Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh xoài an toàn
Lượt xem: 3279

Là loại cây ăn quả có diện tích lớn thứ 2 của tỉnh, cây xoài đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực trên đất dốc, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Toàn tỉnh hiện có trên 15.700 ha xoài, được trồng tập trung ở các huyện: Mường La, Yên Châu, Thuận Châu, Sông Mã, Mộc Châu, Mai Sơn… bao gồm các giống: xoài tròn, xoài tượng da xanh, xoài địa phương, Giống xoài GL4, Giống xoài GL6.... Để giúp người dân nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xoài đạt năng suất, chất lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La ban hành Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh xoài an toàn nhằm phát triển vùng trồng xoài bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tiêu chuẩn xuất khẩu. Sau đây là nội dung kỹ thuật thâm canh xoài an toàn.

I. ĐẶC ĐIỂM MỘT SỐ GIỐNG XOÀI TRỒNG TẠI SƠN LA

1. Giống xoài GL4 (giống xoài nhập nội từ Đài Loan)

Đây là một trong những giống xoài nhập nội từ Đài Loan có lá thuôn dài, màu xanh đậm, phiến lá cong, dày, mép lá lượn sóng. Thời gian bắt đầu hình thành chùm hoa từ cuối tháng 11, đầu tháng 12, bắt đầu nở vào cuối tháng 1, đầu tháng 2, tỷ lệ đậu quả. Quả xoài GL4 hình bầu dài, vỏ màu xanh vàng khi chín, vai quả tím hồng, khối lượng bình quân 650g/quả, quả to tới 1,2kg, hạt lép, tỷ lệ phần ăn được đạt trên 81%, không xơ, ăn ngọt và thơm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Một trong những ưu điểm nổi trội của GL4 là có thể sử dụng cho cả ăn chín (100 ngày sau khi tắt hoa) và cả ăn xanh (sau tắt hoa khoảng 75-80 ngày) có vị chua ngọt, giòn.

2. Giống xoài GL6 (giống xoài nhập nội từ Australia)

Xoài GL6 có lá thẳng, xanh đậm, quả xoài GL6 to tròn, trọng lượng trung bình 800gam/quả, hương vị ngọt nhẹ, thịt quả cứng chắc, ít xơ, khi chín có màu vàng ửng hồng trên u vai quả rất đẹp. Thời tiết càng nắng nóng, xoài Úc khi chín càng có màu đỏ, vị ngọt. Từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 4 tháng.

3. Giống xoài tròn

Xoài Tròn có hạt vừa phải, thịt mềm, vị ngọt đậm, mùi thơm, trọng lượng quả từ 126,78g – 200,61g, chiều dài từ 7,08 – 8,82cm, đường kính từ 6,04 – 6,77cm, bề dày từ 5,38 – 6,06 cm. Xoài tròn khi còn non vỏ mầu xanh nhạt, thịt mầu xanh trắng, đến khi chín vỏ chuyển màu xanh bạc ngà, có các đốm nâu, đen lấm tấm, thịt xoài mềm và có màu vàng cam, vị ngọt đậm và hương thơm đặc trưng, tỷ lệ phần ăn được từ 79,46-84,27%. 

4. Giống xoài hôi

Xoài hôi được trồng phổ biến tại Sơn La do đặc tính dễ đậu quả và cho năng suất cao (200-300 kg/cây/năm, cây khoảng 10 năm tuổi) và khá ổn định. Trọng lượng quả trung bình 250g, độ brix 18 - 20%, tỷ lệ phần ăn được cao 78 - 80%.

II. HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT THÂM CANH XOÀI AN TOÀN

 1. Các loại vật tư thiết yếu cần chuẩn bị cho thâm canh xoài thời kỳ kinh doanh

- Phân Đạm Urê: 570 kg/ha (tương đương 262 - 263kg Đạm nguyên chất).

- Phân Lân: 620 kg/ha (tương đương 99 - 100kg Lân nguyên chất).

- Phân KaliClorua: 330 kg/ha (tương đương 198-200kg Kali nguyên chất).

- Phân hữu cơ vi sinh: 3.000 kg/ha.

- Túi bao quả:

               Với Xoài quả nhỏ (xoài tròn, xoài hôi,…): 120.000 cái/ha.

               Với Xoài quả to (xoài GL6, xoài GL4,…): 70.000 cái/ha

- Thuốc BVTV (các loại thuốc trừ sâu, bệnh, ,…): 8 kg/ha

- Các loại vật tư khác: Thuốc kích thích ra hoa rải vụ, kích thích đậu quả, chống rụng quả, các loại chất trung - vi lượng bón gốc, phun lá; Phân chuồng hoai mục,…

Lưu ý: Các loại phân bón, thuốc BVTV, chất kích thích,… phải nằm trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.

2. Kỹ thuật chăm sóc

2.1. Bón phân

a) Lượng phân bón:

- Phân Đạm Urê: 570 kg/ha (tương đương 262 - 263kg Đạm nguyên chất).

- Phân Lân: 620 kg/ha (tương đương 99 - 100kg Lân nguyên chất).

- Phân KaliClorua: 330 kg/ha (tương đương 198-200kg Kali nguyên chất).

- Phân hữu cơ vi sinh: 3.000 kg/ha.

b) Thời gian bón

- Bón lần 1 (Sau khi thu hoạch): Bón 75% lượng Phân hữu cơ vi sinh, 90% Lân, 50% Đạm, 50% Kali.

- Bón lần 2 (Khi cây đã phân hoá mầm hoa): Bón hết số phân Lân còn lại, và 5% Kali, nên dùng nước hòa tan phân để tưới, không bón đạm để tránh mọc các cành vượt.

- Bón lần 3 (Khi cây đã đậu quả): Bón 1/2 Đạm và 1/2 Kali còn lại.

- Bón lần 4 (Bón thúc quả lớn, 6 tuần sau khi đậu quả): Bón hết số Phân hữu cơ vi sinh, Đạm và Kali còn lại.

Có thể thay thế phân Đạm, Lân, Kali đơn trong các đợt bón lần 2, 3, 4 bằng các loại phân NPK tổng hợp có chứa các chất trung, vi lượng, cụ thể: Khi cây phân hóa mầm hoa bón phân NPK có hàm lượng đạm (N) trung bình, lân (P) cao và kali (K) trung bình; Khi cây đang nuôi quả bón phân NPK có hàm lượng đạm (N) và kali (K) cao, nên chia nhỏ lượng phân bón theo tiến độ 1 tháng 1 lần để tăng hiệu quả sử dụng phân bón của cây.

- Sử dụng phân bón lá:

Trong giai đoạn từ khi quả non cho đến trước lúc thu hoạch, để bổ sung thêm dinh dưỡng, có thể sử dụng các loại phân bón qua lá có hàm lượng đạm (N) kali (K) cao.

Sau khi thu hoạch, cắt tỉa cành xong, có thể phun thêm phân bón qua lá có hàm lượng đạm cao, nhằm giúp cho lứa mầm mới ra đều và khỏe mạnh. Sau đó, để thúc đẩy lá mau thuần thục và sớm ra hoa, dùng phân bón qua lá có hàm lượng Lân cao, Đạm thấp.

c) Kỹ thuật bón phân

- Bón lần 1 (Sau khi thu hoạch): Cuốc rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây, sâu 10-20 cm cho phân vào lấp đất lại tưới nước.

- Bón lần 2 (Khi cây đã phân hoá mầm hoa): Dùng nước hòa tan phân để tưới, không bón đạm để tránh mọc các cành vượt.

- Bón lần 3, 4: Xới nhẹ quanh tán cây để bón phân và tưới nước.

- Bón phân chuồng: Cứ 2 – 3 năm cần bón bổ sung Phân chuồng.

Yêu cầu: Phân chuồng phải được xử lý ít nhất 6 tuần, đảo thường xuyên để đảm bảo đủ nhiệt, ẩm cho các chất hữu cơ trong phân có thời gian phân huỷ.

Nơi chứa và xử lý phân chuồng: Bố trí cách ly với khu vực sản xuất, xử lý sau thu hoạch và có vật liệu che phủ kín (để tránh phát tán phân do nước mưa, gió bão, không khí).

Thời gian bón: Sau khi thu hoạch.

Phương pháp bón phân chuồng: Sau khi thu hoạch cuốc rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây, sâu 20-30 cm cho phân vào lấp đất lại tưới nước.

2.2. Tưới nước - Sau khi thu hoạch quả, để lộc phát triển đều cần bón phân tập trung và tưới nước bổ sung cho cây nếu cần.

- Trước khi ra hoa, xoài cần một giai đoạn khô hạn khoảng 2 tháng trước khi phân hoá mầm hoa. Vì vậy, sau khi xử lý ủ mầm hoa không tưới nước cho xoài.

- Khi cây nhú mầm hoa, và đang trong thời kỳ ra hoa, đậu quả, mang quả non nên tưới nước bổ sung cho cây.

2.3. Tỉa cành tạo tán

- Việc cắt tỉa cành được tiến hành hàng năm, sau khi thu hoạch xong cần cắt bỏ những cành đã mang quả hay không mang quả ở vụ trước (cắt cành sâu khoảng 10-12cm), đồng thời cắt bỏ những cành bị sâu bệnh, cành mọc nằm bên trong tán.

- Đến khi cây ra lộc non, tiến hành tuyển lộc chỉ giữ lại 2-3 lộc khỏe phân bố đều các hướng nhằm tạo vườn thông thoáng, cành mang quả khỏe, hạn chế những cành vô hiệu cạnh tranh dinh dưỡng. Khi lá già tiến hành tỉa lại lần nữa những cành bị sâu bệnh, cành mọc nằm bên trong tán và dọn vệ sinh cho vườn cây giúp tán cây thông thoáng, chuẩn bị cho việc xử lý ra hoa.

2.4. Tỉa quả và bao quả

a) Tỉa quả

- Việc tỉa quả giúp gia tăng kích thước, quả to, giảm hiện tượng ra quả cách năm, chùm quả sẽ có quả đồng đều về độ lớn.

- Tiến hành tỉa quả sau khi kết thúc thời kỳ rụng quả sinh lý, lúc này quả non đang ở vào giai đoạn khoảng 30-35 ngày sau khi đậu quả.

- Với giống xoài GL4 thì tỷ lệ đậu quả rất cao nên phải tỉa những quả bị sâu bệnh, quả dị hình, quả ở đầu ngọn của chùm, những chùm hoa không mang quả, cành lá xung quanh che khuất quả.

b) Bao quả

- Túi bao quả: Sử dụng các loại túi bao quả có khả năng chống thấm nước để tăng hiệu quả về mẫu mã, màu sắc quả sau khi bao.

- Số lượng túi bao quả:

Xoài quả nhỏ (Xoài tròn, xoài hôi,…): 120.000 cái/ha.

Xoài quả to (xoài GL6, Xoài GL4,…): 70.000 cái/ha.

- Thời điểm bao quả: Khi quả xoài to gần bằng quả trứng gà, tốt nhất là sau khi tỉa quả xong thì tiến hành bao quả.

- Phòng trừ sâu bệnh khi bao quả: Trước khi bao quả phải tiến hành phun thuốc trừ sâu + thuốc bệnh + thuốc trị Vi khuẩn. Tiến hành Bao quả ngay sau khi phun thuốc 2 - 6 giờ.

3. Kỹ thuật xử lý ra hoa

Có thể sử dụng hoạt chất Pacloputrazol 10% để xử lý ra hoa xoài nhằm rải vụ thu hoạch, cụ thể như sau:

- Thời điểm xử lý ra hoa: Sau khi thu hoạch quả, cần tập trung bón phân theo các giai đoạn để thúc đẩy cây ra lộc đồng đều, khi cây phát triển đến tầng lộc thứ 2-3 thì tiến hành xử lý ra hoa.

- Khi lộc non chuyển hoàn toàn từ màu đỏ sang màu xanh nõn lá Chuối tiến hành tưới + phun thuốc Pacloputrazol 10% để ủ mầm hoa. Sau đó tưới nước (1 ngày/lần) trong vòng 10 ngày, ngưng tưới đến khi cây ra hoa.

- Thời điểm kích thích ra hoa: Sau khi xử lý pacloputrazol từ 40-60 ngày (lá của chồi ngọn có hai mép dợn sóng, chồi ngọn phát triển nhô cao) tiến hành phun các loại thuốc ra hoa, nở hoa đồng loạt.

Lưu ý đặc điểm của từng cây xoài để xử lý ra hoa:

- Xoài từ 4-10 năm tuổi: Cây cần ra lộc từ 2-3 lần, sau đó cây mới có thể ra hoa được.

- Xoài trên 10 năm tuổi: Chỉ cần ra lộc một lần là có thể ra hoa được.

III. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI

  1. Phòng trừ sâu bệnh chính theo IPM

Xoài là cây có rất nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại và để phòng trừ có hiệu quả cần áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), trong đó biện pháp canh tác được coi là quan trọng và xuyên suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây xoài để giúp cho cây sinh trưởng, phát triển khỏe hơn, chống chịu tốt hơn với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh. Các biện pháp canh tác gồm cách làm đất, trồng xen cây cải tạo đất, chống xói mòn, giữ ẩm đất; thiết kế trồng với mật độ hợp lý; vệ sinh vườn, cắt tỉa để hạn chế nguồn sâu bệnh; sử dụng dinh dưỡng cân đối,…

Tuy nhiên, khi dịch hại phát triển mạnh có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho sản xuất thì cần áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng trừ một cách hài hoà và hiệu quả.

Lưu ý trong áp dụng biện pháp hóa học: Phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam theo đúng đối tượng dịch hại trên cây xoài hoặc cây ăn quả. Ưu tiên thuốc BVTV sinh học, thảo mộc.

2. Phòng trừ sâu hại

2.1. Ruồi đục quả (Bactrocera spp.)

Đặc điểm hình thái, sinh học:

Con trưởng thành là một loại ruồi màu nâu. Đầu hình bán cầu, trên ngực giữa có 3 vệt vàng xếp theo hình chữ U, trong đó có 2 vệt dọc ở 2 góc cánh, vệt nằm ngang trên đốt ngực thứ 3 lớn hơn. Bụng thành trùng tròn giống bụng ong và cuối bụng  nhọn. Trên phía lưng của bụng có 2 vệt đậm đen hình chữ T, đốt chày và đốt bàn chân màu vàng, kích thước của ruồi có thể dài đến 7mm, con đực nhỏ hơn con cái.        

Thành trùng có thể sống 20 – 40 ngày. Ruồi cái có kim đẻ trứng dài và nhọn ở cuối bụng chọc thủng vỏ, đẻ trứng vào trong vùng tiếp giáp giữa vỏ và thịt quả. Vết chích rất nhỏ chỉ nhìn thấy từ vết mủ chảy ra. Trứng được đẻ thành từng ổ. Mỗi ổ từ 5–10 trứng. Một con cái đẻ 50–60 trứng, tối đa có thể đến 200 trứng. Trứng ruồi hình quả dưa leo dài 1mm, lúc mới đẻ màu vàng sữa hoặc trắng trong, khi trứng gần nở màu vàng nhạt hoặc trắng đục.

Giai đoạn ủ trứng 2 đến 3 ngày. Sau đó, trứng nở thành ấu trùng (dòi). Giai đoạn dòi 10 đến 18 ngày. Ấu trùng dạng dòi, mới nở dài 1,5 mm, giai đoạn sắp hoá nhộng có thể dài đến 8 mm.

Đặc điểm gây hại: Ruồi đẻ trứng vào vỏ quả sắp chín, ấu trùng nở ra đục vào trong ăn phá phần thịt quả, ấu trùng thải phân tạo điều kiện cho vi sinh vật, nấm phát triển, làm cho quả bị hỏng và rụng. Vết bị hại sẽ thâm, khi ấn nhẹ vào dịch nước sẽ rỉ ra (3 ngày sau khi ruồi đẻ trứng).

2.2. Sâu đục trái (Deanolis albizonalis)

Đặc điểm hình thái, sinh học: Thành trùng khi căng cánh dài 25-28 mm, đầu, ngực, bụng màu nâu đỏ, thân có những khoang trắng đỏ xen kẽ nhau.

          Trứng hình bầu dục, màu trắng -  nâu nhạt -  nâu sậm khi sắp nở.

          Ấu trùng có 6 tuổi, có những khoang trắng đỏ xen kẽ trên lưng.

          Nhộng vàng lợt chuyển sang vàng nâu. Nhộng trong đất.

          Vòng đời khoảng 1 tháng.

 

Đặc điểm gây hại: Sâu có thể gây hại ở mọi giai đoạn phát triển của quả. Ấu trùng sau khi nở sẽ đục vào quả. Sâu non thường đục vào vị trí chóp quả. Sâu còn nhỏ ăn phần thịt quả. Sâu lớn thường tấn công phần hạt của quả. Sau khi ăn hết phần hạt sâu di chuyển sang quả khác để gây hại. Các vết đục sẽ tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn, ruồi phát triển làm cho vết đục hoặc cả quả sẽ bị thối và rụng sau đó.

2.3. Bọ trĩ (Scirtothrips dorsalis. Thrip hawaiiensis và Frankliniella intonsa)

Đặc điểm hình thái, sinh học:

Loài Scirtothrips dorsalis: Trứng hình bầu dục, mầu vàng nhạt. Ấu trùng tuổi 1 có cơ thể trong suốt, thân rất nhỏ, chân dài, râu đầu có 7 đốt, hình ống tròn. Sang tuổi 2, ấu trùng đã có kích thước tương tự với kích thước của thành trùng, râu dài 7 đốt, râu môi dưới có 3 đốt, không cánh, các lông trên cơ thể dài hơn lông ở giai đoạn tuổi 1, đầu đã hoá cứng. Giai đoạn tiền nhộng có mầu vàng, râu ngắn, mập, 2 mầm cánh đã lộ ra ngoài cơ thể. Nhộng có mầu vàng sậm, mắt kép và mắt nhỏ có mầu đỏ, mầm cánh đã dài hơn, râu đầu ngắn. Nhộng cái có phần cuối bụng nhọn, nhộng đực phần cuối bụng ít nhọn hơn. Thành trùng có kích thước rất nhỏ, dài khoảng 0,1- 0,2 mm, mầu vàng đến vàng cam, cánh hẹp, hai bên rìa cánh có nhiều sợi lông nhỏ dài.

Sau khi vũ hóa khoảng 3 ngày thì con cái bắt đầu đẻ trứng, số lượng trứng đẻ khoảng 20-25 trứng. Trứng thường được đẻ trong mô lá non, quả non hoặc trong cành non. Chu kỳ sinh trưởng kéo dài khoảng 13-20 ngày, giai đoạn nhộng 3-4 ngày. Sau khi hoàn thành giai đoạn tuổi 2, một số ấu trùng sẽ rơi xuống đất để hóa nhộng, một số khác hóa nhộng trong các khe nứt của cây hoặc trong các lá cuốn lại.

Loài Thrip hawaiiensis: Thành trùng có đầu màu vàng nhạt, ngực vàng sậm, bụng màu đen, chân vàng nhạt. Ngoại trừ đặc điểm hóa nhộng trong đất, hầu hết các đặc điểm sinh học khác tương tự như loài Scirtothrips dorsalis.

Loài Frankliniella intonsa: Trưởng thành cái: Cơ thể dài khoảng 1,5 đến 1,7mm; phần đầu và ngực màu vàng sẫm, phần bụng màu nâu đen. Râu đầu có 8 đốt, trong đó có đốt gốc và đốt 2 màu nâu (đốt 2 đậm hơn), đốt thứ 3-4 màu vàng đậm, đỉnh đốt 4 và đốt 5 màu nâu đậm, đốt 6-8 màu nâu, đốt râu 3 và 4 đều có cơ quan cảm giác chia 2 nhánh. Đầu chiều rộng lớn hơn chiều dài, phình ra ở phần gốc. Ở giữa 2 mắt đơn có đôi lông rất phát triển. Trên mảnh ngực trước có 5 đôi lông dài, 2 đôi lông ở mép trước và 3 đôi lông ở mép sau gần bằng nhau. Đôi lông ở giữa của mép sau kém phát triển hơn. Mảnh lưng ngực sau có 1 đôi lông dài và 1 đôi lông ngắn nằm sát mép trước. Cánh trước màu vàng, trên gân có 2 hàng lông cứng, dài, liên tiếp nhau khá rõ và màu đậm, viền lông mép sau lượn sóng. Mép sau của mặt lưng đốt bụng thứ 8 có hàng lông dạng lược mảnh và phình ra ở gốc; mảnh lược nằm trước lỗ thở tính từ mép bụng vào giữa bụng. Ống đẻ trứng của trưởng thành cái có dạng như hình 3H.

Đặc điểm gây hại: Bọ trĩ gây hại chủ yếu trên hoa, lá và lộc. Trên lá, bọ trĩ chích hút ở mặt dưới lá làm lá phát triển không bình thường, cong queo, hai mép cúp xuống. Trên chồi, làm chồi không ra lá, quả. Trên bông làm bông héo, khô, rồi rụng hàng loạt. Nếu xảy ra trên quả sẽ làm da quả gần cuống có màu xám đậm (da cám), quả biến dạng, nếu bọ trĩ xuất hiện với mật số cao và gây hại muộn thì da quả (cả quả non lẫn quả lớn) bị sần sùi, giá trị thương phẩm giảm, không xuất khẩu được....

2.4. Rệp sáp lá (Rastrococcus spp)

Đặc điểm hình thái, sinh học: Thành trùng dài khoảng 3 – 3,5 cm, chung quanh cơ thể có những tua sáp trắng rất dài, đặc biệt là ở phần đầu và đuôi. Vòng đời rệp 5-6 tuần.

Đặc điểm gây hại: Trưởng thành và ấu trùng đều chích hút nhựa lá và cành non. Ngoài gây hại trực tiếp bằng cách chích hút nhựa, rệp sáp còn tiết mật ngọt làm bồ hóng phát triển nơi rệp sáp sinh sống. Bị nhiễm nặng có thể ngừng phát triển, không cho ra lá non và bông. Rệp sáp thường tập trung trên lá non, thành thục nhiều hơn lá già.

2.5. Rệp sáp quả (Pseudoccoccus sp. và Planococus sp)

Đặc điểm hình thái, sinh học:

Loài Pseudoccoccus sp.: Rệp sáp cái di chuyển chậm chạp, có các “gai” xung quanh mình và bao bọc bởi chất sáp. Rệp sáp mới nở có dạng hình nhỏ và bò rất linh động, nếu không qua giai đoạn nhộng thì sau đó sẽ trở thành trưởng thành cái. Nếu ấu trùng đi vào giai đoạn nhộng thì sẽ trở thành trưởng thành đực. Trưởng thành đực có dạng hình nhỏ và có cánh. Con cái đẻ trứng trong một bọc “cotton” bao quanh, số trứng có thể lên đến 500 trứng và trứng sẽ nở sau đó từ 1-2 tuần. Rệp sáp cái có 3 lớp da bao bọc, trong khi con cái có đến 4 lớp da. Vòng đời của loài rệp này khoảng 2 tháng và hàng năm có từ 3-4 thế hệ.

Loài Planococcus sp.: Có hình oval. Con cái trưởng thành dài khoảng 2,5-4mm, chiều ngang khoảng 0,7-3mm. Cơ thể phủ sáp màu trắng như bông nên có người gọi là rầy bông hay rệp bông, phía lưng hơi phồng lên, bụng phẳng. Nếu gạt lớp bột sáp ra cơ thể có màu vàng nhạt. Cơ thể tuy được phủ nhiều bột sáp trắng, song vẫn để lại các ngấn đốt cơ thể rất rõ ràng, đặc biệt giữa lưng có vệt rộng, dọc cơ thể không phủ sáp hoặc phủ sáp rất ít, đủ để thấy màu vàng nhạt của cơ thể. Rìa cơ thể có 17 cặp tua sáp trắng. Quan sát dưới kính soi nổi thì xung quanh cơ thể có 18 cặp cerarii. Mỗi cặp cerarii là vị trí tạo ra tua sáp xung quanh cơ thể, riêng cặp cerarii thứ 18 không tạo tua sáp như những tua sáp khác mà chỉ là mẫu sáp nhỏ bị che khuất dưới cặp tua 17. Thành trùng trưởng thành đẻ trứng trong đệm sáp dưới bụng. Trứng hình bầu dục, màu vàng nhạt. Ấu trùng mới nở màu vàng nhạt, rất linh hoạt và bò nhanh. Ấu trùng tuổi 1 chân dài, di chuyển nhanh, cơ thể chưa phủ bột sáp trắng. Ấu trùng tuổi 2, chân gần như ngắn hơn, di chuyển chậm lại, trên lưng xuất hiện bột sáp trắng. Ấu trùng tuổi 3 chân càng ngắn hơn, di chuyển ít hơn, trên lưng phủ nhiều bột sáp trắng, xung quanh cơ thể xuất hiện 17 cặp tua sáp nhưng cơ thể chưa vồng lên. Sang giai đoạn thành trùng, cặp tua xung quanh cơ thể rõ ràng và lưng bắt đầu vồng lên. Rệp sáp giả cái có khả năng đẻ trứng và cũng có thể đẻ trực tiếp ra con. Tỷ lệ rệp sáp giả cái đẻ trực tiếp ra con chiếm 58%. Một con rệp cái có thể đẻ 82-105 con.

Đặc điểm gây hại: Trưởng thành và ấu trùng đều chích hút nhựa trên hoa và quả xoài. Ngoài gây hại trực tiếp bằng cách chích hút nhựa, rệp sáp còn tiết mật ngọt làm bồ hóng phát triển nơi rệp sáp sinh sống. Quả bị nhiễm nặng có thể ngừng phát triển, chay sượng và rụng.

2.6. Rệp dính lá (Aspidiotus destructor)

Đặc điểm hình thái, sinh học:

Trứng: Trứng mới đẻ màu trắng, trở màu vàng nhạt theo thời gian. Trứng được đẻ dưới sự che chở bằng cơ thể của con cái. Chiều dài và chiều rộng của trứng tương ứng là 0,22 mm và 0,09 mm (Salahud din và ctv., 2015).

          Ấu trùng tuổi 1: Ấu trùng mới nở di chuyển tự do. Ấu trùng có màu xanh sáng đến màu vàng nâu, mờ và hơi thuôn dài, với chiều dài và chiều rộng trung bình tương ứng là 0,23 mm và 0,11 mm (Salahud din và ctv., 2015).

          Ấu trùng tuổi 2 con cái: Ấu trùng con cái vẫn còn màu vàng nhạt, tròn và hơi trong suốt, giai đoạn tuổi 2 kéo dài từ 8-10 ngày. Cơ thể dài 0,6-1,1 mm (Williams và Watson, 1988).

          Ấu trùng tuổi 2 con đực: Sự phát triển đặc tính của con đực bắt đầu ở giữa tuổi 2. Con đực sẽ được bao phủ màu nâu đỏ và có hình elip, và sau đó biến đổi theo từng giai đoạn tiền nhộng, nhộng và trưởng thành. Các ấu trùng con đực tuổi 2 kéo dài trong 5 - 8 ngày (Williams và Watson, 1988).

          Con cái trưởng thành: Rệp dính cái trưởng thành có hình tròn hoặc hình bầu dục, có đường kính là 1,5 – 2,0 mm (Williams và Watson, 1988).

          Con đực trưởng thành: Rệp dính đực trưởng thành thì nhỏ, có hai cánh. Con đực trưởng thành không ăn và vòng đời ngắn.

          Vòng đời: Con cái trưởng thành đẻ 28 – 65 trứng trong vòng tròn đồng tâm dưới vỏ bọc trong thời gian 11 – 13 ngày, và có thể đẻ liên tiếp 3 hoặc 4 lần trong suốt cuộc đời (Taylor, 1935). Ấu trùng có thể xuất hiện trong khi con cái đã bắt đầu đẻ bọc trứng kế tiếp. Ấu trùng sẽ di chuyển trên bề mặt 2 – 48 giờ để tìm thức ăn (Taylor 1935, Waterhouse và Norris, 1987). Sau đó, con cái sẽ cố định 1 chỗ trong suốt quá trình phát triển của nó; con đực trưởng thành trải qua một giai đoạn nhộng giả, phát triển một đôi cánh và bay đi để tìm con cái (Ghauri, 1962). Con cái tiết ra pheromones qua hậu môn để thu hút con đực (Moreno, 1972). Ở nhiệt độ trung bình 30°C và độ ẩm tương đối 65%, giai đoạn từ trứng đến trưởng thành là 35,5 ngày đối với con cái và 28,5 ngày đối với con đực (Salahud din và ctv, 2015).

Đặc điểm gây hại: Rệp dính tấn công cả 2 mặt của lá bằng cách hút nhựa, những lá bị rệp dính tấn công thường xuất hiện những đốm vàng ở mặt đối diện của lá, dẫn tới lá bị héo khô và chết.

2.7. Rầy xanh lá (Amrasca sp)

Đặc điểm hình thái, sinh học:

Trưởng thành: Rầy có thân dài 2,5-4mm, màu xanh lá mạ. Đầu hơi hình tam giác, chính giữa đỉnh đầu có đường vân trắng, hai cánh trước màu xanh trong suốt xếp úp hình mái nhà.

Trứng: Trứng rầy xanh hơi cong dài 0,8mm, trứng mới đẻ màu trắng sữa, sắp nở màu lục nhạt hay hơi nâu.

Ấu trùng: Rầy ấu trùng có hình dáng tương tự rầy trưởng thành nhưng không có cánh, trong quá trình lớn lên mầm cánh của rầy non lớn dần theo tuổi. Rầy mới nở màu xanh nhạt dài 1mm sau chuyển dần sang màu xanh hơi vàng.

Rầy xanh thường đẻ trứng rải rác từng quả một ở các mô mềm của lộc non, nhưng tập trung ở các đốt nối và gân chính của lá non, một con rầy cái trưởng thành có thể đẻ trung bình khoảng 30-150 trứng.

Thời gian ủ trứng khoảng 5-10 ngày. Ấu trùng có 5 tuổi, thời gian sống của ấu trùng khoảng 7-16 ngày. Rầy trưởng thành sống khoảng 14-21 ngày, rầy trưởng thành cái sống lâu hơn rầy trưởng thành đực. Rầy trưởng thành sợ ánh sáng trực tiếp, cho nên phần nhiều nằm trong tán dưới mặt lá theo gân lá. Rầy có phản ứng với ánh sáng đèn yếu, có đặc tính bò ngang. Khi bị khua động, rầy có thể nhảy, lẩn trốn nhanh chóng.

Đặc điểm gây hại: Cả rầy non và rầy trưởng thành dùng vòi chọc chích hút cây dọc hai bên gân chính và gân phụ của lá non, lộc chồi non gây nên những vết châm làm cho lá non bị tổn thương, làm cho việc vận chuyển nước và chất dinh dưỡng đến lá gặp trở ngại. Những lá này gặp điều kiện khô nóng sẽ bị khô từ đầu lá và mép lá đến 1/2 lá, lá cong queo sau đó lá sẽ rụng đi.

2.8. Rầy hoa xoài (Idioscopus niveosparsus )

Đặc điểm hình thái, sinh học:

Trứng được đẻ sâu trong mô cây, nụ hoa, cuống hoa, nhánh của phát hoa, đôi khi trên lá non và chỉ có phần đầu của trứng với 2 đến 4 tua sáp trắng nhô ra khỏi mô. Trứng được đẻ đơn lẻ hoặc từng cụm 4-7 trứng. Trứng non có dạng hạt gạo, trong suốt, láng bóng. Thời gian ủ trứng 5-6 ngày.

Khi mới nở rầy có màu trắng trong hơi vàng, sau đó sậm hơn, thời gian 2-3 ngày. Rầy tuổi 2 (2-3 ngày) có màu sậm dần sang màu nâu đỏ hay đen từ phần viền cơ thể lan vào trong. Tuổi 3 (2-3 ngày) xuất hiện mầm cánh, màu sắc sậm hơn. Tuổi 4 (3-4 ngày) mầm cánh rõ hơn, màu mắt cũng trở nên tối hơn với các vân đỏ đen trong mắt cũng rõ hơn. Tuổi 5 có màu mắt cơ thể biến chuyển từ nâu xám đến đen, ở giữa bụng trên có 1 mảng màu vàng nhạt. Mầm cánh to, rõ.

Thành trùng có dạng hình cái nêm, cơ thể có màu nâu nhạt đến nâu sẫm, với các mảng đen vàng nâu và các đốm trắng lẫn lộn với nhau.

Thời gian phát triển từ trứng đến trưởng thành 16-21 ngày, thời gian sống của trưởng thành 60-69 ngày.

Đặc điểm gây hại: Trưởng thành sau khi vũ hóa di chuyển đến chồi non hoặc chùm hoa để đẻ trứng. Khi xoài trổ hoa thì rầy tập trung chích hút hoa. Cả trưởng thành và ấu trùng đều chích hút nhựa của hoa, lá và chồi non, hoa bị rầy chích hút sẽ trở nên nâu, khô và sau đó sẽ bị rụng. Rầy còn tiết mật ngọt tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Bên cạnh đó vết thương do đẻ trứng hay chích hút cũng gây chết hoặc bội nhiễm nấm khuẩn.

2.9. Sâu cắt lá (Deporaus marginatus)

Đặc điểm hình thái, sinh học: Trưởng thành thuộc loại cánh cứng cơ thể có màu nâu vàng dài 5 - 7 mm, trứng dài 0,5mm được đẻ rải rác ở mặt dưới lá, dưới lớp biểu bì gần gân lá, trên mỗi lá số trứng có thể lên đến 10-20 trứng, sau khi đẻ trứng xong con cái cắn tiện ngang lá rơi xuống đất, trứng nở trong 2 ngày, ấu trùng có 3 tuổi sống trong đường hầm trên lá trong vòng 7 ngày, sau đó hóa nhộng đưới đất.

Đặc điểm gây hại: Thường gây hại nặng trong vườn ươm cây con. Trưởng thành đẻ trứng trên bìa lá non vào đêm và sau đó cắt ngang lá, sáng sớm có thể quan sát nhiều lá non bị cắt rải rác dưới đất. Lá non của cây con bị thiệt hại, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của cây, kéo dài giai đoạn cây trong vườn ươm. Sâu cắt lá còn gây hại trên vườn sản xuất và cũng chủ yếu giai đoạn cây ra lộc non. Gây hại mạnh trong các tháng mùa khô.

Phòng trị:

- Điều khiển cây ra lộc non đồng loạt.

- Thu dọn các lá bị hại trong vườn đem tiêu hủy.

- Phun thuốc gốc cúc tổng hợp khi thấy trưởng thành xuất hiện trong vườn. Xử lý đất nếu bị sâu gây hại nặng trên vườn.

2.10. Câu cấu xanh

Đặc điểm hình thái, sinh học: Trưởng thành là loại cánh cứng, khi mới vũ hoá cánh phủ lớp vảy màu xanh ánh kim rực rỡ, về sau lớp vảy càng nhạt dần lộ ra cánh màu đen, cơ thể dài khoảng 15-20 mm, đầu nhọn, quặp. Trưởng thành đẻ trứng rời rạc trong đất, trứng nhỏ màu trắng, giai đoạn trứng kéo dài khoảng 12 ngày. Sâu non sống dưới đất trong nhiều tháng. Giai đoạn nhộng xảy ra trong đất, dài khoảng 15 ngày.

Ký chủ: Câu cấu thuộc nhóm ăn tạp, có tới 42 loài cây bị câu cấu gây hại như: xoài, ngô, ổi, mít,....

Đặc điểm gây hại: Trưởng thành ăn lá non thành từng mảng, nếu hại nặng lá có thể bị ăn trụi. Câu cấu hại xoài xuất hiện và gây hại nặng khi nhiệt độ thời tiết khô hạn vào các tháng nắng nóng.

Phòng trừ: Dùng vợt bắt khi chúng phát sinh nhiều. Ở vườn thường bị hại nên dùng thuốc hạt ri quanh gốc cây 1-2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa.

2.11. Sâu đục cành non (Alcicodes sp)

Đặc điểm hình thái, sinh học: Trưởng thành toàn thân có màu đen đầu kéo dài về trước, cơ thể dài 10 -12mm, râu đầu hình dùi đục, cánh trước có màu đen có những sọc nổi, gần mép ngoài cánh có hàng lông vàng. Trứng hình bầu dục màu trắng sữa kích thước 1,0-1,2mm, sâu non màu trắng đục đầu vàng nâu. Nhộng được làm ngay trong cành đục.

Đặc điểm gây hại: Là loại sâu gây hại rất phổ biến, trưởng thành đẻ trứng trên cành lộc non xoài, trứng được đẻ sâu vào trong cành thành từng hàng 2-5 trứng, sâu non nở ra ăn dần xuống phía dưới làm cành bị chết khô, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sinh trưởng của cây.

Phòng trị:

- Điều khiển cây ra lộc non đồng loạt để dễ kiểm soát.

- Cắt và đem tiêu hủy cành bị chết để loại trừ nhộng.

- Dùng vợt bắt vào sáng sớm.

- Phun thuốc phòng trừ khi cây ra lộc non.

3. Bệnh hại

3.1. Bệnh đốm đen, xì mủ (do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. mangiferaindicae).

- Tác nhân gây bệnh:

Do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. mangeferae indicae gây ra.

- Triệu chứng:

Bệnh gây hại trên quả, thân và quả của nhiều giống xoài. Khởi đầu bằng những đốm bệnh có màu nâu đen nhỏ trên lá và thân chúng lớn dần lên và có thể liên kết lại thành những vết loét bất định. Trên lá khi các vết này lớn có thể làm  thành một vùng trũng xuống so với bề mặt lá.

Trên chồi non và quả có những vết nứt dọc, có màu nâu đen, đôi khi bị chảy nhựa trên những vết nứt này nên bệnh còn được gọi là xì mủ.

Bệnh phát triển nhanh và mạnh vào những tháng mưa nhiều.

- Biện pháp quản lý

          Vi khuẩn có khả năng lưu tồn lâu trong lá, cành bệnh, xác bã thực vật, nên sau khi thu hoạch cần thu dọn sạch vườn, cắt bỏ những cành và lá bệnh, rồi đem tiêu huỷ chúng.

          Vì vi khuẩn thường tấn công qua vết thương nên tránh làm tổn thương cây. Nên phun thuốc sau khi cắt tỉa, thu quả và nhất là sau các trận mưa.

          Đối với những giống xoài có giá trị kinh tế cao như xoài GL4, xoài hôi, xoài tròn và tán cây cao vừa phải thì nên sử dụng bao quả chuyên dùng để bao quả rất hiệu quả trong phòng trừ bệnh này, vì loại bao này giúp thoát nước tốt và không làm gãy lông tơ trên vỏ quả.

          3.2. Bệnh thán thư (do nấm Colletotrichum spp.)

Bệnh này gây hại nghiêm trọng trên lá, hoa và quả xoài, chúng nhiễm trên hầu hết các giống xoài, lá xoài non khi chuyển từ màu đồng sang xanh sáng là giai đoạn mẫn cảm nhất, cuống lá cũng nhiễm dẫn đến hiện tượng rụng sớm. Trong trường hợp nhiễm nặng, toàn bộ chồi nhiễm bị cháy và chết khô, nhất là gặp lúc thời tiết ẩm.

- Tác nhân gây bệnh: Bệnh do nấm Colletotrichum  gloeosporioidesC.acutatum gây ra.

- Triệu chứng: Bệnh bắt đầu bằng những đốm màu vàng nâu nhỏ trên toàn bộ bề mặt lá, quả, sau đó chuyển sang nâu phát triển lan rộng ra có thể là những đốm tròn hay bất định. Dưới điều kiện ẩm ướt chúng liên kết lại thành những đốm lớn. Những đốm này có tâm màu nâu sáng đến nâu xám được bao bọc bởi rìa màu nâu đen và hơi có quầng màu xanh vàng. Trong điều kiện khô ráo, những vết bệnh trở nên khô và rơi xuống tạo thành những lỗ hỏng trên lá. Trên hoa, bệnh phát triển trên cả chùm hoa làm đen hoa và rụng. Bệnh còn phát triển trên các cành non của cây.

Trên quả, vết bệnh có thể bị nứt giữa các mảng liên kết, trong điều kiện ẩm độ cao, trên những vết bệnh có khối các bào tử nấm màu hồng. Nếu có những đợt mưa trong quá trình sinh trưởng của quả, thì vết bệnh tạo thành từng dãy chảy dọc xuống. Khi mưa dứt, có thể những giọt này chảy xuống theo quả và đọng lại ở phần cuối quả làm cho bệnh nhiễm trên phần này.

Biện pháp quản lý: Các biện pháp quản lý tổng hợp thực hiện theo giai đoạn trong năm:

Giai đoạn sau thu hoạch quả:

- Cắt bỏ những cành vô hiệu, cành vượt, cành bị sâu bệnh, cành tổn thương do thu hoạch, thu gom và đem tiêu hủy.

- Bón phân theo quy trình canh tác, nên cung cấp nhiều phân hữu cơ cho cây kết hợp cung cấp nấm đối kháng Trichoderma vào đất xung quanh gốc cây.

- Phun thuốc gốc đồng để ngừa bệnh còn tồn trên cành, lá, sát trùng vết thương sau khi cắt tỉa.

          Giai đoạn cây ra chồi non và lá mới: Giai đoạn phát triển chồi non và lá mới có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ra hoa, đậu quả của cây về sau, giai đoạn này cũng là giai đoạn rất mẫn cảm với sâu, bệnh đặc biệt nếu giai đoạn này trùng vào lúc mưa, gió nhiều. Nên khi mỗi đợt lá non mới xuất hiện phải tiến hành phun luân phiên hoạt chất Azoxystrobin, Copper Hydroxide.

          Giai đoạn cây ra hoa đến đậu quả: Đây là giai đoạn quyết định năng suất, sản lượng xoài, cũng là giai đoạn mẫn cảm bệnh thán thư và bọ trĩ. Để bảo vệ hoa khỏi nhiễm bệnh, đậu quả nhiều cần chú ý phun thuốc vào các giai đoạn:

          - Khi cây vừa nhú mầm hoa (có > 50% số cây có mầm hoa) nên phun các thuốc gốc đồng.

          - Khi cây ra hoa rộ (>50% phát hoa đã nở), nên phun thuốc có hoạt chất Azoxystrobin với liều lượng khuyến cáo.

          - Khi cây đã đậu quả (>50% chùm hoa đã có quả trứng cá), phun hoạt chất Azoxystrobin + Difenoconazole (1/2 liều trên bao bì).

          Giai đoạn sau khi đậu quả đến lúc thu hoạch: Quả non rất mẫn cảm với bệnh nên giai đoạn này nên phun 1 đến 2 lần một trong những hoạt chất kể trên. Khi quả bằng quả trứng gà, nên phun thuốc hoá học hoặc chất kích kháng dẫn suất Salicylic acid ở thời điểm 20-25 ngày trước khi thu hoạch và tiến hành bao quả ngay sau đó.

3.3. Bệnh cháy lá (Nấm Macrophoma mangiferae)

Triệu chứng: Bệnh phát triển nặng trong mùa mưa, gây hại cả lá, nhánh và quả. Đốm bệnh lúc đầu nhỏ như đầu kim có màu vàng, sau lớn dần có màu nâu nhạt, sau chuyển thành màu nâu đậm, có viền màu tím sậm. Phần giữa vết bệnh có màu xám tro có các vết đen là những ổ nấm. Vết bệnh ở lá có hình bầu dục hay biến dạng, khi lan dần vào cuống lá làm chóp lá bị cháy khô.

Biện pháp phòng trừ: Cắt tỉa bỏ và tiêu huỷ các bộ phận bị bệnh để giảm nguồn lây lan.

3.4. Bệnh phấn trắng (do nấm Oidium mangiferae)

Triệu chứng: Bệnh thường gây hại trong điều kiện thời tiết nóng ẩm hoặc có sương đêm. Nấm bệnh đóng thành lớp phấn trắng trên lá non, chùm hoa và quả non. Bệnh thường phát triển từ ngọn của chùm hoa, lan dần đến cuống hoa, quả non, lá non và cành. Thường hoa bị nhiễm bệnh trước khi thụ phấn và quả bị nhiễm bệnh khi còn rất nhỏ. Quả bị nhiễm bệnh sẽ bị biến dạng, méo mó, nhạt màu và bị khô và rụng sớm.

Bệnh gây thiệt hại nặng nhất trong giai đoạn trổ hoa đến tạo quả trong điều kiện nóng ẩm có sương về đêm bệnh bộc phát và lây lan rất nhanh.

Phòng trị: Cắt tỉa cành tạo tán cho cây phát triển mạnh tránh tạo cơ hội cho bệnh phát triển, cung cấp phân bón đầy đủ. Cần chú ý sự phát triển của bệnh trong giai đoạn cây ra hoa và tạo quả non nếu thấy bệnh xuất hiện cần phun thuốc để phòng trị ngay.

3.5. Bệnh nấm hồng (do nấm Corticium salmonicolor)

Triệu chứng: Đầu tiên trên mặt vỏ thân hay nhánh có tơ nấm trắng bò lan, sau đó nấm tạo thành những mảng màu hồng. Đôi khi không thấy mảng màu hồng mà chỉ thấy các gai nấm màu hồng phát triển từ các vết nứt trên vỏ thân hay nhánh.

Nhánh và thân cây bị nấm tấn công sẽ mất dinh dưỡng sau đó sẽ bị khô và chết. Ngoài ra vết bệnh là một lớp phấn phủ màu trắng bao quanh thân cành.

Phòng trị: Bệnh thường phát triển nặng trên những cây có tán lá rậm rạp và che khuất nhau, nhất là vào những tháng mưa ẩm. Do đó, nên trồng cây với khoảng cách hợp lý, tỉa bớt cành lá vô hiệu để tránh che rợp. Cắt bỏ và tiêu huỷ các nhánh nhiễm bệnh, phát hiện bệnh sớm và đánh chải vùng bệnh bằng dung dịch thuốc hóa học như: Vanicide 5SL, Hạt vàng 50WP, Bonanza, Rovral, Validacin,….

3.6. Bệnh khô cành thối quả (do nấm diplodia natalensis.)

          Triệu chứng: Bệnh này gây hại nặng trong điều kiện nóng ẩm nhất là vào mùa mưa. Trên cành nhánh bị các đốm sậm màu, lan dần trên các cành non, cuống lá làm lá bị biến màu nâu. Cành bị khô, nhăn và có thể chảy mủ. Chẻ dọc cành bệnh, bên trong các mạch dẫn nhựa biến nâu tạo thành những sọc màu nâu. Nếu sử dụng cành ghép, mắt ghép từ cành bị nhiễm bệnh, bệnh có thể phát triển trên cây con sau khi ghép.

Bệnh tấn công lên quả trong giai đoạn thu hoạch và tồn trữ hay vận chuyển, làm thối phần thịt quả nơi gần cuống có màu nâu sậm lan dần làm thối nát cả quả hoặc nơi vỏ quả bị trầy trụa. Vết thối mềm và lây lan khá nhanh chỉ sau 2-3 ngày, nhất là trong môi trường nóng ẩm đặc biệt khi thu hoạch quả không chừa cuống rất dễ bị nấm bệnh xâm nhập vào.

Phòng trị:

Để phòng bệnh này cần tránh gây bầm dập, rụng cuống quả khi thu hoạch. khi thu hoạch cần chú ý tránh sự và chạm giữa các quả nhằm tạo vết thương làm cho bệnh dễ xâm nhập vào bằng cách đặt từng quả vào thùng chứa giấy báo.

Tỉa cành kết hợp tỉa các bộ phận bị bệnh và tiêu hủy, hạn chế sự lây lan của nguồn bệnh trên vườn.

Chọn mắt ghép sạch bệnh để tránh lây lan bệnh cho cây con.

Phun thuốc để phòng trị bệnh khi cần thiết.

Quả sau thu hoạch có thể được xử lý bằng nước nóng 520C trong 10 phút cũng ngừa được bệnh thối quả và thán thư.

Danh mục thuốc sử dụng trên cây xoài

TT

Tên Hoạt chất

Đối tượng phòng trị

Thuốc phòng trị côn trùng và nhện hại

1

Clothianidin

Rầy xanh, rầy trắng, bọ trĩ

2

Spirotetramat

Rệp sáp, rầy xanh, rầy trắng

3

Pymetrozine

Rầy xanh, rầy trắng, bọ trĩ

4

Spinetoram

Bọ trĩ, sâu ăn hoa, sâu đục quả

5

Sulfur

Nhện đỏ

6

Emamectin benzoate

Bọ trĩ, nhện đỏ, sâu ăn hoa, sâu đục quả

7

Abamectin

Bọ trĩ, rầy xanh, rầy trắng, nhện đỏ, sâu ăn hoa, sâu đục quả

8

Diafenthiuron

Nhện đỏ, sâu ăn hoa, sâu đục quả

Thuốc phòng trị bệnh hại

1

Hexaconazole

Bệnh thán thư, rỉ sắt

2

Eugenol

Thán thư và các bệnh do vi khuẩn

3

Chitosan

Tuyến trùng, thối rễ và các bệnh do vi khuẩn

4

Sulfur

Ngừa các loại bệnh hại

5

Tebuconazole+Trifloxystrobin

Thán thư, rỉ sắt

6

Dimethomorph

Xì mủ

7

Fosetyl-aluminium

Xì mủ

8

Phosphorous acid

Xì mủ

9

Mancozeb

Thán thư, rỉ sắt

IV. THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN

1. Thu hoạch

Nên hái xoài khi đã đủ già, treo quả trên cây dễ làm cây kiệt sức ảnh hưởng đến ra hoa vụ sau, quả xoài hái được khi da láng, vai đầy. Nên thu quả theo từng đợt đậu quả.

Thu quả xoài nên chừa cuống từ 5 - 10 cm để nhựa không dính vào quả, giữ cho quả xoài có mẫu mã đẹp, không nên xếp xoài thành đống lớn, tránh sây sát, dính nhựa.

2. Bảo quản

Nếu xếp xoài vào thùng, giỏ phải có vật liệu hút ẩm như giấy báo cũ. Việc xử lý cho quả chín phải xác định tùy theo thời gian vận chuyển, bảo quản trước khi đến tay người tiêu dùng./.

           Ánh Nguyệt (Theo Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh xoài an toàn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La)

 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang