Bảo tồn và phát triển giống lúa nếp tan Lương tại xã Nậm Mằn huyện Sông Mã
Lượt xem: 588

         Để bảo tồn và phát triển giống lúa tan Lương trên cơ sở phục tráng các giống lúa bản địa, mang lại năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cho người dân địa phương và dự trữ nguồn vật liệu khởi đầu cho chọn tạo giống lúa nếp cho những năm tiếp theo, năm 2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã được UBND tỉnh phê duyệt triển khai đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống lúa nếp tan Lương tại xã Nậm Mằn huyện Sông Mã tỉnh Sơn La”. Sau 03 năm thực hiện đề tài đã phục tráng được giống có độ thuần cao, mang nguồn gen giống gốc lúa bản địa. Với kết quả này, giúp huyện Sông Mã lưu giữ và chủ động nguồn giống phục vụ mở rộng quy mô sản xuất trong những năm tới vì mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

anh tin bai

Mô hình trồng lúa nếp tan Lương tại xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã

          Nếp tan Lương là giống lúa nếp cổ truyền được gieo trồng lâu đời ở xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Đối với đồng bào dân tộc nơi đây, lúa nếp đóng vai trò rất quan trọng, nó không chỉ là nguồn lương thực được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày mà còn là nguyên liệu làm bánh chưng, bánh nếp, cốm... để đãi khách trong các dịp lễ tết. Tuy nhiên, qua nhiều năm gieo trồng, giống lúa nếp tan Lương đã bị thoái hoá, phân ly, lẫn tạp, chất lượng gạo và năng suất giảm nhiều. Trước nhu cầu về cây lương thực của đồng bào các dân tộc nơi đây, giống lúa Nếp tan Lương đã được tiến hành phục tráng tại huyện Sông Mã trong vụ mùa từ năm 2020 đến năm 2023 nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo độ đồng đều cao đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa.

          Kết quả điều tra và đánh giá cho thấy Nếp tan Lương là giống lúa cảm quang, chỉ cấy được 1 vụ, thời gian sinh trưởng từ 128 - 130 ngày, Giống có chiều cao cây trên 130 cm so với các giống lúa thuần phổ biến trong sản xuất, bộ lá sắc, màu xanh, hạt lúa có râu từng phần, hạt có vỏ trấu màu vàng, khối lượng 1.000 hạt trung bình khoảng 27 - 27,92g. Hạt gạo dạng bầu, màu trắng đục, khi nấu xôi dẻo, mềm.

          Qua khảo sát, kỹ sư Đào Huy Danh cùng nhóm nghiên cứu đã căn cứ vào một số chỉ tiêu nông sinh học của giống, lựa chọn hai xã Nặm Mằn, Chiềng Sơ là địa điểm bố trí các thí nghiệm. Với 1.500 cá thể mẫu ban đầu được thu thập tại xã Nậm Mằn, bằng các phương pháp chọn lọc ở các vụ mùa 2020 đến 2023, giống lúa nếp tan Lương được phục tráng thành công, trong đó, 30 dòng giống gốc được Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng quốc gia công nhận có độ thuần cao thể hiện ở mức độ đồng đều của các chỉ tiêu hình thái, đặc tính nông sinh học đặc trưng, có tiềm năng, năng suất cao hơn giống khi chưa phục tráng, qua đó sản xuất được 400 hạt giống siêu nguyên chủng, 1020kg hạt lúa nguyên chủng đáp ứng trực tiếp cho sản xuất. Chất lượng giống được phục tráng giữ nguyên được chất lượng quý hiếm vốn có của gen. Hạt giống được lưu giữ đạt chuẩn về nguồn gen bản địa. Kỹ sư Đào Huy Danh - Chủ nhiệm đề tài cho biết: Qua quá trình chọn tạo từ năm 2020 đến 2023, mô hình đưa vào chọn tạo thành công, được Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng quốc gia chứng nhận sản phẩm hạt lúa đạt siêu nguyên chủng, từ hạt siêu nguyên chủng nhân rộng ra các mô hình và sản xuất hạt nguyên chủng, các mô hình thuộc đề tài được bà con đón nhận. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật đã thay đổi nhận thức của bà con trong quá trình canh tác lúa. Đến nay bà con biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất tạo ra giống lúa đồng đều, cao cây, khả năng chống đổ, giảm bớt chi phí đầu vào, sản phẩm gạo được tổ chức kiểm nghiệm giống quốc gia đánh giá dẻo, có chất lượng.

anh tin bai

Cán bộ Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng quốc gia cùng nhóm nghiên cứu đề tài tiến hành khảo nghiệm đồng ruộng giống lúa nếp tan Lương tại xã Nậm Mằn

          Ngoài sản phẩm là giống lúa được phục tráng, đề tài còn xây dựng các thí nghiệm mô hình canh tác nhằm nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng tuổi mạ, mật độ cấy, phân bón tới sự sinh trưởng phát triển và năng suất giống lúa tan Lương. Từ đó xây dựng được quy trình kỹ thuật canh tác giống lúa Tan lương cho các địa bàn vùng cao, chuyển giao cho các bà con nông dân ứng dụng vào sản xuất.

         Với quy trình này, ở vụ mùa năm 2023, đề tài phối hợp với người dân và chính quyền địa phương xây dựng mô hình trình diễn canh tác giống lúa tan Lương tại 2 xã Nậm Mằn và Chiềng Sơ với quy mô 2 ha, mục đích để so sánh giống lúa Tan lương chưa được phục tráng hiện tại người dân đang sử dụng với giống lúa đã phục tráng. Kết quả cho thấy, sản lượng thu được từ ruộng mô hình tại xã Chiềng Sơ đạt 56,61 tạ/ha cao hơn so với đối chứng: là 13,91 tạ/ha. Tại xã Nậm Mằn ruộng mô hình sản lượng thu được đạt 55,02 tạ/ha cao hơn so với đối chứng 12,43 tạ/ha. Độ cứng cây của giống lúa Tan lương được cải thiện đáng kể, ít sâu bệnh, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây từ 22,6 đến 22,81%.

         Gia đình anh Lò Văn Khải, bản Huổi Chả, xã Nậm Mằn cùng nhiều gia đình khác trong bản trước đây cấy theo phương pháp truyền thống, không theo kỹ thuật, cây lúa phát triển chậm và có sự lẫn tạp dẫn đến năng suất không cao. Từ khi tham gia mô hình đề tài, anh được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn phương pháp làm đất, gieo mạ, cấy lúa tan Lương theo kỹ thuật căng dây, cấy theo hàng, theo dảnh và bón phân phù hợp cho từng giai đoạn, vì vậy lúa hấp thụ tối đa ánh sáng nên sinh trưởng phát triển tốt, năng suất thu được cao hơn so với trước kia. Anh cho biết: Nếp tan lương được gia đình và người dân cấy từ lâu đời rồi, khi tham gia mô hình, được các anh kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc, chọn giống thuần chủng nên năng suất được cao hơn. Gia đình mong muốn nhà nước và các ngành của tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm để dân có giống tốt, tăng thêm diện tích, ổn định về kinh tế cho bà con sau này.

         Tại hội thảo đầu bờ giới thiệu mô hình tới các đại biểu được tổ chức tại bản Huổi Chả, xã Nậm Mằn, đại diện một số hợp tác xã, chính quyền địa phương, người dân đánh giá cao hiệu quả của đề tài và mong muốn được sử dụng giống đã phục tráng để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển gạo nếp tan Lương thành sản phẩm OCOP đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Ông Lò Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã thông tin: Từ khi triển khai đề tài khoa học "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống lúa nếp tan Lương tại xã Nậm Mằn", UBND xã chủ động tham mưu cho UBND huyện và tích cực phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, qua khảo nghiệm và đánh giá thì giống lúa nếp tan Lương có giá trị vượt trội so với các giống lúa khác. Hiện nay xã tiếp tục tham mưu cho Đảng ủy, HĐND ra nghị quyết và sẽ đưa giống nếp tan Lương thành cây trồng chủ đạo để phát triển kinh tế, phấn đấu đến năm 2028 sản phẩm lúa nếp tan lương trồng là 50 ha đồng thời tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân sản xuất theo quy trình ViepGAP và xây dựng sản phẩm thành sản phẩm OCOP của huyện.

anh tin bai

Đoàn công tác Sở KH&CN tỉnh kiểm tra tiến độ triển khai đề tài "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống lúa nếp tan Lương tại xã Nậm Mằn huyện Sông Mã tỉnh Sơn La”, thời điểm tháng 10/2023

          Phục tráng thành công giống lúa nếp tan Lương có ý nghĩa lớn đối với người dân xã Nậm Mằn, Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, bên cạnh bảo tồn, duy trì giống lúa và chủ động nguồn giống cho gia đình tạo ra sản phẩm giống lúa đáp ứng với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, kết quả này là cơ sở để UBND huyện Sông Mã định hướng phát triển vùng lúa gạo đặc sản, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hướng lâu dài, bền vững, đưa sản phẩm gạo tan lương thành sản phẩm OCOP trong năm 2023, góp phần tăng thu nhập cho người dân trồng lúa. Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã: Chủ trương của huyện ngoài 120 ha lúa ruộng của xã Nậm Mằn, tập trung vào việc sản xuất hàng hóa đối với sản phẩm nếp tan lương và tạo thương hiệu đánh giá sản phẩm OCOP, huyện định hướng tiếp tục tập trung chỉ đạo sản xuất thêm trên địa bàn xã Chiềng Sơ, nhằm phát triển vùng sản xuất phù hợp với đặc tính của cây lúa tan Lương trên địa bàn huyện Sông Mã. Giống lúa nếp tan Lương được người dân trên địa bàn huyện cũng như người tiêu dùng biết đến, gạo dẻo ngon, năng suất đảm bảo theo yêu cầu đối với sản xuất trên diện tích ruộng hiện nay tại xã Nậm Mằn, trong thời gian tới tiếp tục phát triển trên địa bàn xã Chiềng Sơ tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao giúp người dân trên địa bàn 2 xã tăng nguồn thu nhập từ canh tác trồng lúa.

          Việc nghiên cứu phục tráng, bảo tồn nguồn gen giống cây bản địa không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững mà còn mang giá trị văn hóa, bảo tồn đặc sản địa phương. Giống lúa nếp tan lương được bảo tồn thành công là sơ sở khoa học trong việc quản lý, phát triển giống lúa bản địa, khuyến khích người dân giữ gìn bảo vệ, mở rộng diện tích trồng, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung đạt chất lượng cao mở ra cơ hội thuận lợi cho sản phẩm truyền thống có thương hiệu trên thị trường trong những năm tới.

                                                                                  Ánh Nguyệt

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang