Sơn La là tỉnh miền núi có tiềm năng và nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển cây ăn quả. Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm xây dựng đề án phát triển cây ăn quả và các chính sách hỗ trợ các hộ nông dân, Hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả. Để đánh giá những hiệu quả về các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất các cơ chế chính sách và giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình đến năm 2025, năm 2019, Sở KH&CN Sơn La đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường Chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất các giải pháp thực hiện đến năm 2025”.
Đề tài đã tiến hành điều tra khảo sát tại 5 huyện có diện tích lớn trồng cây ăn quả trên đất dốc và là vùng thí điểm thực hiện chương trình phát triển cây ăn quả của tỉnh như: Mộc Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã, Phù Yên. Qua điều tra, khảo sát các Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân, doanh nghiệp, cơ sở chế biến, thương lái, cán bộ quản lý chuyên trách các cấp về sự phù hợp của các chính sách, về hiệu quả kinh tế, xã hội, về diện tích cây ăn quả trên đất dốc cho thấy: Sau 4 năm thực hiện Chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc, tỉnh Sơn la đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Tổng diện tích trồng cây ăn quả trên toàn tình đạt trên 70.000 ha, tăng 198% so với năm 2015. Cùng với sự tăng lên của diện tích cây ăn quả thì sản lượng và giá trị sản xuất cây ăn quả cũng tăng lên đáng kể so với năm 2015, diện tích trồng cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP đã tăng lên đáng kể; đã hình thành nhiều chuỗi sản xuất an toàn và sản phẩm cây ăn quả của Sơn La đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới, mang lại lại hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Về mặt kinh tế chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc đã góp phần làm tăng giá trị sản lượng diện tích cây ăn quả của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời giảm diện tích cây lương thực như cây ngô nương, lúa nương, theo đánh giá cho thấy hiệu quả kinh tế của cây ăn quả trên mang lại cao hơn rất nhiều so với cây trồng lương thực bị thay thế.
Về hiệu quả xã hội thực hiện chương trình cây ăn quả trên đất dốc đã làm thay đổi tập quán sản xuất và phương thức canh tác của người dân trước đây người dân sử dụng rất tùy tiện các loại thuốc bảo vệ thực vật và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm khi thực hiện chương trình và theo định hướng của tỉnh người dân đã thực hiện các quy trình như ghép, bảo quản, phun thuốc theo đợt, theo hướng dẫn, hơn nữa thông qua chương trình đã thành lập được nhiều hợp tác xã. Tính đến cuối 2019, trên toàn tỉnh đã có 288 hợp tác xã và doanh nghiệp phát triển sản xuất cây ăn quả đồng thời qua đó cũng quảng bá thương hiệu của tỉnh Sơn La đến các địa phương khác và các quốc gia khác, thúc đẩy phát triển nông thôn mới.
Về hiệu quả môi trường việc phát triển cây ăn quả sẽ tăng độ che phủ đất so với cây ngô, cây sắn thông qua đó sẽ có tác dụng giữ đất, chống xói mòn và điều hòa không khí so với các cây trồng lương thực và cây ngắn ngày.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, các yếu tố ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả chương trình phát triển cây ăn quả bao gồm: Điều kiện tự nhiên, khí hậu thời tiết; Cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển và thuận tiện cho giao thương, đặc biết các nhà máy chế biến quả đã và đang được xây dựng ở Sơn La sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phát triển cây ăn quả. Ngoài ra một yếu tố quan trọng nữa ảnh hưởng rất lớn đến phát triển cây ăn quả là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Bên cạnh những yếu tố ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả chương trình cây ăn quả thì kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những hạn chế trong sự phát triển cây ăn quả như địa hình dốc nên khó khăn trong canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; lực lượng lao động hoạt động sản xuất nông nghiệp ít, trình độ lao động thấp; tập quán canh tác và công tác quản lý giống, thuốc bảo vệ thực vật cũng là các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển cây ăn quả ở Sơn La.
Về nhận diện và đánh giá các rủi ro của chương trình, kết quả nghiên cứu chỉ ra nguy cơ tăng nóng diện tích, trồng tràn lan phá vỡ quy hoạch, dẫn đến sản lượng dư thừa, giá bán thấp, bấp bênh và chịu tác động của biến đổi khí hậu với những thay đổi cực đoan của thời tiết trong thời gian gần đây. Ngoài ra, rủi ro về thiếu giống chất lượng, thiếu nước tưới, hạn chế về các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm, và thiếu vốn để mở rộng sản xuất hay đầu tư hệ thống tưới tiêu… cũng là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến phát triển cây ăn quả trên đất dốc.
Để thực hiện hiệu quả chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025, nghiên cứu đã đưa ra một số nhóm giải pháp liên quan đến quy hoạch vùng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm cây ăn quả, quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý giống cây ăn quả và một số giải pháp liên quan đến thị trường và tổ chức sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Với những kết quả đã đạt được đề tài được Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh họp, xét, đánh giá nghiệm thu đề tài. Những giải pháp mà đề tài đưa ra là cơ sở để Tỉnh ủy, UBND, các cấp có những định hướng trong xây dựng cơ chế, chính sách phát triển cây ăn quả trên đất dốc trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025.
Bích Đào