QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ SƠ CHẾ CÂY DƯỢC LIỆU ĐƯƠNG QUY
Lượt xem: 6057

Đương quy (Angelica acutiloba Ktagawa) thuộc họ hoa tán, đây là loài cây xuất xứ từ Trung Quốc, thường phát triển trên những vùng có độ cao 2000-3000m, nơi có khí hậu ẩm mát. Việt nam nhập trồng vào đầu những năm 60. Cây Đương qui được xem là một trong những vị thuốc đầu bảng của thuốc y học cổ truyền Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Nó có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều hòa kinh nguyệt và giảm đau, an thần, giãn động mạch vành, kháng viêm, lợi tiểu, tăng cường miễn dịch, chống ung thư, giải độc (Zhang and Chang, 1989). Để xây dựng mô hình phát triển kinh tế hợp tác xã trồng và sơ chế cây dược liệu góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân xóa đói giảm nghèo. Năm 2017, Tiến sĩ Trần Thị Huế - Viện thổ nhưỡng Nông hóa và Công ty Công ty Cổ Phần dược liệu Vân Hồ triển khai dự án “Xây dựng mô hình Hợp tác xã trồng và sơ chế một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế tại tỉnh Sơn La theo hướng phát triển bền vững”. Sau 2 năm triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình trồng và chăm sóc và sơ chế cây đương quy áp dụng trên địa bàn tỉnh Sơn La.

1. Phạm vi áp dụng

Qui trình được áp dụng ở tất cả các vùng sản xuất giống cây Đương quy (Angelica acutiloba (Sieb. Et Zucc) Kitagawa) trên địa bàn tỉnh Sơn La.

2. Đối tượng áp dụng

Áp dụng cho các giống đương quy di thực (Angelica acutiloba (Sieb. et Zucc) Kitagawa) và các giống có đặc tính tương tự.

3. Thông tin chung và cơ sở khoa học của quy trình

31. Mô tả bộ giống:

Tên khoa học: Angelica acutiloba (Sieb. Et Zucc) Kitagawa.

Họ hoa tán: Apiaceae.

Tên vị thuốc: Đương quy.

  - Đặc điểm thực vật, nguồn gốc và phân bố:

Đương quy là cây thân thảo, không có lông, cao từ 70-100 cm khi ra hoa. Lá mọc so le, ở phía dưới có cuống dài từ 10 – 30 cm, gốc có bẹ ngắn dạng máng, xẻ lông chim 1 – 2 lần, lá chét phân thùy hình mác dài 2 – 7 cm, rộng 1 – 3 cm, có cuống ngắn hoặc không cuống, các thùy lại phân nhỏ, gốc hình nêm, đầu nhọn, mép có răng to sắc, lá ở phía ngọn tiêu giảm. Cụm hoa là tán kép, có cuống dài 5 – 20 cm gồm 25 – 40 tán, tổng bao và tiểu bao giống nhau có lá bắc dạng sợi; hoa nhỏ màu trắng lục nhạt, dài không có răng, tràng 5 cánh lõm ở đầu; nhị 5, bầu hình chóp ngược, có gân lồi. Quả bế đôi, hơi dẹt, có cạnh và gân lồi, gân ở mép rộng dạng cánh.

Nhìn chung các giống Đương quy đều có nguồn gốc ôn đới. Cây được đưa vào trồng từ lâu ở Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản. Cây ưa khí hậu ẩm mát, đến mùa đông toàn bộ phần trên tàn lụi, phần củ dưới mặt đất chịu được băng tuyết và mọc lại vào mùa xuân năm sau.

-         Giá trị làm thuốc của cây Đương quy:

+ Có hoạt tính trên chức năng nội tiết sinh dục động vật cái, gây tác dụng kiểu oestrogen và progesteron yếu. Rễ và lá có tác dụng hướng sinh dục yếu trên chuột cống trắng cái non, tác dụng này không ổn định. Dược liệu không có tác dụng hướng sinh dục trên chuột cống đực non.

 + Rễ và hạt gây tăng trương lực và biên độ co bóp tử cung cô lập và tại chỗ của động vật thí nghiệm.

+ Rễ có tác dụng tăng lực rõ rệt trong thí nghiệm chuột nhắt trắng bơi gắng sức. Rễ có tác dụng tăng sức đề kháng cơ thể động vật trong thí nghiệm gây độc với ammoni clorid một cách rõ rệt.

+ Rễ có tác dụng chống viêm đối với cả hai giai đoạn cấp tính và mãn tính của phản ứng viêm thực nghiệm và không có tác dụng gây thu teo tuyến ức chuột non. Như vậy, đương quy có đặc điểm tác dụng chống viêm phi steroid, tác dụng chống viêm không kèm theo tác dụng ức chế miễn dịch.

+ Độc cấp tính của rễ và hạt đương quy rất thấp, rễ có độc tính cấp tính thấp hơn so với hạt.

Đương quy Nhật bản có tác dụng gây chấn tĩnh kéo dài thời gian ngủ gây bởi thuốc ngủ; giảm đau đối với cơn quặn đau gây bằng tiêm màng bụng acid acetic; giải nhiệt, chống viêm, làm giảm khả năng đông máu; điều kinh, nhuận tràng và kích thích miễn dịch, gây hoạt hóa lymphô bào B và T, làm tăng sản sinh kháng thể. Những phân đoạn polysacarid từ đương quy Nhật Bản được nghiên cứu về tác dụng chống bổ thể, hoạt tính sản sinh interferon và hoạt tính tạo phân bào.

  Một bài thuốc cổ truyền Trung quốc gồm 10 vị được dùng cho bệnh nhân trong giai đoạn phục hồi sau khi phẫu thuật hoặc có bệnh mãn tính để điều trị thể trạng suy yếu. Hai vị trong bài thuốc này là đương quy nhật bản và nhân sâm được sử dụng dưới dạng cao chiết với nước nóng đã thể hiện hoạt tính điều hòa miễn dịch.

  Đương quy có vị ngọt hơi đắng, hơi cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, thông kinh, dưỡng gân, tiêu sưng, nhuận tràng.

  Đương quy là một vị thuốc dùng phổ biến trong đông y, là đầu vị trong thuốc chữa bệnh của phụ nữ, đồng thời được chỉ định trong nhiều đơn thuốc bổ và trị bệnh như thuốc chữa thiếu máu xanh xao, đau đầu, cơ bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại, tê liệt, đại tiện táo bón, mụn nhọt, lở ngứa, tổn thương khí huyết, kinh nguyệt không đều, đau kinh, bế kinh.

  Trong y học cổ truyền Trung Quốc và Nhật Bản đương quy được dùng điều trị kinh nguyệt không đều, huyết ứ trệ, đau kinh, bế kinh, sa tử cung, chảy máu, phong thấp, mụn nhọt, táo bón, hói đầu, thiếu máu, chống co giật, làm ra mồ hôi, kích thích ăn ngon cơm. Phụ nữ uống nước sắc đương quy vài ngày trước khi đẻ sẽ dễ đẻ, làm giảm đau khi đẻ.

3.2. Cơ sở khoa học của qui trình kỹ thuật

- Căn cứ vào qui trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và sơ chế Đương quy của Nguyễn Bá Hoạt và cs (2005) trong ”Kỹ thuật trồng, sử dụng và chế biến cây thuốc“ NXB Nông nghiệp.

- Căn cứ vào qui trình trồng trọt, thu hái, chế biến và bảo quản dược liệu Đương quy di thực (Angelica acutiloba (Sieb. et Zucc) Kitagawa) theo tiêu chuẩn GACP – WHO của Công ty Cổ phần dược Hoa Thiên Phú.

- Kết quả nghiên cứu dự án “Xây dựng mô hình Hợp tác xã trồng và sơ chế một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế tại tỉnh Sơn La theo hướng phát triển bền vững”, thời gian thực hiện từ tháng 7/2017 đến tháng 6 năm 2019.

4. Nội dung quy trình

4.1. Thời vụ trồng:

- Ở vùng núi cao, thời vụ gieo trồng thích hợp là từ tháng 9-10, thu hoạch tháng 7-12 năm sau.

- Vùng đồng bằng, gieo trồng thích hợp là đầu tháng 10, thu hoạch vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm sau.

Trường hợp nếu gieo hạt vào bầu hoặc vườn ươm, để có cây con trồng đúng thời vụ thì phải căn cứ vào thời vụ trồng cây ra ruộng sản xuất để tính thời gian gieo hạt vào bầu hoặc vườn ươm cho chính xác.

4.2. Chọn đất, làm đất:

Vùng đất trồng không bị ô nhiễm kim loại nặng, không bị ô nhiễm vi sinh vật, có sự cách ly tương đối với các cây trồng khác và không gần khu công nghiệp, bãi rác thải, bãi chăn thả gia súc, khu chăn nuôi tập trung ......Khu vực trồng phải có nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm kim loại nặng và vi sinh vật, đạt tiêu chuẩn nước tưới tiêu trong nông nghiệp.

Chọn vùng đất cao, thoát nước tốt, tầng canh tác sâu dầy, đất thịt nhẹ, cát pha, đất bãi bồi, độ pH 5,5 - 6,5, mùn tổng số 1,5%. Vùng đất trồng phải thuận lợi việc tưới tiêu và thoát nước, không chọn vùng đất thấp trũng, thoát nước kém. Đất càng giàu mùn càng tốt, tơi xốp, không lẫn sỏi đá.

Làm kỹ đất, chia luống rộng 1,4m, lên luống sơ bộ, rải đều phân chuồng, phân HCVS, tro bếp, phân lân lên mặt luống rồi lấp kín phân bón lót, chiều cao luống khoảng 30-35 cm, mặt luống rộng 90-95 cm.

4.3. Khoảng cách và mật độ trồng:

Tùy theo điều kiện đất đai, vùng trồng và khả năng thâm canh để có thể chọn mật độ gieo trồng thích hợp. Ở miền núi cũng như đồng bằng muốn đạt được năng suất trên 3 tấn/ha dược liệu Đương quy có thể chọn một trong các mật độ khoảng cách gieo trồng sau đây:

-         Mật độ 33 vạn cây/ha với khoảng cách 20 x 15 cm – 1 cây

-         Mật độ 25 vạn cây/ha với khoảng cách 20 x 20 cm – 1 cây

-         Mật độ 20 vạn cây/ha với khoảng cách 20 x 25 cm – 1 cây

-         Mật độ 40 vạn cây/ha với khoảng cách 10 x 25 cm – 1 cây

        4.4. Kỹ thuật chăm sóc:

4.4.1. Phân bón và cách bón phân:

- Lượng phân bón và cách bón:

+ Lượng phân bón (1ha): 25 tấn phân chuồng; Urê 543 kg; Supe lân 625 kg; Kali sunphat 250 kg; tro bếp 2000-2500 kg.

+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng hoai + Phân lân + Tro bếp

+ Bón thúc: lần 1 khi cây được 5 lá bón 50 kg đạm/ha; lần 2 khi cây được 7 lá bón 80 kg đạm; Lần 3 khi cây được 9 lá bón 110 kg đạm; lần 4 khi cây được 11 lá bón 140 kg đạm và 125 kg kali; Lần 5 khi cây được 13 lá bón nốt số phân còn lại.

4.4.2. Tưới nước:

Cần tưới nước để luôn giữ ẩm cho ruộng, nhất là trong thời kỳ khô hạn. Có thể dùng ô doa tưới nước lên mặt luống. Nếu điều kiện thuận lợi có thể sử dụng phương pháp tưới ngấm. Bơm nước vào rãnh luống ngập 2/3 luống, để nước ngấm đủ ẩm lên trên mặt luống (qua một đêm), sau đó tháo nước khô kiệt. Nếu thời gian khô hạn kéo dài có thể 18 - 20 ngày tưới ngấm một lần.

Chú ý: Vào tháng 6 - 8 thường có mưa lớn độ ẩm cao, nhiệt độ cao, ruộng cần được làm sạch cỏ và thoát nước tốt để chống bệnh thối củ.

 4.4.3. Phòng trừ sâu, bệnh hại:

Đương quy là cây phàm ăn, sinh trưởng mạnh, ít bị sâu bệnh phá hại. Tuy nhiên trong sản xuất thường cũng có một số loại sâu bệnh hại như:

- Sâu xám thường gây hại trên vườn ươm vào giai đoạn mới trồng, có thể bắt bằng tay hoặc phun thuốc trừ sâu vào buổi tối, hoặc sáng sớm. Không dùng những loại thuốc có ảnh hưởng đến dược liệu củ đương quy.

- Vào mùa mưa cây thường bị bệnh thối củ do ngập úng, hoặc ẩm độ cao, cần thoát nước triệt để và loại bỏ những cây bị bệnh.

- Chuột hại (cây, củ): Dùng thuốc đánh bả, bẫy, thuốc sinh học…

- Rệp hại lá: Sử dụng luân phiên các thuốc đặc hiệu để phun phòng trừ như thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc, xông hơi Virofos 20EC với liều lượng 25 - 30 ml/ bình 8 lít hay 600 - 750 ml/phuy 200 lít hoặc Vidifen 40EC với liều dùng 25 - 35 ml/ bình 8 lít hay 600 - 850 ml/phuy 200 lít.

- Nhện đỏ: Nhện đỏ có khả năng kháng thuốc cao, vì vậy khi sử dụng cần luân phiên, thay đổi thuốc khi sử dụng, có thể sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ:

+ Fenpropathrin (Vimite 10 EC); Fenpyroximate (Ortus 5 EC); Thuốc có tác động tiếp xúc và vị độc, có tác dụng đối với cả nhện trưởng thành, trứng và nhện non.

+ Hexythiazox (Nissorun 5 EC): Loại thuốc này có tác động tiếp xúc, ức chế sự hình thành chất cutin làm cho nhện non không lột xác được mà chết, như vậy thuốc chủ yếu dùng để diệt nhện non. Tuy không diệt được nhện trưởng thành, nhưng chúng làm cho nhện trưởng thành không đẻ trứng được, hoặc nếu có đẻ trứng được thì trứng cũng không nở thành nhện non. Hiệu lực của thuốc tuy có chậm nhưng tác dụng của nó lại kéo dài hàng tháng.

Ngoài ra, có thể sử dụng một số loại thuốc có gốc sau: Milbemectin, Emamectin benzoate, Propargite.

4.5. Thu hái, sơ chế:

Ở vùng miền núi phía bắc như Sơn La, thời điểm thu hoạch Đương quy thường từ tháng 11,12. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thời tiết từng năm có thể thu từ tháng 7 đến tháng 12. Do vậy, để chủ động trong việc sơ chế đảm bảo chất lượng nguyên liệu, tiến hành cắt bỏ lá, đào củ bằng cuốc hoặc thuổng, tránh làm đứt rễ củ.

 

Nhóm nghiên cứu kiểm tra mô hình trồng cây đương quy tại Hợp tác xã dược liệu sạch Phương Ngân

Đương quy được tập kết tại điểm chế biến, dưới có bạt lót.  Rửa sạch dược liệu bằng hệ thống rửa ngược dòng 3 nước, khi nước bẩn thì thay toàn bộ nước. Trong quá trình rửa đồng thời tiến hành nhặt bỏ củ hỏng, thân lá lẫn tạp. Để ráo dược liệu. Sản phẩm được đưa vào chọn lọc, phân loại và đưa vào lò sấy. Cần cố gắng đạt được độ khô đồng đều để tránh nấm, mốc.

  Không được cho gia súc, gia cầm, chim chóc, côn trùng, loài gặm nhấm và loài có hại khác vào khu vực xưởng sấy và khu vực sân phơi, rửa.

Sau khi rửa sạch dược liệu tiến hành xông diêm sinh ở 400C, trong khoảng 2 ngày với tỷ lệ 1%, sau đó phơi đến khô, độ ẩm của dược liệu khi cất trữ dưới 13%.

                                                                                                    Tiến sĩ Trần Thị Huế

Viện Thổ nhưỡng Nông hóa

 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang