UBND tỉnh Sơn La ban hành Đề án phát triển dữ liệu số, nâng cao năng lực quản trị số để thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2025
Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Sơn La đã triển khai mạnh mẽ các đề án, kế hoạch chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả đạt được đã góp phần thay đổi cách thức quản lý, vận hành các dịch vụ công, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số và xã hội số.
Để phát triển dữ liệu số và quản trị số một cách bền vững, đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Đồng thời, phục vụ các hoạt động quản trị của cơ quan nhà nước cung cấp cho người dân thông qua xây dựng các hệ thống dữ liệu mở, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin dễ dàng, góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của chính quyền. Qua đó, phát huy hiệu quả của dữ liệu số thông qua việc nâng cao năng lực cho cán bộ công chức và người dân về công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu và các kỹ năng số cần thiết để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.
Ngày 13/2/2025, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 283/QĐ-UBND về Ban hành Đề án phát triển dữ liệu số, nâng cao năng lực quản trị số để thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2025.
Mục tiêu của đề án
- Hình thành Kho dữ liệu dùng chung tỉnh Sơn La để tích hợp, kết nối các nền tảng số dùng chung và các nền tảng số, hệ thống thông tin chuyên ngành thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); dựa trên nền tảng điện toán đám mây, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như trợ lý ảo, phân tích và dự báo.
- Các chỉ tiêu thống kê, số liệu báo cáo của tỉnh (năm 2025 phấn đấu đạt 50%) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh được cung cấp dưới dạng dữ liệu số, kết nối với hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ.
- 100% dữ liệu mở theo danh mục dữ liệu mở được Chủ tịch UBND tỉnh công bố được cung cấp trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh theo đúng quy định.
- 100% cán bộ, công chức làm công tác tham mưu ở các cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện được tập huấn, bồi dưỡng về quản lý dữ liệu, kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số. 50% lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện được đào tạo kỹ năng quản lý và ra quyết định trong môi trường số.
- 100% các hệ thống thông tin, dữ liệu dùng chung của tỉnh, 60% các hệ thống thông tin chuyên ngành quan trọng tại các cơ quan, đơn vị được giám sát và kết nối với hệ thống giám sát Quốc gia.
Đề án cần chú trọng đến việc xây dựng các giải pháp bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn cho dữ liệu của cá nhân và tổ chức, cần có các cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả của các giải pháp an ninh thông tin được triển khai. Việc phát triển một hệ thống dữ liệu số an toàn và hiệu quả sẽ giúp bảo vệ thông tin cá nhân và dữ liệu nhạy cảm của người dân, giảm thiểu nguy cơ rò rỉ thông tin. Khi người dân cảm thấy an tâm về việc bảo vệ thông tin cá nhân của họ, lòng tin vào chính quyền sẽ được củng cố, từ đó tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động của chính quyền, tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp khai thác thị trường mới, cải thiện quy trình sản xuất và tối ưu hóa chi phí có khả năng cạnh tranh tốt hơn với các địa phương khác, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững.
Tải về