Giải pháp duy trì, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Sơn La năm 2024
Lượt xem: 193

         Với mục đích triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế kết quả Chỉ số PAPI năm 2023; tiếp tục duy trì, cải thiện và nâng cao các chỉ số nội dung PAPI năm 2024. Tập trung vào các nội dung có điểm số thấp, chưa được cải thiện, phấn đấu kết quả Chỉ số PAPI tỉnh Sơn La năm 2024 nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao trở lên. Nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với Nhân dân. Phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp Nhân dân vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách pháp luật; thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh Sơn La năm 2024; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cũng như cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, ngày 26/5/2024 UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 961/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện các giải pháp duy trì, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Sơn La năm 2024, với các nội dung cụ thể như sau:

          1. Chỉ số nội dung 1 “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”

          Năm 2023, chỉ số nội dung này đạt 4,8918 điểm thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp, tăng 0,1149 điểm so với năm 2022 (năm 2022 đạt 4,7769 điểm thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp). Có 03 nội dung thành phần tăng điểm là “Tri thức công dân”, “Cơ hội tham gia” và “Đóng góp tự nguyện”. 01 nội dung thành phần giảm điểm là “Chất lượng bầu cử”. Nhiệm vụ cần triển khai thực hiện như sau:

          a) Triển khai thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn về bầu cử; tuyên truyền phổ biến thông tin về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Nâng cao hiểu biết của người dân về chính sách, pháp luật quan trọng liên quan đến công dân, đảm bảo người dân tham gia tích cực và chủ động vào công tác bầu cử trưởng thôn, trưởng bản, tiểu khu trưởng, tổ trưởng tổ dân phố.

          b) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, phổ biến và mở rộng các kênh giao tiếp thông tin với người dân qua các hình thức ứng dụng trực tuyến, thư điện tử...

          c) Tăng cường vai trò giám sát của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng hoặc Ban Thanh tra nhân dân; phát huy nguyên tắc dân chủ, người dân được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, kiểm tra, giám sát các nội dung như: các khoản đóng góp xã hội từ thiện, xây dựng, sửa chữa công trình công cộng, xây dựng nông thôn mới…

          2. Nội dung “Công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách”

          Năm 2023 Chỉ số nội dung 2 “Công khai minh bạch trong việc đưa ra quyết định ở địa phương” đạt 5,1034 điểm thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp, tăng 0,0387 điểm so với năm 2022 (năm 2022 đạt 5,0647 xếp trong nhóm trung bình thấp). Có 02 nội dung thành phần tăng điểm là “Tiếp cận thông tin” và “Công khai kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất”. Có 02 nội dung thành phần giảm điểm là “Công khai danh sách hộ nghèo” và “Công khai thu chi ngân sách cấp xã/phường”. Nhiệm vụ cần triển khai thực hiện như sau:

          a) Thực hiện điều tra, rà soát, bình xét và công nhận đối tượng hộ nghèo hằng năm theo đúng quy định, hướng dẫn của tỉnh; thực hiện công khai danh sách hộ nghèo tại trụ sở UBND cấp xã, điểm sinh hoạt cộng đồng bản, tiểu khu, tổ dân phố, khu dân cư... đảm bảo quy định về thời gian công khai, nội dung công khai, địa điểm công khai. Công khai kịp thời những thông tin về chính sách xã hội cho người nghèo để Nhân dân biết, Nhân dân bàn, giám sát thực hiện.

          b) Thực hiện đúng, đủ quy định về công khai, minh bạch thu chi ngân sách cấp xã, việc công khai phải cụ thể, chi tiết, hình thức công khai phải phù hợp, thuận tiện để người dân có thể tiếp cận và giám sát. Tăng cường công tác giám sát của HĐND cấp huyện, cấp xã, các đoàn thể và Nhân dân; kịp thời ngăn chặn những dấu hiệu tiêu cực, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm các quy định về quản lý tài chính, tài sản công.

          c) Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất; công khai kế hoạch đầu tư của các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở bản, tiểu khu, tổ dân phố. Thực hiện đúng quy định về việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của người dân đối với dự thảo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương.

          d) Thường xuyên kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại UBND cấp huyện, UBND cấp xã.

          3. Nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”

          Năm 2023 Chỉ số nội dung 3 “Trách nhiệm giải trình với người dân” đạt được 4,3282 điểm thuộc nhóm đạt điểm trung bình cao, tăng 0,1094 điểm so với năm 2022 (năm 2022 đạt 4,2188 điểm xếp trong nhóm trung bình thấp). Có 01 nội dung thành phần tăng điểm là “Tiếp cận dịch vụ tư pháp”; 02 nội dung thành phần giảm điểm là “Hiệu quả trong tương tác với chính quyền các cấp” và “Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân”. Nhiệm vụ cần triển khai thực hiện như sau:

          a) Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân thông qua các ứng dụng và các trang mạng xã hội, chú trọng tuyên quyền tiếp cận thông tin của công dân theo Luật Tiếp cận thông tin.

          b) Tăng cường đối thoại với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư; tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt trong Nhân dân.

          c) Thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong tiếp nhận, xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

          4. Nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”

          Năm 2023 Chỉ số nội dung 4 “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 6,6088 điểm thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp, giảm 0,0141 điểm so với năm 2022 (năm 2022 đạt 6,6229 điểm xếp trong nhóm cao của trung bình thấp). Có 02 nội dung thành phần tăng điểm là “Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương” và “Công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công”; có 02 nội dung thành phần giảm điểm là “Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công” và “Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương”. Nhiệm vụ cần triển khai thực hiện như sau:

          a) Tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống tham nhũng và các văn bản có liên quan bằng nhiều hình thức. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, kiểm tra công vụ, việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công khai báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng hằng năm của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

          b) Triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực quản lý, đặc biệt liên quan đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải quyết TTHC, công tác tài chính… theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có chính sách và cơ chế bảo vệ người dân khi thực hiện việc tố cáo hành vi tham nhũng.

          c) Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động.

          d) Tổ chức khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ. Thực hiện tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

          5. Nội dung “Thủ tục hành chính công”

          Năm 2023 Chỉ số nội dung 5 đạt 7,3132 điểm thuộc nhóm đạt điểm trung bình cao, giảm 0,0682 điểm so với năm 2022 (năm 2022 đạt 7,3814 điểm xếp trong nhóm cao). Có 02 nội dung thành phần tăng điểm là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” và “Dịch vụ hành chính cấp xã/phường”; 01 nội dung thành phần giảm điểm “Chứng thực, xác nhận của chính quyền”. Nhiệm vụ cần triển khai thực hiện như sau:

          a) Kịp thời cập nhật, công bố, công khai đầy đủ các quy định về TTHC. Nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC, nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, đặc biệt chú trọng các TTHC về lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng. Ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giải quyết TTHC.

          b) Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động của Bộ phận một cửa; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; trách nhiệm của công chức tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC cho tổ chức, cá nhân.

          c) Theo dõi sát, kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; không để tình trạng kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm gây tốn kém chi phí, thời gian đi lại của người dân và doanh nghiệp.

          6. Nội dung “Cung ứng dịch vụ công”

          Năm 2023 Chỉ số nội dung 6 “Cung ứng dịch vụ công” đạt 7,5906 điểm thuộc nhóm đạt điểm trung bình cao, tăng 0,5162 điểm so với năm 2022 (năm 2022 đạt 7,0744 điểm xếp trong nhóm thấp). Có 02 nội dung thành phần tăng điểm là “Giáo dục tiểu học công lập”, “Cơ sở hạ tầng căn bản”; 02 nội dung thành phần giảm điểm “Y tế công lập”, “An ninh, trật tự khu dân cư”. Nhiệm vụ cần triển khai thực hiện như sau:

          a) Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của mạng lưới y tế nhằm bảo đảm cho mọi người dân đều có khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe có chất lượng ngay tại cơ sở. Cải tiến quy trình quản lý trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, y tế dự phòng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin khám chữa bệnh nhằm cắt giảm, đơn giản hóa TTHC. Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn; bồi dưỡng y đức của đội ngũ cán bộ, viên chức ngành y. Tuyên truyền nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ người dân biết về lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế.

          b) Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến và từng bước hiện đại. Ban hành các quy định, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thu, quản lý và sử dụng các khoản thu ngoài ngân sách trong nhà trường. Nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn đảm bảo cho dạy và học ở các cấp, đặc biệt là tiểu học. Thực hiện biệt phái, chuyển công tác đối với giáo viên giảng dạy ở các trường theo quy định. Tuyên truyền về cải cách giáo dục, đổi mới chương trình, thi cử, nâng cao chất lượng giáo dục để người dân hiểu rõ, đồng thuận và giám sát việc thực hiện; tổ chức khảo sát đo lường sự hài lòng của phụ huynh học sinh và người dân đối với chất lượng giáo dục ở các trường tiểu học.

          c) Cải thiện cơ sở hạ tầng căn bản

          - Tăng cường công tác quản lý vận hành hệ thống lưới điện: thường xuyên duy tu, cải tạo lưới điện; thường xuyên tổ chức kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời những sự cố về đường dây, thiết bị trạm biến áp để đảm bảo an toàn sử dụng điện cho nhân dân, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh được duy trì sử dụng điện an toàn thường xuyên, liên tục.

          - Rà soát hiện trạng các hệ thống công trình nước nông thôn trên địa bàn tỉnh, cân đối bổ sung nguồn kinh phí để đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các hệ thống công trình nước nông thôn trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý chất lượng nước nhằm đảm bảo chất lượng nước theo quy chuẩn hiện hành) gắn với quản lý vận hành khai thác bảo đảm công trình hoạt động hiệu quả bền vững. Ưu tiên đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng khó khăn về nguồn nước; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt.

          - Ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các huyện, thành phố để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt đối với tiêu chí về giao thông theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới để nâng cao chỉ số loại đường giao thông gần hộ gia đình nhất.

          - Triển khai đồng bộ, thống nhất có hiệu quả các nội dung về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện thành công công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu về môi trường năm 2024.

          d) Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm

          - Thực hiện tốt các chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý; không để xảy ra các loại tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; duy trì, củng cố hoạt động của các mô hình “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hoà giải” ở cơ sở, tố giác phát hiện tội phạm, quản lý người sau cai nghiện ma tuý, người tái hoà nhập cộng đồng, trọng tâm phát huy vai trò “Nhóm liên gia tự quản”;

          - Thực hiện hiệu quả các Đề án: “Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2020-2025”; “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021 - 2027”.

          - Tăng cường đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thực hiện các chương trình phối hợp hoạt động giữa chính quyền cơ sở, các đoàn thể và Nhân dân trong công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh.

          7. Nội dung “Quản trị môi trường”

Năm 2023 Chỉ số nội dung 7 “Quản trị môi trường” đạt 3,4311 điểm thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp, tăng 0,029 điểm so với năm 2022 (năm 2022 đạt 3,4021 điểm xếp trong nhóm trung bình thấp). Có 02 nội dung thành phần tăng điểm “Nghiêm túc trong bảo vệ môi trường” và “Chất lượng không khí”; 01 nội dung thành phần“Chất lượng nguồn nước sinh hoạt” giảm điểm. Nhiệm vụ cần triển khai thực hiện như sau:

          a) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân; tuyên truyền về thực trạng, nguy cơ, tác động từ ô nhiễm môi trường tới cuộc sống con người (nhất là nguồn nước và không khí); trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

          b) Triển khai thực hiện đảm bảo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả công tác thu gom, quản lý và xử lý chất thải rắn. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, khuyến khích cá nhân, tổ chức, các thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.

          c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đặc biệt đối với các cơ sở có lượng phát thải lớn, các cơ sở nằm ở khu vực đầu nguồn nước, các cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản, cơ sở khai thác khoáng sản. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, kịp thời và thượng tôn pháp luật.

          8. Nội dung “Quản trị điện tử”

          Năm 2023 Chỉ số nội dung 8 “Quản trị điện tử” đạt được 3,1295 điểm thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp, tăng 0,8013 điểm so với năm 2022 (năm 2022 đạt 2,3282 điểm xếp trong nhóm thấp). Có 02 nội dung thành phần tăng điểm “Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương” và “Tiếp cận và sử dụng Internet tại địa phương”; 01 nội dung thành phần“Phúc đáp của chính quyền qua cổng thông tin điện tử” giảm điểm. Nhiệm vụ cần triển khai thực hiện như sau:

          a) Phát triển Cổng Thông tin điện tử tỉnh Sơn La đáp ứng quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

          b) Tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử tỉnh với Ban Biên tập các Trang Thông tin điện tử thành phần các cấp nhằm đưa thông tin từ hệ thống Cổng/Trang Thông tin điện tử các cấp đến gần với người dân hơn nữa.

          c) Tiếp tục tăng cường công tác công khai thông tin trên môi trường mạng bằng cách đa dạng nội dung, hình thức cung cấp thông tin trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau; đăng tải đầy đủ, kịp thời các văn bản về chế độ chính sách, quyền, nghĩa vụ của người dân; công khai thông tin dự thảo chính sách, pháp luật xin ý kiến nhân dân; thông tin chỉ dẫn, biểu mẫu về chứng thực, xác nhận; thủ tục cấp phép xây dựng; thủ tục cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, dễ tiếp cận trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trên mạng xã hội (Facebook, Zalo) giúp cho người dân biết và tra cứu thuận tiện hơn.

          d) Nâng cao chất lượng, đổi mới giao diện theo hướng thân thiện, dễ tiếp cận, dễ sử dụng các chuyên mục trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh nhằm cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian xử lý phản hồi của người dân và doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, giảm văn bản giấy, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp; bổ sung chức năng phản hồi, đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả trả lời kiến nghị của các cơ quan Nhà nước; đảm bảo các câu hỏi của người dân, doanh nghiệp qua Cổng Thông tin điện tử được phúc đáp nhanh chóng, kịp thời.

          đ) Triển khai Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng; thực hiện phủ sóng cho các bản chưa có sóng băng rộng di động; chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh Sơn La; Kế hoạch Phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 - 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Sơn La năm 2024 - 2025. Phấn đấu hết năm 2024 phủ sóng 34 bản chưa có băng rộng di động.

          e) Triển khai các nhiệm vụ của Chương trình viễn thông công ích đến năm 2025 theo Quyết định 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng viễn thông, Internet từ nguồn Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam. Phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 48,56%.

          Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung tuyên truyền kết quả Chỉ số PAPI năm 2023 đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về quyền lợi, trách nhiệm; hình thức, nội dung tuyên tuyên truyền đảm bảo phù hợp, có thể tiếp cận đối với người dân thuộc mọi thành phần. Căn cứ kết quả Chỉ số PAPI tỉnh Sơn La năm 2023, các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch này và tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương, để chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra; có giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế Chỉ số PAPI năm 2023. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ nâng cao Chỉ số PAPI; thường xuyên kiểm tra CBCCVC trong thực thi công vụ, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, công việc phục vụ tổ chức và công dân. Tăng cường thực hiện công tác đối thoại với nhân dân đảm bảo đúng quy định Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp xã tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Tải về

 

Bích Đào

 

Tin khác
1 2 3 4 5 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang