọ trĩ có 2 thời điểm gây hại trong năm đó là, đợt 1 từ tháng 3 đến tháng 5, đợt 2 từ tháng 9 đến tháng 11. Theo ông Dương Gia Định – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, chủ nhiệm đề tài cho biết: Do có đặc tính thực vật của cây chanh leo, đây là loại cây trồng có thời gian và tốc độ phát triển rất nhanh, sinh trưởng mạnh nên có nhiều loại sâu bệnh kèm theo. Qua theo dõi điều tra, đánh giá định kì và thu thập mẫu sâu, bệnh hại, đề tài đều gửi mẫu về các đơn vị của Cục bảo vệ thực vật giám định để xác định chính xác loại sâu bệnh hại chính cho cây chanh leo tại Sơn La, trong đó bệnh virut có mức độ gây hại cao nhất, ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh trưởng, năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng như kinh tế của người dân.

Đồng thời, các nghiên cứu về yếu tố sinh thái địa hình (chân đồi, sườn đồi, đỉnh đồi), tuổi cây, vị trí (gần rừng, xa rừng), canh tác (trồng xen, không trồng xen) đều có ảnh hưởng đến tỷ lệ gây hại của sâu bệnh chính, cụ thể: Các vườn được trồng ở chân đồi, bệnh virut, đốm nâu, đốm loang dầu, thán thư có mức gây hại cao nhất, trồng ở đỉnh đồi có nhện đỏ, bọ trĩ gây hại cao nhất. Đối với yếu tố tuổi cây, các sâu bệnh hại ở vườn năm 2 đều gây hại cao hơn so với vườn năm 1. Về yếu tố vị trí , các vườn trồng ở gần rừng có bệnh virus, đốm nâu, đốm loang dầu, thán thư gây hại cao nhất, trồng xa rừng có nhện đỏ, bọ trĩ gây hại cao nhất. Trong quá trình canh tác, khi trồng xen xuất hiện bệnh virus, đốm nâu, đốm loang dầu, thán thư gây hại cao cho cây chanh leo, ở các vườn không trồng xen xuất hiện  nhện đỏ, bọ trĩ gây hại.

Bên cạnh đó, các thí nghiệm kiểu giàn I, giàn T, giàn cải tiến, giàn truyền thống. và thuốc bảo vệ thực vật đối với sâu bệnh hại chính hại chanh leo được triển khai thực hiện nhằm đánh giá được hiệu quả của các loại thuốc cũng như tuyên truyền tới người dân cách chăm sóc, làm kiểu giàn phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế. Tại các điểm nghiên cứu, qua 2 năm theo dõi nhóm thực hiện đề tài nhận thấy sử dụng giàn cải tiến đạt hiệu quả phòng trừ sâu bệnh hại, hiệu quả kinh tế và phù hợp với canh tác chanh leo tại Sơn La. Thuốc có hiệu lực phòng trừ bệnh cao đối với bệnh đốm nâu hại quả chanh leo là Amistartop 325SC, tiếp theo thuốc có hoạt chất Ridomil Gold 68WG. Trị bệnh đốm loang dầu là Aliette 80WP, tiếp theo là thuốc có hoạt chất Ridomil Gold 68WG.  Đánh giá hiệu quả kinh tế khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật áp dụng tại mô hình phòng trừ sâu bệnh hại chính đều cao hơn so với cách làm thông thường của người dân, cụ thể: Trong năm thứ nhất và năm thứ hai có giá trị tương ứng là 40.400.000 đồng và 83.000.000 đồng; hiệu quả kinh tế của đối chứng trong năm thứ nhất và năm thứ hai có giá trị tương ứng là 29.800.000 đồng và 75.900.000 đồng. Như vậy năm thứ nhất và năm thứ hai mô hình cao hơn đối chứng tương ứng giá trị là 10.600.000 đồng và 7.100.000 đồng. Qua 2 năm bám sát tại địa điểm, nội dung nghiên cứu, kĩ sư Lưu Thanh Nga, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Quá trình nghiên cứu đề tài, chúng tôi khuyến cáo trong quy trình chăm sóc chanh leo, bà con nông dân tập trung vào 3 giải pháp chính đó là phải lựa chọn giống cây chanh leo có độ sạch bệnh, sức đề kháng cao. Trong quá trình canh tác cần thực hiện biện pháp, kỹ thuật cắt tỉa tạo độ thông thoáng của vườn giúp cho cây chanh leo phát triển khỏe mạnh, biện pháp cắt tỉa phải triển khai thường xuyên để hạn chế mầm bệnh. Bên cạnh đó, người dân sử dụng các chế phẩm sinh học kết hợp thuốc bảo vệ thực vật nhằm hạn chế mầm bệnh gây hại, nhất là trong các giai đoạn mẫn cảm như: mùa mưa, thời tiết bất lợi. Đối với vườn năm thứ 2 phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật một cách khoa học và người dân cần xác định bệnh hại để phòng trừ có hiệu quả.

 Các nghiên cứu từ đề tài sẽ là cơ sở khoa học giúp người dân ứng dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn, hạn chế sâu bệnh gây hại nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm góp phần  làm thay đổi tư duy sản xuất, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, mở ra hướng phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

                                                                                   Ánh Nguyệt

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang