Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia: “Nghiên cứu đặc điểm chính và giải pháp quản lý bền vững sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) hại ngô tại Sơn La và miền núi phía Bắc”
Lượt xem: 35

Chiều ngày 28/10/2024, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia: “Nghiên cứu đặc điểm chính và giải pháp quản lý bền vững sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) hại ngô tại Sơn La và miền núi phía Bắc”. Đồng chí Cầm Thị Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng.

anh tin bai

Hội đồng tư nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia: “Nghiên cứu đặc điểm chính và giải pháp quản lý bền vững sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) hại ngô tại Sơn La và miền núi phía Bắc”

          Đề tài được triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La từ tháng 10/2021 do Viện Bảo vệ thực vật chủ trì, thạc sĩ Phạm Duy Trọng làm chủ nhiệm, với mục tiêu: Đánh giá thực trạng, tình hình xâm lấn, mức độ gây hại, con đường lan truyền, tồn tại của sâu keo mùa thu trên cây ngô và một số cây trồng khác tại Sơn La và miền núi phía Bắc; Xác định những đặc điểm chính về đặc điểm sinh học, sinh thái, quy luật thiết lập quần thể và yếu tố ảnh hưởng đối với sâu keo mùa thu; Đề xuất quy trình quản lý tổng hợp sâu keo mùa thu theo hướng bền vững tại vùng nghiên cứu.

anh tin bai

Thạc sĩ Phạm Duy Trọng - Viện Bảo vệ thực vật trình bày báo cáo nghiên cứu tại Hội đồng

          Qua 03 năm triển khai nghiên cứu cho thấy, sâu keo mùa thu là loài gây hại chính trên cây ngô, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng ngô tại Sơn La và một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Phú Thọ, Lạng Sơn. Quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập 838 mẫu sâu keo mùa thu tại 18 xã thuộc 6 tỉnh, từ đó đã xác định được quần thể sâu keo mùa thu chủ yếu là con lai giữa hai nòi Rice và Corn. Đồng thời, đề tài tiến hành nuôi sinh học sâu keo mùa thu trong phòng thí nghiệm để xác định đặc điểm sinh học, sinh thái học chủ yếu của sâu keo mùa thu như: thời gian pha phát dục, vòng đời, tỷ lệ gia tăng tự nhiên....Tiến hành điều tra chuyên ngành tại đồng ruộng kết hợp các thí nghiệm trong nhà lưới để xác định biến động mật độ cũng như ảnh hưởng của các yếu tố sinh thái như: giống ngô, địa hình trồng, xác định sự tồn tại qua đông, chu chuyển của sâu keo mùa thu từ vụ này sang vụ khác....

          Trên cơ sở các nghiên cứu, đơn vị chủ trì thực hiện đề tài triển khai các biện pháp quản lý tổng hợp sâu keo mùa thu hại ngô theo hướng bền vững thông qua biện pháp canh tác; sử dụng bẫy, bả; sử dụng thiên địch và biện pháp hóa học trong xử lý hạt giống. Kết quả, biện pháp vệ sinh đồng ruộng cần được thực hiện sau mỗi vụ thu hoạch, dùng bẫy Pheromone có hiệu quả đối với sâu keo mùa thu; Bọ kìm (Euborellia annulipes, Labiddura riparia....) và nấm kí sinh (Nomuraea rileyi) là thiên địch chính có khả năng khống chế sâu keo mùa thu trên đồng ruộng.

          Bên cạnh đó, đơn vị chủ trì đề tài tiến hành khảo sát lựa chọn và xây dựng mô hình quản lý tổng hợp sâu keo mùa thu theo hướng bền vững trên diện tích thâm canh ngô sinh khối tại thị trấn Nông trường Mộc Châu và diện tích ngô thương phẩm tại xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La với các giống ngô kháng sâu như VS201, NK7328,  đồng thời, sử dụng các biện pháp xử lý hạt giống trước khi gieo trồng bằng thuốc Fortenza Duo 480FS, sử dụng bẫy Pheromone liên tục trên toàn bộ vùng trồng ngô, bảo vệ sử dụng thiên địch và các biện pháp hóa học. Đánh giá hiệu quả kinh tế, tại huyện Mộc Châu tính theo ngô lấy hạt so với vườn đối chứng trên các giống VS201 và NK7328 lần lượt là 17,54% và 18,44%,; tại huyện Mai Sơn hiệu quả tính trên 1ha giữa ruộng mô hình và ruộng đối chứng là 22,64%, tỷ lệ này đều đáp ứng yêu cầu so với thuyết minh được phê duyệt.

          Tại buổi nghiệm thu các thành viên Hội đồng đánh giá: Kết quả nghiên cứu của đề tài có tính chuyên sâu, tổng hợp, bài bản, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn sản xuất, giải quyết các vấn đề liên quan đến sinh học, sinh thái học của sâu keo mùa thu, giúp địa phương có biện pháp, phương án phòng trừ sâu keo mùa thu góp phần giảm thiệt hại cho cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, đề tài cần làm rõ năng suất, giá trị kinh tế của các hộ tham gia mô hình ngô sinh khối ngô thương phẩm tại 2 huyện triển khai mô hình để thấy rõ hiệu quả khi áp dụng các biện pháp quản lý sâu keo mùa thu; thời điểm sử dụng thuốc phòng trừ sâu keo mùa thu đạt hiệu quả cao nhất.

          Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đạt yêu cầu./.

                                                                                                          Ánh Nguyệt - Bích Đào

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang