Nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của con lai F1 giữa bò B.B.B và bò lai Sind trên địa bàn tỉnh Sơn La".
Lượt xem: 305

         Ngày 16/11/2023, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh tiến hành họp, đánh giá nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của con lai F1 giữa bò B.B.B và bò lai Sind trên địa bàn tỉnh Sơn La". Ông Lưu Bình Khiêm - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch Hội đồng.

anh tin bai

Nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của con lai F1 giữa bò B.B.B và bò lai Sind trên địa bàn tỉnh Sơn La".

          Đề tài do trường Cao đẳng Sơn La chủ trì, thạc sĩ Hoàng Văn Thiện làm chủ nhiệm, với mục tiêu: Nâng cao khối lượng, tầm vóc, khả năng cho thịt của đàn bò địa phương hiện nay. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò thịt; Hoàn thiện quy trình lai tạo, chăn nuôi bò lai hướng thịt (B.B.B x Lai Sind) đạt hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại tỉnh Sơn La.

          Sau 03 năm triển khai, nhóm nghiên cứu đề tài đã khảo sát lựa chọn được 110 bò cái nền (Lai Sind) đủ tiêu chuẩn tại 02 huyện Mai Sơn, huyện Thuận Châu để nghiên cứu thử nghiệm lai tạo với giống bò B.B.B thông qua việc phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Quá trình thử nghiệm lai tạo, nhóm nghiên cứu đã hỗ trợ gần 300 liều tinh bò B.B.B được nhập từ Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương  (VINALICAđể truyền tinh nhân tạo cho khoảng 185  lượt bò động dục có chửa; Đồng thời, tiến hành theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của con lai tạo ra từ nghiên cứu và khả năng cho thịt của đàn bò lai hướng thịt. Kết quả cho thấy, tỷ lệ bò có chửa/bò cái được phối giống là 83,78%; 150 con Lai F1 được sinh ra nuôi tại 02 huyện thích nghi với điều kiện khí hậu và có khả năng sinh trưởng tốt, khối lượng 12 tháng tuổi đạt 297,39 kg, tăng trọng bình quân 735,66g/con/ngày, đánh giá mức tăng khối lượng qua các giai đoạn nuôi đều vượt trội so với các giống bò lai khác nuôi tại địa phương. Mức tăng khối lượng bình quân khi nuôi vỗ béo bò lai F1 B.B.B và các chỉ tiêu về năng suất thịt cao hơn rõ rệt so với bò Lai Sind, vì vậy đã nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò thịt tại các hộ dân. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề tài đã xây dựng quy trình lai tạo, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho đàn bò lai hướng thịt trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho người dân giúp người dân có kiến thức cơ bản trong chăn nuôi từ đó tạo ra đàn bò thịt có chất lượng cao phục vụ nhu cầu thị trường.

          Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá: Nội dung, phương pháp nghiên cứu đáp ứng mục tiêu chung của đề tài, số lượng bê con sinh ra được theo dõi đánh giá đầy đủ về chỉ tiêu và khả năng sinh trưởng phát triển tại địa bàn lựa chọn nghiên cứu; Mô hình nuôi vỗ béo bò lai hướng thịt tại các nông hộ được thực hiện thành công với chất lượng thịt đạt yêu cầu. Hoàn thiện Quy trình lai tạo, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho đàn bò lai F1 (B.B.B x Lai Sind) cung cấp kỹ thuật cho người dân địa phương khi mở rộng mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng yêu cầu nhóm nghiên cứu cần bổ sung chỉnh sửa thêm kết quả khảo sát tình hình nuôi bò lai B.B.B tại một số huyện khác trên địa bàn tỉnh; Tiêu chí lựa chọn bò cái nền, làm rõ thêm thời gian mang thai trung bình, thời gian động dục trung bình; đánh giá cụ thể về khả năng sinh trưởng, phát triển, tính thích nghi của giống bò lai F1 tại 02 huyện lựa chọn nghiên cứu, phương pháp tính toán hiệu quả kinh tế...

          Phát biểu tại buổi nghiệm thu, đồng chí Lưu Bình Khiêm đánh giá: Đề tài thực hiện đầy đủ nội dung theo thuyết minh được phê duyệt, đã lai tạo ra con lai F1 có khả năng tăng trưởng nhanh về khối lượng, chất lượng xẻ thịt cao. Để nội dung nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, đảm bảo theo đúng chủ trương đặt hàng của UBND tỉnh, đồng chí yêu cầu, nhóm thực hiện đề tài cần bổ sung thêm tổng quan, số liệu về phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; đánh giá về sự phù hợp, hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò lai B.B.B tại một số địa phương trong tỉnh, đánh giá hiệu quả kinh tế cần phải phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, làm rõ tiêu chí chọn giống bò cái nền sinh sản; khẩu phần ăn; ngoại hình, khả năng sinh trưởng phát triển ở từng giai đoạn, độ tuổi của bò F1 tại cùng thí nghiệm. Các kiến nghị, đề xuất cần bám sát tinh thầnc, chủ trương theo Kết luận số 703-KL/TU ngày 30/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La, hình thành, phát triển các khu, cơ sở chăn nuôi đại gia súc tập trung gắn với các cơ sở cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, phát triển ngành chăn nuôi bò thịt, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi của tỉnh, tăng thu nhập, hiệu quả kinh tế cho người dân.

          Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đạt yêu cầu./.

                                                                         Ánh Nguyệt

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang