Cách mạng tháng Tám thành công là một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Sự kiện ấy đã chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế và ách áp bức, bóc lột của Pháp, Nhật, đưa dân tộc ta bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong cuộc cách mạng vĩ đại ấy, bên cạnh những đặc điểm chung của cả nước, mỗi địa phương còn có những đặc điểm riêng, từ đó quy định đến cách thức, tính chất và tác động của cuộc cách mạng đến địa phương đó. Với điều kiện kinh tế - xã hội, cơ cấu giai cấp có những nét riêng, nên cuộc cách mạng ở Sơn La cũng có một số đặc điểm khác với những địa phương khác trong cả nước.
Cách mạng tháng Tám thành công ở Sơn La là kết quả sau nhiều năm tuyên truyền, vận động, tổ chức, tập hợp quần chúng bước lên trận tuyến đấu tranh với kẻ thù của chi bộ nhà ngục Sơn La (thành lập từ tháng 12/1939). Bằng nhiều hình thức đấu tranh từ công khai, dân chủ như “chiêu dân, tống thẻ”, đưa đơn kiện, đòi quyền lợi, đến hình thức đấu tranh cao hơn là vũ trang khởi nghĩa, đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia được tập hợp trong các hội “thanh niên” với nhiều tầng lớp khác nhau như công chức, học sinh, binh lính, nông dân nghèo và cả quý tộc tầng lớp trên. Trong đó nổi lên vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ công chức, học sinh xuất thân từ tầng lớp bình dân và tầng lớp trên chịu ảnh hưởng của cách mạng. Mặc dù chiếm số lượng rất nhỏ trong cơ cấu xã hội, song đó là những người có học, hiểu biết và đủ trình độ giải thích, tuyên truyền về chủ trương cách mạng của Việt Minh để vận động những đối tượng khác cùng tham gia. Khác với đội ngũ cán bộ thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng trong giai cấp công nhân, trí thức ở nhiều địa phương khác trong cả nước, những người đóng vai trò chủ chốt trong Cách mạng tháng Tám ở Sơn La đều chưa phải là đảng viên, nhưng đã được chi bộ nhà ngục giáo dục, thử thách qua thực tiễn đấu tranh. Họ đều là những người thấm nhuần quan điểm đấu tranh cách mạng của Đảng, đủ sức đảm nhận vai trò lãnh đạo quần chúng trong khởi nghĩa giành chính quyền ở Sơn La.
Điều đó xuất phát từ chủ trương xác định đối tượng tuyên truyền chủ yếu của chi bộ nhà ngục là học sinh, viên chức và thanh niên, đó là những thành phần đại diện cho tầng lớp tiến bộ nhất trong xã hội ở Sơn La. Những nhân cốt đầu tiên tham gia và phát động khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương thường là những người được đào tạo trong các trường của Pháp, được tiếp thu nền giáo dục bảo hộ của chế độ thực dân và phục vụ cho bộ máy thống trị đó. Điều này tưởng như nghịch lý nhưng lại diễn ra rất tự nhiên, bởi họ chính là những người thường xuyên được tiếp xúc với tù chính trị, tiếp thu được tư tưởng tiến bộ và sớm nhận rõ bộ mặt kẻ thù của dân tộc. Dưới “vỏ bọc” đó, những thanh niên thức thời đã tích cực chuẩn bị lực lượng cho cách mạng. Bên cạnh lớp thanh niên trí thức còn có một số binh lính người bản xứ vì hoàn cảnh phải đi lính cho Pháp như Lò Văn Sôn (cai Sôn), Đỗ Trọng Thát (đội Thát), Lò Văn Chinh (cai Chinh), Lò Văn Mười (quản Mười), Lò Văn Piệng (cai Piệng)… cũng rất có thiện cảm với tù chính trị. Từ mối quan hệ đó đưa đến lực lượng chính tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Sơn La chưa phải là quảng đại quần chúng lao động mà chủ yếu là lực lượng thanh niên hăng hái với đội vũ trang làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của một số trí thức được bồi dương, huấn luyện cách mạng và sự phối hợp, nội ứng của binh lính bản xứ. Cách thức giành chính quyền ở Sơn La cũng không có những đoàn người lớn, giương cao khẩu hiệu cách mạng, những buổi diễn thuyết, tuần hành thị uy… như một số tỉnh thành khác. Việc giành chính quyền ở Sơn La mang tính chất quyết liệt, có sự kết hợp giữa khởi nghĩa vũ trang và đàm phán, thương thuyết để tránh tổn thất. Với lực lượng chủ yếu là thanh niên được vũ trang, họ kéo về châu lỵ, tỉnh lỵ gây áp lực quân sự khiến quý tộc phong kiến sợ hãi phải trao ấn tín, tuyên bố đầu hàng, buộc quân Nhật phải rút khỏi Sơn La.
Khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra giữa các địa phương trong tỉnh Sơn La không đồng đều về thời gian và mức độ. Những nơi chịu nhiều ảnh hưởng của cách mạng và tập trung nhiều thanh niên trí thức thường diễn ra sớm hơn, tính chất quyết liệt hơn. Như ở Mường La có anh em Chu Văn Thịnh, Chu Văn Vinh, Chu Văn An, Nguyễn Phúc, Nguyễn Tử Du, Lô Xuân… Mường Chanh có anh em Cầm Minh, Cầm Vĩnh Tri…; Thuận Châu có Pha Xung, Cầm Văn Inh, Lê Sao…; Yên Châu có Hoàng Luông, Hoàng Sáy…; Phù Yên có Cầm Tiến Chức, Cầm Đan Quế… Những thanh niên tiến bộ này là đầu mối lan tỏa tư tưởng đấu tranh cách mạng tới nhiều thanh niên khác, nắm bắt thời cơ cách mạng ở từng địa phương để phát động khởi nghĩa. Trong quá trình khởi nghĩa có sự hỗ trợ, giúp đỡ giữa các địa phương. Nơi đầu tiên giành được chính quyền ở Sơn La là châu Phù Yên, do ảnh hưởng của phong trào ở chiến khu Vần – Hiền Lương (Phú Thọ - Yên Bái) nên đã giành chính quyền thắng lợi vào ngày 22/7; tiếp đó là Mường Chanh (18/8), Mai Sơn, Mường La (22/8), Yên Châu (24/8), tỉnh lỵ (25/8). Những nơi xa tỉnh lỵ việc giành chính quyền diễn ra muộn hơn và phụ thuộc nhiều vào các địa phương khác. Đến đầu tháng 10 tiếp tục thành lập được chính quyền cách mạng ở Mộc Châu và ngày 17/10/1945 giành được chính quyền ở Quỳnh Nhai.
Quá trình tiến hành giành chính quyền ở Sơn La đang diễn ra thắng lợi nhanh chóng ở một số địa phương thì ngày 31/8 quân Tưởng đã kéo vào tỉnh ta, giải tán chính quyền cách mạng vừa mới thành lập, gây cản trở việc thành lập chính quyền trong toàn tỉnh, làm gián đoạn những thành quả của cách mạng. Việc chính quyền lâm thời bị quân Tưởng giải tán thể hiện hạn chế của đội ngũ lãnh đạo khởi nghĩa gồm những thanh niên trí thức địa phương lúc bấy giờ, tuy giành được chính quyền nhưng chưa đủ sức giữ được chính quyền. Còn mơ hồ về độc lập dân tộc và lập trường giai cấp, ngây thơ, tin tưởng vào “đồng minh” một cách thái quá. Do đó, chưa có đối sách phù hợp để giữ vững chính quyền cách mạng trong hoàn cảnh mới. Phải đến khi đoàn cán bộ của Trung ương do đồng chí Trần Quý Kiên dẫn đầu lên Sơn La củng cố lại chính quyền, những thành quả cách mạng mới tiếp tục được giữ vững, chính quyền tỉnh được tái lập và tiếp tục giành chính quyền thắng lợi ở Mộc Châu và Quỳnh Nhai. Thực tế đó đã chứng minh chỉ có những người cộng sản chân chính, được giáo dục, đào tạo với bản lĩnh chính trị vững vàng mới đủ sức lãnh đạo quần chúng giành và giữ chính quyền một cách hiệu quả, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ đang đến gần.
Qua những diễn biến trên ta có thể thấy, bên cạnh việc chớp thời cơ, yếu tố then chốt để giành và giữ được chính quyền trong cách mạng tháng Tám thành công là lực lượng và đội ngũ lãnh đạo khởi nghĩa. Thắng lợi của cách mạng bao giờ cũng là kết quả tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan. Chỉ riêng các yếu tố bên ngoài, yếu tố khách quan không thể tạo thành thời cơ cho việc giành chính quyền. Hơn nữa, dù thời cơ có thuận lợi đến đâu mà phía lực lượng cách mạng không đủ sức chớp lấy thời cơ thì thời cơ đó sẽ trôi đi và trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Có thể lấy ví dụ như thực tế ở Lai Châu. Cũng là một tỉnh giáp với Sơn La, bị phìa tạo và thực dân thống trị lâu đời. Tuy nhiên ở Lai Châu lại chưa nhận dược sự lãnh đạo của Đảng, chưa có sự chuẩn bị lực lượng cách mạng. Do đó, khi thời cơ đến không thể giành được chính quyền. Trong khi đó ở Sơn La lại giành được chính quyền trong toàn tỉnh khi có thời cơ. Không những thế còn gây ảnh hưởng đến Quỳnh Nhai và nơi này trở thành châu duy nhất thuộc tỉnh Lai Châu lúc đó giành được chính quyền trong cách mạng tháng Tám, năm 1945.
Điều kiện xã hội và tự nhiên đã đưa đến diễn biến phong phú với những đặc điểm riêng trong cách mạng tháng Tám ở Sơn La. Mặc dù có hạn chế nhất định, song đó là một bước ngoặt lớn lao trong lịch sử địa phương. Chế độ phìa tạo, thưc dân thống trị người dân từ bao đời, giờ đây đã trở thành thây ma lịch sử, sẽ bị xóa bỏ vĩnh viễn sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
(TH-Bản tin Sơn La - Xưa và Nay)