Hội đồng nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và phát triển giống lúa Địa phương (I1) tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La
Ngày 26/12/2024, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh tiến hành họp, đánh giá nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và phát triển giống lúa Địa phương (I1) tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Đồng chí Lưu Bình Khiêm - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) làm Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và phát triển giống lúa Địa phương (I1) tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La
Đề tài được UBND tỉnh phê duyệt triển khai từ năm 2022 do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ, trường Đại học Tây Bắc chủ trì, tiến sĩ Vũ Quang Giảng làm chủ nhiệm, với mục tiêu: Nhân được nguồn vật liệu giống ban đầu đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ phát triển giống lúa địa phương (I1) tại huyện Sông Mã.
Tiến sĩ Vũ Quang Giảng - Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội đồng
Sau 03 năm triển khai, thông qua các phương pháp nghiên cứu về đặc điểm hình thái, các chỉ tiêu nông sinh học và chất lượng của giống. Từ nguồn gen lưu trữ của Trung tâm Tài nguyên thực vật, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, vụ mùa năm 2022, trong 200 dòng lúa Tẻ I1 trồng tại Bản Nà Cần II, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, đề tài đã lựa chọn được 62 dòng đạt yêu cầu để tiếp tục lựa chọn dòng, hỗn dòng vụ 2023 tạo được nguồn giống sản xuất hạt siêu nguyên chủng đạt tiêu chuẩn với số lượng 60kg; Tổ chức sản xuất giống nguyên chủng ở vụ mùa năm 2024 tại bản Nà Hin, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã đạt 300 kg. Các giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng đều được Trung tâm khảo, kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Quốc gia đánh giá các vụ đảm bảo tính ổn định và nguồn gen của giống. Đồng thời, đề tài đã xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống; trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh lúa Địa phương (I1) phù hợp với điều kiện tự nhiên, canh tác tại địa phương phục vụ việc phát triển sản xuất; Xây dựng được mô hình trồng giống lúa Địa phương (I1) tại huyện Sông Mã. Qua đánh giá cho thấy, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, năng suất đạt từ 5,2 đến 5,6 tấn/ha.
Bên cạnh đó, đề tài đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chọn lọc, nhân giống, canh tác lúa kết hợp tham quan trên đồng ruộng cho cán bộ và các hộ nông dân xã Chiềng Sơ và xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã. Qua đó đã giúp cho các hộ nâng cao kỹ thuật sản xuất lúa thương phẩm, nhận biết rõ các đặc tính chủ yếu của giống, nắm vững được phương pháp tự chọn lọc đúng giống để bảo quản, duy trì và tổ chức mở rộng sản xuất tại địa phương.
Phát biểu tại buổi nghiệm thu, đồng chí Lưu Bình Khiêm đánh giá: Kết quả nghiên cứu chọn lọc, phục tráng, nhân giống lúa (I1) đã góp phần vào việc bảo tồn nguồn gen cây trồng địa phương, làm cơ sở phát triển thương hiệu sản phẩm gạo gắn với chương trình OCOP của huyện, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Để đảm bảo các nội dung nghiên cứu có tính khoa học, triển khai vào thực tiễn, đồng chí yêu cầu nhóm thực hiện đề tài cần bổ sung tổng quan về tình hình sản xuất lúa, đặc biệt là lúa I1 trên địa bàn huyện Sông Mã, qua đó nêu bật sự cần thiết để phục tráng giống lúa I1; quá trình bảo tồn, duy trì giống sau phục tráng, phát triển sản xuất phải gắn với quy hoạch, chương trình OCOP của huyện. Các phương pháp nghiên cứu phải đánh giá cụ thể, chính xác thời gian sinh trưởng của cây lúa, mật độ cấy, khoảng cách cấy, lựa chọn phân bón phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của lúa I1 khi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Các đề xuất, kiến nghị, nhóm nghiên cứu cần phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp & PTNT, các ban ngành liên quan, UBND huyện Sông Mã trong xây dựng quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung; lưu mẫu giống lúa đảm bảo tính đồng nhất, tính ổn định phục vụ mở rộng, phát triển lúa I1 trong thời gian tới.
Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đạt yêu cầu.
Ánh Nguyệt