Hội đồng nghiệm thu dự án: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng giống mới, thâm canh, cải tạo và liên kết tiêu thụ bơ tại Sơn La
Ngày 31/12/2024, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh tiến hành họp, đánh giá nghiệm thu dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng giống mới, thâm canh, cải tạo và liên kết tiêu thụ bơ tại Sơn La” thuộc chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025”. Đồng chí Lưu Bình Khiêm - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) làm Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng nghiệm thu dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng giống mới, thâm canh, cải tạo và liên kết tiêu thụ bơ tại Sơn La
Dự án được triển khai từ năm 2020 do Công ty TNHH khu du lịch sinh thái Hồng Công chủ trì thực hiện, CN. Cao Văn Công làm chủ nhiệm, với mục tiêu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng vùng sản xuất bơ rải vụ, chất lượng cao tạo sản phẩm nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Ông Phạm Văn Ngân, thành viên nhóm thực hiện đề tài báo cáo kết quả dự án tại Hội đồng nghiệm thu
Trong quá trình triển khai, đơn vị chủ trì dự án đã tiếp nhận 5 quy trình kỹ thuật tập trung vào các lĩnh vực nhân giống bơ bằng các phương pháp ghép, trồng, chăm sóc cây bơ thời kỳ kiến thiết cơ bản, thâm canh cây bơ giai đoạn kinh doanh, kỹ thuật ghép cải tạo cây bơ, phòng trừ sâu bệnh hại bơ; Xây dựng được 01 mô hình vườn giống gốc với 500 cây gồm 5 giống: Choquette, Booth 7, B3, Julio, 034. đến nay các giống bơ đều sinh trưởng tốt, sang năm thứ 3 dự kiến thu 60 - 80 mắt ghép/cây; 01 mô hình nhân giống bơ giống mới bằng phương pháp ghép quy mô 950m2, công suất 5.000 cây giống/năm, tỷ lệ xuất vườn đạt 75,2 - 81,5%, sản xuất được 10.879 cây Bơ giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn; 01 mô hình trồng bơ giống mới theo hướng hàng hóa, quy mô 20ha (8 ha giống 034, 8 ha giống bơ Booth 7 và 4 ha giống Choquette), tỷ lệ sống đạt trên 90%; 01 mô hình trồng thâm canh bơ trong giai đoạn kinh doanh quy mô 5 ha năng suất đạt 86,2 kg quả/cây/năm; 01 mô hình ghép cải tạo giống bơ chất lượng thấp bằng giống bơ chất lượng cao quy mô 5 ha. Bên cạnh đó, xây dựng được mô hình liên kết bơ với 10 hợp đồng hợp tác sản xuất, tiêu thụ bơ với các hộ dân, 3 hợp đồng cung cấp quả bơ với tổng sản lượng trên 20 tấn/năm.
Trong khuôn khổ dự án đã đào tạo được 10 cán bộ kỹ thuật viên cơ sở, tổ chức được 6 lớp tập huấn cho 305 lượt người tham gia về các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc bơ. Qua đó đã giúp cho các hộ dân nắm bắt cơ bản quy trình và có kỹ năng áp dụng thực hành trong thực tế sản xuất.
Phát biểu tại buổi nghiệm thu, đồng chí Lưu Bình Khiêm đánh giá cao những kết quả triển khai của dự án tại tỉnh. Đồng thời đề nghị: Đơn vị và Nhóm thực hiện dự án cần nêu bật sự cần thiết triển khai dự án, đánh giá chung về tình hình phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, làm rõ phương pháp ghép giống tại các mô hình, đánh giá rõ hiệu quả kinh tế các mô hình, hạch toán thu chi, bổ sung sơ đồ, tọa độ bố trí các mô hình, giải trình rõ nội dung Mô hình trồng tại Thuận Châu để có cơ sở báo cáo với Hội đồng và Bộ Khoa học và Công nghệ; Xây dựng phương án xử lý tài sản đảm bảo đúng quy định theo Nghị định số 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đạt yêu cầu.
Bích Đào