Nghiên cứu chỉnh lý, biên soạn bổ sung Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La (1976-2020)
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng", năm 2022, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ triển khai đề tài “Nghiên cứu chỉnh lý, biên soạn bổ sung Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La (1976-2020)” với mục tiêu là một trong những công trình khoa học có ý nghĩa chính trị, lý luận và thực tiễn sâu sắc, là tài liệu quý phục vụ việc nghiên cứu, học tập, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, góp phần nâng cao lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Sơn La.
Cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La (1976-2020) đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, phát hành, phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó, tập 1 Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La giai đoạn (1939 - 1954) đã chỉnh lý và bổ sung (lần thứ nhất) năm 2002, tập 2 (1954 - 1975) xuất bản năm 1994, tập 3 (1976 - 2000) xuất bản năm 2005.
Sau hơn 15 năm phát hành, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận thấy, để đảm bảo theo đúng tiến trình lịch sử dân tộc cũng như diễn biến các kỳ Đại hội Đảng bộ, cũng như cung cấp cho độc giả nhìn nhận phong phú, toàn diện hơn, thuyết phục hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh trong chặng đường xây dựng và phát triển hơn 20 năm, Lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1976-2000 cần chỉnh lý, biên soạn lại và bổ sung giai đoạn lịch sử từ năm 2010-2020, đây là giai đoạn có nhiều dấu ấn, đột phá, kết quả to lớn đạt được trên nhiều mặt, cần được cập nhật kịp thời trong lịch sử Đảng bộ tỉnh. Trên cơ sở đó, năm 2022, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu chỉnh lý, biên soạn bổ sung Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La (1976-2020)”.
Ngay sau khi đề tài được phê duyệt, đồng chí Đinh Thị Bích Thảo, Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ, chủ nhiệm đề tài đã cùng nhóm nghiên cứu đề tài, ban biên tập, tổ soạn thảo tiếp cận hệ thống thể loại các văn bản, tại các kho lưu trữ tại Trung ương và địa phương, gồm các thể loại như chỉ thị, nghị quyết, kết luận, đề án, thông tri, quyết định, báo cáo chuyên đề... Trong mỗi thể loại văn bản có rất nhiều văn bản chuyên đề về tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng hệ thống chính trị. Mỗi văn bản chuyên đề có giá trị về mặt tư liệu sự kiện khác nhau, để đảm bảo tính khoa học chính trị, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và công cụ tra cứu cơ bản. Trên cơ sở tài liệu sưu tầm được, đồng thời kế thừa tham khảo các cuốn sách lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử Đảng bộ các huyện, thành phố; sách chuyên đề đã xuất bản, phát hành; Địa chí Sơn La; Văn kiện Đảng toàn tập (từ tập 37 đến tập 70); Báo Sơn La; Báo Sơn La điện tử. Tuân thủ nghiêm các phương pháp nghiên cứu sử học, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban biên soạn đã sắp xếp, biên tập cơ bản hoàn thành 24 chuyên đề và hoàn thành bản thảo cuốn sách.
Trong suốt quá trình thực hiện đề tài, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng phối hợp với các cơ quan lưu trữ Trung ương và địa phương sưu tầm, tổng hợp, xử lý tư liệu, rà soát nội dung cuốn sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La giai đoạn 1976-2000 và xây dựng Đề cương chi tiết cuốn sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La (1976-2020). Cuốn sách có bố cục gồm 4 chương; trong từng chương, bố cục các mục lớn theo từng nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh; trong từng mục lớn sắp xếp thành tiểu mục, thống nhất theo các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh; xây dựng hệ thống chính trị, công tác đối ngoại của Đảng bộ.
Nổi bật nhất trong 4 giai đoạn này phải kể đến là giai đoạn 2010-2020, trên cơ sở thành công đại hội Đảng cấp cơ sở và cấp huyện, từ ngày 22 đến ngày 24-9-2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV diễn ra. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 ủy viên: Nguyễn Hữu Đông, Lò Minh Hùng, Hoàng Quốc Khánh, Nguyễn Thái Hưng, Vi Đức Thọ, Tráng Thị Xuân, Chá A Của, Lê Hồng Long, Lường Thị Vân Anh, Đinh Thị Bích Thảo, Nguyễn Ngọc Vân, Tô Quang Hanh, Bùi Minh Tân, Lưu Minh Quân, Hà Trung Chiến; Đồng chí Nguyễn Hữu Đông tái cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hoàng Quốc Khánh tái cử chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Lò Minh Hùng được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La. Thành công của Đại hội là nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ mạnh mẽ đối với Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh. Nghị quyết Đại hội là kết tinh trí tuệ của Đảng bộ và nhân dân, là phương hướng để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, phấn đấu thực hiện mục tiêu “xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững”.
Năm 2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tổ chức 2 Hội thảo bản thảo với sự tham gia của các đại biểu trong Ban Thường trực tỉnh uỷ; Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia, Ban biên tập và Tổ soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung cụ thể trong các chương giai đoạn từ 1976-2000 cũng như chỉnh sửa bố cục, số liệu; nhân vật lịch sử; thông tin tư liệu về sự kiện lịch sử, tiêu đề chương, mục; lỗi chính tả; lỗi kỹ thuật;...
Nắm rõ việc chỉnh lý, biên soạn lại Cuốn Lịch sử Đảng bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị - tư tưởng của Đảng bộ tỉnh Sơn La, các thành viên trong đề tài đã chủ động triển khai các hạng mục công việc theo tiến độ, kế hoạch đề ra. Các văn bản, tài liệu được nghiên cứu, xử lý, xác minh được lưu giữ tại các kho lưu trữ của Trung ương, của tỉnh, tư liệu sưu tầm được xử lý, phân loại, đánh giá, xác minh, thẩm định đảm bảo yêu cầu khoa học, chính xác, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn đề tài. Các sản phẩm của đề tài được đầu tư thời gian nghiên cứu, biên soạn; bố cục trình bày hợp lý, đảm bảo theo hướng khái quát được toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và công tác đối ngoại của Đảng bộ từ năm 1976-2020.
45 năm (1976 - 2020) là chặng đường mà Đảng bộ tỉnh Sơn La lãnh đạo nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại và thách thức, cùng với cả nước tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện sự nghiệp Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, từng bước xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Những đóng góp của Đảng bộ tỉnh Sơn La là tiền đề vững chắc và to lớn để Đảng bộ và nhân dân trong thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XV, xây dựng quê hương Sơn La giàu đẹp, phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Kết quả nghiên cứu đề tài Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La giai đoạn 1976-2020 tiếp tục khẳng định tính đúng, tính khoa học lý luận Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đối tượng nghiên cứu, phương pháp luận nghiên cứu lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam. Bằng các phương pháp nghiên cứu tổng hợp, trên cơ sở lý luận Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự thật khách quan lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La giai đoạn 1976-2020 được trình bày thuyết phục, sinh động, chính xác, góp phần khẳng định đúng đắn chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, sự vận dụng sáng tạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ, của mỗi tổ chức cơ sở đảng vào thực tiễn địa phương, đơn vị xây dựng tỉnh Sơn La giầu mạnh, đất nước phồn vinh.
Tú Hảo