Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch trên các nền tảng mạng xã hội góp phần bảo vệ an ninh tổ quốc
Sự ra đời của máy tính điện tử đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của tốc độ xử lý thông tin, với sự phát triển của công nghệ vi mạch, đến nay tốc độ xử lý của các siêu máy tính lớn đã đạt được tỷ tỷ phép tính trên giây. Sự ra đời của mạng internet với sự phát triển của công nghệ viễn thông đã tạo ra sự bứt phá trong việc chia sẻ thông tin dữ liệu, làm thay đổi quan niệm về khoảng cách địa lý và thời gian. Và sự ra đời của mạng xã hội với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo có thể nói đã tạo nên sự “bùng nổ” về thông tin, người sử dụng mạng xã hội chỉ cần một cú nhắp chuột, một động tác lướt ngón tay, hay chỉ là một nói thì gần như ngay lập tức hàng triệu thông tin đã được hiện hữu. Mạng xã hội giúp cho cho người dùng tìm được cho mình những thông tin hữu ích trong kho tàng tri thức của nhân loại, tiếp cận được những giá trị tốt đẹp trên khắp thế giới. Mạng xã hội đã tạo điều kiện cho người dùng được khám phá, thể hiện, bộc lộ rất nhiều khả năng của bản thân, nhất là trong việc “vô tư” viết bài, đưa tin, bình luận thể hiện quan điểm của cá nhân về những vấn đề, hiện tượng, sự việc trong xã hội. Nhưng đồng thời cũng đưa họ vào một thế giới ảo, một mê hồn trận thông tin, với sự lẫn lộn của thông tin thật với thông tin giả, thông tin tích cực, tốt đẹp với thông tin tiêu cực, xấu độc.
Ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại 02 loại mạng xã hội: Một là các mạng xã hội do doanh nghiệp trong nước cung cấp, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động, bắt buộc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện có 443 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động, nhưng lượng người sử dụng không cao, mức độ tác động, ảnh hưởng xã hội thấp. Hai là các mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, hoạt động có giấy phép hoặc không có giấy phép (không lập văn phòng đại diện tại Việt Nam), việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam còn rất hạn chế. Trong đó, phải kể đến 02 mạng xã hội Facebook và Youtube có số người dùng tại Việt Nam trong top 10 thế giới. Đáng chú ý, các hãng thông tấn báo chí lớn, nhất là ở Hoa Kỳ vừa là “Kênh” vừa là “Nguồn” phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc về tư tưởng, chính trị. Chẳng hạn như: RFA (Đài Á Châu Tự Do), VOA (Dịch vụ truyền thông đối ngoại chính thức của chính phủ Hoa Kỳ), BBC (Thông tấn xã quốc gia của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland), RFI,… đặc biệt là kênh Youtube đăng tải nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc thu hút số lượng lớn người xem…Với ưu điểm thông tin được cập nhật, lan truyền nhanh, đa dạng, phong phú, mạng xã hội đã có những tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, tuy nhiên tác động mặt trái của nó là cũng không hề nhỏ, đặc biệt là việc các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, chống đối chính trị đã và đang triệt đề lợi dụng mạng xã hội để làm phương tiện thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta và đó cũng là những khó khăn, thách lớn trong việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay.

Đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch trên các nền tảng mạng xã hội là khó khăn, thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin điện tử, mạng xã hội trên địa bàn, Sở Thông tin Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 04/01/2022 về Quy chế phối hợp theo dõi, xử lý thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc trên không gian mạng; và Quyết định số 1283/QĐ-UBND ngày 29/6/2022 về việc thành lập Tổ theo dõi, xử lý thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc trên không gian mạng; sở Thông tin Truyền thông đã ban hành Quy chế hoạt động của Tổ theo dõi, xử lý thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc trên không gian mạng; thành lập Bộ phận thường trực của Tổ theo dõi, xử lý thông tin, gồm các cơ quan: Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Phối hợp với Công an tỉnh, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy thẩm định, đánh giá tính chất, mức độ ảnh hưởng của thông tin xấu độc trên mạng xã hội đối với 05 vụ việc có nội dung nghi nói xấu, lăng mạ, kích động, xúc phạm, bôi nhọ danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền trên internet và mạng xã hội; 02 vụ việc có nội dung nghi xúc phạm, gây mất uy tín, danh dự và nhân phẩm cá nhân, tổ chức.
Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống giám sát thông tin trên mạng Internet (Reputa, Vnsocial…) để tổng hợp, nắm bắt các diễn biến thông tin dư luận xã hội quan tâm, chia sẻ trên mạng internet có liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa... trên địa bàn để kịp thời có phương án xử lý và đồng thời theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đăng tải các thông tin trái chiều, thù địch của các đối tượng trên không gian mạng.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch trên các nền tảng mạng xã hội của Sở Thông tin Truyền thông còn gặp nhiều khó khăn, như: lượng thông tin sai lệch, xuyên tạc được các thế lực thù địch sản xuất, đăng tải trên mạng xã hội với tần suất ngày càng nhiều, cùng với một bộ phận người sử dụng mạng xã hội (có cả cán bộ, công chức, viên chức và người dân) vẫn còn suy nghĩ không gian mạng là “ảo”, là vô danh, sẽ không bị phát hiện nên tự do phát ngôn, đăng tải thông tin trên mạng thiếu kiểm soát, thậm chí vi phạm pháp luật; một số cơ quan, đơn vị, địa phương khi phát hiện những thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc trên không gian mạng chưa chủ động, kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng…
Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin trên mạng xã hội trên địa bàn tỉnh, nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch trên các nền tảng mạng xã hội, trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông xin đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là: phải nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc tuân thủ pháp luật và nhận diện thông tin xấu độc khi tham gia mạng xã hội của người dùng mạng xã hội.
Ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống, cần phải sử dụng mạng xã hội để chủ động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản pháp luật về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội (Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng; Luật An ninh mạng; Luật Giao dịch điện tử; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ; Thông tư số 09/2014/BTTTT ngày 19/8/2014 của Bộ TTTT về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội; Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/06/2021 về ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội…); đồng thời phải chỉ rõ, vạch trần âm mưu, các thủ đoạn mới tinh vi của các đối tượng xấu, các thế lực thù địch, để người dùng có thể “nhận diện” thật - giả, tốt – xấu từ đó chủ động phòng ngừa, đấu tranh phản bác và không lan truyền, chia sẻ trên mạng xã hội.
Hai là: phải chủ động định hướng và cung cấp thông tin đúng, đủ, kịp thời.
Cấp ủy, chính quyền các cấp có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để chủ động thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Các cơ quan báo chí cần phải có đủ và sử dụng thông tin chính thức từ cấp ủy, chính quyền để làm tốt vai trò tạo dòng chảy chính dẫn dắt dư luận xã hội. Các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên cần tăng cường lượng tin, bài, phóng sự đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng và phải đồng bộ, thống nhất quan điểm, nội dung, nhận xét, đánh giá, bình luận với việc đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội; phát huy vai trò của mỗi nhà báo, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cuộc chiến đấu tranh trực diện với thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước trên các nền tảng mạng xã hội trên địa bàn. Các cơ quan báo chí cũng cần chủ động chuyển đối số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để có đủ năng lực, phương tiện, giải pháp nâng cao chất lượng thông tin và tính thời sự trên mạng xã hội.
Ba là: phải chủ động quản lý hoạt động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trên mạng xã hội.
Triển khai thực hiện hiệu quả Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 04/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc ban hành Quy chế phối hợp theo dõi, xử lý thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Thường xuyên giám sát, phân tích nội dung thông tin trên các trang thông tin điện tử của cán bộ, đảng viên trong cơ sở dữ liệu tập trung của Trung ương, của Tỉnh; kịp thời cảnh báo các dấu hiệu bất thường, dấu hiệu xuất hiện thông tin tiêu cực, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch trên các trang thông tin điện tử cá nhân của cán bộ, đảng viên; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức và
nhân dân cung cấp, chia sẻ, bình luận, phát tán thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc không tuân thủ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/06/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc vi phạm các quy định tại Điều 9 của Luật Báo chí; Khoản 1, Điều 8 của Luật An ninh mạng; Điều 5 của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013.
Bốn là: phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời trong việc xử lý các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.
Ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để chủ động rà quét, kịp thời phát hiện thông tin xấu độc để có các giải pháp xử lý phù hợp. Đồng thời xây dựng phương án Tổ chức diễn tập xử lý tình huống đăng tải, gỡ bỏ thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch trên các nền tảng mạng xã hội. Trong đó xác định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp giữa Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo, Quân sự, Công an, các cơ quan báo đài, trách nhiệm của các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các đoàn thể có lực lượng chủ lực như Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Liên đoàn Lao động tỉnh, lực lượng cộng tác viên toàn tỉnh trong việc rà soát, phát hiện, tổ chức đấu tranh phản bác, gỡ bỏ, triệt phá thông tin, tài khoản, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức đăng tải thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch trên các nền tảng mạng xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Việc tuân thủ các quy tắc, qui định khi tham gia mạng xã hội, việc đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, không chỉ là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, mà là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân khi tham gia mạng xã hội để xây dựng một môi trường mạng xã hội trong sáng, lành mạnh; góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an toàn, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng./