Kế hoạch tuyên truyền về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn của tỉnh Sơn La năm 2023
Với mục tiêu tuyên truyền nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm của tỉnh có tiềm năng, lợi thế về điều kiện sản xuất, khí hậu, thổ nhưỡng… để tạo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh, không ngừng gia tăng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu, tạo thu nhập cho người dân; Duy trì và không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm; chuyển dịch dần từ xuất khẩu ủy thác, xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu trực tiếp nhằm đa dạng hóa thị trường, hạn chế các rủi ro phát sinh trong quá trình tham gia xuất khẩu; Giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tìm kiếm đối tác mới, cơ hội mua, bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ; hình thành và phát triển các đơn vị thu gom, đơn vị xuất khẩu có đủ năng lực và mang tính chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Ngày 3/4/2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch số 44/KH-STTTT về việc Tuyên truyền về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn của tỉnh Sơn La năm 2023.
Năm 2022, toàn tỉnh công nhận được 04 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: 01 vùng chè, 01 vùng chăn nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu; 02 vùng cà phê tại huyện Mai Sơn. Toàn tỉnh đã được cấp 281 mã số vùng trồng, diện tích 4.608,45 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La đang hỗ trợ duy trì, phát triển 250 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn.
Hoạt động thu hút đầu tư chế biến nông sản được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có trên 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm rau, quả tại tỉnh, gồm: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu; Nhà máy Bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc tại huyện Vân Hồ; Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ; Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Đồng thời, tỉnh Sơn La cũng hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã, tổ chức, cá nhân phát triển các mô hình sơ chế, chế biến các sản phẩm quả để tăng thời gian dự trữ, bảo quản, tăng giá trị sản phẩm và giảm áp lực cho tiêu thụ quả tươi.
Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu chỉ tiêu xuất khẩu chung đạt 184 triệu USD, tăng 5,24% so với năm 2022. Trong đó, sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 171,8 triệu USD, tăng 5,29% so với năm 2022).
Đối với số lượng sản phẩm trái cây như xoài, nhãn, chuối, chanh leo tham gia xuất khẩu dự kiến đạt trên 18.700 tấn (tăng 0,98% so với năm 2022); Giá trị tham gia xuất khẩu phấn đấu đạt 25,26 triệu USD (tăng 26,15% so với năm 2022). Đối với số lượng sản phẩm nông sản chế biến và nông sản khác như chè, cà phê, sắn, dứa,… tham gia xuất khẩu đạt trên 158.000 tấn (tăng 12,24% so với năm 2022); Giá trị nông sản chế biến và nông sản khác tham gia xuất khẩu phấn đấu đạt trên 146,55 triệu USD (tăng 2,37% so với năm 2022).
Chi tiết toàn văn Kế hoạch.