Hội thảo khoa học: “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhanh và bền vững”
Chiều 09/10/2024, UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhanh và bền vững”. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm, nằm trong chuỗi sự kiện của Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XIX năm 2024.
Dự Hội thảo có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nông Thanh Tùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh và đại diện 14 sở Khoa học và Công nghệ trong Vùng.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu; có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống gắn bó lâu dài với bản sắc văn hoá riêng, có truyền thống yêu nước, đoàn kết, kiên cường chống giặc ngoại xâm, trên địa bàn có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, căn cứ cách mạng nổi tiếng. Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, song dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, tinh thần chủ động, sáng tạo của bộ, ngành, địa phương tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng đã phục hồi tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra. Trong kết quả, thành tựu chung đó có sự đóng góp tích cực của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các địa phương. Với mục tiêu xây dựng vùng Trung du và miền núi phía Bắc vững mạnh, toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của các địa phương vừa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh lâu dài của đất nước. Đồng chí Bộ trưởng đề nghị từ các báo cáo tham luận, trao đổi của các đại diện đến từ cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu ở trung ương và chuyên gia đưa ra tại Hội thảo, các địa phương trong Vùng đề ra các giải pháp thiết thực đối với địa phương mình, góp phần đưa Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ và Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đi vào cuộc sống và tận dụng được cơ hội phát triển, vượt qua thách thức, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả Vùng.
Tiến sĩ Vũ Bá Thao, Trung tâm Nghiên cứu Địa kỹ thuật, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam tham luận tại Hội thảo.
Tại Hội thảo các đại biểu đã trình bày báo cáo tham luận về các chủ đề: Thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kĩ thuật góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và Miền núi phía Bắc nhanh và bền vững; Giải pháp ứng phó với thiên tai gây mất ổn định tự nhiên vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN phát triển nông - lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển du lịch sinh thái vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN và hợp tác quốc tế về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Phát triển du lịch gắn với nông - lâm nghiệp vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đà phát triển bền vững; Tăng cường liên kết, hợp tác và đổi mới, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Khoa học và công nghệ tỉnh Lai Châu góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp; Du lịch nông nghiệp - Hướng tới sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững; Thực trạng hoạt động chuyển giao công nghệ, thẩm định, có ý kiến về công nghệ trong các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La; Giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc năm 2025; Giải pháp phát triển hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025-2030; Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong bảo quản, chế biến sau thu hoạch và CGH nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhanh và bền vững; Thực trạng đổi mới công nghệ, thiết bị trong doanh nghiệp vùng Trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2022-2024 và đề xuất giải pháp nâng cao tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đến năm 2030.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ đề nghị các địa phương thuộc Vùng trung du và miền núi phía Bắc tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả 03 nội dung, nhiệm vụ khoa học công nghệ sau: Tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án phát triển khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn đạt mục tiêu, phát huy tối đa nguồn lực phát triển khoa học công nghệ; trong đó tăng cường gắn kết, hợp tác giữa các nhà nghiên cứu với doanh nghiệp để thúc đẩy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển giao khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, đẩy mạnh thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để phát triển mạnh đội ngũ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng, tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng, coi văn hoá và di sản là nền tảng để tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm đổi mới, khởi nghiệp. Tập trung cải thiện nguồn nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng, chú trọng đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, sáng kiến cho người dân để cải thiện, nâng cao năng suất lao động hướng tới mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ánh Nguyệt - Bích Đào