Hội đồng nghiệm thu đề tài: Ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV) tích hợp công nghệ 4.0 theo dõi sinh trưởng và sức khỏe một số cây trồng nông nghiệp (xoài, nhãn) trên địa bàn tỉnh Sơn La
Ngày 13/12/2024, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh tiến hành họp, đánh giá nghiệm thu đề tài: Ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV) tích hợp công nghệ 4.0 theo dõi sinh trưởng và sức khỏe một số cây trồng nông nghiệp (xoài, nhãn) trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đồng chí Lưu Bình Khiêm - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng nghiệm thu đề tài: Ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV) tích hợp công nghệ 4.0 theo dõi sinh trưởng và sức khoẻ một số cây trồng nông nghiệp (xoài, nhãn) trên địa bàn tỉnh Sơn La
Đề tài được UBND tỉnh phê duyệt triển khai từ năm 2022 do Trung tâm Môi trường Tài nguyên Miền núi (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) chủ trì, tiến sĩ Nguyễn Huy Trung làm chủ nhiệm, với mục tiêu: Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng thành công mô hình UAV tích hợp công nghệ 4.0 trong theo dõi sinh trưởng và sức khỏe một số cây trồng nông nghiệp (xoài, nhãn) trên địa bàn tỉnh Sơn La; từ đó có biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng phù hợp, kịp thời, nâng cao hiệu quả sản xuất góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Trung, Trung tâm Môi trường Tài nguyên Miền núi (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên), chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội đồng
Sau 02 năm triển khai, đề tài đã tiến hành đánh giá hiện trạng và các biện pháp kỹ thuật truyền thống trên diện tích 10,5 ha cây xoài có độ tuổi trung bình từ 5 đến 7 năm tuổi thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu và vườn nhãn, diện tích 9,1 ha độ tuổi từ 6-8 năm thuộc Hợp tác xã Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã để ứng dụng máy bay không người lái tích hợp công nghệ 4.0 theo dõi sinh trưởng và sức khỏe cây trồng. Vị trí cây trồng được xác định một cách tự động từ dữ liệu ảnh UAV với độ chính xác 92 - 95%. Đề tài đã xây dựng được phương pháp đánh giá sức khỏe cây trồng dựa trên ảnh đa phổ UAV cho phép theo dõi tình trạng dinh dưỡng, phát hiện cây thiếu nước, và cây bị sâu bệnh. Chỉ số thực vật được dùng để phân loại tình trạng dinh dưỡng (tốt, trung bình, kém) với độ chính xác 80 - 84%, hiệu quả nhất ở giai đoạn trước ra hoa. UAV cũng phát hiện tình trạng cây thiếu nước với độ chính xác 76 - 84%, hỗ trợ tưới tiêu hiệu quả trong các giai đoạn quan trọng. Việc phát hiện cây bị sâu bệnh hại (có hoặc không) từ ảnh UAV đạt độ chính xác trung bình 50-60%, có thể phát hiện sớm các sâu bệnh hại phổ biến như rầy và rệp sáp, đặc biệt trong giai đoạn ra hoa và đậu quả. Bên cạnh đó, đề tài đã xây dựng thành công 01 mô hình ứng dụng công nghệ UAV theo dõi cây xoài tại huyện Yên Châu và 01 mô hình theo dõi cây nhãn tại huyện Sông Mã. Kết quả đánh giá cho thấy mô hình UAV hiệu quả hơn so với đối chứng trong việc giám sát và phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe của cây. Ứng dụng UAV giúp giảm chi phí sản xuất nhờ khả năng khoanh vùng và xử lý chính xác các khu vực cần chăm sóc, đặc biệt là trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm thời gian khoảng 40% số công khảo sát vườn định kỳ.
Phát biểu tại buổi nghiệm thu, đồng chí Lưu Bình Khiêm đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, việc ứng dụng UAV tích hợp công nghệ 4.0 theo dõi sinh trưởng và sức khỏe cây nhãn, cây xoài tại huyện Sông Mã và Yên Châu là một trong những bước khởi đầu giúp các nhà quản lý, các hợp tác xã cũng như nông dân Sơn La theo dõi đánh giá sinh trưởng cây trồng, có biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng phù hợp ở khu vực sản xuất tập trung quy mô lớn và khu vực có địa hình phức tạp bằng công nghệ. Để đảm bảo đầy đủ nội dung theo thuyết minh được UBND tỉnh phê duyệt, đồng chí yêu cầu, nhóm thực hiện đề tài cần bổ sung thêm cơ sở thực tiễn, địa hình, địa bàn, tiêu chí chọn hợp tác xã ứng dụng thiết bị UAV; phương pháp nghiên cứu cần nêu rõ độ tuổi cây, giống, độ cao, độ dốc vườn trồng, tình hình sản xuất, thu hoạch của cây xoài, cây nhãn tại địa bàn triển khai mô hình nghiên cứu; cần đánh giá cụ thể các yếu tố để tính toán năng suất, hiệu quả kinh tế tại các mô hình đảm bảo tính khách quan, trung thực, khoa học. Các đề xuất, kiến nghị phải bám sát nội dung, kế hoạch và mục tiêu chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đồng chí cũng lưu ý, đơn vị chủ trì phải quan tâm và có phương án xử lý tài sản đảm bảo đúng quy định theo Nghị định số 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đạt yêu cầu.
Ánh Nguyệt