Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra, nghiệm thu tiến độ triển khai đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm và đánh giá tính thích ứng của một số dòng/giống Mắc ca trên địa bàn tỉnh Sơn La”
Ngày 07/7/2024, đồng chí Lưu Bình Khiêm - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La cùng Đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành kiểm tra tiến độ triển khai đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm và đánh giá tính thích ứng của một số dòng/giống Mắc ca trên địa bàn tỉnh Sơn La” tại huyện Sốp Cộp và huyện Quỳnh Nhai.
Đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mô hình trồng thuần các dòng/giống Mắc ca mới tại xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp
Đề tài do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La chủ trì, kĩ sư Lưu Thanh Nga làm chủ nhiệm với mục tiêu: Đánh giá được sự phù hợp của một số dòng/giống Mắc ca với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Sơn La. Bổ sung được các dòng Mắc ca mới nhằm đa dạng dòng/giống Mắc ca có giá trị kinh tế gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung trên địa bàn tỉnh. Sau khi điều tra khảo sát đánh giá tính thích ứng một số dòng/giống Mắc ca mới đã và đang trồng tại Sơn La, nhóm nghiên cứu đề tài đã tiến hành xây dựng mô hình thử nghiệm trồng thuần các dòng/giống Mắc ca mới tại xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai diện tích 1,32 ha và xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp, diện tích 1,32 ha và mô hình trồng xen cây Mắc ca trong vườn chè Shan tuyết 7 năm tuổi và vườn Cà phê Catimor 1 năm tuổi tại xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, các dòng/giống đưa vào trồng so sánh gồm: QN1, A38, A4, 849, JW, S1.
Đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mô hình trồng thuần các dòng/giống Mắc ca mới tại xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai
Mô hình trồng Mắc ca tại xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai
Qua kiểm tra thực tế các mô hình trồng thuần tại huyện Sốp Cộp và huyện Quỳnh Nhai, cây sinh trưởng phát triển tốt; thí nghiệm tại địa điểm huyện Quỳnh Nhai các chỉ tiêu sinh trưởng của cây Mắc ca đều cao hơn so với địa điểm huyện Sốp Cộp. Đồng chí Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị nhóm thực hiện đề tài trong thời gian tới cần thực hiện tốt các nội dung, quy trình kỹ thuật, tiến độ theo thuyết minh đã đề ra: Hoàn thiện kỹ thuật nhân giống các dòng Mắc ca tuyển chọn trên địa bàn tỉnh; công tác chăm sóc, làm cỏ, vệ sinh; Tăng cường công tác giám sát, theo dõi đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của cây tại các mô hình; Xây dựng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc một số dòng/giống mắc ca mới theo phương thức trồng thuần, trồng xen trên địa bàn tỉnh; Kỹ thuật nhân giống các dòng/giống mắc ca mới bằng phương pháp ghép. Đồng thời, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị trong trồng và tiêu thụ Mắc ca, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, thị trường sản phẩm Mắc ca, gắn với xây dựng thương hiệu Mắc ca Sơn La.
Bích Đào