image banner
Những luận điệu xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Lượt xem: 676
Hơn 10 năm qua, kể từ khi Đảng ta nhìn thẳng vào sự thật về “một bộ phận không nhỏ” đang thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng và tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cũng từ đây xuất hiện những luận điệu xuyên tạc: Đảng nêu thế là để mị dân. “Bộ phận không nhỏ” ở đâu còn lâu mới rõ? Chống tham nhũng vẫn chỉ là “tắm từ vai trở xuống”, vẫn “có vùng cấm”, “có ngoại lệ”…

Cho đến bây giờ, đông đảo cán bộ đảng viên vẫn không quên nội dung nhìn thẳng vào sự thật, lần đầu tiên được nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (Nghị quyết số 12-NQ/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ký ban hành ngày 16/12/2012).

Nghị quyết nêu: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.

Nghị quyết cũng chỉ rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến sự suy thoái của “một bộ phận không nhỏ” này. Trong đó, có nguyên nhân tác động từ khủng hoảng của CNXH trên thế giới sau sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu; từ mặt trái của cơ chế thị trường… Nhưng nguyên nhân sâu xa, chủ yếu, trước hết là do bản thân cán bộ đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn bổn phận trước Đảng, trước dân.

Thực tiễn cách mạng thế giới đã chứng minh: Đảng cầm quyền nếu không thường xuyên đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn thì vai trò cầm quyền sẽ bị lu mờ và tự đánh mất vai trò lãnh đạo. Chính vì vậy, Đảng ta luôn xác định, xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải làm thường xuyên. Đặc biệt, trong những năm đổi mới, bước vào kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng đặt ra bức thiết hơn, với yêu cầu cao hơn. Từ Đại hội VI (tháng 12/1986) đến nay, không có nhiệm kỳ nào mà Trung ương không có nghị quyết về đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Do nhiều nguyên nhân, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt được yêu cầu mong muốn. 

Cũng từ đây xuất hiện những luận điệu xuyên tạc: Đảng nêu thế là để mị dân. “Bộ phận không nhỏ” ở đâu còn lâu mới rõ? Chống tham nhũng vẫn chỉ là “tắm từ vai trở xuống”, vẫn “có vùng cấm”, “có ngoại lệ”… Đến khi bắt đầu có một số vụ án được đưa ra xét xử với các bị cáo là nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,… thì luận điệu chống phá lại trơ tráo chuyển thành “chống tham nhũng chỉ là đấu đá nội bộ, phe cánh”. Chúng không ngờ rằng, thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này lại thuyết phục đến mức trở thành câu trả lời đanh thép. 

Với quyết tâm chính trị rất cao - kiên quyết, kiên trì phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch vững mạnh - sau 10 năm thực hiện, đã đạt được những kết quả chưa từng có.  “Bộ phận không nhỏ” được chỉ ra cụ thể, thuyết phục; khẳng định phương châm: “không có vùng cấm, ngoại lệ”; bác bỏ luận điệu “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”...

Trong 10 năm (2012 – 2022) Đảng đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên. Trong đó, có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng). Qua thanh tra, kiểm toán, kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm  (Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, HN, tr.26) .

Trong phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu và trả lời các ý kiến này: “Thực tiễn cho thấy hoàn toàn ngược lại. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân. Chúng ta cần thống nhất quan điểm: Mục tiêu của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”

Trong 10 năm qua, hơn 250 văn bản quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được ban hành. Ban Chỉ đạo Trung ương đang tiếp tục chỉ đạo: Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ; phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm… để không dám, không thể, không cần và không muốn tham nhũng, tiêu cực.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) đã bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Những con số thuyết phục người dân, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, đã làm cho những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trở nên trơ trẽn, nực cười./.

Tác giả: Cầm Hằng
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 5, tòa nhà 9T, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang