Hội thảo khoa học "Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và phát triển giống lúa địa phương (I1) tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La"
Lượt xem: 138

Ngày 29/11, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ (trường Đại học Tây Bắc) tổ chức Hội thảo khoa học "Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và phát triển giống lúa địa phương (I1) tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La". Tham dự Hội thảo có ông Lưu Bình Khiêm - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, tiến sĩ Hoàng Ngọc Anh - Phó Hiệu trưởng, trường Đại học Tây Bắc; lãnh đạo UBND huyện Sông Mã, đại diện Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), các khoa, phòng, đơn vị trực thuộc trường Đại học Tây Bắc, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã.

anh tin bai

Hội thảo khoa học "Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và phát triển giống lúa địa phương (I1) tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La"

          Nội dung Hội thảo thuộc đề tài nghiên cứu khoa học "Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và phát triển giống lúa Địa phương (I1) tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La" do Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Tây Bắc chủ trì, tiến sĩ Vũ Quang Giảng làm chủ nhiệm, triển khai từ tháng 5/2022, với mục tiêu: Nhân được giống lúa Địa phương (I1) đảm bảo chất lượng từ nguồn quỹ gen ban đầu lưu trữ tại Trung tâm Tài nguyên thực vật - Viện Khoa học nông nghiệpViệt Nam; Xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống; trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh lúa Địa phương (I1) phù hợp với điều kiện tự nhiên, canh tác tại địa phương phục vụ phát triển sản xuất; Xây dựng được các mô hình trồng giống lúa Địa phương (I1) tại huyện Sông Mã.

anh tin bai

Tiến sĩ Vũ Quang Giảng - Chủ nhiệm đề tài trình bày kết quả kết quả nghiên cứu trong năm 2022-2023

          Sau khi khảo sát địa điểm bố trí thí nghiệm, đề tài lựa chọn bản Nà Cần II, xã Chiềng Sơ thực hiện thí nghiệm đồng ruộng và xây dựng mô hình nhân giống lúa địa phương (I1) từ nguồn gene ban đầu lưu trữ tại Trung tâm Tài nguyên thực vật, quy mô 2400 m2, trong đó 1400m2 đánh giá dòng để công nhận giống siêu nguyên chủng và 1000m2 đánh giá giống nguyên chủng. Kết quả, nhân giống và  đánh giá dòng G1 trong năm 2022 đã chọn được 62/200 dòng đảm bảo yêu cầu sản xuất giống siêu nguyên chủng; Nhân và đánh giá dòng G2 trong năm 2023 đã chọn được 26/30 dòng đảm bảo yêu cầu kiểm định đồng ruộng về hạt giống siêu nguyên chủng. Đồng thời, đề tài tiến hành xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác lúa địa phương (I1) tại huyện Sông Mã quy mô 1000m2, thông qua việc đánh giá ảnh hưởng của mật độ cây lúa, thời gian cấy, số dảnh lúa, hiệu ứng hàng biên, phân bón lá đến chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển, năng suất giống lúa I1 qua 2 năm 2022-2023 cho thấy: thời gian cấy sớm vào ngày 25/6 cây sinh trưởng, phát triển khỏe, trỗ sớm, đều cây; mật độ 25 cây/m2 cây đẻ khỏe, sinh trưởng phát triển tốt hơn ít sâu bệnh hại; sử dụng Kali- Bo nồng độ 2ml/1 lít nước, liều lượng 2 lít/ha/lần phun làm cho cây cứng, sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh chiều hướng cho năng suất cao.

          Tại Hội thảo, các đại biểu tham luận về thực trạng sản xuất lúa, những thuận lợi và khó khăn tại huyện Sông Mã; những nghiên cứu về sản xuất giống lúa thuần tại Việt Namkỹ thuật sản xuất giống lúa thuần; Kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa tại Việt Nam...

anh tin bai

Đồng chí Lưu Bình Khiêm - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo

          Phát biểu tại Hội thảo, ông Lưu Bình Khiêm đánh giá giống lúa I1 là giống địa phương có chất lượng tốt, là nguồn gen bản địa quý hiếm cần được bảo tồn và phát triển, đề tài đặt ra mục tiêu: Nhân được nguồn vật liệu giống ban đầu đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ phát triển giống lúa địa phương (I1) tại huyện Sông Mã, thời gian qua đề tài đã bám sát các nội dung nghiên cứu theo thuyết minh được phê duyệt. Để đảm bảo nội dung, chất lượng của đề tài khoa học cấp tỉnh, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, đồng chí đề nghị nhóm nghiên cứu và đơn vị chủ trì thực hiện tốt các quy trình chọn lọc giống, quá trình xây dựng mô hình sản xuất lúa I1 cần quan tâm liên kết sản xuất và tiêu thụ theo hướng lâu dài, bền vững giữa doanh nghiệp/hợp tác xã với người dân, đánh giá được hiệu quả kinh tế, từ đó khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng, hình thành các vùng lúa có chất lượng, góp phần giữ gìn bảo vệ, phát triển nâng tầm sản phẩm lúa địa phương, từng bước phục vụ xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm lúa I1 thành sản phẩm OCOP của huyện, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

          Với các ý kiến tham gia của các đại biểu tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu tiếp thu và tiếp tục phân tích, đánh giá các thí nghiệm, quy định pháp quy về trồng trọt để xây dựng các quy trình sản xuất giống lúa I1 phù hợp với địa phương và Quy trình trồng và chăm sóc lúa địa phương (I1), triển khai xây dựng mô hình sản xuất thương phẩm lúa địa phương (I1) tại huyện Sông Mã, Sơn La (quy mô 1,0 ha) trong năm 2024.

                                                                 Ánh Nguyệt - Bích Đào

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang