Hội đồng nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học cấp tỉnh các biện pháp kỹ thuật nâng cao độ phì, hiệu quả của đất dốc trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La”
Sáng ngày 29/10/2024, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng tư vấn, đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh tiến hành nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học cấp tỉnh các biện pháp kỹ thuật nâng cao độ phì, hiệu quả của đất dốc trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Đồng chí Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La làm Chủ tịch hội đồng.
Đề tài bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2021 do Viện Thổ nhưỡng Nông hóa chủ trì, TS. Trần Thị Huế làm chủ nhiệm với mục tiêu đề xuất được giải pháp phục hồi, duy trì độ phì nhiêu đất và dinh dưỡng cho cây ăn quả theo hướng sản xuất bền vững; đồng thời xây dựng được 2 mô hình quản lý đất và dinh dưỡng cho cây ăn quả chủ lực trên đất dốc tại tỉnh Sơn La, có hiệu quả kinh tế sản xuất cao hơn 15% so với đại trà.
Hội đồng nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học cấp tỉnh các biện pháp kỹ thuật nâng cao độ phì, hiệu quả của đất dốc trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La”
TS. Trần Thị Huế, Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo kết quả tại Hội đồng nghiệm thu
Quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Châu và Sông Mã triển khai thử nghiệm đối với cây xoài và nhãn về các nội dung như: Đánh giá hiện trạng, xác định các yếu tố gây suy giảm và mức độ suy giảm độ phì nhiêu của đất dốc; Tổ chức hội thảo xin ý kiến hoàn thiện giải pháp canh tác; Xây dựng giải pháp phục hồi, duy trì độ phì đất và dinh dưỡng cho cây xoài, cây nhãn theo hướng sản xuất bền vững; Đào tạo cán bộ kỹ thuật và tập huấn hướng dẫn cho nông dân tại địa phương. Nhóm nghiên cứu đã thu thập 20 mẫu đất trồng xoài; 20 mẫu đất trồng nhãn để phân tích đánh giá chất lượng đất. Căn cứ vào kết quả điều tra về phương thức canh tác, tập quán sử dụng phân bón của người dân và thực trạng tính chất đất; đã xây dựng được 1 mô hình giải pháp phục hồi, duy trì độ phì đất và dinh dưỡng cho cây xoài quy mô 0,5 ha tại xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu; 1 mô hình cây nhãn quy mô 0,5 ha tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã.
Qua đánh giá, 2 mô hình canh tác xoài tại huyện Yên Châu và nhãn tại huyện Sông Mã khi được áp dụng đồng bộ các giải pháp (bón phân cân đối, bổ sung phân hữu cơ vi sinh và che phủ đất) cho năng suất cao hơn rõ rệt so với lối canh tác cũ của dân khoảng 11,78% đối với xoài và 17,74% đối với nhãn. Đồng thời làm tăng hiệu quả kinh tế hơn so với canh tác truyền thống của người dân từ 21,28% đối với xoài và 19,96% đối với nhãn.
Phát biểu tại buổi nghiệm thu, đồng chí Cầm Thị Phong, Chủ tịch Hội đồng đánh giá: Đề tài thực hiện được mục tiêu đảm bảo theo thuyết minh được phê duyệt. Bên cạnh đó, để nội dung nghiên cứu đảm bảo theo đúng chủ trương đặt hàng của UBND tỉnh, đồng chí yêu cầu, nhóm thực hiện đề tài cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các thành viên trong Hội đồng; Cập nhật lại số liệu phân tích mẫu đất từng địa điểm, tình hình sử dụng phân bón cho cây trồng cũng như số liệu về địa hình, địa chất, khí hậu, các tác nhân gây nên suy giảm độ phì nhiêu do canh tác trên đất dốc. Đồng thời, nhóm thực hiện đề tài cần đánh giá hiện trạng, phân tích sâu hơn yếu tố suy giảm và mức độ suy giảm độ phì nhiêu của đất dốc trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La để từ đó đưa ra những giải pháp canh tác trên đất dốc đối với xoài và nhãn tại các huyện triển khai mô hình,...
Với kết quả đạt đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đạt yêu cầu.
Tú Hảo