Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Sơn La
Lượt xem: 140

          Trong những năm qua, tình hình tội phạm hình sự có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó có tội phạm giết người, hậu quả gây ảnh hưởng xấu đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của nhân dân, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn an ninh trật tự. Tại tỉnh Sơn La, tình hình tội phạm giết người tiềm ẩn nhiều nhân tố nảy sinh phức tạp, nhiều vụ việc được dư luận xã hội quan tâm. Để tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm giết người trong thời gian tới, trong 02 năm từ tháng 5/2022 - tháng 5/2024, Công an tỉnh Sơn La chủ trì thực hiện đề tài khoa học: “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Sơn La”, nhằm nghiên cứu làm rõ thực trạng công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm; Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Sơn La.

          Qua nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Sơn La cho thấy, giai đoạn 2010 - 2021 xảy ra 192 vụ giết người, trong đó: 12 vụ giết người cướp tài sản; 04 vụ giết người, hiếp dâm; 176 vụ giết người do nguyên nhân xã hội; tập trung làm rõ 189/192 vụ đạt tỷ lệ 98,4%, khởi tố 209 bị can để đưa ra xử lý theo quy định pháp luật. Xác lập 26 chuyên án truy xét các đối tượng giết người. Các vụ phạm tội đều là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng trong đó hậu quả làm chết 1 người là 153 vụ, làm chết nhiều người có 11 vụ. Đối tượng chủ yếu là thanh niên, chiếm đến hơn 80%, cá biệt một số vụ có độ tuổi vị thành niên từ 16 - 18 tuổi. Biện pháp điều tra theo tố tụng được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Động cơ tội phạm giết người do xuất phát từ những mâu thuẫn bột phát trong đời sống sinh hoạt, mâu thuẫn trong gia đình do ghen tuông giữa vợ chồng, mâu thuẫn tình cảm, giết người cướp tài sản. Nguyên nhân của loại tội phạm này chủ yếu là do lối sống cực đoan, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, dễ bị kích động dẫn đến các hành vi bạo lực, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên với lối sống thực dụng, ích kỷ, coi thường pháp luật, các thông tin tiêu cực, văn hóa phẩm đồi trụy và trào lưu sai lệch, cổ súy hành vi côn đồ, bạo lực. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa sâu rộng, công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa triệt để; các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở một số địa phương hoạt động chưa hiệu quả...

          Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, nhất là tội phạm giết người, trong thời gian qua lực lượng Công an, chủ công là lực lượng cảnh sát hình sự phối hợp UBND các xã phường tổ chức 823 lượt tuyên truyền, 03 chiến dịch truyền thông,  đăng tải tin bài trên cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, loa phát thanh của các tổ bản về công tác phòng chống tội phạm, nguyên nhân dẫn đến tội phạm giết người và hậu quả gây chết người cho các đối tượng chủ yếu hướng đến là học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc. Đồng thời, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an 12 huyện, thành phố chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, nắm bắt tình hình, quản lý tốt địa bàn, phối hợp tốt với các lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã và lực lượng Công an cơ sở cũng như chính quyền địa phương nắm bắt tình hình trong nội bộ nhân dân và đề xuất biện pháp giải quyết mâu thuẫn phát sinh, làm hạn chế tình hình tội phạm giết người góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người dân, giữ vững an ninh và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Bên canh đó, tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền chỉ đạo triển khai kịp thời các văn bản của Chính phủ, kế hoạch, hướng dẫn của các cục nghiệp vụ, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; những lĩnh vực có liên quan và ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người, qua đó tước bỏ những điều kiện, khả năng hoạt động của các đối tượng tội phạm giết người, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, nhanh chóng điều tra làm rõ tội phạm để bắt giữ, xử lý theo pháp luật.

          Tuy nhiên, do Sơn La là một tỉnh miền núi có địa bàn hành chính rộng, nhiều thành phần dân tộc, phong tục tập quán, ngôn ngữ đa dạng; phân bố dân cư không đều nhận thức pháp luật còn rất hạn chế, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi phong tục tập quán tộc người, dòng họ, vì vậy làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tội phạm giết người và công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai, nhóm nghiên cứu đã xây dựng tài liệu tập huấn công tác phòng, chống tội phạm giết người cho lực lượng cảnh sát nhân dân trên địa bàn tỉnh Sơn La và tài liệu tuyên truyền pháp luật, kỹ năng phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Sơn La, đồng thời tổ chức tổ chức 3 cuộc tập huấn thí điểm Tài liệu tập huấn công tác phòng, chống tội phạm giết người cho lực lượng cảnh sát nhân dân trên địa bàn tỉnh Sơn La và 3 cuộc tuyên truyền về tài liệu tuyên truyền pháp luật, kỹ năng phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Sơn La nhằm giúp người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật, nhận diện tội phạm giết người, những nguyên nhân phát sinh tội phạm giết người cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này. Tài liệu còn giúp cho các cơ quan tổ chức, cấp ủy chính quyền địa phương xác định trách nhiệm, chủ động phòng tránh và tích cực đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

anh tin bai

Tập huấn tuyên truyền pháp luật, kỹ năng phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Sơn La

          Theo dự báo về tình hình tội phạm: tội giết người là loại tội phạm diễn ra phổ biến và phức tạp trong các loại tội xâm phạm tính mạng con người trên địa bàn tỉnh; mặc dù tình hình tội giết người có giảm theo từng năm, nhưng vẫn diễn ra phức tạp, khó lường, người phạm tội có xu hướng trẻ hoá về độ tuổi, thường không có công ăn việc làm ổn định. Vì vậy, công tác phòng ngừa tội phạm giết người phải có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân, chủ công, nòng cốt là lực lượng Công an. Nhiệm vụ trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP về phòng, chống tội phạm. Nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi để tình hình an ninh trật tự phức tạp xảy ra tại địa phương. Công an các đơn vị, địa phương cần chủ động triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch, đợt cao điểm, các biện pháp để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm giết người, nhất là giết người.

            Để phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp, ngăn chặn loại tội phạm giết người, hạn chế tối đa những thiệt hại và hậu quả do loại tội phạm này gây ra, cần tập trung thực tiện tốt một số nhóm giải pháp sau: Các giải pháp về kinh tế - xã hội; văn hoá - giáo dục; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước về an ninh trật tự; Coi trọng và phát huy vai trò của công tác nghiệp vụ cơ bản trong phát hiện tội phạm giết người; Củng cố, kiện toàn lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội các cấp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác điều tra tội phạm giết người; Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội với Viện kiểm sát, Toà án trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm giết người; Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị, trong sạch về đạo đức, lối sống…

          Duy trì, phát huy, xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát triển, nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hoà giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, chú trọng địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự xã hội; giải quyết tốt các vấn đề về an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt là giải quyết các vấn đề xã hội là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm giết người như: giải quyết kịp thời, triệt để khiếu nại, tố cáo, mâu thuẫn trong Nhân dân, không để phức tạp, kéo dài, phát sinh, hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự... Tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm các tổ hòa giải, tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân. Phối hợp quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội, tái phạm tội.

         Những giải pháp của đề tài góp phần làm sáng tỏ lý luận, thực tiễn về tội phạm, tội phạm giết người và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người. Trên cơ sở đó làm rõ tình hình tội phạm giết người, nguyên nhân tình hình tội phạm giết người, thực trạng công tác điều tra, phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Sơn La, cung cấp những luận cứ khoa học để các cơ quan chức năng tỉnh Sơn La tham khảo trong quá trình hoạch định chủ trương, chính sách, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người, bảo đảm trật tự, an toàn, quốc phòng - an ninh, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó để các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an nhân dân trên địa bàn tỉnh tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp phòng, chống tội phạm giết người; tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND, HĐND về việc xác định phương hướng, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tội phạm giết người trong thời gian tới; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm giết người.

Bích Đào

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang