image banner
Xây dựng, phát triển thương hiệu chè Tà Xùa, huyện Bắc Yên
Lượt xem: 38

         Xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên- nơi có thiên đường mây bồng bềnh, sống lưng khủng long tuyệt đẹp, trong đó không thể không nhắc đến đó là sản phẩm chè được thu hái từ những cây chè Shan tuyết cổ thụ, nằm ở độ cao trên 1.800 m so với mực nước biển. Hiện nay, xã có 300 ha cây chè Shan tuyết đã cho thu hoạch, trong đó, có 200 cây chè Shan tuyết cổ thụ ở các bản: Bẹ, Tà Xùa, Chung Chinh, tuổi đời khoảng 200 - 300 năm, được công nhận là quần thể cây di sản Việt Nam. Do quanh năm mây phủ, độ ẩm cao và khí hậu trong lành, mát mẻ nên cây chè nơi đây có búp to, dưới lá chè có phủ một lớp lông tơ mịn, màu trắng như tuyết.

          Theo những người cao tuổi ở Tà Xùa kể lại, không ai biết rõ cây chè có từ bao giờ, chỉ biết cây chè ở đây có hương vị đặc trưng và tốt cho sức khỏe, nên người dân đã mang hạt giống của cây chè từ rừng về trồng. Cây chè gắn bó với đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tà Xùa hàng trăm năm nay. Nghề sao chè cũng ra đời từ đó.

          Khi những búp chè nở rộ, đồng bào nơi đây tiến hành thu hái những búp chè non theo kỹ thuật hái chè hai lá một tôm để cho ra sản phẩm chè chất lượng. Được biết, thời điểm hái chè tốt nhất để có chè ngon là lúc sáng sớm, khi trời còn mát và có nhiều sương, lúc này búp chè ngậm sương, có hương vị tốt nhất. Chè hái về phải tiến hành sao ngay để giữ được hương vị. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, quá trình sản xuất chè giờ đây đã đơn giản hơn trước rất nhiều nhờ sự hỗ trợ của máy móc. Tuy nhiên, nhiều gia đình đồng bào dân tộc H’Mông ở Tà Xùa vẫn gìn giữ cách sao chè truyền thống bằng tay, bà con sử dụng chính đôi bàn tay trần của mình để sao chè bằng chảo gang trên bếp củi. Sau khi lá chè được làm héo sẽ cho ra vò bằng tay để kiểm tra độ ẩm và lại cho vào chảo tiếp tục đảo đều tay cho đến khi độ ẩm của chè đạt yêu cầu. Trong phương pháp làm chè của người Mông, nếu quá trình chăm sóc, thu hái là yếu tố cần thì công đoạn sao chè đóng vai trò quyết định chất lượng và hình thức của chè thành phẩm. Mỗi năm chè Tà Xùa thường có từ 3 đến 4 đợt búp, thu hái vào các tháng 2, 4 hoặc tháng 8, 10.

          Anh Mùa A Lệnh - Giám đốc HTX nông nghiệp và Bảo tồn văn hóa dân tộc PLA, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên cho biết: Chè của HTX sao thủ công bằng tay, mất khoảng 3 - 4 giờ để tạo ra thành phẩm chè khô; với cách làm này, phấn chè không bị mất đi, giữ được hương vị đặc trưng của chè Tà Xùa. Tham gia vào nhiệm vụ, các thành viên HTX được tập huấn kiến thức về quản lý và sử dụng nhãn hiệu; marketing sản phẩm, cách thức đàm phán, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm trên mạng xã hội. Đây là tiền đề để chúng tôi mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho thành viên HTX và bà con nơi đây.

anh tin bai

Người dân xã Tà Xùa thu hái chè

          Với mục tiêu phát triển chuỗi giá trị dựa trên xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “Chè Tà Xùa Bắc Yên”, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thêm giá trị gia tăng và thu nhập cho các chủ thể sản xuất và kinh doanh trong chuỗi giá trị chè tại xã Tà Xùa. Năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt cho Viện Cây lương thực và cây thực phẩm thực hiện nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Chè Tà Xùa Bắc Yên” cho sản phẩm chè của huyện Bắc Yên. Nhiệm vụ do ông Lê Đức Công, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm làm chủ nhiệm.

          Trong quá trình triển khai, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã hoàn thiện hệ thống nhận diện sản phẩm, xây dựng tem truy xuất QR code để cấp cho các cơ sở, hộ sản xuất được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các điểm bán hàng tại xã Tà Xùa; điểm bán hàng của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La và các điểm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch tại Hà Nội, như: Hệ thống siêu thị Happy Mart tại Hà Đông; hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Gia Hưng, tại Trung Kính - Cầu Giấy.

          Ông Lê Đức Công - chủ nhiệm dự án chia sẻ: Sản phẩm chè Tà Xùa Bắc Yên là một sản phẩm rất đặc trưng, đặc thù, mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con người H'Mông nơi đây. Để phát triển sản phẩm chè Tà Xùa Bắc Yên chúng tôi đã phối hợp với Sở KH&CN Sơn La, UBND huyện Bắc Yên xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận chè Tà Xùa Bắc Yên. Cùng với cơ quan quản lý và cơ quan chủ sở hữu là UBND huyện Bắc Yên, chúng tôi đã đồng hành cùng với HTX mang sản phẩm đi giới thiệu tại thị trường Hà Nội, đồng thời kết nối với một số điểm bán trên địa bàn thành phố Sơn La để quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Tà Xùa tới người tiêu dùng.

anh tin bai

Nhóm thực hiện nhiệm vụ tư vấn về mẫu bao bì sản phẩm chè Tà Xùa cho Hợp tác xã Nông nghiệp A Châu

          Để bảo vệ và phát triển sản phẩm chè Tà Xùa, trong những năm gần đây, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ, cây chè cổ thụ, chăm sóc hoàn toàn tự nhiên và thu hái đúng kỹ thuật. Nhờ đó, cây chè được phục hồi, xanh tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Hàng năm, người dân xã Tà Xùa thu hái được trên 300 tấn chè búp tươi, chế biến được hơn 60 tấn chè khô. Thương hiệu chè Shan Tuyết Tà Xùa ngày càng được nhiều người biết đến, giá bán được nâng lên, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người trồng chè. Khi đến Tà Xùa, du khách thưởng thức chè mới cảm nhận được hết những gì tinh túy của nó. Nước chè có màu vàng sánh được ví như mật ong Tà Xùa, hương thơm khói bếp thoang thoảng. Nhấp một ngụm chè, cái đầu tiên mà bạn cảm nhận được đó là vị đắng chát sau đó dần chuyển thành sang vị ngọt lan tỏa cũng giống như sự chân thành, hiếu khách của người H'Mông ở thiên đường mây Tây Bắc.

anh tin bai

Sản phẩm chè Tà Xùa, huyện Bắc Yên

          Năm 2024, “Chè Tà Xùa Bắc Yên” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Sau khi nhãn hiệu được bảo hộ, UBND huyện Bắc Yên đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân, gồm: HTX Nông nghiệp và Bảo tồn văn hóa dân tộc PLA; HTX nông nghiệp A Châu và hộ sản xuất Sồng A Dênh.

anh tin bai

Đại diện Vụ Ứng dụng công nghệ và Tiến bộ kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Chè Tà Xùa Bắc Yên cho lãnh đạo huyện Bắc Yên

          Việc được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu giúp sản phẩm chè Tà Xùa giúp địa phương bảo vệ được danh tiếng, uy tín chất lượng của sản phẩm, giải quyết được những khó khăn trong quản lý, kiểm soát, xúc tiến thương mại sản phẩm mang nhãn hiệu, nâng tầm giá trị cho búp chè cổ thụ trên đỉnh Tà Xùa mở rộng thị trường hướng tới xuất khẩu.

                                                                                       Ánh Nguyệt

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 5, tòa nhà 9T, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang