SƠN LA TRIỂN KHAI MÔ HÌNH TRỒNG XEN CÂY MẮC CA TRONG VƯỜN CÀ PHÊ
Lượt xem: 1876

         Hiện nay cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Sơn La đã khẳng định được tính ưu việt hơn so với một số loại cây trồng khác. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 253-KL/TU ngày 07/5/2021 về chủ trương phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với quan điểm phát triển cây mắc ca cần phải được tiến hành thận trọng, bài bản, có lộ trình, dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học và đánh giá thực tiễn. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển cây mắc ca, phấn đấu giai đoạn 2021-2025, diện tích mắc ca của tỉnh đạt trên 5.000ha, đến năm 2030 đạt khoảng 10.000ha. Đến năm 2025, tỉnh có 1 nhà máy chế biến hạt mắc ca với quy mô, công suất đáp ứng nhu cầu chế biến mắc ca của tỉnh.

         Bằng nguồn vốn ngân sách Khuyến nông Trung ương, năm 2021 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Phú Thịnh triển khai thực hiện dự án Khuyến nông Trung ương: “Xây dựng mô hình trồng thâm canh cây Mắc Ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật (A16, A38, QN1, OC, 246) tại vùng Tây Bắc, quy mô 56 ha và được triển khai trong 3 năm (từ 2021- 2023).

Đoàn kiểm tra, đánh giá Dự án Khuyến nông TW thăm MH trồng thâm canh cây mắc ca xen cà phê tại xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu năm 2021

         Mô hình cây mắc ca được trồng xen trong diện tích nương cà phê tại xã Bản Lầm và Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, quy mô năm 2021 là 14 ha, với 19 hộ tham gia. Đây là hai xã đặc biệt khó khăn, nằm trong quy hoạch và định hướng phát triển cà phê của tỉnh; Có tiềm năng để phát triển cây mắc ca và khả năng nhân rộng mô hình. Địa điểm triển khai mô hình đều là vườn cà phê thông thoáng, tầng đất dầy từ 0,7m trở lên, độ dốc dưới 150, độ pH từ 5-5,5. Đất đang trồng cây cà phê khoảng trên 10 tuổi, ở giai đoạn già cỗi sinh trưởng kém, mật độ dưới 400 cây/ha, năng suất đạt dưới 2 tấn/ha/năm. Mục tiêu đặt ra đối với mô hình là phát triển bền vững cây mắc ca vùng Tây Bắc, trồng xen canh cây cà phê, nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế mô hình trồng xen mắc ca trong vườn cà phê, làm cơ sở cho việc phát triển và nhân rộng mô hình trên các vùng trồng cà phê trọng điểm, nhằm thay thế các cây che bóng truyền thống, vừa tăng được hiệu quả kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm cây trồng, đồng thời cũng là cây bảo vệ cho vườn cà phê hạn chế sương muối, giá rét và thiệt hại trong vụ đông, đảm bảo hiệu quả về xã hội và môi trường. Các giống mắc ca trồng tại mô hình là cây ghép giống mới thuộc các dòng A16, A38, QN1, OC và 246 được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống cây trồng lâm nghiệp mới gắn với phát triển vùng nguyên liệu, để sản xuất các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.       

          Trong quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp tổ chức 01 lớp tập huấn cho hơn 20 hộ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ sâu bệnh hại, bảo vệ cây mắc caCung cấp 100% số lượng cây giống, vật tư phân bón cho các hộ tham gia mô hình theo định mức kỹ thuật và dự toán được phê duyệt cho các hộ gia đình tham gia xây dựng mô hình. Đồng thời, hướng dẫn các hộ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc thâm canh cây mắc ca xen cà phê như:Đào hố, trồng xen với cây cà phê theo mật độ 115 cây/ha. Cán bộ kỹ thuật tỉnh, huyện và xã thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các hộ trồng, chăm sóc mô hình theo đúng quy trình kỹ thuật, theo dõi các chỉ tiêu, tình hình sinh trưởng phát triển, sâu bệnh hại cây nhằm đánh giá khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên vùng dự án, hướng tới nhân rộng mô hình tại các địa phương có diện tích trồng cà phê trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo UBND xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca trồng xen nương và phê

          Sau thời gian triển khai, qua kiểm tra mô hình cho thấy, cây sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống cây trồng mới đạt 97%, không xuất hiện sâu bệnh, đánh giá bước đầu phù hợp với điều kiện khí hậu và sản xuất tại địa phương, đường kính gốc trung bình từ 1,2-1,5cm, chiều cao trung bình 1,1-1,2 m. Việc trồng xen mắc ca giúp vườn cà phê hạn chế cỏ dại, tăng độ ẩm cho cà phê, góp phần giúp cà phê tăng năng suất.

          Mắc ca là loại cây lâm nghiệp có khả năng chịu được sương muối, chịu hạn, chịu đất bạc màu, ít sâu bệnh hại, phù hợp với những vùng khó khăn về nguồn nước. Mắc ca có chiều cao và tán lớn nên phát huy hiệu quả trong che bóng và chắn gió cho các cây trồng khác. Theo kết quả nghiên cứu: Cây che bóng có tác dụng phòng hộ cho vườn cà phê với tác dụng điều hoà khí hậu trong vườn, giảm thiểu lượng nước tưới trong mùa khô, tái lập sự cân bằng tự nhiên và điều tiết được năng suất cây trồng chính, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, vì cà phê thích hợp với ánh sáng tán xạ, yêu cầu được che bóng nhất định. Ánh sáng tán xạ làm kéo dài thời gian chín của quả, tạo điều kiện để hạt tích lũy đầy đủ các hợp chất thơm cần thiết của hương vị cà phê. Thực tế cho thấy trồng xen cà phê và mắc ca đã giảm 30% lượng nước tưới và tăng 20% năng suất cho cà phê.

Kiếm tra tình hình sinh trưởng và phát triển mô hình trồng cây mắc ca xen cà phê tại xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu

         Đối với Sơn La, mắc ca được trồng chủ yếu tại các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp... với tổng diện tích đạt khoảng gần 3.000 ha. Triển vọng và tiềm năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Sơn La là rất lớn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La, một số mô hình trồng xen mắc ca với cà phê trồng thuần cây mắc ca đã định hình (ở giai đoạn ổn định) cho sản lượng quả tương đối cao. Cây mắc ca có khả năng che tán nhiều loại cây (cà phê, cây ăn quả, cây chè…), không ảnh hưởng đến việc phát triển các cây trồng chính; là một loại cây trồng bổ sung để khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu của tỉnh từng bước tăng thêm việc làm, thu nhập cho người dân, tạo tiềm năng đầu tư các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cây mắc ca có tán lớn, sức chống chịu tốt là cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc, có thể phát triển thành cây trồng rừng, góp phần bảo đảm việc phát triển rừng bền vững./. 

 

                                                                                                                                                                                                                                   Ánh Nguyệt

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang