Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và phát triển giống lúa Địa phương (I1) tại huyện Sông Mã
Trong những năm qua, công tác bảo tồn phục tráng giống lúa địa phương tại Sơn La đã được các cấp các ngành và UBND các huyện quan tâm nhằm khôi phục những đặc tính tốt của giống góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân. Tại huyện Sông Mã, từ tháng 4/2022, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ, trường Đại học Tây Bắc tiến hành thực hiện đề tài khoa học: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và phát triển giống lúa Địa phương (I1). Sau 03 năm triển khai, đề tài đã nhân được giống lúa Địa phương (I1) từ nguồn quỹ gen ban đầu lưu trữ tại Trung tâm Tài nguyên thực vật - Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam và xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống; trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh lúa Địa phương (I1) phù hợp với điều kiện tự nhiên, canh tác tại địa phương phục vụ việc phát triển sản xuất.
Nhóm thực hiện đề tại hướng dẫn cấy lúa tẻ (I1) cho người dân xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã
Giống lúa Địa phương (I1) là giống bản địa, được đồng bào Thái các xã Nậm Mằn, Yên Hưng, Nà Nghịu, Chiềng Sơ của huyện Sông Mã trồng từ lâu đời, đây là giống có phản ứng với ánh sáng ngày ngắn, cây cao và cứng, hạt dài, chất lượng ngon, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh, thời gian sinh trưởng trung bình 150 - 160 ngày, trỗ bông vào khoảng cuối tháng 9. Thực tế trong sản xuất cho thấy, việc các hộ nông dân tự chọn lọc giống theo kinh nghiệm bằng trực quan, cảm tính, lưu giữ giống tự chọn để sản xuất qua các năm hoặc trồng thay thế các giống lúa lai, các giống lúa thuần làm cho giống lúa (I1) bị thoái hoá và phân ly có nguy cơ mai một, không được trồng và phát triển ở huyện Sông Mã. Do vậy, việc phục tráng và phát triển giống lúa (I1) truyền thống để tạo giống thuần chủng được tập trung nghiên cứu nhằm duy trì và tổ chức mở rộng sản xuất, làm cơ sở phát triển thương hiệu sản phẩm gạo gắn với chương trình OCOP của huyện, mang lại lợi ích kinh tế bền vững, tăng thu nhập cho nông dân cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cán bộ Trung tâm khảo, kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Quốc gia tiến hành giống lúa (I1) nguyên chủng tại xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã
Nội dung nghiên cứu, phương pháp đánh giá đặc điểm hình thái, các chỉ tiêu nông sinh học và chất lượng của giống được nhóm thực hiện đề tài áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-55:2011/BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống lúa. Từ nguồn gen lưu trữ của Trung tâm Tài nguyên thực vật, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, vụ mùa năm 2022, trong 200 dòng lúa (I1) trồng tại Bản Nà cần II, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã với diện tích 1000m2 đã lựa chọn được 62 dòng đạt yêu cầu để tiếp tục lựa chọn dòng, hỗn dòng vụ 2023 tạo được nguồn giống sản xuất hạt siêu nguyên chủng đạt tiêu chuẩn với số lượng 60 kg; Tổ chức sản xuất giống nguyên chủng ở vụ mùa năm 2024 tại bản Nà Hin, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã đạt 300kg. Các giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng đều được Trung Tâm khảo, kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Quốc gia đánh giá các vụ đảm bảo tính ổn định và nguồn gen của giống. Tiến sĩ Vũ Quang Giảng - Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Tây Bắc, chủ nhiệm đề tài cho biết: Hiện nay giống lúa (I1) ở Sông Mã không còn nữa và thay thế bằng các giống lúa khác, vì vậy chúng tôi tiến hành chọn lọc để tạo ra giống thuần chủng để phục vụ sản xuất cho bà con. Từ nguồn giống ban đầu chúng tôi chọn ra được những dòng có tính đồng đều để tiến hành hỗn dòng sản xuất giống siêu nguyên chủng và những giống này đều được kiểm định bởi Trung tâm khảo, kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Quốc gia. Đến vụ thứ 4, từ những hạt giống siêu nguyên chủng đó chúng tôi tiến hành gieo cấy theo quy trình để sản xuất ra hạt nguyên chủng và những giống nguyên chủng này là giống được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, từ khâu gieo đến khâu cấy. Đến nay, đánh giá năng suất chúng tôi theo dõi rất cụ thể bằng các thí nghiệm, năng suất đạt xấp xỉ 6 tấn/ha.

Bà con nhân dân bản Nà Hin, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã chăm sóc giống lúa (I1) vụ mùa năm 2024
Tại bản Nà Hin, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, năm 2024 có 13 hộ gia đình tham gia mô hình sản xuất thương phẩm lúa địa phương (I1) với tổng diện tích 01ha từ nguồn giống nguyên chủng qua các phương pháp chọn lọc của đề tài. Trong quá trình thực hiện, bà con được cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ hướng dẫn làm đất, gieo mạ, cấy và bón phân theo từng giai đoạn phát triển của lúa như: thời kỳ lúa bắt đầu đẻ nhánh và khi lúa bắt đầu phân hóa đòng để giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung và tăng tỷ lệ nhánh hữu hiệu đạt năng suất cao nhất. Đồng thời, theo dõi chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của cây lúa; các loại sâu, bệnh hại tại mô hình. Qua đánh giá cho thấy, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, năng suất đạt từ 5,2 tấn đến 5,6 tấn/ha.
Gia đình ông Cà Văn Nói, bản Nà Hin, xã Nà Nghịu là một trong 13 hộ gia đình tham gia mô hình, ông chia sẻ: Giống lúa (I1) xưa có trồng nhưng dần dần bà con đưa nhiều giống vào trồng, nên mai một đi. Gia đình tôi mấy năm trước đây trồng chủ yếu là giống lúa nếp, lúa tám, khi có chủ trương phục tráng lại giống lúa (I1), tôi giành 1000m2 sản xuất lúa (I1) thương phẩm. Sau thời gian, cây lúa đẻ nhánh nhanh, tốt hơn, ít sâu bệnh hại, không phải dùng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, gia đình mong muốn tiếp tục duy trì giống lúa này để tạo ra hạt gạo có chất lượng cao hơn.
Cùng với việc chọn lọc các dòng lúa thuần chủng, để bảo tồn và phát triển giống lúa (I1) tại huyện Sông Mã, nhóm thực hiện đề tài còn nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác thông qua các thí nghiệm về các chỉ tiêu sinh trưởng; Ảnh hưởng của thời gian cấy; mật độ, kỹ thuật cấy; phân bón lá đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của giống lúa tẻ địa phương (I1). Trong đó, đánh giá thời vụ gieo cấy, lượng phân bón và mật độ cấy được xem là những bước quan trọng nhằm hoàn thiện quy trình giúp người dân có thêm kiến thức về kỹ thuật phục tráng và sản xuất lúa thuần tại địa phương. Kết quả ghi nhận tại bản Nà Cần 2, xã Chiềng Sơ, trong 02 năm 2022 và năm 2023 cho thấy: thời gian sinh trưởng của lúa (I1) từ khi gieo mạ đến khi chín sinh lý 155 ngày; Cấy sớm vào cuối tháng 6 (khoảng 25/6), mật độ cấy 25 cây/m2; cấy 2 dảnh và 3 dảnh cây sinh trưởng và phát triển tốt; đẻ khỏe, trỗ sớm và đều; khả năng cho năng suất cao hơn; Sử dụng phân bón lá chứa Kali-Bo làm cho cây cứng, sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, năng suất thực thu đạt 5,63 tấn/ha. Đặc biệt qua theo dõi, giống lúa (I1) có khả năng chống chịu với sâu, bệnh tốt hơn so với các giống khác. Theo ông Lò Văn Tưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã: Lúa tẻ I1 được trồng từ rất lâu rồi, đây là giống lúa địa phương từ năm những năm 1970, đến năm 19991 nhân dân thấy lúa (I1) chưa có năng suất cao, nên trồng các giống mới. Qua 02 năm nghiên cứu phục tráng (I1) trên địa bàn xã Chiềng Sơ, chất lượng tẻ (I1) cao hơn dòng lúa lai, thời gian sinh trưởng phát triển dài hơn. Lúa (I1) có ưu điểm dễ chăm sóc và không bị sâu bệnh hại, không cần bón phân nhiều như các giống khác, chống chịu tốt với hạn hán, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Hiện nay trên địa bàn xã phục tráng 5000m2, trên cơ sở đó bà con tham quan và rất mong muốn được nhân rộng mô hình lấy giống tẻ (I1) làm nền tảng để sản xuất trên địa bàn xã.
Với mong muốn bảo tồn và phát triển lúa (I1) tại vùng sản xuất, đề tài đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chọn lọc, nhân giống, canh tác lúa kết hợp tham quan trên đồng ruộng cho cán bộ và các hộ nông dân xã Chiềng Sơ và xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã. Qua đó đã giúp cho các hộ nâng cao kỹ thuật sản xuất lúa thương phẩm, nhận biết rõ các đặc tính chủ yếu của giống, nắm vững được phương pháp tự chọn lọc đúng giống để bảo quản, duy trì và tổ chức mở rộng sản xuất tại địa phương.
Bà con nhân dân xã Nà Nghịu thu hoạch lúa (I1) vụ mùa năm 2024
Có thể khẳng định, việc nghiên cứu chọn lọc, phục tráng, nhân giống lúa (I1) không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của huyện Sông Mã mà còn góp phần vào việc bảo tồn nguồn gen cây trồng địa phương, từ đó phát triển sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác; tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Ánh Nguyệt